–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

18. Sự tu hành thời Hạ Lai Mạt Pháp

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 33861)
18. Sự tu hành thời Hạ Lai Mạt Pháp
Đoạn kinh dưới đây do chính Ngài ghi, lưu lại hậu thế:

“Đương thời Hạ Lai Mạt Pháp, sự tu hành thực chứng thật hiếm, vì sao? Vì thời Thượng Pháp có giáo lý, có thi hành để tu nên có thực chứng. Đến thời Trung Pháp có giáo lý, có thực hành tương song liền có thực chứng. Qua thời Hạ Lai Mạt Pháp có giáo lý nhưng kém thi hành, thành thử hiếm hoi thực chứng. Nơi kinh pháp có thực hành liền có sở đắc, chưa thực hành thì kinh pháp kia trở thành lý thuyết. Tu có chứng tri chăng cũng là chứng tri trên giả thuyết, biện tài chớ chẳng phải là thực chứng.” –T.V.

chua_le_cung_01
Còn rất xa với Chư Phật khi
nhân sinh chỉ biết cúng lạy
Sự tu hành không đem đến phá mê chấp để hiểu biết thì dù cho tu đến một ngàn kiếp cũng không lấy được một ngày tu. Đã là chúng sinh thì trí còn thấp kém, nếu đủ căn cơ, Phật ra đời ắt phải gặp. Căn cơ là các bậc từng tu cầu tri kiến giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, còn chúng sinh lấy nhân duyên nên sự tu hành theo ý muốn. Sự tu hành theo vọng cầu ý muốn nhưng không hiểu vọng cầu đó là cái gì, ý muốn nó sẽ đưa ta về đâu. Do đó ta phải HÀNH sẽ được lợi ích vô kể. Như thế nào gọi là Hành? Hành là chuyên tu sửa tánh, đó là đường đi HÀNH GIÁC. Hành còn có nghĩa Hành Thâm Pháp giới để tỏ giới. Mỗi pháp giới là một tánh, sửa nhiều lần sẽ thâm nhập được Thiện Căn không còn độc, lại tự mình thấy được tánh tỏ tánh. Bậc tu biết sửa sai lầm sẽ có Trí Tuệ. Trí tuệ là cứu cánh của giải thoát.

Đã là chúng sinh tất nhiên phải bị mê lầm, dù tu lâu đến đâu cũng không thoát được mê lầm, nên chi miệng nói là TÂM nó chưa biết.

“Vì miệng nói Tâm chưa biết nên bậc Thiện Trí Thức mới khuyên –Miệng nói Tâm chưa biết thì cần phải học lại lời nói đã nói nơi miệng đi. Đến chừng miệng nói Tâm biết, hay Tâm đã biết miệng mới nói, đó gọi là Giác Tâm Tỏ Pháp.

Tình trạng này thời Đức Bổn Sư vẫn thường có Chư Tôn Giả đã từng thuyết pháp, có lúc thời pháp quá tầm tuyệt mỹ. Thế Tôn mới khai thị: Ông NƯƠNG VÀO CÔNG ĐỨC NHƯ LAI mới nói được như thế. Chừng đó Tôn Giả mới nhận biết, khi miệng nói tâm chưa biết, cần học lại lời nói của miệng. Đối với chúng sinh đang mơ màng, còn vọng tưởng, còn viễn vọng rất dễ lầm nhận, vẫn yên trí rằng miệng mình đã nói đương nhiên mình đã giác, dù muốn hoặc giả chưa muốn cũng bị lầm.”
–T.V.

Trong lộ trình hành đạo, đã có lúc Ngài gặp Hoà Thượng, Đại Đức, Tăng Ni ở chùa, Ngài khai một câu, chư vị này không nhận được lại giảng cho Ngài nghe cả chục câu! Có lần Ngài tìm đủ phương tiện làm cho sư Quân giới khất sĩ tin để khai cho Tri Kiến Phật nhưng vị này không đủ công năng công đức để thọ nhận. Cuối cùng Ngài hiện thân cho làm bạn. Sư chỉ khen Ngài biện tài giỏi chớ không nhận được lời khai thị của Ngài.

“Khi Đức Thích Ca chưa thành Phật, đang còn là tu sĩ, Ngài đến cung kính cúng dường, chiêm ngưỡng lễ bái Đức Nhiên Đăng Phật. Đức Nhiên Đăng Phật mới thọ ký thời Trung Kiếp thành Phật với hiệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau Đức Bổn Sư thể hiện chỉ đạo thọ ký Di Lạc Tôn Phật cùng các hàng Bồ Tát đến các bậc vô học, hữu học đều thành Phật của mỗi thời tuỳ hỷ, nơi Diệu Pháp Liên Hoa Kinh đó là lời chân thành quyết định.

Thời này bậc tín tâm tu hành nhiều vô số, vô lượng, vô biên nhưng lại kém căn cơ nên rất hiếm thành Phật mà đa số thành Tiên Đạo gọi là Đắc quả. Đến sau này nữa càng sa sút chánh tín liền Đắc quả nơi THẦN –THÁNH ĐẠO.
Thần đạo dùng bùa chú luyện thần thông trở thành cuồng tín phải chịu nơi sanh –tử –bệnh –lão –khổ.” –T.V.

• Thế nào gọi là Đắc Quả thành Tiên đạo?

Chuyên học, nghiên cứu kinh sách, đi đứng thanh bai, chỗ ở đẹp đẽ khang trang, ăn chay trường, tu tịnh không tu pháp động. Gặp hoàn cảnh thuận an vui, gặp nghịch cảnh tránh, không ưa. Chọn sạch bỏ dơ... Tu như vậy lúc lâm chung được về cõi Tiên hưởng phước báo Nhân Thiên. Đến chừng hết kiếp ở cõi Tiên bị đầu thai làm người hay các cảnh giới khác tu lại từ đầu.

Thiền sư nào đã từng xuất định đến cõi Tiên mới chứng kiến sự thật: Ăn, mặc, đồ dùng đều có sẵn. Không cần làm cũng có ăn. Muốn gì vừa ước ao liền có. Dùng thần thông hoá ra nên được như ý muốn. Đồ đạc, vật dụng rất đẹp. Một điều đặc biệt là ở cõi Tiên không có ánh nắng mặt trời. Ánh sáng từ vách núi chiếu ra, lúc nào cũng nắng dịu, không khí như ở trong phòng có máy điều hoà. Ở ngoài đường không khí cũng giống như vậy.

Người Tiên tánh tình rộng rãi thương người nhưng còn tánh nóng, học trò không ai dám cãi lại Thầy, gặp người nào cũng nói năng hoà nhã. Hai câu thơ của Đức Tịnh Vương hóa thân Đức Di Lạc ghi:

“Rượu Thiên Tiên uống hãy còn thèm
Mà nơi nhân thế xuân đem mấy lần.”
–T.V.

Ở cõi Tiên ngồi đánh cờ, uống rượu chưa tàn một buổi tiệc mà ở thế gian đã mất 3 đến 4 năm. Một năm ở cõi Tiên phải là một trăm năm ở thế gian!

Chư Thần ở cõi Trời hay dùng bùa chú, tính tình thương người nhưng rất nóng tính. Không khí ở cõi Trời cũng mát dịu như ở trong phòng điều hòa không khí. Cũng có vị như ở thế gian như Đình, Miếu, gốc cây cổ thụ, núi, sông. Hết kiếp vẫn sinh tử luân hồi. Do vậy mà sự tu hành đúng con đường Giác Ngộ thật khó khăn vô kể! Vì khó như vậy mà bậc tu hành phải có đường lối hay pháp môn do Bậc Thiện Tri thức đã Giác Ngộ chỉ đạo. Nếu không như vậy, thời tu cho có chứng tu, hay tu để cầu phước. Vì sao?

Vì đang mê tu bằng cách nào cũng vẫn trong thời mê, dù học thuộc tất cả các Kinh Phật hay nghiên cứu tất cả lời Phật cũng nằm trong bị biết, vẫn trong đường mê.

Tỷ như kẻ vào được kho thuốc, chẳng thiếu thứ chi, mừng quá nên thứ gì muốn uống đều tự do dùng, lại chỉ bày cho kẻ khác cùng uống với mình. Kết quả cả hai không những chẳng hết bệnh mà lại càng thêm bệnh.

Tỷ như kẻ đang lạc đường không tìm ra được lối thoát, thì dù có dìu dắt kẻ khác theo cùng với mình cũng bị lạc đường thôi, cuối cùng cũng chỉ là bạn không hơn kém. Do vậy, thời Hạ Lai Mạt Pháp này, bậc tu hành cần nương tựa theo pháp môn mà Đức Tịnh Vương Nhất Tôn hóa thân Đức Di Lạc đã lưu lại Bậc đã tỏ Ngộ mới mong Chân Giác. Cũng chính thời hạ kiếp này sự tu hành có vô số pháp môn, không pháp môn nào đưa con người đến chân giác mà Đức Di Lạc Tôn Phật phải Hạ Lai chỉnh trang lại lối tu hành có đường lối, pháp môn rõ ràng minh bạch cốt đưa chúng sinh thoát sinh, tử, lão, khổ.

Mỗi chân tử có mỗi Nghiệp Căn. Bậc chỉ đạo liền dùng Đại Phương Tiện chỉ bày. Còn phần bậc tín tâm, tu cần sửa đổi tánh tình để tạo cho được Thiện Căn cùng phải chịu tất cả các thử thách khi THUẬN lúc NGHỊCH của vạn pháp đặng hiểu biết. Nếu Tỏ Pháp liền được Tỏ Tâm. Tỏ tâm là Ngộ Pháp. Đó là điểm chính yếu của đường tu mà Đức Tịnh Vương hóa thân Đức Di Lạc đã vạch ra, sao cho không còn lạc lối tu nữa. Ngài thành lập pháp môn PHÁP TẠNG ý nghĩa chính là Long Hoa, y theo Pháp Tạng Như Lai còn gọi Là Phật Thừa Duy Nhất, dụng “Phật Pháp Bất Ly Thế Gian Giác” để diễn Đại Phương Tiện.

Tất cả các bậc tín tâm từ Bồ Tát, Hộ Pháp Bồ Tát, A La Hán, Tôn Giả, Hộ Pháp, Chúng Sanh Hộ Pháp trước sau đều theo con đường Tri Kiến Giải Thoát. Những Bậc này Đức Tịnh Vương đều nung đúc trước tiên vào tu phải Kiên Dũng cho tỏ Như Lai Tạng còn gọi là Như Tạng, làm cho con đường tu hành không dừng trụ. Sau mới dạy cho tu căn bản GIỚI ĐỊNH TUỆ để được dung thông mà quyết định thành tựu Giác Ngộ, Đại Ngộ, Liễu Ngộ. Bậc cao thành tựu Vô Thượng Đẳng Chánh Giác./-