–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

23. Diễn văn được Đức Di Lạc chứng minh

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 31944)
23. Diễn văn được Đức Di Lạc chứng minh
• Bài diễn văn Chân Phật Tử Pháp Khả đọc trước Đại Hội sau đó được Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc Tôn Phật chứng minh.

 Nam mô Đông Độ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
 Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật.
 Nam mô Giáo Chủ hiện tại Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
 Nam mô Di Lạc Tôn Phật.

Kính Bạch Đức Ngài, hôm nay, ngày 29 tháng 9 năm Mậu Thìn tức năm 1988, trong giờ phút tôn nghiêm với kim thân đầy kính ái, Ngài đang thị hiện chứng minh đại lễ. Với y áo thiên thừa chỉnh tề Tứ Chúng trong và ngoài nước tề tựu với tất cả tâm thành kính tín thành, con đại diện tứ chúng thời Hạ Lai Mạt Pháp, kính trình lên Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc Tôn Phật con đường tu đến kết quả chân lý Tối Thượng Thừa hiếm có mà Đức Ngài đã tốn biết bao công ban cho chúng con.

Kính bạch Đức Ngài, chúng sinh giai hữu Phật tánh vốn viên minh sẵn có từ vô thủy vô chung, nhưng do tập khí nhiễm tham, sân mới hiện si mê, mới có ma tánh phủ kín che Phật. Ma tánh liền có Ma Lực làm cho tứ loài đều bị trị khó vượt qua được pháp giới của ma lực. Trên thực tế, muốn thoát khỏi vòng đai pháp giới của ma lực phải thành khẩn tìm cầu Bậc Thiện Tri Thức là Phật hay Bồ Tát Ma Ha Tát chỉ đạo để tự mình tạo công năng, công đức tương ứng. Tùy theo mức độ Tin Vâng Kính mà được cứu độ bình đẳng lớp lớp.

Bậc tu lịch trình thứ tự đầu tiên phải niệm niệm sửa tánh, trong đó nhẫn nhục rất cần thiết để xem xét kỹ vạn pháp, bá thiên vạn lần nhẫn mới đặng bình tĩnh quan sát vạn pháp không bị thiên lệch, biết nhận định lỗi lầm do mình gây ra hay do hành động cá nhân, cá tánh của mình tác tạo thành nghiệp không phải do ai khác, Bậc Thiện Tri thức khai thị nhưng phải chính mình trực giác được nghiệp thức di chuyển không ngừng do cảnh, chẳng vương theo cảnh, chẳng dựa theo tâm. Trực giác được như vậy gọi là bậc tu có trí tuệ căn bản.

Bậc biết nhẫn, chịu sự oán hại, yên nhận khổ, không còn đọng vọng thì dù có đối diện vạn pháp thuận hay nghịch vẫn nhẫn nại, an nhiên tùy thuận, chọn lựa phương thức hóa giải, vận chuyển vạn pháp tùy thời gian, không gian đến một lúc nào đầy đủ công năng, công đức liền Trực Giác đặng Trí Tuệ Cứu Cánh. Từ đó tiếp tục hành thâm pháp giới tiến đến trí tuệ Bát Nhã. Trí này chính là kiếm bảy báu chém bất cứ vật gì dù rắn chắc đến đâu cũng tan vỡ. Bậc đạt được trí tuệ bát nhã không còn tâm sanh cảnh, thấy biết rõ tham, sân hận sanh ra si mê. Đã si mê bị lầm a tăng kỳ kiếp.

Phải tự nguyện bá thiên vạn lần nhẫn nhục, nhẫn nại nữa, vận chuyển vạn pháp gì cũng đúng mà phát sinh trí tuệ bát nhã, thâm nhập được sâu đậm vạn pháp, lúc đó nhận được hành dụng Như Lai Tạng mới ra chân như, tỏ rõ sạch sẽ nhẫn nhục liền Thị Chứng Vô Sanh Nhẫn Nhục. Đến lúc thành tựu sung mãn nhẫn nhục nó chính là Vi Trần Phật còn gọi là Phật Giới Nhẫn.

Cho đến vào bố thí, hóa giải tỏ rõ được Tâm Bi liền thị chứng Vô Sanh Bi nó chính là Vi Trần Phật còn gọi là Phật Giới Bi. Cho đến trì giới, tinh tấn, trí tuệ, thiền định, hóa giải sạch sẽ liền thị chứng vô sanh trì giới, vô sanh tinh tấn, vô sanh trí tuệ, vô sanh thiền định.

Nó cũng chính là vi trần Phật còn gọi là Phật Giới Trí, Phật Giới Tinh Tấn, Phật Giới Tuệ, Phật Giới Thiền Định, thảy thảy đều vi trần Phật. Từ hành động, lời nói cho đến tư tưởng đều lớp lớp thị hiện vi trần Phật, sát na Phật, cho đến vô lượng vô biên thảy đều thị chứng VÔ SANH lớp lớp.

Bậc tu khi hành thâm pháp giới được ai khen tặng liền như nhiên tỏ biết vui, khi gặp kẻ chửi mắng hoặc bị nhục liền như nhiên tỏ biết tái tê nhưng chẳng dính mắc oán hờn xâm chiếm toàn thân liền thị chứng VÔ SANH. Đó chính là Nhất Tâm đảnh lễ, liền trực giác tứ thời tự nguyện cung kính cúng dường Như Lai, chẳng còn ngã, sở hữu chi nơi thân mạng mới gọi là có thân mà không thân đặng Pháp Đảnh Như Lai, thấu đạt Trí Tuệ Bát Nhã, nhận chân được thật đúng các pháp vốn bình đẳng, thực hiện bình đẳng không ngăn ngại vạn pháp. Thị chứng tứ đại vốn vô sanh. Nó là thực tướng của chân như, xa lìa được sanh diệt.

Mỗi tánh đều hàm chứa nhiều phẩm chất cùng phẩm lượng thực tướng vô tướng, chúng vao vây diễn hóa. Tỏ rõ thực tướng hóa giải, không thủ cũng chẳng xả liền thấu đạt vô tướng, ngộ vô sanh.

Nương vào sanh, tỏ rõ sanh. Không sanh cũng chẳng diệt. Thị chứng vô sanh sanh.
Nương vào tử, tỏ rõ tử. Không cấu cũng chẳng ly. Thị chứng vô sanh tử.

Vậy vô sanh chẳng phải không sanh mà đương sanh tỏ thấu sạch sẽ liền thị chứng vô sanh. Trực giác: Giác niệm đó chính là niệm Bất Tử là chơn niệm cho đến cả cái niệm cũng không trong tất cả thời đều không chỗ đắm cũng chẳng chấp. Chơn Tâm hiện.

Nghiệp bao vây, diễn hóa ngăn chặn mỗi mỗi hạnh nguyện. Bậc có trí tuệ cứu cánh sáng soi, tỏ rõ hóa giải. Bậc chưa có trí tuệ cứu cánh liền củng cố nghiệp. Mỗi Nghiệp chính một tiểu ngã vũ trụ.

Tiểu ngã do ta lầm chấp mà thọ nhận nên làm chúng sanh. Nghiệp thấy nghiệp, chính nó thấy nó, nó ngăn che nghe thấy biết nơi ta rất tinh vi, ai cũng phải lầm, tỏ rõ liền thị chứng vô sanh nghiệp.

Cho đến nương vào sắc, hóa giải tỏ rõ sắc liền thị chứng Vô Sanh Sắc. Đấy là giác niệm sắc. Vô sanh cũng không, liền thị chứng liễu vô sanh. Nương vào thinh, hương, vị, xúc, pháp hóa giải tỏ tường liền thị chứng vô sanh thinh, hương, vị, xúc, pháp, tức giác niệm thinh, hương, xúc, pháp.

Tỏ rõ mỗi tiểu ngã, trực giác mỗi giác niệm. Tỏ rõ vô số giác niệm chính trực giác vô số tiểu ngã, chính vô số vi trần, sát na ma ba tuần, mỗi mỗi tỏ rõ hóa giải liền lạc trơn liền vô sanh hành dụng hợp hóa. Đó chính Vi Trần Phật Sát Na Phật. Phật tánh, Ma tánh chỉ là một, chúng đeo sát nhau như hình với bóng. Khi mê lầm Phật tánh ẩn trong Ma tánh, khi trực giác được Ma tánh không còn chỗ dung chứa thì cũng chính nó, Phật tánh hiện khắp khắp.

Mỗi chúng sanh đều hàm chứa nơi nó cái mầm chủng tử thiện cùng ác, về phương diện trực giác được chẳng còn có thiện ác gì nữa cả. Trong pháp tuyệt đối, tất cả pháp ấy chẳng còn là tội lỗi nó chỉ trở thành tội lỗi trong những điều kiện đã được minh xét chưa trực giác. Bậc đã trực giác cần phải thâm nhập hàng vạn pháp giới cho sung mãn công năng công đức để cho nó phổ chiếu rực rỡ đích thực của nó.

Thị chứng lớp lớp liền Đại Ngộ. Liễu sanh Đại Ngộ liền thị chứng Liễu Ngộ. Liễu ngộ thị chứng bất tử trở về bổn nhiên, như nhiên. Như nhiên chính bổn lai chúng sinh. Chúng sinh như nhiên rất gần chư Phật. Thể của chư Phật, đâu đâu cũng viên minh thường còn, bất biến sẵn lớp lớp từ vô thủy vô chung.

Vỡ lẽ ra mới biết không có chúng sinh đâu có Phật, không có vô minh đâu có giác ngộ. Khi đầy đủ công năng công đức thể nhập chúng sinh, cận kề mật thiết thì Phật với chúng sinh đồng một thể nên khi mê lầm bị vô minh thì Phật và chúng sanh xa nhau muôn trùng do tuần.

Chính vì vô minh mà chúng sinh không biết Phật, chỉ Phật biết chúng sinh mà thôi. Đã vô sanh nên thị chứng Không Tướng mà Giác Tướng. Liễu vô sanh các pháp bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Liễu vô sanh thị chứng các pháp hiện đâu đâu cũng vi diệu đầy đủ sức đại từ đại bi.

Bổn lai của pháp vốn tự thể tuyệt đối, chính giao điểm này Tâm Chư Bồ Tát cung kính cúng dường chư Phật. Chính chỗ này Tâm Chư Phật mười phương ba đời thường trú, viên minh chẳng đổi dời, bất di bất dịch, vô thủy vô chung chẳng còn pháp nào cao hơn, thị chứng các pháp hiện đồng đẳng, đã đồng đẳng tâm liền vô thượng đẳng, pháp cũng vô thượng đẳng, trí cũng vô thượng đẳng. Chẳng còn tâm nào, pháp nào cao hơn. Bất khả tư nghì. Vì sao?

Vì nó vượt quá sự thuyết giảng, sự thực hành, sự tìm kiếm, suy nghĩ không thể lấy thí dụ thế gian mà diễn đạt đầy đủ được.

Pháp đồng đẳng thị chứng pháp Bát Nhã, tâm đồng đẳng thị chứng tâm bát nhã. Tâm này thoát khỏi tri thức, không còn dùng trí trong thân, không còn dùng thần thức suy nghĩ. Đó là chỗ tự chứng rất thâm sâu vi diệu như nhiên tự biết, hồn nhiên điều hành Như Trí gọi là chủ lực, nó cũng là Nhất Thiết Trí bước vào Bất Khả Tư Nghì.

Đó chính là con đường Như Lai Thừa hay Phật Thừa Tối Thượng. Con đường này không có lúc trước cũng chẳng có lúc sau vì nó nhịp nhàng viên dung theo nhịp chuyển vận của vũ trụ, cho nên không thể nói lúc trước ông ấy trông dễ mến, bây giờ ông ấy xấu quá không ưa. Vì Phật Thừa vốn nương vào hiện sinh tỏ rõ hiện sinh sạch sẽ hiện sinh nên tiên liệu đưa đón kín nhiệm theo vận chuyển Như Lai, giờ phút trước, sau chẳng dừng, nhịp nhàng nương tâm mình an nhiên hòa nhịp vào tâm vũ trụ. Tâm vũ trụ tức tâm Như Lai, nhờ Bình Đẳng Tánh Trí tỏ tường cùng hành dụng tinh vi mới thấu đạt liền lạc Thực Tướng Vô Tướng Tam Muội Pháp Môn.

Chủ trì được thực vô, liễu sanh liền lạc, lúc bấy giờ tâm mới hòa đồng chung cùng giao cảm vũ trụ, không còn bị vũ trụ sanh.

Đã vô sanh, các pháp đâu còn sanh và diệt. Pháp vốn thường còn nhưng biến hình tướng dưới nhiều hình thức cho đến nỗi bậc Thinh Văn, Duyên Giác, A La Hán cũng chưa đủ công năng công đức thấy hết chỉ hàng Bồ Tát đã thị chứng pháp Vô Thượng Đẳng mới biết hồi hướng đầy đủ để chư Phật khai cho sau trực ngộ sâu mà thấu đạt.

Bậc tu chưa tỏ thường lầm lẫn khi thấy hình tướng của pháp mất hay thấy tướng pháp sanh, vội cho là pháp sanh diệt. Thật ra các pháp vốn tịch tịnh viên minh, bất sanh bất diệt.

Bậc tu bị mang danh giả ngã tướng tức thị danh bị lầm thọ nhiễm cái ta, khi đã có cái Ta, tức có Của Ta, nhận sai lầm các pháp cho là sanh diệt. Do chủng tử Ta liền sanh chủng tử phiền não của Ta, nó ngăn che Vô Thượng Giác.

Khi tu hành đến lúc tự biết được các pháp vốn không sanh cũng chẳng diệt liền nương vào pháp hóa giải tỏ rõ không còn lầm pháp, tận tường pháp được an vui lạ thường.

Đến giai đoạn tâm liền lạc, tỏ ngộ trước sau tứ thời các pháp vốn đồng đẳng, liền chu đáo trước sau mới sở đắc viên dung, điều hành được vạn pháp, chuyển pháp chướng ngại, ngăn đón to lớn phủ kín như núi tu di tan biến, pháp đã hồi Tâm. Gọi là chuyển núi Tu Di vào trong hạt cải mà chúng sinh trong thế giới đó chẳng hề hay biết.

Bậc tu thấu đạt tứ thời Tâm Vô Thượng Đẳng, không còn thời gian cùng không gian rời rạc, liền hóa thân lúc nào cũng có ba đời Phật.

- Hư không không tận hiện Phật quá khứ.
- Trong hư không không tận khởi tác dụng, hiện Phật Vị Lai.
- Nương vào hiện sanh, hóa giải thấu đạt hiện sanh, Phật hiện tại.

Lúc bấy giờ bậc này hiện mỗi ngôn ngữ, mỗi cử chỉ, mỗi tư tưởng ứng cùng hóa hiện đồng một đại từ lực cùng Tam Thế, được tương thông Phật lực. Thị chứng vô vô minh diệt, vô vô minh tận, tứ thời an lành thoải mái, mỗi một chuyển động đều tự phát ra vi diệu pháp, thực hiện được vạn hạnh cho đến lúc hoàn mỹ mới chu đáo Nhất Hạnh. Đại bi nguyện rất sâu này của Bồ Tát chẳng có thể lấy cái tình của chúng sinh mà đo lường được.

Từ đó mới rõ, bậc tu không tạo được Vô Thượng Trí đều nằm yên nơi thần thức vọng loạn để biết chưa vào được đúng mức chiều sâu. Thần thức là chỗ dựa của sanh tử. Chỉ khi nào đầy đủ sung mãn nơi công đức hữu lậu, trong đó hàm chứa vô biên đại công đức hi hữu mới như nhiên thị chứng Công Đức Vô Lậu.

Nơi đây các nghiệp lậu hết vĩnh viễn, chẳng còn theo duyên mà tăng, tánh được thanh tịnh, được tròn sáng đâu đâu cũng là chủng tử vô lậu. Có đạt đến vô lậu mới trực ngộ vô úy, nơi các pháp chướng ngại, các nghiệp sinh tử đều hết, viên dung, không còn có chỗ sợ, hết khổ gọi là chánh đẳng giác vô úy.

Từ đó bát nhã hiển hiện, chính huệ không sanh, không phân biệt. Huệ không pháp, không phân biệt. Thực tướng bát nhã chúng sinh vốn đủ, chỉ do vô minh che không nhận được vô tướng bát nhã. Do đó chẳng được tam muội.

Vào được trí bát nhã, bậc tu mới từng lúc trong tứ thời hạnh nguyện được đầy đủ Thập Nhị Địa. Chưa thị chứng sạch sẽ Nhứt Thiết Chủng Trí bậc tu chẳng thể nào thực hiện được giác dụng, do đó chẳng bao giờ có vô thượng đẳng trí, dù cho bậc tu cố gia công tứ thời thiền tọa, học, nghiên cứu thiên kinh vạn quyển vẫn phải còn bị ở vị trí thần thức biết Phật pháp, khó thoát sinh nổi lý trí.

Bậc thực hiện được tận biết "Như Lai Vô Biên Thề Nguyện Sự" bậc này càng gần gũi chúng sinh, càng thấu đạt chúng sinh mà chúng sinh chẳng hề hay biết. Mỗi niệm niệm đều cảm ứng tương thông, hòa hợp đầy đủ Thập Nhị Địa, hoàn tất cửu Phẩm Liên Hoa vào Tam Muội mới tương thông Mười Phương Phật lực.

Kính bạch Đức Ngài, chúng con nguyện nương vào vạn pháp hiện sinh khéo thuyết, khéo dụng để tận tường hiện sinh đặng thị chứng vô sanh, chung cùng con đường bất tử với chư Phật mười phương ba đời.

Chân Phật Tử Pháp Khả Đại diện tứ chúng kính dâng.

 
• Trước ngày Đại Lễ, Ngài đã biết tôi sở đắc Vô Thượng Đẳng Chánh Giác.

Trong giờ hành lễ Ngài khai thị tôi nghe như vầy:

“Này ông Pháp Khả, thiên thu vạn kiếp ông đã đi lầm lạc, nay ông gặp Ta, Ta đã thương mến độ cho ông, vậy ông hãy thương mến độ chúng sinh cũng như Ta đã từng thương mến độ cho ông.

Nếu có chúng sinh nào cầu Tri Kiến Giải Thoát, ông hãy dạy cho họ tri kiến giải thoát. Nếu có chúng sinh nào cầu giác ngộ rốt ráo ông hãy dạy cho họ giác ngộ rốt ráo. Này ông Pháp Khả, ông có nghe chăng, ông có nhớ chăng?”


Tôi đảnh lễ Ngài thọ lãnh lời thọ ký, tứ chúng trong đại lễ cùng đồng đảnh lễ theo bảy lạy. Sau đó Ngài khai thị có một số chân tử Pháp Tạng cùng nghe:

“Từ nay Tôi đã có một Bồ Tát thừa kế nối truyền Chánh pháp, Tôi hết lo sau này trên đường hạnh nguyện độ sinh nếu ông gặp Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, ông nên tôn kính, còn những bậc xưng hô Vô Thượng Đẳng, Vô Thượng Sư, ông hãy thân cận hòa đồng xem có phải vô thượng đẳng, vô thượng sư của chư vị này giống Chân Như mà tôi đã dày công đúc ra ông? Nếu chẳng đúng tâm ấn chân truyền thì ông phải biết Vô Thượng Đẳng, Vô Thượng Sư, học thuyết, giả thuyết chớ không phải chân thật.”

Thời Hạ Lai vũ trụ xuất sanh chỉ có một Chân Tôn chứ khó lòng có hai mà nếu có, ắt đã từng gặp Phật cùng thời rồi. Thời khoa học này có vị tu theo nghiên cứu Kinh, học kinh tự cho vô thượng đẳng vô thượng sư lại bảo không có các cõi, không có địa ngục, chỉ có thế gian. Sự kiện này khiến cho vô số chúng sinh sống thác loạn chẳng sợ ngày mai nhân quả ra sao. Đức Long Hoa Tăng Chủ ghi chép trả lời như sau:

“Từ Chư Thiên mà hết phước, phải sa địa ngục bị hình phạt gông cùm đói khát. Từ một lời nói tổn làm đoạn duyên Phật phải chịu nơi A Tỳ Địa Ngục hàng trăm kiếp, chừng nào kẻ kia phát Bồ Đề Tâm Nguyện thì chừng đó lời nói tổn kia mới đặng thoát sanh. Thật biết như thế nên thường khuyên nhiều người hãy phát tâm tu nguyện cốt giải Địa Ngục những kẻ phạm ngôn.” –T.V./-