–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

31. Công Năng

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 30772)
31. Công Năng
“Bậc tu hành cần đến công năng, công năng từ nơi tâm chí thiết tha cầu đạo, cốt lướt qua từng trở lực nơi Ma Nghiệp ngoại lai ngăn cách và lừa gạt, mới mong đoạt đến sở cầu hoàn lai chân thiện.” –T.V.

Bậc tu hành khi gặp hoàn cảnh cần có tâm chí dũng mãnh lướt qua cho được gọi là công năng. Thiết tha tâm vững mới đủ sức nhận vạn pháp như huyễn được. Do quan niệm mà tạo nghiệp nên hạnh nguyện tu hành đều bị cản ngăn không qua được hoàn cảnh gọi là Ma Nghiệp. Phải bền chí mới đạt được Chân Thiện Mỹ theo vết chân chư Bồ Tát đã đi. Loạn tưởng là ngoại lai, dù có hiểu biết Tam Tạng Kinh vẫn bị mê lầm ngăn cách không đến chân giác được.

“Bằng những bậc tu biết sáng soi rõ đó là nghiệp thức nơi tư tưởng, nghiệp lực nơi nghiệp căn thời chính nó là ngoại lai khôn khéo đi đứng nơi khái niệm văn từ, diễn biến theo tư tưởng, có lúc ngỡ mình giác, liền bị ngoại lai lừa dối, tu như thế rất phí phạm công phu, chưa hoàn giác lầm lạc ngoại lai đi vào tà kiến.” –T.V.

Nghiệp thức chính là tư tưởng còn gọi là ý niệm lưu trữ và chuyển động trong tứ loài. Nó tạo một lực vô minh mà hàng chúng sanh, Tiên, Thần, Thánh không thể nào thoát khỏi. Từ đó nó tạo nghiệp lực.

Nghiệp lực: Thật khôn, tinh vi, nó nghe, thấy và biết trước rất xa dù xa đến đâu nó cũng đến trước ngăn chận, cản trở chúng sanh, hàng nhị thừa, nó không cho phát Bồ Đề Tâm tu hành. Nếu chúng sanh gặïp phàm tăng nó để yên, nếu chuyển động gặp Thánh Tăng, Bồ Tát, Chư Phật nó quá ư khôn khéo, tinh vi nhập vào thân mình cản ngăn, chận cho tê liệt mà chúng sanh không hề hay biết, dù bậc giỏi biết được, nó liền chận không cho hạnh nguyện. Kinh nghiệm chỉ gặp bậc Thiện Tri Thức Tin Vâng Kính mà cứu độ cho để thực hiện mà thôi. Khi đã đóng khuôn nghiệp lực nó liền thành căn tánh cố thủ gọi là nghiệp căn. Dù có tu A Tăng kỳ kiếp cũng không tháo gỡ nghiệp căn sâu dày này được.

Tỷ như một bậc tu quen tụng kinh vái cầu van xin. Nó đã có tư tưởng quen thuộc gọi là nghiệp thức. Có dịp gặp được bậc bảo phải tu sửa tánh xấu, giải đố tật, cải tạo bản thân, kẻ này chướng, đó chính tư tưởng tự phát ra chướng vì khác ý niệm với thói quen tụng kinh, tu cầu. Đến khi thấy sửa tánh có lợi, liền có sự cản trở không cho đi nghe giảng, không cho ngồi tọa thiền. Đây chính là nghiệp lực. Bậc tu xuôi theo bỏ dở để trở lại tụng kinh cầu xin. Nghiệp căn đã kết thành hình.

Thời còn Ngài hàng Tiểu Thừa chuyển Tu Đại Thừa bị rớt nhiều. Tổng số chân tử theo Ngài tu hành có đơn xin, có sổ sách ban chấp sự lưu giữ được 3000 bậc tu. Tính đến năm 1975 đến thời Đại Thừa còn lại khoảng 200 chân tử lui tới chịu nghe tiếp, số kia ở nhà tụng kinh, lâu lâu ghé thăm Ngài. Họ tránh những giờ Ngài khai thị Phật Pháp. Ngài khuyên bảo gì họ cũng lơ là. Nghiệp căn không tự chuyển dù Ngài có giúp cũng đành chịu an bài. Không tự tạo công năng không ai cứu nổi dù Phật có ra đời định nghiệp đã đóng cứng cũng đành chịu.

“Đường tu Phật ít nhất bậc tu cũng phải có công năng vun trồng hành nguyện độ sanh đặng tạo nhân duyên sanh trưởng mà thấu tỏ các pháp thâm diệu.” –T.V.

Tỷ như người học trò đi học ở trường biết chăm chỉ lắng nghe thầy giáo giảng bài về nhà phải làm bài, gặp bài toán… khó phải nhờ bạn bè hay thầy chỉ dẫn giải cho được. Sau thi đậu ra trường có việc làm tương xứng. Người học trò thành người và mãn nguyện. Việc tu hành cầu Tri Kiến Giải Thoát nó cũng vậy, không mấy khác.

Có bậc không thực hành, suy nghĩ, gặp việc đến đúng ý mình rồi cho là Giác. Thật tai hại vì bị Ma Lực gọi là ngoại lai xâm chiếm toàn thân mình, làm chủ mình mà không hay biết. Phải hành nguyện cho sạch chúng sanh tánh của mình gọi là Độ Sanh mới thoát được ngoại lai độc nhiễm. Đừng nên ngồi tưởng, suy nghĩ nữa. Tự tạo công năng vững chắc mới mong sở đắc chân lý. Tu như vậy là con đường nương theo Bồ Tát Hạnh.

“Đến ngày hôm nay nghiệp sát tiêu giảm đối với các bậc tu hành về Đạo Phật, nhưng lại quá ư lệ thuộc ngoại lai Ma Đạo quấy nhiễm, từ nơi tâm trạng ý thức quan niệm, nên chi nơi Chùa Tháp các chư Tăng tu trì cổ võ, từ bên ngoài hình thức tu Phật, kỳ thật chưa thấu ngoại lai dung dưỡng Ma Lực, tự sống nơi hình sắc bên ngoài có sắc thái tu tập theo giáo điều của kinh điển đầy đủ hình thức.” –T.V.

Khi Đức Bổn Sư ra đời ở Ấn Độ, Thần Đạo đang thịnh hành, họ giết súc vật tế thần, còn con người nghèo khổ bị xem là kẻ nô lệ. Ngài đã dạy dỗ về luật nhân quả. Đến nay nghiệp sát đã giảm nhiều. Còn những Phật tử chân chánh đã không sát sanh nữa. Nhưng sự tu hành không chú tâm hóa giải vô minh, chỉ chú tâm tổ chức hình thức tu hành đủ màu sắc, vì vậy không thấy quan niệm lạc hướng trở thành tu hành bị ngoại lai phủ kín. Ma Lực quá khôn khéo làm cho bậc tu không nhận diện được Thực Tướng của nó. Ma Lực làm cho các bậc tu tạo phe phái đồ chúng không còn cốt tủy của Đạo Phật nữa.

“Bậc tu hành phần nhiều chưa hay biết, miễn sao mình chiếm được chức vị Cao Tăng, Đại Đức, lại cùng nhau dung túng ngoại lai trở thành tu hành phe phái đồ chúng khắp nơi làm cho Đạo Phật càng ngày càng giảm giá trị, tỏ tánh Kiến Tri Phật Đạo.” –T.V.

Sự tu hành thời Mạt Pháp Đức Long Hoa Tăng Chủ chứng kiến phần nhiều bậc tu không hay biết gì lối tu tự tánh tỏ tánh để hóa giải ma nghiệp đang xâm chiếm, chỉ lo tổ chức về chức vị làm cho ngoại lai ngự trị, nó chia bậc tu thành nhiều nhóm phe phái tương tranh nhau làm mất hết ý nghĩa chân chính của Phật Đạo lại cho là cầu Tri Kiến Giải Thoát.

“Tôi nói ra đây với tinh thần trách nhiệm sự tu hành bị lầm lạc ngoại lai nên đa phần, bị tình trạng nơi đây chưa phát triển.” –T.V.

Thời Hạ Lai Mạt Pháp Ngài muốn nói lên để bậc thật tu cầu giác ngộ tránh nặng tổ chức hình thức mà lo phát triển cải tạo bản thân để cho xã hội, quốc gia được sống trong hạnh phúc thật sự. Lời nói của Ngài Đại Diện Tam Thế, từng đã được sự thọ ký của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

“Cũng có bậc tu cầu tích cực, tu hành nghiêm túc đoan trang, tự sửa mình tu giải nghiệp nương theo kinh điển làm tài liệu lời vàng. Nhưng tiếc thay chỉ tầm cỡ hiểu biết phần nào, tựa như chỉ một miếng mồi tạm tu, tạm tỏ, liền tự cho mình Tri Đạo, cho đến bậc Tỏ Tánh Chân Không đã cho chính mình sở đắc.” –T.V.

Thời Mạt Pháp Đạo Phật không những mất chân truyền mà còn bị mang tiếng tiêu cực. Thật ra đạo Phật rất tích cực, giúp cho chúng sinh có cái sống thực tiễn, sống động. Chức vị Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức chỉ là thị danh không nên ngồi an hưởng mà phải giải tỏa cho được ma lực đang xâm chiếm toàn thân. Không phải chức vị là sở đắc. Phải kiến tạo công năng dẹp tan Ma Lực mới tri đạo. Chân không chẳng phải là sở đắc. Nó còn rất xa, quá xa con đường đi đến Giác Ngộ.

“Chân không nó có rất nhiều tu chứng bị chứng đến thực chứng. Từ phàm phu Triết Học đến Tiên Thánh Chân Không, chung lại vẫn còn lớp lang ngoại lai diễn đạt, do nơi diễn đạt của ngoại lai mà chư Bồ Tát phải tu trải qua nhiều kiếp, hành thâm pháp giới, thi hành hạnh nguyện, kiểm điểm nội tâm trực chứng ngoại cảnh, cốt tỏ ngộ theo căn cơ, để khỏi lầm ngoại lai đề đạt thấp cao của cấp bậc tu chứng, hóa sanh hay bị sanh hoặc đặng sanh cùng tự sanh Cứu Cánh Giải Thoát.” –T.V.

Một hôm Ngài khai thị về các tần số chân không của hàng tu chứng tôi nghe tóm lược như vầy: Hàng chúng sanh tu diệt pháp để Không, cái không này không nghe, không thấy đến không biết rất tai hại.

Bậc Tiên chọn chốn thanh vắng núi non, tránh dơ chọn sạch lập Thiên Pháp. Cái không này còn Thọ Sanh Pháp Giới vì tu luyện bảo vệ thân thu nhiếp tinh chất thanh khiết bồi dưỡng thân, trong một thời gian được tráng kiện sống lâu hơn người thường nhưng đến một hạn định sau vẫn phải chịu với luật sống chết.

Thật ra chúng sanh bị lầm tưởng, nương theo để sống tưởng là thật, nó do ảo tưởng thành hình thôi. Phải chí tâm chí thành tạo công năng thù thắng cùng được sự khai thị của Thiện Tri Thức Bồ Tát cùng Chư Phật mới thoát cái KHÔNG này.

Ví như Pháp sư Trần Huyền Trang không ngồi yên trong chùa chờ tu hết kiếp mà bôn ba đi tha phương cầu đạo, chịu muôn chiều cay đắng, khổ cực cùng ngọt bùi. Chừng sạch chúng sanh tánh mới yên ngồi dịch kinh. Vì sát thực tế nên tâm ý rộng rãi rỗng rang nên việc dịch kinh được sát nghĩa theo đường Chư Phật.

Bậc tu hành chủ yếu là phát nguyện rộng rãi tạo công năng, bằng tự lợi không tha lợi gò bó chật hẹp, lo sợ thì khó có đủ năng lực thành tựu. Không hành, chẳng nguyện, công năng không có, đích đến cũng không. Muốn đến giác ngộ không chịu đi! không tạo công năng hành nguyện, chẳng cựa quậy lại ngồi im dù có tu cho mấy đi nữa vẫn là cái không tịnh biệt.

Ví như La Ma Milarepa ở Tây Tạng, chịu đựng bao gian nan cho nát nhừ chúng sanh tánh sau nhập lưu đóng cốc ngồi yên mới ra Chân Nguyên, chứ đâu phải còn nhỏ tu xuất gia đến già, yên tịnh ở nơi hoang vắng mà sau giác ngộ đâu.

Tu không phải là giải thoát, Hiểu không phải là giải thoát, Biết không phải là giải thoát, Tri Kiến không phải là giải thoát. Giải Thoát nó có đặc điểm của giải thoát. Do đó có nhiều cấp tu chứng. Bậc thiên tiên hóa sanh. Chúng sanh bị nghiệp lực sanh gọi là bị sanh, sống thanh cao, hướng thượng tâm rộng rãi được sanh Thiên Giới. Bậc chánh giác tự sanh vì không còn bị nghiệp thức, nghiệp lậu, nghiệp căn điều động.

Khi còn điên loạn, chư Phật mới dạy không ta, tùy công năng công đức cạn sâu. Có ta chung cùng trùm khắp giác ngộ đến chánh giác. Tu chưa tỏ tánh chưa tự tánh, lắm bậc chấp không nên bị sa vào phi phi tưởng. Tiên, bậc Chân Không vẫn còn ngoại lai diễn hóa thành đạt chưa phải cứu cánh giải thoát.

“Thân mạng các ông đã từng chứa hàng vạn Thầy từng giai đoạn dạy các ông, cốt ngăn cách lời chỉ giáo nơi Ta, không chấp nhận Ta. Do nơi ấy mà các ông chưa lãnh hội lời chỉ giáo. Nếu các ông có lập trường công năng tiêu giảm các ngăn cản, qua các trở lực từng giai đoạn, các vị Thầy lần lượt ra đi, lần lượt giảm, thời các ông lần lượt lãnh hội nghe đặng, thấy đặng lời Ta đã từng nói, ngày nay mới nhận lãnh, dặn dò xong Ngài quay lại nhìn Di Lạc Tôn Phật chứng minh thừa kế gọi là Đương Lai Hạ Sanh Di Lạc Tôn Phật.” –T.V.

Hàng vạn, triệu, vô số tư tưởng, nó nói tới nói lui, nó tính tới tính lui, nó dùng Ma Lực rất mạnh làm thầy bậc tu nên không nghe được lời khai thị của Đức Bổn Sư.

Nó khôn khéo đủ cách ngăn chận đường tu, nếu qua được trở lực này nó thừa cơ tạo ngăn cản khác, phải thật biết nó mới giám đánh đổi thắng ma lực ngoại lai được. Khi nào trong thân không còn hay giảm nhiều ma lực chừng đó mới nghe được lời khai thị của bậc Thiện Tri Thức. Vì khó khăn vô kể nên Đức Bổn Sư mới thọ ký Đức Di Lạc Tôn Phật Hạ Lai này gánh chịu ngoại lai, vận chuyển qua từng cơn thù thắng mà dạy cho tứ chúng tu hành trong thời Mạt Pháp này, làm cho hàng vạn, triệu bậc thầy mê lầm trong ta lần lượt ra đi, y như thời Đức Bổn Sư đã từng khai thị cho Tứ Chúng tu hành thời quá khứ vậy.

Khi không còn ngoại lai ma lực bủa vây bậc tu mới trực giác thật nghe, thật thấy, thật biết, tỏ tường thấu đạt ma lực. Lúc đó chỉ cần: Nhất ngôn liền Tri Kiến Phật, liền Phật Tri Kiến.

“Tuyệt tác thay! Đức Bổn Sư, Ngài chu đáo đến đời sau, Ngài tận tường duy nhất chỉ có Đại Lực mới kiêm nhiệm đủ toàn năng đối với ngoại lai xâm chiếm.” –T.V.

Đức Bổn Sư đã biết, thời Mạt Pháp chỉ có Đại Lực Di Lạc Tôn Phật là bậc duy nhất tháo gỡ được ngoại lai. Chỉ có Ngài đủ toàn năng. So như vậy đủ biết đã có lắm bậc lầm xưng hô Thiền Sư, xưng danh Phật nhưng nào có ra khỏi ma lực được đâu! Mà thật vậy, có gặp Ngài trong kiếp Hạ Lai này mới thấy tháo gỡ ngoại lai độc nhiễm, tự lực không đủ công năng, tất cả nó đều phủ kín. Bằng chứng là Ngài đã ở trong Hỏa Ngục mà toàn thắng Ma Vương.

“Lúc bấy giờ Đức Đại Lực mới công dụng sắc, thinh, hương, vị mà không nhiễm cốt nương theo tường tận ngoại lai Chánh Giác.” –T.V.

Pháp môn của Đức Di Lạc là đi trong Sắc - Thinh - Hương - Vị - Xúc - Pháp mà không nhiễm, để tận thấu tất cả tập khí sanh tử của ngoại lai. Sắc thinh hương vị xúc pháp ở trong thế gian, tiếp xúc tỏ tường hóa giải đó là lối tu đầy đủ công năng của Đại Thừa.

“Đối với Đại Lực không riêng chi nhân sanh tứ loài vũ trụ tam thiên, vì sao? Vì Đại Lực viên đạt huyền cơ đã từng nằm trong bao đãy, có quyền tháo gỡ ngoại lai độc nhiễm cho những bậc tín tâm tu cầu Tri Kiến Giải Thoát.” –T.V.

Thời này Ngài đã hạ lai! 37 năm Ngài chỉ bày: Ấn Chỉ cho số Chân Phật Tử tín thành đã từng gặp Ngài. Họ phát tâm đều được Ngài tháo gỡ ngoại lai độc nhiễm, nhưng con số này quá ít chỉ đếm được trên đầu ngón tay so với 3000 chân tử theo tu trong Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam

Trên thực tế chính tôi đã chứng kiến, bậc tu gặp được bậc Thiện Tri Thức mà không quyết chí phát tâm cầu giải thoát cũng không tháo gỡ được cho, gặp rồi mà không nhận được giá trị chỉ lo cầu phước báo nhân thiên vẫn còn sanh tử. Không phải ai cũng được tháo gỡ ngoại lai độc nhiễm. Một hôm Ngài dạy:

Đức Thế Tôn căn dặn Ngài rằng chúng sanh thời Mạt Pháp tâm ý như nồi đất mỏng, ông phải ráng nương chiều, đừng đụng mạnh nếu không sẽ rất dễ vỡ tan.

“Ngài ấn truyền cho tất cả những bậc tu hành thời lạc pháp đặng tỏ tường và biết: Ngoại lai xâm nhập nó là: Nghiệp thức, nghiệp căn, nghiệp lậu cùng nghiệp chướng, thâm nhập gọi là kiết sử.

 • Khi chưa rõ chưa tận nó là vô minh.


 • Chưa thông nó là tánh di chuyển là Pháp Tánh.


 • Chưa tu đạt nó là Pháp Thân.


 • Chưa tháo gỡ còn mắc miếu nó là Pháp Giới.”
 –T.V.

Nghiệp Lậu: Là chủng tánh thọ nhiễm nhiều đời kiếp tạo thành nghiệp gắn chặt vào chúng sinh không tự tháo gỡ được.

Tỷ như một người quen bủn xỉn, keo kiệt lại muốn giàu có. Phật dạy cần bố thì mở rộng tâm đương nhiên tánh bủn xỉn, keo kiệt kia tiêu dẹp. Kẻ không tin sợ hao tốn của nên tâm không rộng rãi được, giữ mãi tánh keo kiệt từ đời này đến những đời sau nó cũng y như vậy, gọi là Nghiệp Lậu. Dù tu mắt thấy, tai nghe hiểu biết mà tâm không rộng mở cũng không được ích lợi thực tiễn. Nghiệp Chướng: Gặp pháp nghịch trái ý chê bai, ghét. Những mê lầm không hay biết cũng tạo vô minh gọi là nghiệp chướng. Nghiệp thức, nghiệp căn đã giải ở phần trước.

• “Khi chưa rõ chưa tận nó là vô minh.”

Bậc tu chưa rõ, chưa tận thì tự lực không biết hết được vô minh, cần Tin Vâng Kính nhờ bậc Thiện Tri Thức khai mở thuận, nghịch sẽ rõ được. Chư Phật tận hết vô minh. Tu thế nào để hết vô minh. Nếu tìm cái sáng, cái minh, nó là thần thức minh chưa phải thật sự minh. Phải lần hồi tỏ cái lầm, cái sai, cái chướng. Hằng ngày tu vô minh như vậy đến một thời điểm ý thức được đầy đủ vô minh bỗng nhiên Trực Ngộ Vô Minh. Trực ngộ vô minh tức không còn vô minh, như nhiên minh.

Những Chân Tử Tin Vâng Kính trọn Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc khai thị rất nghiêm túc. Tối trước khi đi ngủ, ngồi kiểm kê lại ban ngày đã nói câu gì sai, câu gì nóng nảy với ai, hành động nào không đúng kiểm kê hết, dần dần loại bớt tánh xấu, tánh hiểm độc sau đó Ngài thử thách kiểm tra. Do đó có số chân tử không thực hiện bỏ tu rất nhiều.

 – Chúng sinh có vô minh của chúng sinh.

 – Thinh văn có vô minh của thinh văn.

 – Duyên giác có vô minh của duyên giác.

 – Hộ pháp có vô minh của hộ pháp.

Tỏ minh mà được minh cũng mức độ không đồng, sâu cạn khác nhau nhiều lớp nên trực giác cũng có mức độ không đồng, kể không sao hết được. Còn Ngài khai thị vô minh của hàng Bồ Tát chư vị mà nghe thấy được phải hoảng sợ, bỏ trốn, không thể hiểu nổi. Thật khó khăn vô kể.

Ngài diệu dụng không thể nghĩ bàn. Mở vô minh cho Chân Tử tín thành Ngài la rầy, đuổi, đánh đập. Bậc chịu được sẽ thông, còn bậc đứng ngoài diễn cảnh mà hỷ xả, không chướng kẻ đang bị rầy la, bị đánh đập sẽ thấy biết gọi là Tri Kiến. Nhưng phần nhiều bậc tu trong đạo mà ở ngoài diễn cảnh chưa tỏ thường chê, ghét, xa lánh kẻ đang bị khai vô minh, lỗi lầm. Bậc này chê lỗi lầm sẽ còn lầm lỗi mãi mãi, chưa bao giờ trực giác vô minh nên chẳng thể nào trông chờ minh cũng như lấy sạn đá đem nấu chờ mong thành cơm ! Khi trực giác được một môn, nhờ nó làm đà tiến quay vào nội tâm, soi xét sẽ mở hết, cuối cùng cái gì đúng mức nó cứ tiếp tục trực giác thật không gì hạnh phúc bằng!

Ngài thường bảo sửa tánh, hỷ xả cho Tâm không, đến lúc thật tin, Ngài la chỉ cái sai, tức giận bỏ đi sau nhớ lời hỷ xả, hồi hướng bỗng trực giác được tánh xấu này bị la là đúng, tự nhiên quay về. Ngài lựa thế diệu dụng tiếp tùy sở cầu của Chân Phật Tử.

• “Chưa thông nó là tánh di chuyển là pháp tánh.”

Khi bậc tu chướng một việc gì liền có tánh ghét hiện. Tánh lưu lại trong thân khi gặp phải, nó là Pháp Tánh. Pháp tánh viễn dung bình đẳng. Tánh như thế nào Pháp Tánh như thế ấy không sai chạy vì nó vốn vô ngại. Dùng văn tự để diễn nói, không biết hết được. Pháp tánh không ngăn ngại Tịnh Bất Tịnh, Tà Chánh, nó cũng bất chấp lúc nào và ở đâu, chỉ tùy theo ý muốn của tứ loài mà cung đốn như ý. Do đó mà tu thế nào cũng được Như Ý Nguyện. Bậc tu biết pháp tánh chính lầm mê, nhưng nếu mong cầu nó nương chìu làm cho bậc tu tưởng thật và thích thú.

Mỗi pháp giới có một cảnh di chuyển tạo thành cảnh giới. Tỷ như một người sống khổ, quen dùng đồ đạc trong nhà toàn hàng thường, khi có tiền họ không dám ném bỏ các thứ để mua sắm loại cao cấp. Đó là cảnh giới của họ tạo pháp tánh y như vậy. Mỗi loài sống trong môi trường đó, bắt sang môi trường khác không ưa vì pháp tánh di chuyển y như nó quen thuộc mới được. Người bị vô minh che thường than phiền trách móc chớ đâu có biết chính pháp tánh cung đốn vẹn vừa.

Tự mình thấy tánh mình gọi là Tự Tánh Tỏ Tánh sẽ biết được di chuyển của Pháp Tánh. Bậc tu không có cái muốn, không có cá tánh sẽ tìm được, nhận diện được sự di chuyển của pháp tánh. Vì vậy bậc tu cần hạnh nguyện độ sanh, bằng cố chấp cứ tạo cái muốn sẽ không Tri Kiến Pháp Tánh, chạy theo sanh tử, gọi là chạy theo mê lầm vọng loạn.

Khi không còn vọng loạn liền thấy giới nào tánh đó, không than phiền trách móc liền sở đắc Bình Đẳng Tánh Trí. Lúc đó mới tỏ thông vạn pháp khỏi lầm, biết rõ không còn chạy theo sanh tử. Không lìa cái muốn là vọng loạn, đã vọng loạn liền bất bình đẳng thì làm sao tu kết quả lớp lớp Bình Đẳng Tánh Trí cho được.

Bậc Thiện Tri Thức, thật biết nó dắt chúng sanh, hàng nhị thừa, chạy vòng quanh trong lục đạo không có lúc dừng biết, nó làm cho bậc tu ở mãi trong giới chúng sanh mà chìm đắm trong sanh tử. Vì vậy muốn độ chúng sanh phải nương cái muốn để đưa chúng sanh tỏ muốn khỏi vọng. Nếu bảo diệt sẽ không còn biết gì để tu. Nương theo hóa giải là thượng sách nhất để tỏ tường Pháp Tánh.

“Như kẻ hung bạo chuyên chém giết, nó liền có pháp tánh tạo cảnh giới phải chịu thọ báo đau khổ ở địa ngục không thiếu sót vẫn vẹn vừa.” –T.V.

Như vậy từ người thiện căn cho đến kẻ ác căn pháp tánh cung đốn đủ theo cái muốn của nó.

• “Chưa tu đạt nó là pháp thân.”


Tất cả vạn pháp chính là Như Lai nhưng chưa tu đạt mới phân biệt riêng rẽ Pháp Thân. Nghe-thấy-biết là vạn pháp. Pháp vốn là Tâm. Thân là hình tướng khuôn khổ, hình tướng nhận sắc bị nhiễm mới có vô minh mà sinh khởi loạn.

Do khởi liền hóa thân bị sinh ra muôn trùng tướng pháp, lại mê lầm cho đó là chân thật rồi nương theo cái muốn mong cầu mà có Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Phước báo nhân thiên, thọ báo ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, quốc độ, tịnh độ... Từ đó mới có từng Ứng Thân và Pháp Thân. Ứng Thân còn gọi là Hóa Thân chính là Pháp Giới. Mê lầm gọi là chúng sanh giới. Nếu bậc biết hạnh nguyện tu tự tìm Chơn Tánh được giác ngộ thì chúng sanh giới đồng thể với Pháp Thân gọi là sở đắc Pháp Thân.

Tỷ như một giọt nước biển đem phân chất nó cũng có đủ các chất như biển cả mênh mông. Nếu đem giọt nước biển bỏ vào biển cả nó liền tan, hòa vào biển không còn riêng rẽ nữa. Một chúng sanh biết chung cùng không cá nhân, cá tánh thì liền giao cảm vũ trụ tức giao cảm Mười Phương Phật, hòa cùng Như Lai Phật là một duy nhất. Vì vậy tu hành rất cần cải tạo bản thân, giải tật, hóa giải tập nhiễm kiết sử cho sạch. Có độ được mình mới dạy đạo độ chúng sanh. Nếu mình chưa độ được chúng sanh tánh của mình thì làm sao dạy đạo độ kẻ khác được. Cùng lắm thuyết pháp cho vui chơi mà thôi.

Nếu bậc tu lấy cái học, cái nghiên cứu lâu năm để dạy đạo, để tu hành thì một nhà học giả, một kỹ sư, một bác sĩ, một giáo sư có học, có trình độ họ cũng nghiên cứu và cũng hiểu biết. Vậy có hơn ở điểm nào mà làm thầy chúng sanh được, làm sao biết được Đạo Phật siêu đẳng trên chúng sanh, trên khoa học...

Sửa tánh, giải đố tật nói nghe dễ nhưng chưa chắc một vị Đại Đức, Hòa Thượng 70 tuổi đã làm nỗi, nếu không biết lối tu của chư Tổ, chư Bồ Tát đến Chư Phật. Thời Hạ Lai đã tàn canh, Chánh Pháp của Chư Phật ló dạng cần nói thẳng để tìm con đường giải quyết sanh tử luân hồi là cốt yếu. Bỏ qua một kiếp người đương thời rất uổng phí vì trên thực tế còn vô minh không dễ lai sinh trở lại làm người! Phải trả nợ miệng xong mới tái sanh.

• “Chưa tháo gỡ còn mắc miếu nó là pháp giới.”

Từ nơi nghe thấy biết sinh ra tự ngã riêng của ta gọi là dị biệt tạo thành pháp giới. Vô số pháp giới không tính đếm hết được, phải chịu một đặc điểm mắc miếu như nhau trong sanh tử. Pháp giới là một hạn định khuôn khổ thọ chấp còn gọi là chúng sanh giới.

“Phật nói Phật nghe.Chúng sanh chỉ nghe, Chúng sanh lại tự ý nói. Thiền sư viết xong cười xòa, Ngài tiếp: Chưa bao giờ chúng sanh lãnh hội đặng lời Phật nói, vì chúng sanh quan điểm Phật nói đều là lời Phật Giới. Chúng sanh đang nghe chỗ nghe kia đều là nơi nghe giới sanh, làm thế nào nhận lãnh để nghe lời Phật nói.” –T.V.

Chúng sanh còn thọ nghiệp nhiều tánh xấu lại loạn tưởng. Sự lầm mê chưa thấy biết nên không nghe nổi lời Phật khai thị. Chỉ cần lãnh hội một lời liền Giác Ngộ. Vì chúng sanh có quan điểm riêng của cá tánh nên khi nghe nó hóa ra tâm chúng sanh nghe. Chư Phật lúc nào cũng giải giới, hóa giải những gút mắc đủ hình thức, còn chúng sanh thêm phát khởi không ngừng. Nếu chúng sanh chịu học hỏi, thi hành sự khai thị của Chư Bồ Tát, Chư Phật hàng giờ phút đều giải giới ắt nghe được lời Phật. Chúng sanh thường nhiễm khen hoặc chê, tốt hoặc xấu, sạch hoặc dơ mãi từ pháp giới này thay đổi giới khác không lúc nào dứt, chỉ khi nào trơn liền gút mắc, tánh tình dịu mới nghe được lời Phật. Sự lầm mê mà chịu lầm trong vòng đai pháp giới. Chỉ có Chư Phật, Chư Bồ Tát mới khai thị, dìu dắt chúng sanh biết được pháp giới đầy nguy hại để họ tự hóa giải tháo gỡ.

“Thiền sư nói đến đây, Ngài nhìn vùng mây trải, nhìn lại lá vàng rơi, nhìn đời sau tận thế, Ngài bèn vỗ vế đứng dậy xoa tay, châu mày nghĩ ngợi, Ngài đến chiếc chõng nằm dài chưa dám nói”
–T.V.

Đối với Ngài khai ngộ cho Chân Phật Tử, Ngài còn là một Thiền Sư biết tỉ mỉ chuyện quá khứ, vị lai trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới, thời Mạt Kiếp này nếu Ngài nói rõ, chỉ thẳng chẳng những họ không nghe mà còn có thái độ ngạo mạn nữa nên Ngài bảo: Việc gì chưa đến mà nói sẽ bị kết tội phản động còn việc xảy ra rồi mà nói cho là nói hùa, tốt hơn hết là làm thinh.

Thật ra pháp giới của kẻ ác là pháp giới diệt vong. Vì giới cấp có đạo đức rất trọng và lắng nghe để biết đâu là đúng đâu là sai, ắt gặp được Chư Phật, Chư Bồ Tát ra đời rất có lợi cho chúng sinh.

Phật, Thánh Hiền ra đời mà còn thọ khổ chính là Pháp cùng cuối đời Mạt Kiếp. Tận thế có nghĩa như vậy. Khoa học càng văn minh con người sống thoải mái nhưng cuối cùng của khoa học là tận thế. Vì sao? Vì pháp giới kẻ có học chạy theo lợi nhuận, khi chế ra bao nhiêu loại vũ khí giết người hàng loạt. Nạn ô nhiễm bầu khí quyển ảnh hưởng thời tiết khí hậu cũng là nạn tận thế... Chấp nhận cho ra luật giới đồng tình luyến ái cưới nhau là báo hiệu tận thế.

Giới Trí Thức này không biết hoặc biết rất ít Như Trí của Thiền Sư. Khoa học chạy theo trí thức phát triển trong triền miên của sanh tử. Thiền Sư chăm chỉ cải tạo bản thân, lời nói toàn sự thật, sống động, cải tạo chúng sanh thật hữu hiệu đem hạnh phúc thật sự Chân Thiện Mỹ cho chúng sinh.

“Bỗng bên ngoài con bướm bay thẳng vào nhà, bướm chưa biết lối ra, còn đang bay qua bay lại. Thiền sư nhìn nó, nở nụ cười tươi, Ngài nói: Này bướm, chính mày là pháp giới, mày có giới hai cánh bay, có giới đôi lông mày, sáu chân mày đều là giới. Bổn lai diện mục bay lên, đáp xuống thực dụng những mật hoa. Vì kiếp mi đậm đà xinh xắn, do hoa nở sinh ra, Ngài đứng lên cầm chiếc quạt giấy, đưa bướm bay bỗng ra ngoài.” –T.V.

Mỗi tư tưởng là một pháp giới, mỗi lời nói tạo pháp giới, mỗi hành động tạo pháp giới. Thành hình tướng bất diệt pháp giới. Nói đến con bướm là pháp giới, từng bộ phận phân chia có vô số giới nơi nó. Đôi cánh là pháp giới, râu dài là pháp giới. Pháp tánh của bướm xinh, nhiều người ưa ngắm nhìn cũng là pháp giới... Từ trứng hóa sinh ra trên cành hoa cũng là pháp giới. Pháp tánh cố định của bướm chính là bổn lai diện mục của nó, hành động, lối sống thời nào nó cũng không khác được, bậc tu cầu Tri Kiến Giải Thoát cần biết hết mà không nhiễm pháp giới quả là khó. Phải cần bậc thật thấu đạt mới chỉ bày giải giới được, mới mong ra khỏi hố sâu pháp giới.

“Pháp giới vốn thị danh nhưng thị danh chung kết đều giới. Đến giai đoạn tỏ giới thời nhận chân là: nó chẳng phải pháp giới, thị danh là pháp giới, chính thật pháp giới.” –T.V.

Khi con bướm bay chập chờn đủ bộ phận gọi là bướm, nhưng 6 chân không phải tên là con bướm, đôi râu cũng không gọi là bướm, đôi cánh không gọi là bướm. Bướm chính là thị danh do đầy đủ bộ phận gọi là giới thành hình. Bậc hiểu biết tỏ rõ gọi bướm là thị danh là pháp giới nhưng phân chia chẳng phải gọi là pháp giới bướm được. Từ tỷ dụ bướm ta biết được hằng hà sa số pháp giới chỉ là thị danh mà chúng sanh hơn thua, tranh giành, sống chết theo nó nên triền miên trong sanh tử.

“Cũng như nó chẳng phải là thế giới, nhưng thị danh thế giới, thật là thế giới.” –T.V.

Tỷ như quả địa cầu có, núi, sông, nhà cửa, vườn... gọi là thế giới nó là thị danh thôi. Vì khi nói nhà không phải là thế giới, núi đứng riêng không gọi thế giới, sông cũng không gọi là thế giới, rừng cũng không gọi thế giới. Những thứ đó đầy đủ gọi là thế giới. Đó chính nó chẳng phải thế giới nhưng thị danh nó thật là thế giới. Pháp giới muôn trùng là một vòng đai chung gồm tất cả tứ loài, Nhân Sinh, Tiên, Thần, Thánh... Không ai ra khỏi sự bao vây của nó, khiến cho tất cả tứ loài bị sống trong sanh tử.

“Chỉ có Chư Phật Chánh Giác mới làm chủ động pháp giới mà thôi. Có bị vòng đai như thế mới có làm chúng sanh giới, đã chúng sanh giới là mê chưa hẳn đã ngộ.

Chư Phật diệu dụng ra vào pháp giới, còn chúng sanh đến Thinh Văn khó qua nổi pháp giới. Thường bị chìm đắm trong pháp giới. Hàng Duyên Giác, A La Hán tỏ pháp giới nhưng chưa sạch. Bồ Tát sạch pháp giới, riêng chư Phật Tận biết pháp giới ra vào tự tại vô ngại. Còn một giới chưa sạch, còn mê lầm.


Bằng còn một giới chưa giải quyết xong vẫn lâm nơi qui chế Phật giới.”
–T.V.

Trong vũ trụ hàm chứa vòng đai pháp giới bậc tu còn một pháp giới chưa làm xong mà xưng Phật đó là Phật giới. Tỷ như Đề Bà Đạt Đa tâm tánh Đại Cường cho dù ra vào khắp pháp giới nhưng sở trường của ông mỗi khi giải quyết pháp giới ông thường dùng tánh đại cường. Nếu có thành Phật cũng là Phật giới, gọi là Phật Danh Hiệu dạy con cháu hàng Đại Cường. Chẳng phải Phật Chánh Đẳng Chánh Giác cho dù có đắc pháp Vô Thượng Đẳng Chánh Giác mà hóa giải vạn pháp theo Tâm Đại Cường vẫn là Phật Giới còn gọi là Bích Chi Phật.

Có bậc sở đắc Pháp Vô Thượng nhưng gặp pháp dễ hạnh nguyện, pháp khó khăn bỏ, có thành Phật cũng là Phật Giới. Có bậc đắc pháp Vô Thượng không hạnh nguyện đầy đủ tròn pháp giới cũng là Phật Giới.

Đương thời Ngài bảo khó khăn vô kể: Một triệu vị đắc pháp Vô Thượng chỉ có một là viên dung ra vào pháp giới, thành Diệu Quả Bồ Đề mà thôi. Thời Hạ Kiếp thật chỉ có một Đức Di Lạc Tôn Phật chớ không có hai: Ngài sống trong lửa hỏa ngục, gánh chịu, vượt qua tất cả để chúng sanh thoải mái tu hành đến giác ngộ.

“Thiền Sư đã từng qua khúc eo pháp giới, từ nơi tâm chí quán chúng của Ngài, tạng thức sáng soi ý thức, trưởng thành pháp giới.” –T.V.

* Số đông bậc tu gặp thuận pháp vui mừng, sống yên ổn nhưng khi có nghịch pháp không sáng soi các chủng tử đang lăn tăn quấy động. Đa phần gặp khó bỏ, không qua nổi khúc eo của nghịch pháp. Tạng thức hàm chứa tất cả chủng tử thiện ác, tốt xấu, tịnh bất tịnh. Ý thức rõ các pháp, biết phân biệt sáng soi đúng sai, thiện ác. Một lối giải hợp lý nhất, đúng đắn nhất, nhờ ý thức quán xét các chúng sanh tánh, sâu hơn quán xét các tư tưởng, phát hiện nó tạo thành pháp giới thích hợp trong từng trường hợp.

Tỷ như khi Ngài mới ra đời hành đạo, hoàn cảnh gia đình rất túng thiếu khó khăn. Đối với Ngài, bậc Vô Thượng Chân Tôn mà không có một chỗ dạy đạo, không có một cái bàn để ghi chép kinh sách, việc làm ăn sinh sống phải ngừng lại. Thật là khúc eo nan giải, Ngài phải xem xét, quan sát tất cả chủng tánh trong người, có lúc nó nói tới có lúc nó bảo thối lui , nản chí (tạng thức). Sau Ngài chọn một con đường đúng nhất thời điểm đó, quyết chí hóa giải (ý thức) cho đến khi thông, bằng cách giảng giải Phật Pháp cho người thân, sau đến người quen biết, nhẫn nhục, nhẫn nại dần dần ngày tháng qua, có một bậc tin theo tu, rồi hai, rồi ba... Như thế hàng ngày đã có một số công việc Phật sự nảy nở, trưởng thành pháp giới, không từ bỏ hoặc đảo ngược, từ đó hình thành Đạo Tràng tại gia...

Ở chùa rất dễ, pháp giới không khó vì tất cả nhân gian đều tin chùa là nơi tu hành nên thường viếng thăm. Còn tu cư nhân hạnh như mở đường, phá rừng cho quang đãng, lập xóm làng an ổn là cả một công trình!

“Bằng ý thức không thủ thời như nhiên vạn pháp diễn hành từ pháp này đến pháp kia, chẳng có chi gọi là pháp giới.” –T.V.

Khi đã tạo xong đạo tràng nếu có hoàn cảnh tùy thuận hóa giải, khi chìu chuộng nương chìu, khi hóa giải đúng đắn, khôn khéo gọi là ý thức không thủ, không y giáo điều. Từng pháp diễn hành đều dung thông giải quyết nên đâu còn cố định. Đã không bảo thủ, không thủ chấp, không đứng yên rập khuôn, không bị biết lúc đầy đủ trực giác, tự tánh hóa giải, từ pháp này sang pháp kia viên dung thì chẳng còn chi là pháp giới nữa, gọi là không y kinh mà cũng chẳng ly kinh đường đi của Chư Phật.

“Trường hợp này Thiền Sư đã từng trải qua, chỉ vì nương nhờ tâm chí mà soi tỏ đặng, bằng chưa đến mức độ công dụng tâm chí thì chưa bao giờ tỏ rõ pháp giới cùng nghiệp do đâu mà phát sanh.” –T.V.

Ngài đã từng rất nhiều lượt vượt qua những khúc eo pháp giới, tháo gỡ độc nhiễm nơi thân mạng. Ngài dụng tâm bền chí, nhẫn nại sáng soi pháp giới để giải quyết khúc eo cho hợp tình hợp lý. Nếu lơ là, chểnh mảng, nản chí thì chưa đúng mức sâu sắc hóa giải, sẽ không giải giới đầy đủ. Còn một vi trần pháp giới là còn nghiệp vì phải sạch pháp giới mới thoát nghiệp.

Pháp giới mà không tháo gỡ, hóa giải, nghiệp sẽ phát sanh. Khi hóa giải hết nghiệp, pháp giới hết mê lầm, hết lầm đâu còn mê. Tu hóa giải cái mê sẽ hết mê. Tu lầm lẫn lấy trí tuệ hóa giải lầm lẫn sẽ hết lầm.

“Những bậc tu Đại Tín Thành, chưa có chí dũng thời toàn nương nơi tâm thức để tu.” –T.V.

* Dù cho bậc tu có thành thật tâm, thiết tha tâm đến đâu chăng mà gặp hoàn cảnh vạn pháp khó khăn, đứng trước khúc eo không chú tâm hóa giải, chỉ cầu vái van xin sẽ không ý thức được vạn pháp. Tâm thần hỗn loạn, tư tưởng loạn động không còn định hướng đúng đắn. Bậc tu như vậy khó tỏ tường pháp giới nên thường sống theo tư tưởng thay đổi không chừng tức mê mờ trong thần thức điên loạn vậy. Bậc có trí tuệ dù khó khăn cũng dũng mãnh hóa giải trong đạo đức, nương theo tư tưởng diễn đạt để hóa giải hoàn mỹ.

Tỷ như một người bị bệnh lở loét ung nhọt, hàng ngày bị đau nhức khổ sở, bậc biết liền đến bác sĩ chữa trị. Bác sĩ xem xét bảo phải giải phẫu lấy hết ung nhọt ra và làm thuốc, uống thuốc. Bệnh nhân nương theo ý mình sợ mổ đến da thịt sẽ đau thêm không chịu. Sau bị nặng phải chết còn có người hiểu biết cố chịu đau để bác sĩ mổ, khoét làm thuốc cho tiêu hết chất độc, uống thuốc theo lời chỉ bày của bác sĩ sau khỏi hẳn bệnh, bậc này nương theo tư tưởng của tâm thức hóa giải được thông, khỏe. Tu hành cũng như vậy nương theo tâm thức, những tiếng nói trong thân mình rồi nhận định đúng đắn để Thiện Tri Thức chỉ bày cho tự khai thông mới mong Tri Kiến Giải Thoát.

“Bậc được dùng Tạng Thức để soi nghiệp thức chính là những bậc sẵn có chí dũng, chí dũng nương nhờ công đức mà có, chưa có công đức chưa phát sanh chí dũng.” –T.V.

Bậc tu tự biết sáng soi các tư tưởng thiện ác là bậc biết sự diễn hành của nghiệp thức. Bậc có chí bền quyết tâm chịu nương theo hóa giải nó là bậc hiếm có, thấy biết từ khởi động ngay trong tâm mình, thật là chí dũng mãnh, quật lại ngoại lai ma lực. Bậc tu như vậy rất quí con đường Tri Kiến Giải Thoát.

Nhờ nương vào hồi hướng hỷ xả thân tâm mà có Công Đức Như Lai, vạn pháp mở rộng tâm không keo kiệt, bủn xỉn, dám cúng dường việc đáng công đức không do dự, không liều lĩnh, không sợ ngày mai sẽ ra sao bỗng nhiên Trực Giác Trí Dũng, từ đó mới lần hồi quyết tâm theo bậc Thiện Tri Thức cầu Chánh Giác. Do đó không có công đức, không có hy sinh không hề có chí dũng. Ai nói suông cũng được nhưng thực sự tu có mở tâm liền có Chí Dũng. Chí dũng rất cần thiết đến vô ngại, tự tại nó là chính yếu để tiến bộ, giải pháp giới trên đường tu theo Chư Bồ Tát, Chư Phật. Bằng không có chí dũng không sao chứng đắc.

“Thiền Sư nghĩ lại. Vạn pháp như huyễn, lướt qua khỏi nhìn lại mới nhận chân nơi huyễn của nó. Bằng đứng yên làm sao Kiến Tri cho đến chỗ huyễn thành chân.” –T.V.

* Tu cầu mong đạt đến chân lý, không bao giờ tìm ra chân lý. Trước hết phải xem vạn pháp như huyển, xem nó là giả tạm có đó rồi mất đó, không thật ở mãi, nó là vô thường, khi có lúc không, luân chuyển vần xây, thay đổi biến dời. Tất cả từ hữu tri đến vô tri đều hứng chịu vô thường pháp. Vì vậy tất cả đều nhịp nhàng qui định nơi sanh - diệt do lầm mà cho cái gì cũng tồn tại mãi.

Từ lức khởi sanh cho đến lúc bị diệt nó luôn nhịp nhàng theo thứ tự bốn pháp: Thành -Trụ - Hoại - Không trong vô thường. Cố lướt qua pháp huyễn khỏi tiếc thì mới đến nơi thường còn bất biến, tránh được lầm lẫn được mừng, mất buồn của vô thường pháp thuyên diễn, đó mới gọi là Kiến Tri Huyễn, đạt đến Chân Lý Vô Sanh.

Tỷ như một người được làm quan, chức trọng quyền cao đứng trên thiên hạ, được đầy đủ sung sướng bên cạnh lại có kẻ hầu hạ, kẻ này cùng bà con giòng họ rất hãnh diện vui mừng, sung sướng, thích thú cho chức vụ của con cháu mình. Đến lúc sa cơ thất thế bị mất chức quan quyền thì người kia cùng bà con giòng họ đều buồn phiền, trách cứ, khóc than thật khổ sở cho là bạc phước.

Từ câu chuyện trên cho biết chúng sanh thường sống trong vô thường pháp được mừng, mất buồn. Hợp rồi tan, gần rồi ly biệt là thường diễn từ vô thủy cho đến hiện tại và mãi mãi về tương lai. Nó vốn thường còn bất biến nào có sanh diệt đâu. Do lầm nhận mà chúng sanh không thấy nó thuyên diễn từng hồi, từng lúc rồi cho là thật, phải bị thọ chấp sống trong sanh tử. Nếu biết nó là huyễn, lại cho huyễn là mình liền bị nó điều động vướng mắc, đến khi không bị nó điều động sai khiến thì huyễn trở thành chân.

“Thiền sư rất cần bổ sung những điểm chi thiếu khuyết trên bước đường tu hơn là tu cầu tiến thân trong quả vị. Vì sao? Vì chưa Bi Chí Dũng, chưa Tín Hạnh Nguyện thời làm thế nào? Kết quả đặng chỗ Chánh Tín Chân Tôn hay đạo hạnh cao dày chỉnh trang Tịnh Độ.” –T.V.

* Một hôm Ngài khai thị tôi nghe như vầy: Bổ sung những điều chi thiếu khuyết có nghĩa xem xét lại những chủng tánh nào chưa hoàn mỹ phải sửa chữa chỉnh trang lại. Nói thì đơn giản nhưng khi va chạm vạn pháp mà tánh tình trơn liền không còn bị ma lực chủ động là cả một ý chí dũng mãnh mới vượt qua nổi. Nếu tự mình chưa tín thành hóa giải trong đạo hạnh, chưa có quyết chí, nguyện giải giới li ti trong thân mạng thì khó mà trực ngộ được đường đi chánh tín của Chư Phật mười phương ba đời.

Nếu chưa sạch sẽ, chưa trơn liền tức mình chưa độ được mình sao độ được người! Làm sao tránh khỏi ma thuyết. Hóa giải vạn pháp trong đạo hạnh, hợp mình lợi người là đạo hạnh cao dày đưa đến an ổn thanh tịnh. Chính là tịnh độ vậy.

“Thiền Sư rất biết, thật biết. Trí Bát Nhã viên dung, trên con đường tu hành nghiêm túc là một điều tối quan hệ cho tất cả những vị đại chí, đại bi nương theo đại nguyện mới thật thâu đạt phá vỡ vòng đai pháp giới.” –T.V.

* Bậc thực hiện hóa giải vạn pháp quân minh nên việc gì cũng viên dung. Đó là Trí Bát Nhã. Bậc thật tu luôn nghiêm chỉnh quay vào trong xem xét mình, không hề có tự mãn với chính mình mà thành tâm tìm kiếm Thiện Tri Thức để bổ sung. Chỉ một lời, một diệu dụng liền vào biển cả, tương thông Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương. Bậc này ở trong đời mà tất cả đều dồn cho đường tu, xem nó là món ăn thường ngày rất quan trọng nên có đủ Đại Chí - Đại Bi nhờ thề nguyện thực hành cho đạt viên dung. Bậc như vậy không tiếc chi nên gọi là Đại Bi. Dù khó khăn cay đắng đến mức nào cũng không bỏ đạo là Đại Chí. Thiếu sót quyết thực hiện cốt lợi mình rồi đến lợi người, không còn lăn tăn chủng tánh nào gọi là Đại Nguyện.

Chú tâm thực hiện chứ không nói suông, có pháp liền kiểm điểm, sáng soi hóa giải là đường tu căn bản của Đại Thừa mới phá vỡ vòng đai pháp giới chằng chịt phủ kín./-