–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

Cái Mê Chính Nó Không Gốc

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 3839)
Cái Mê Chính Nó Không Gốc
Tôi về Trung Ương Hội Thượng lúc 21 giờ ngày 24 tháng 7 năm Giáp Dần, tức ngày 10-9-1974, theo như thường lệ mỗi tối, tôi thảy đều về Trung Ương đặng gần Đạo Hữu, Đạo Tràng làm nguồn an vui duy nhất của đời tôi. Khi tôi về đến nơi nhận thấy có sự khác lạ khó nghĩ bàn hơn các buổi trước, ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ tỉnh tọa trang nghiêm, hiện diện gồm có ông Tạng Bữu, Tạng Nguyên, Tạng Tích, Pháp Bách, Bà Pháp Tùng, Bà Tạng Trình cùng một số Tín Chúng đang ngồi quanh Ngài lặng lẽ, Tôi bước vào lễ bái xong ngồi lại một bên, Ngài bảo tôi đem bút chỉ ghi chép Giáo Ngôn.

Ngài dạy:

Các Ông cũng nên biết: “CÁI MÊ CHÍNH NÓ KHÔNG GỐC”, Nếu Mê nó có gốc thì chẳng bao giờ tu Giác Ngộ. Ngài nói xong trầm ngâm chốc lát rồi Ngài dạy tiếp: Nhưng kẻ đã trót Mê thì cái Mê nó liền có nguồn Mê của nó để mà Mê.

Thế nào là Nguồn Mê?

DUYÊN KHỞI SANH TÂM đó là Nguồn Mê. Khi đã có Tâm Sanh, Tâm nó liền có TÁNH, đó là Nguồn Mê. Tánh ấy phải có THỨC, đó là Nguồn Mê. Thức thì linh động di chuyển không ngừng, bởi bậc tu hay kẽ chưa tu mong cho Thức ngừng an trụ mà trở thành NGHIỆP. Đó chính là nguồn Mê trong TỨ THỜI lầm lẫn từ trên xuống dưới để Thọ Chấp làm Chúng Sanh Giới vậy.

Hôm nay Tôi ra thời Giáo Ngôn này chủ yếu dạy, đồng chỉ rõ sự mê lầm của Tứ Thời để cho các Ông nhận định rõ biết khỏi Thọ Chấp, khỏi an trụ để mà tu, đồng thời lưu lại cho đời nầy, đời sau làm một hướng Chỉ Đạo, tu Tứ Thời trở thành mục tiêu tu chứng, từng cấp bậc cao, thấp khác nhau, rốt ráo hoặc chưa rốt ráo mà thành tựu vậy. Đó là thời Giáo Ngôn tùy nghi xử dụng tín dùng.

Các Ông cũng nên biết: Buổi ban đầu bậc tu hành bước vào ngưỡng cửa nhà Phật, phát Bồ Đề Tâm thì trước tiên phải thi hành GIẢI NGHIỆP, Nói đến Nghiệp, mỗi bậc tu đều có Nghiệp, kẻ chưa tu vẫn có Nghiệp, Nghiệp nó sai khác nhau tùy theo tư tưởng Thần Thức năng chấp trụ, tùy theo lớn nhỏ rộng hẹp của Ý THỨC mà trở thành Nghiệp, tùy theo Nghiệp Thức Thọ Chấp, nhưng cốt yếu muốn tu, phải giải Nghiệp mới tu.

Nghiệp thì thật nhiều vô kể, nó có đủ khía cạnh mà Thọ Nghiệp. Do lẽ ấy, nên bậc tu dùng đủ phương tiện, đủ phương pháp, tiêu trừ Giải Nghiệp. Sự Giải Nghiệp tùy theo trí tuệ lướt qua hoàn cảnh, tạo công năng Giải Nghiệp, cứ giải bớt Nghiệp bao nhiêu thì Trí Tuệ tăng trưởng Thọ Lãnh Bảo Pháp bấy nhiêu. Công Năng Giải Nghiệp giúp cho bậc tu mau đến Sở Cầu, Sở Nguyện thành tựu, dù tu hành chưa có kết quả chi cho lắm, nhưng có thật hành giải Nghiệp, đặng Phước Báo Nhân Thiên, khỏi sa ba đường ác Ngạ Qủy, Súc Sanh, Địa Ngục. Nếu tu hành quyết tâm trừ giải, đánh đổi lề lối nhỏ nhen của đời, để tiến đến con đường Đạo rộng rãi thanh thoát chứng quả, thì rất cần đến Pháp Môn Giải Nghiệp. Khi Giãi Nghiệp rạng rỡ liền đặng chứng tri Tiên Thần hay sanh về Cõi Trời nơi Tam Giới. Bậc tu thường tự soi lấy mình về Nghiệp còn nhiều hay ít thì hãy soi trên bước đường tu tập, trên con đường Đạo, nếu Duyên tròn không thiếu sót ấy là Nghiệp vơi. Bằng lơ là biếng trể cho rằng gặp chuyện nọ thế kia trốn tránh, đó chính Nghiệp đầy. Tôi có câu:

“DUYÊN TRÒN NGHIỆP VƠI
DUYÊN LƠI NGHIỆP ĐẦY”

Các Ông cũng nên biết, Tôi nói Tứ Thời của Nguồn Mê, Lý Sự Giải Nghiệp, mới thi hành phần nhất mà đã kết quả đáng kể là: MÌNH TỰ NÂNG LẤY MÌNH, PHƯỚC BÁO NHÂN THIÊN, hưởng các cõi Trời. Nếu bậc tu Nhất Tâm THẬT HÀNH, THẬT TU trong thời hai thì có lợi vô kể, một là đắc quả A LA HÁN, hai là BỒ TÁT HẠNH tu rốt ráo Tứ Thời thành PHẬT. Đây chính là lời tuyên rõ giữa thời HẠ LAI CHỈ ĐẠO, các Ông nên nghe rõ Thời Hai Tôi nói. Ngài dạy tiếp:

Thời Hai có hai lối tu, hai bậc tu. Một là Bậc NHIẾP THÂU THỨC, hai là Bậc KHÔNG NHIẾP THÂU THỨC.

THẾ NÀO LÀ BẬC TU NHIẾP THÂU THỨC ?

Bậc tu thấy Thức thường di chuyển, tư tưởng động vọng quá nhiều mà trái lại sự mong mỏi của bậc tu đến Thanh Tịnh. Vì lẽ ấy nên NHIẾP THÂU bằng cách kềm chế động vọng, huân tập Tịnh Tâm, lìa bỏ Nghiệp Thức, Ý Thức dung dưỡng Thần Thức gọi là Tu Tịnh, chủ quán Định Thần Tưởng Thức, sau khi luyện Thần ép Thức đắc quả A LA HÁN là Bậc Nhất trong lối tu Nhiếp Thâu Thức nầy. Ngoài ra thiếu công năng được thành Tiên Thần. Đó là một lối Giải Nguồn Mê Thời Hai thu nhiếp, lại dùng Tư Duy Thức Tịnh thành tựu vậy.

THẾ NÀO LÀ BẬC TU KHÔNG NHIẾP THÂU THỨC ?

Bậc tu hành KHÔNG NHIẾP THÂU vẫn nhận thấy Thức thường di chuyển, Tư Tưởng động vọng, Tịnh Bất Tịnh trăm phương vạn thức không đáng sợ , bậc ấy không nhiếp thâu Thức, vẫn nương theo Thức di chuyển, cốt yếu khi Nghi Chấp để Phá Chấp đưa về sự rõ biết Nghiệp Căn Chủng Tánh các Pháp di chuyển của Thần Thức Ý Thức, gọi là Trụ vào Thức mà không trụ Thọ Chấp. Phật thường căn dặn Bồ Tát : TRỤ MÀ KHÔNG TRỤ cũng thế.

Các Ông nên nhớ, Bậc Tu biết giải Nguồn Mê của Thức, chính là Bậc biết nương theo Thức, cốt soi biết rốt ráo mạch lạc Bổn Lai của Thức, chuyên tu đoạt đến TỰ TÁNH TỎ TÁNH, chớ chẳng phải nương theo Thức mà an trụ thọ chấp nơi Thức. Nếu thọ chấp thì đương nhiên bị Chứng Tu của mình chỉ tu đến đó mà thôi. Nên Tôi thường dặn: NGHI CHẤP ĐỂ PHÁ CHẤP chính là tiến bộ chớ chẳng phải NGHI CHẤP ĐỂ CHẤP LẤY NGHI dừng trụ. Cũng như nương theo Vô Ngã tìm Chân Ngã cũng thế.

Đối với Thức nó chỉ có một ở trong Tứ Thời Nguồn Mê, nhưng linh động trên dưới, ngoài trong trở thành thanh thô, rộng hẹp, nặng nhẹ, phân toán. Do đó, nó phải làm ba lối khác nhau, để tiêu biểu cho sự Tu Chứng khác biệt, từ Phàm Phu đến Trí Thức qua Đại Thức Tiên Thần.

Thế nào là ba lối?

Lối thứ nhất THẦN THỨC, lối thứ hai Ý THỨC, lối thứ ba NGHIỆP THỨC.

Lối THẦN THỨC suy tưởng thanh thoát, tìm hiểu rỗng rang, dị thoát cao siêu, soi khắp vũ trụ nhân sinh, Tiên Thần, Tam Giới. Nếu là bậc Tu Thiền thời Thần Thức di chuyển cùng khắp mười phương, qua từng Cảnh Giới cốt để tỏ ngộ, Thần Thức chính là một Nguồn Mê, dễ dàng đưa cho bậc tu hành lầm tưởng mà Thọ Chấp, ngỡ mình thành Phật, thành Tiên cao cống Tự Ngã. Do lẽ ấy nên Phật căn dặn: “ Nếu chấp nhận mình Sở Đắc thì chẳng Đắc”. Vì sao? Vì Sở Đắc Định Tưởng đương nhiên bị lầm từ THẦN THỨC trở thành NGHIỆP THỨC chấp trụ. Các Ông thấy Ngộ là yếu tố nguy hại của sự lầm nhận chưa? Chúng tôi đồng thưa:

Kính bạch ĐỨC TĂNG CHỦ, thật nguy hại, nếu trong thời Chuyển Thức, chẳng có Bậc CHỈ ĐẠO thì chúng con rất dễ lầm nhận. ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ gật đầu dạy tiếp:

Nói về THẦN THỨC nó có Bổn Tánh rổng rang lung lạc tùy thuận theo ưa thích nó liền đưa đến suy tưởng như ý nguyện. Nó lại di chuyển Đồng Ứng làm cho bậc tu thích thú vui vẻ hỷ lạc mà lầm nhận, vì Bổn Tánh nó như vậy, nên Bồ Tát thường dùng Thần Thức làm nơi an vui trong chốc lát Đạo tràng, Bồ Tát không Thọ Chấp.

Bậc Thiền Tọa gặp lúc Thần Thức dồi dào thường khi xuất thần đi vào các Cảnh Giới du hành. Lối xuất Thần này có hai lối khác nhau. Thế nào là khác nhau?

Bậc nương theo Thức, lúc Xuất Thần vào Cảnh Giới BIẾT ĐÓ CHÍNH LÀ NGUỒN MÊ CỦA DIỄN CẢNH, nên KHÔNG CỐ ĐỊNH CHẤP TRỤ để thụ thai vướng vào Nghiệp Thức Cảnh Giới. Còn bậc tu NHIẾP THU THỨC thường dung dưỡng Thần Thức, lúc Xuất Thần liền huân tập Nhiếp Thâu để THỤ THAI NƠI ĐỊNH TƯỞNG MÀ CHẤP TRỤ, tu đến thành tựu liền bị an trụ.

Các Ông nên nhớ kỹ, Thần Thức nếu nương theo để tỏ ngộ Sở Đắc PHÁP THÂN, thật yếu tố quan trọng, bằng Sở Chấp, Sở Trụ liền bị Tu Chứng đến mức trụ mà thôi, theo như lời Tôi đã nói trên.

Còn về phần Ý THỨC, Ý Thức bổn lai của Ý Thức năng phân, nếu chấp thì bị biệt, lại năng tách, nếu thụ thì bị biết. Nó đo lường tỉ mỉ từng môn, từng tướng, từng hạt cát đến Vũ Trụ không thiếu sót. Bậc tu biết nó như thế, phải nương theo nó lập Đạo Hạnh, xem xét tỉ mỉ thật biết, nó chính là một cơ bản Tướng Phần Hạnh Nguyện thành tựu SẮC THÂN TƯỚNG PHẬT, Tịnh Độ Niết Bàn, Trang Nghiêm Cõi Phật, không thiếu sót Cảnh Giới, Từ Chư Thiên an hưởng hoan lạc, đến Phàm Phu tu cầu Phước Báo giàu sang. Cái giá trị kiểm kê của Ý Thức đối với Bậc Giác Ngộ nó như vậy, Bậc tu phải nương theo để thành tựu, bằng chưa biết dụng nó làm một quan điểm duy nhất để tu như nghiên cứu từng văn tự, ép xác, Đạo Hạnh cố định, tỉ mỉ Thọ Chấp thật khó tu. Đối với Ý Thức, mang nặng thì Phàm Phu nhỏ nhen eo hẹp, mà bỏ nó ra thì Phi Đạo buông lung Tà Kiến. Vì sự hệ trọng và ích lợi của nó như thế nên Phật căn dặn ĐỨC TRÍ TƯƠNG SONG. Vì sao?

Vì Ý Thức tạo Đức, Thần-Thức phát HUỆ. Ý Thức là PHÁP ĐỊNH, Thần Thức là PHÁP HUỆ, Ý Thức là ỨNG THÂN, Thần Thức PHÁP THÂN, các Ông nên nhớ kỹ. Ngài dạy đến đây, hớp một chung trà của Tín Chúng vừa dâng. Ngài dạy tiếp:

Còn đối với NGHIỆP THỨC, là một Nguồn Mê Thọ Chấp dừng trụ, Nghiệp Thức cũng gọi là Chấp Pháp, nếu một bên tu Đạo Hạnh hay một bên tu Trí Tuệ phá chấp để mà chấp, hai bên vẫn nằm nơi Nghiệp Thức, và Tọa Thiền Xuất Định để an trụ nơi Thiền Định, vẫn là Nghiệp Thức. Nói ra đây để các Ông nhận lãnh hiểu biết làm gương đo lường soi biết chớ không thể diễn giãi cho hết Nghiệp Thức trong giai đoạn Chấp Thủ.

Các Ông nên thịnh trọng nhớ kỹ thời Giáo Ngôn này, đồng lưu ý chú niệm TỨ THỜI NGUỒN MÊ, nó quan hệ nhất là thời hai về THỨC, làm cho các Bậc tu lẫn lộn, tự sanh hồ nghi bất tín trước Thần Thức buông lung, Ý Thức phân biệt hai đường một lối nan giãi, phải bị Nghiệp Thức chấp thủ mà sanh lòng ngạo mạn, Tâm sanh khinh mạn Chân Truyền Bảo Pháp cho rằng CHÂN LÝ NÓ CŨNG THIỆT MÀ NÓ CŨNG GIẢ. Do đó lúc tu sanh tâm Bất Tín tự hào, trở thành bừa bãi, tăng thượng đối với Bậc Chỉ Đạo, mất Tôn Kính. Chính chẳng phải do các Ông, do tu chưa chu đáo, giai đoạn Thức Nguồn Mê chưa hiểu biết tí nào, nên Thức chuyển đảo điên, lầm ngỡ rằng mình nhận đúng Chánh Đạo.

Đối với giai đoạn thời hai Nguồn Mê thuộc về THỨC, nó có lợi cho bậc nương theo VÔ NGÃ để rốt ráo nguồn Sanh Tử, tận tận Chủng Tánh Khởi Sanh, thật biết Pháp Giới Thọ Chấp, tỏ rõ TAM THẾ NHƯ LAI cung kính nghiêng mình Hạnh Nguyện, tránh né Thọ Chấp Tiên Thần, nó chẳng khác :

NGỌN ĐUỐC SÁNG SOI, NẾU VÔ TÌNH THỌ CHẤP MỪNG RỠ NÉM ĐUỐC BỊ CHÁY RỪNG, TẮT ĐUỐC TẠO VÔ MINH, THÌ PHẢI CHỊU CHÁY, CHỊU KẸT TRONG HANG SÂU RỪNG THẲM VẬY.

Khi bậc tu đi qua hai giai đoạn giải Nguồn Mê NGHIỆP và THỨC, thì bắt đầu Thanh Tịnh Tỏ Ngộ, Tự Tại Vô Ngại Dung Thông, biết lượng theo Thời Nghi mà Giải nói, biết từng Khởi Sanh của kẻ tu mà chỉ bày, trên Cung Kính CHÍ TÔN, dưới kiểm soi giúp đỡ, không còn lề lối ngạo mạn bừa bãi, đem Thời Pháp diễn giải đúng chổ phá Mê Lầm, chẳng Tự Ngã khoe khoang, thường Xuất Định giao du các cõi, lúc trả về chẳng vướng mắc vương mang. Lúc bấy giờ mới xét soi TỰ TÁNH để HÀNH THÂM BÁT NHÃ soi từng bậc, từng Cảnh Giới, từng Tam Thiên, từng Lý Sự di chuyển kết hợp diễn hóa tạo thành Cảnh Giới, tạo thành Quốc Độ Tịnh Độ muôn phương. Bậc này biết tỏ rõ, biết tỉ mỉ Nghiệp Sanh, Nghiệp Khởi, Nghiệp Trụ, Nghiệp Chấp, Thức chuyển, Thức Xuất, Thức Sanh, Thức Báo, Tự Tại ra vào VIÊN GIÁC như kẻ nguyện trú TAM BẢO để THỀ NGUYỆN HỌC. Bằng Thức chưa thông đạt, thân tâm liền chưa thoải mái, Lý hãy còn Chướng, Sự thì ngăn ngại cho nó thế nọ, nó thế kia, Trí vẫn vơ, lòng nghi ngại ngớ ngẫn tìm lối giải trong vòng lẩn quẩn áy náy. Như thế bậc tu hành cần phải tu nữa chớ vội thọ chấp rất nguy hại vô cùng. Khi Bồ Tát rốt ráo về Giai đoạn này mới thưa gởi ĐỨC THẾ TÔN rằng: CON KHÔNG CÒN LẤY MỘT NGHI. ĐỨC THẾ TÔN nói: Phải phải, lúc vọng động đảo điên sạch sẽ rốt ráo nó đâu còn Nghi để mà Nghi.

Khi trưởng thành trọn vẹn, giải trọn vẹn Nguồn Mê về TÁNH trong Thời Ba thì đương nhiên TỰ TÁNH PHỔ CHIẾU Sở Đắc các Pháp Thần Thông Tam Muội như Du Hí Thần Thông Tam Muội, Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội, Chánh Định Tam Muội, cùng các Pháp Thần Thông Tam Muội khác vô kể, vô kể. Vì sao? Vì Bổn Tánh Tự Tại Vô Ngại Đại Bi của Bồ Tát hành dụng. Do lẽ ấy Phật nói: Con mắt Phật không thể nào soi khắp Hành Dụng của các Chư Bồ Tát đặng nên không thể diễn nói hết trong thời Giáo Ngôn này.

Lúc bấy giờ Bồ Tát trưởng thành Đại Bồ Tát thường dùng THƯỜNG TỊCH QUANG để cung kính NHƯ LAI, thường dùng DIỆU ÂM QUANG để đãnh lễ Chư PHẬT, thường dùng KIM SẮC QUANG đặng trang chỉnh QUỐC ĐỘ, thường dùng DIỆU SANH QUANG để CỨU ĐỘ CHÚNG SANH, làm cho tất cả Thường An, Thường Lạc. Đó chính là Bổn Nguyện Tự Tánh.

Đến giai đoạn thời tư tức là Tứ Thời Nguồn Mê, giai đoạn này thật là giai đoạn quá kể, nhưng vì mở màn để giải Nguồn Mê nên Tôi diễn nói để các Ông tự liệu từ đời này làm một CHỈ ĐẠO CHÂN TÂM để mà tu cho khỏi sai lạc, làm cho Chánh Pháp trường cửu chẳng suy đồi. ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ Ngài dạy đến đây, bảo Tứ Chúng đãnh lễ nơi Chánh Điện, đâu đó xong, ngồi lại một bên. Ngài dạy tiếp:

Khi ba thời đã hoàn tất Nguồn Mê, đến thời thứ tư thuộc về TÂM, bước qua giai đoạn Tâm, thì CHÂN TÂM CHÁNH GIÁC Thị Hiện Viên Tịch, Viên Dung. Chỉ mỗi một gật đầu chấp thuận thì thay đổi Tam Thiên Ô Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sanh Trược thảy đều trở thành Tịnh Độ Trang Nghiêm. Một lời nói một nụ cười, Chân Đệ Tử Thọ Lãnh thì liền TRI KIẾN GIẢI THOÁT, Tự Tại Vô Ngại Muôn phương. "Mỗi một khơi móng tay, mỗi một lần xét đến thì dù cho Chân Đệ Tử bị Ma Ba Tuần nhiễm hại cũng phải rời rã tay chân, không còn quấy nhiễu. Thật quá kể quá kể, bậc Tứ Thời rốt ráo CHÂN TÂM CHÁNH GIÁC VIÊN MINH, không thể nào Tán Thán hết. Chỉ có Công Đức Phụng Hành, Tin Vâng trọn là Cúng Dường BẢO PHẨM thôi”.

Khi ghi chép xong, chúng tôi không biết nói gì hơn trong thời Giáo Ngôn này để tỏ Chân Thành xưng tán ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ cho vừa, không ai bảo ai đồng quỳ trước Ngài Chiêm Ngưỡng Lễ Bái thưa thỉnh:

“Kính bạch ĐỨC TĂNG CHỦ, Ngài đã vì lòng thương chúng con từ đời này đến đời sau làm một CẨM NANG CHỈ ĐẠO CHÂN TÔN để tu. Vậy chúng con xin Phụng Hành trước Ngài để Phụng Thỉnh từ Chân Tâm Chí Thành của các con lưu truyền đến Chân Tâm Chí Thành của các Bậc khác, gìn giữ Phụng Hành bất diệt.
Chúng con xin Ngài dủ lòng thương cho chúng con đặng tỏ rõ Thời Pháp này là thời hiệu chi để cho tất cả Phụng Trì?”

ĐỨC TĂNG CHỦ dạy: “Thời Giáo Ngôn này gọi là CẨM NANG CHỈ ĐẠO CHÂN TÔN. Nói lên cái MÊ nó không gốc.”

Chúng tôi đảnh lễ Phụng Hành.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN

Long Hoa hội Thượng ngày 24 tháng 7 năm Giáp Dần
- Di Như “Phụng ghi để phổ truyền”