–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

9. TỈ DỤ: VỀ CÂU CHUYỆN THẰNG CHĂN TRÂU

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15388)
9. TỈ DỤ: VỀ CÂU CHUYỆN THẰNG CHĂN TRÂU
Buổi sáng tinh sương ngày mùng 7 tháng 4 năm Giáp Dần, tôi về vấn an ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ trong thời Ngài đang dưỡng bệnh, trước sự hiện diện của ông Tôn Giả Pháp Khả. Ngài kêu tôi lại gần kể cho nghe câu chuyện “Thằng Chăn Trâu” để phương tiện chỉ vào con đường của bậc tu và kẻ chưa tu nó hơn nhau thế nào?

● Khi bậc tu chưa nhận định được, chưa biết được giá trị của mình.

● Lúc bậc tu đã nhận định được, thì mới biết được mình và kẻ chưa tu, cái giá trị nó hơn nhau gấp vạn lần như thế.

Lúc kể xong, Ngài bảo tôi cầm bút phụng ghi thời Giáo Ngôn Ngài đã dạy. Ngài nói:

–Ông Pháp Tràng, ông cũng nên biết những bậc tu lắm khi tự mình nghi lấy mình không tiến bộ. Có lắm lúc tự nhận lấy mình không kết quả, nó làm cho bậc tu phân vân không lãnh được Bảo Pháp. Nó mơ màng hoang mang không biết được công năng tu tập của mình. Vì sao? Vì mình đang còn nghi chấp dẫy đầy, hoang mang đủ cách, mơ màng đủ điều. Do sự nghi ngờ mơ màng ấy mà nó làm cho bậc tu không tìm được lối thoát ngay chính bản thân mình thì thử hỏi làm sao mà độ thoát Tam Thiên cho đặng.

–Ông Pháp Tràng, ông cũng nên biết có bậc tu từ 5 đến 10 năm khi ra đường dạo cảnh gặp một người bạn đồng hương nói qua một câu chuyện hay ho, làm cho bậc tu phải suy nghĩ rằng mình tu từ 5 năm hay 10 năm cũng đồng giai cấp với người bạn. Có khi bậc tu, tu hằng hai, ba chục năm cũng đều gặp hoàn cảnh tương tự như thế. Do tại sao? Do tại chưa đầy đủ Giác Nguyên trùm khắp nên mới có tình trạng trên. Nếu bậc tu biết suy nhận trong một khắc đồng hồ thôi thì mới biết rằng người bạn ấy chỉ biết có một mà ta đã biết một trăm vạn lần hơn. Đó là những yếu tố ấn định cho tất cả bậc tu được biết mình và biết người. Ngài liền kể câu chuyện “Thằng chăn Trâu” dưới đây. Tôi trầm ngâm để thọ lãnh và phụng ghi.

Ngài dạy:

–Ông Pháp Tràng, ông cũng nên biết có một bậc ở trong một làng xa xôi hẻo lánh quyết chí du hành để tìm Chân Lý. Bậc ấy sắm sửa hành trang ra đi, lúc qua khỏi cổng làng đến ngã tư gặp một Thằng chăn trâu hỏi: Ông đi đâu? Bậc ấy nói: Ta đi du hành cho biết đó đây. Thằng chăn trâu mỉm cười. Bậc du hành vẫn đi thong thả cùng khắp đó đây để học khôn dại hiểu biết. Khi đã tỏ biết rành mạch, đã đi trên vạn đường muôn lối. Lúc về làng đến chốn cũ vẫn gặp lại thằng chăn trâu, thằng chăn trâu mỉm cười như trước, thì thử hỏi bậc tu ra đi lúc trở về có khác hơn thằng chăn trâu ở những điểm gì hay không?

Tôi bèn chắp tay thưa thỉnh:

–Kính bạch ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ, đối với quãng đường trước thì nó không khác nhưng đối với bậc đã ra đi hưởng thụ biết bao nhiêu cái khác của sự hiểu biết đó đây. Lúc bấy giờ ĐỨC TĂNG CHỦ gật đầu khen đúng.

Ngài dạy: –Ông Pháp Tràng, ông nên biết có người họ nói rằng Đạo Phật không ngoài làm THIỆN chứ chưa biết làm TOÀN THIỆN. Có bậc họ nói ĐỨC chứ chưa có TỪ, BI, HỶ, XẢ trùm khắp để tạo cái ĐỨC hoàn mỹ. Lại có người họ nói có tu cũng chết mà không tu cũng chết, chỉ dùng trong cái sống để hưởng trong cái sống hiện tại. Tuy họ nói thế, nhưng chính họ cũng chưa tìm được cái sống của hiện tại và cũng chưa biết cái chết của ngày mai.

Đối với bậc tu có một lối sống thoải mái bất diệt, có một lối đi, về NHẬP-DIỆT của tương lai. Tôi nói ra đây để các ông biết có làm mới có đặng, có tu mới có đến, chứ không làm mà lấy cái Ý Chí thẩm xét thì nó sai muôn trùng vạn cách. Cũng như thằng chăn trâu kia nó chỉ biết có một ngã tư của nó đứng, chứ nó có ngờ đâu trong vạn lối để đi không lạc nẻo. Bằng đem thằng chăn trâu mà thả vào lối của kẻ đã đi thì chắc chắn thằng chăn trâu nó lạc hướng muôn điều.

Đối với sự tu hành từ phàm phu đến chư Thánh chỉ có hơn ở chổ Giác và Mê. Khi mà kẻ chưa giác đang còn mê thì nói chuyện với kẻ mê cũng đồng hóa ra mê theo kẻ mê ấy. Lúc đã thật Giác có một cơ bản hoàn mỹ thì dù có nghe cái mê của kẻ đang mê nói hay ho chăng thì nó vẫn là một ngã tư của triệu ngã tư khác. Nên chi người tu cần phải cho rốt ráo thật biết khỏi lầm với mê thì quyết định biết cái mê kia nó đang cố thủ của một chỗ đứng. Có như thế nên Phật thường dạy chư Bồ Tát “trụ mà không trụ là hạnh nguyện của Bồ Tát” để Bồ Tát năng sở chứng tri của một cái mê đặng thoát mê của một lối nói. Khi mà Bồ Tát đã đạt đến một khuôn cảnh Mê Chấp, Bồ Tát không dính mắc đặng hoàn chân.

Lại nữa, Bồ Tát đi qua ngàn vạn Pháp Giới diễn cảnh, trụ mà không trụ để thâm nhập Pháp Giới đặng biết rõ chứng tu mà hoàn chân Tu Chứng. Vì lẽ ấy, thành thử Bồ Tát nguyện mới hăng say để tạo Công Đức Chánh Giác vậy. Ngài dứt lời.

Lúc bấy giờ ông Tôn Giả Pháp Khả cùng tôi đồng thấy như được Ngài trao thêm cho những cái chìa khóa và chỉ dẫn cho những cái chốt đóng mở của tòa lâu đài Bảo Pháp. Chúng tôi đồng cung kính tán thán, nghiêng mình đảnh lễ ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ.

BAN HỘ ĐẠO LONG HOA HỘI THƯỢNG
"Phụng Ghi Để Phổ Truyền"
Ngày 7 tháng 4 năm Giáp Dần