- 1. LÀM THẾ NÀO GIÁO MÔN KHỎI BỊ DIỆT VONG
- 2. MƯỜI DANH HIỆU PHẬT
- 3. ĐẮP XÂY TƯỢNG ĐÔNG ĐỘ
- 4. ĐẠO PHẬT
- 5. VỀ VẤN ĐỀ THAM SÂN SI
- 6. VỀ VẤN ĐỀ TỶ DỤ
- 7. SỰ TU HÀNH
- 8. SỰ LẦM LẪN DO QUAN NIỆM SAI
- 9. TỈ DỤ: VỀ CÂU CHUYỆN THẰNG CHĂN TRÂU
- 10. SỰ MÊ CHẤP, LẦM LẪN DO BẢO THỦ CÁ TÁNH
- 11. TỰ HOAN HỶ TÁN THÁN
- 12. VỀ VẤN ĐỀ NGỒI THIỀN TỰ CHỦ
- 13. THƯỜNG NHIỄM
- 14. LẦM MÊ CHỊU PHÁP TRIỀN MIÊN...
- 15. Ý TRÍ và LÝ TRÍ
- 16. NẾU BIẾT TUỒNG ĐỜI LÀ NHƯ THẾ...
- 17. TỪ TÍN NGƯỠNG ĐẾN THÀNH TÂM
- 18. ĐẠO PHẬT CHÍNH THẬT SIÊU ĐẲNG
- 19. NÓI VỀ VẤN ĐỀ PHÁP GIỚI
- 20. HUẤN TỪ CẦU ĐẠO
- 21. QUYỀN HẠN QUYỀN LỢI CỦA BẬC TU
- 22. ĐẠO PHẬT BẢO PHÁP BẤT DIỆT
- 23. CÁI MÊ CHÍNH NÓ KHÔNG GỐC
- 24. ĐẠO PHẬT TU TÂM CỐT GIÁC TÂM
- 25. VỀ PHẨM TU TÂM, trích từ BẢO PHẨM XUẤT THẾ CHƠN KINH
- 26. LỤC-BA-LA MẬT-ĐA NHIẾP ĐỘ LỤC-ĐẠO
- 27. SỰ TU HÀNH KHÓ MÀ KHÔNG KHÓ...
- 28. ĐẠO PHẨM
- 29. CHẤP TRƯỚC ĐƯƠNG SINH THỌ NGÃ
Do chương trình thường lệ nên chi tại Trung Ương Hội Thượng yên tĩnh hơn ngày thường, duy chỉ có hàng Tín Tâm Tôn Giả hoặc Giáo Pháp hay các bậc mến đạo, say đạo, quý đạo tu không nhàm chán thường về vãng lai Trung Ương chẳng thiếu sót. Các bậc nầy đã từng hiểu biết giá trị Chân Lý Bảo Pháp, đã từng gần gũi đức Tăng Chủ để thọ lãnh lời chỉ giáo không biếng trễ, nên chi ngày nào vẫn tu trì Tinh Tấn bất chuyển.
Vào đêm 27 tháng mười hai, lúc 9 giờ tối, tôi về Trung Ương trước sự hiện diện gồm có: Ông Pháp Sử, Pháp Tràng, Pháp Bang, bà Pháp Tướng, Pháp Tùng, ông Pháp Hậu, Tạng Bửu, Tạng Nguyên, bà Tạng Trình, ông Tạng Bền, Tạng Dụng, bà Diệu Thái cùng nhau đàm luận thân hữu thích thú an lành, lại hứa hẹn thăm viếng dịp Tết đến buổi đầu Xuân.
Bỗng nhiên đức Tăng Chủ từ Tịnh Thất bước ra, chúng tôi lễ bái xong, không như thường lệ Ngài đồng ngồi chung với Tứ Chúng, êm lặng đầy cảm mến, chốc lát Ngài dạy:
– “Nầy các ông, tôi nhận thấy các ông thích sống về đạo, ưa vui với đạo, lấy đạo làm nguồn sữa yên lành, làm nơi an nghỉ, nên hôm nay tôi vì các ông để nói lên những kẻ tu tập bị biếng trễ, những bậc cầu Đạo Vô Thượng tu không trọn là do CHẤP TRƯỚC ĐƯƠNG SINH THỌ NGÃ. Chấp trước chính là một vấn đề ngăn đón từng lớp lang thứ bậc thọ ngã an trụ vậy, hiện giờ tôi dùng phương tiện như thế nầy để chỉ cho các ông nhận thấy thế nào là Chấp Trước Đương Sinh Thọ Ngã.”
Ngài nói xong lần lượt hỏi từng bậc, mỗi vị đều thưa thỉnh trường hợp ấn tượng phát sinh quan niệm làm cho sự tu hành bê trễ, khi kể xong, chúng tôi nhận thấy rõ được do nghiệp thức động vọng khởi sinh quan niệm nghi chấp, gọi là Chấp Trước, thật khó tu, khó tiến bộ bởi ngăn cách. Đức Tăng Chủ Ngài hỏi vị sau cùng là ông Pháp Sử đứng ra trình bày thưa thỉnh:
– Bạch Đức Tăng Chủ, con gặp đặng Ngài, con chưa nhận định được chi cả, chỉ quan điểm duy nhất là Chiêm Ngưỡng Lễ Bái, cầu vái chư Phật, chư Long Thần Hộ Pháp. Vì như thế, nên con ít lưu tâm, kém chú trọng về Giáo Lý, do đó kém sự học hỏi, trí tuệ mơ màng, chỉ nhất tâm cầu thỉnh là hơn cả. Đến một hôm con nghe Ngài khai thị trong ngày lễ sinh hoạt rằng:
“Các ông cũng nên biết, dù cho các ông có tu trì lễ bái cầu vái van xin hay trường trai dùng toàn hoa quả chăng nữa, tu như thế từ một kiếp đến trăm kiếp mà chưa sáng soi ĐỐ TẬT, chưa tu sửa nghiệp thức trái ngang để giải phá VÔ MINH, thời như chưa có một ngày tu.” Con nghe đặng lời ấy, thế rồi con bắt đầu thường về nghe Giáo Lý."
Có một hôm, con tự kiểm điểm nhận thấy sự tiến bộ về sửa tánh, sự thư thả nhờ Cổi Giải Tâm, con từng kiểm kê căn nghiệp đảo loạn của con, từng phát sinh trước nghịch pháp, con giải tỏa được nương nhờ nơi đó tiến bộ đương sinh con thương Ngài. Con nhận thấy Ngài Chỉ Đạo dạy cho chúng con không dục lợi cầu báo chi cả, nhưng phần Ngài thì thiếu thốn, còn con thì nghèo, nếu con gần Ngài thêm hao sức nơi Ngài, con cứ nghĩ như thế một thời gian tâm con thờ ơ, lòng con chê chán bãi bỏ công phu, lăn lộn theo sự sống mải mê bê trễ. Một hôm, con nghe Ngài nhắc đến con, tựa như làn mật cảm thân yêu trìu mến, con vội vã về, Ngài hỏi, con thưa lên nỗi lòng viễn tượng của con cùng sự e thẹn chẳng có chi đền đáp ơn Ngài. Ngài nói:
“Kể ra ông biết nghĩ đến tôi cũng tốt, nhưng tốt hơn hết là ông phải đào tạo Trí Tuệ tu đến Tri Kiến Giải Thoát, đó chính là ông đền đáp ơn tôi. Ông chớ vì một chuyện nhỏ mà phí bỏ việc lớn thời gian gặp tôi chỉ đạo.”
Con nghe xong, phá giải đặng ấn tượng quan niệm, đến nay con mới biết đặng được gần Ngài thật quý vô giá khó nghĩ bàn, dù con có tu cách mấy chăng chính con tự tạo Vô Minh Thọ Ngã.
Thưa thỉnh xong, ông Pháp Sử ngồi về một phía.
Đức Tăng Chủ trầm ngâm chốc lát, Ngài dạy: “Nầy các ông, các ông đã từng nghe, mỗi vị trình bày mỗi diễn cảnh, ấn tượng bất đồng tâm khởi sinh Nghi vội Chấp hoặc đương nhiên động vọng trở thành CHẤP TRƯỚC làm cho bê trễ hay ngăn trở tu hành.
Nói đến chấp trước, nó có rất nhiều trường hợp, tùy theo sự ngăn chấp nhiều ít của mỗi vị, nhưng chung quy do tâm khởi động vọng tựa như nghịch ý mà thành, nó chỉ có hai đường nói được, một là tiến bộ khởi duyên tu không ngừng, hai là Thoái Chuyển làm cho bê trễ ngăn cách đoạn duyên Chấp Trước Thọ Ngã. Khi các ông đã nhận biết sự phân định Chấp Trước bất lợi thì các ông phải hóa giải, cốt cho đặng trơn liền để đoạt đến mục đích rốt ráo, đó gọi là NGHI CHẤP GIẢI CHẤP, các chư Tổ cùng chư Bồ Tát vẫn thường dụng con đường duy nhất ấy, nên Bồ Tát nói: “CHỚ SỢ NGHI, CHỈ SỢ KHÔNG GIẢI NỔI NGHI.”
Đối với thường trụ hay chấp trước chẳng phải do đâu mà có, do Nghiêp Thức trót lầm mê mà thường có khởi sanh khởi diệt, chưa đặng biết được nó nên thọ chấp trở thành Nghiệp, nghiệp càng nặng bao nhiêu thì sự khắc biệt Chấp Trước bấy nhiêu. Nếu bậc tu hành đã biết nơi khởi sanh diệt thọ chấp nguy hại thì đương nhiên phá giải, cốt Chân Thiện hoàn lai.
Các ông cũng nên biết, tại sao lại có từng lớp lang thứ bậc như phàm phu đến Thiên, Tiên Thần cùng Thánh Tăng? Do nơi lầm mê vội chấp cầu mong mà thành Tiên Thần, Thiên, Phàm phu, còn đoạt đến bậc Thánh Tăng thời phải tu môn Nghi Chấp Giải Chấp rốt ráo thành Thánh Tăng.
Tôi nói ra đây các ông nên ghi nhớ. Nếu Phàm Phu gặp đặng vị Thánh tăng chỉ dạy cho phàm phu, thời vị này phải giảng giải chỉ dạy tận tường cốt làm thế nào đưa Phàm Phu qua từng lớp lang Nghi Chấp Giải Chấp, đến chừng nào tỏ thông vạn chấp của phàm phu, của Tiên Thần, của chư Thiên khỏi nghi hết chấp mà rốt ráo hoàn mỹ Chánh Giác.
Bằng Phàm Phu có Tâm Chí nhỏ nhen vị kỷ keo kiệt gặp đặng bậc Thiên, thì vị nầy sẽ chỉ dạy cho Phàm Phu quảng đại Bố Thí, đi đứng khoát đạt, ăn nói chững chạc, Tâm Chí cao thượng đến mức thành tựu chư Thiên.
Nếu Phàm Phu gặp đặng Tiên hoặc Thần thì các vị này sẽ dạy thanh cao tinh khiết, xa lánh ô trược, uế trược nơi phàm phu để tu luyện. Còn gặp phải Ngoại Đạo, Tà Giáo thì dạy Tế Tự Sát Sanh, Bùa Ngải, luyện Gồng, luyện thân thể trở nên dao chém không đứt, gậy đập không chuyển mà thành tựu y như sở cầu của bậc chỉ dạy đó, duy chỉ có Phật Đạo, bậc Thánh Tăng mới dạy giải mê lướt qua các khởi vọng nghi ngờ chấp trước cốt thành đạt rốt ráo hoàn mỹ chánh giác. Đó chính yếu điểm ngôn từ chân giác vậy.”
Đức Tăng Chủ dạy đến đây, Ngài dùng chung trà xong nói tiếp:
“Nầy các ông, các ông đã nhận biết mỗi giáo môn đều có vị Chỉ Đạo đưa Tín Chúng đoạt đến đích, thì mỗi một bậc có trình độ hiểu biết hơn Người, đưa cho con người đến trình độ của mình không hơn kém. Mỗi một ông Giáo dạy cho học trò thời chỉ đưa cho học trò ấy đến sức học của mình. Đối với Pháp Môn Tối Thượng gặp bậc Chánh Giác vốn có mục đích duy nhất đưa Tứ Chúng nhiếp thâu vạn vạn môn thật tỏ rõ từng môn, từng chấp trước của các bậc lầm lẫn, chính mình chẳng còn lầm mà chánh giác hoàn mỹ.
Khi các ông nhận định làm thế nào để thấu tỏ sự lìa chấp từng lúc, từng hồi, các ông khỏi vướng vào chấp ngăn ấy là các ông đã nhiếp độ, nếu nhiếp độ từ một đến bá thiên vạn nhiếp, đương nhiên chính mình chủ hóa trí tuệ của mình, chính mình tự giải mê lầm mà chủ hóa cho mình từ phàm phu trở thành Hóa Thân chánh giác. Cũng như kẻ học trò, ban sơ học lớp Một, kẻ ấy kiên trì học mãi không ngừng cho đến thành tài Bác Học hay Kỹ Sư chẳng hạn, đối với con đường lìa chấp tỏ rõ sự ngăn chấp làm cho mình khỏi lầm nơi chấp đoạt đến toàn giác cũng thế.
Nói về Tu Phật, Pháp Môn Giải Thoát tức nhiên ra khỏi sự lầm mê, các bậc tu phải tỏ rõ tất cả nguồn mê chấp, nếu sở cầu giải mê phải tu cho đầy đủ các môn mê chấp, nương nhờ nơi các môn MÊ ấy mới giải thoát, bằng chẳng như thế thì khó bề giải thoát. Các ông nghe tôi nói như thế, các ông nghĩ thế nào? Nếu các ông còn đang nghi ngờ vọng loạn, các ông chấp nơi vọng loạn là thật thể, thì thử hỏi các ông đã rốt ráo thực thể chưa?”
Lúc bấy giờ tất cả Tứ Chúng đồng thưa:
“Bạch Đức Tăng Chủ, không bao giờ rốt ráo. Vì sao? Vì CÒN NGHI THỜI CÒN CHẤP.”
Ngài gật đầu, dạy tiếp:
“Các ông hãy nghe tôi nói, tình trạng chung của các bậc Chỉ Đạo trên con đường Giải Thoát, tình trạng nầy tất cả bậc Chỉ Đạo Tối Thượng thảy đều hứng chịu, càng Chỉ Đạo rốt ráo bao nhiêu càng chịu đựng với sự nghi ngờ Chấp Trước của các ông bấy nhiêu, chừng nào các ông khỏi nghi thì các ông hết chấp, chừng ấy mới là Báo Ân cho bậc Chỉ Đạo, nếu các ông còn nghi đang chấp thì các ông chớ vội cho mình đã báo ân, đó chính là lời chân tình ngày hôm nay tôi nói ra đây.”
Lúc bấy giờ Đức Tăng Chủ Ngài nói đến đây, Ngài nhìn về xa xăm in tuồng chiêm ngưỡng chư Phật thời quá khứ, Ngài bảo đốt nén hương nơi Chánh Điện, Ngài dạy:
“Kể từ Đức Bổn Sư Chỉ Đạo, Ngài đem Pháp Môn Tối Thượng ban hành Tri Kiến Giải Thoát. Ngài đã chịu tất cả các Giáo Môn từ bên ngoài bài bác, phần thì bên trong chư đệ tử khó tin Ngài chỉ đạo Giải Thoát, Ngài phải tùy theo nguyện vọng sở nghi của tất cả giải bày, dụng tất cả lòng tham cầu mong muốn theo động vọng Tiên Thần mà diễn giải gần 40 năm, sau có nhiều bậc lãnh hội tinh thần Giải Thoát soi biết rõ Nghiệp Thức hay chấp, thường chấp, lần lượt lướt qua từng Chấp Trước mà trơn liền Giác Ngộ, đến khi Ngài nhập Niết Bàn mới thiết tha mong nhớ thì cớ sự đã an bài.
Đến giai đoạn các vị Tổ thừa kế Chỉ Đạo thì chư đệ tử nào có Tin là Tổ. Cũng chưa Tin được sự Giác của chư Tổ, nó vẫn tái diễn không khác mấy với đức Bổn Sư ngày trước, cho đến ngày hôm nay tôi ngồi trước mặt các ông, tôi vẫn Chỉ Đạo với một Mục Đích, tôi vẫn chịu những gì mà ngàn xưa đã chịu, tôi vẫn bị nghi những gì mà ngàn xưa đã nghi, tôi vẫn giải những gì mà ngàn xưa đã giải không hơn kém tí nào cả, chính tôi đã biết nó như thế nên tôi rất tự tại vô ngại, tôi chỉ phụng sự Đại Bi, do tôi phụng sự Đại Bi mà giảng nói thời Giáo Ngôn bất nhị nầy chủ yếu các ông đời này và đời sau phá giải chấp trước làm bước tiến Giải Thoát, bằng chẳng phá giải, để Chấp Trước Đương Sinh Thọ Ngã, tu chưa rốt ráo thời lỗi ấy do các ông tạo thành chớ bậc Chỉ Đạo không chịu trách nhiệm.”
Ngài dạy xong, chúng tôi đồng lễ bái phụng hành phổ biến. Thật là một Giáo Ngôn tuyệt mỹ, Ngài đã dủ lòng Đại Bi nói lên các Thời Chỉ Đạo khai thị tỏ rõ những gì mà Tứ Chúng đã chấp trước đối với Ngài. Chúng tôi tự nghĩ những ê chề, những gì mà chúng tôi đã nghi chấp thọ chấp làm cho Ngài phải chịu lấy từng bậc nghi chấp, từng kẻ chấp nghi, từng người thọ chấp, không thể nào kể cho hết nông nổi của Nghiệp Thức tạo thành. Chúng tôi chẳng biết viết sao đây để tỏ lòng sám hối, chỉ mong tất cả quý Đạo Hữu, các bậc tu hành xem kỹ, nhớ kỹ giải chấp phá nghi khỏi vướng nơi Chấp Trước mới đền đáp đặng Tam Thế chư Phật, mới báo ân bậc Chỉ Đạo.
NAM MÔ TỊNH VƯƠNG PHẬT CHỨNG MINH
TÂM THÀNH TỨ CHÚNG LONG HOA HỘI THƯỢNG
Ngày 4 tháng 1 năm Ất Mão
Chân Phật Tử: Võ Văn Khoa
Pháp Danh: Pháp Khả
“Phụng ghi để phổ truyền”