–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

16. THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 14174)
16. THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG
THỰC TƯỚNG và VÔ TƯỚNG chính là một pháp tương đối để các bậc tu hành giải quyết lấy một bên hoặc chung gồm mà tỏ ngộ do đó nên chi có bậc nói ra thì kẻ nghe không vừa với mức độ tu tập của mình, hoặc giả chẳng vừa với sự ngăn chấp thành thử khó nghe để lãnh hội đặng, duy chỉ dùng công năng tu hành mới tỏ biết mà thôi. Pháp Thực Tướng Vô Tướng nó cũng là một trong các pháp phân định CÓ KHÔNG THẬT GIẢ vì vậy phải tùy theo công năng sở đắc. Khi đã có bậc Sở Đắc toàn giác đương nhiên liền Tự Giác Thực Tướng Vô Tướng dù cho có nghe hoặc chưa nghe vẫn thấu đạt được Thực Tướng Vô Tướng, Có cùng Không, Chân và Giả gọi pháp môn nầy là Pháp Môn Tam Muội

Bậc đã Sở Đắc đem ra diễn nói ẤN CHỨNG làm một điểm tựa cho Đạo Chúng để sau nầy khỏi lầm lẫn thọ chấp một bên CÓ hoặc KHÔNG, THỰC hay VÔ, mà sai lạc Chân Lý bị Chân Không Phi Phi Tưởng vậy.

Pháp Thực Tướng Vô Tướng với con đường tu hành TRUNG ĐẠO, chẳng khác mấy trên ngã ba đường của các bậc tu hành, làm cho các bậc tu hành phân vân, không biết đi con đường nào cho đúng với tinh thần Chân Lý để kết quả Tri Kiến Giải Thoát. Vì vậy rất nhiều bậc đang thời kỳ tu tập chưa rốt ráo tỏ thông gặp phải khi chấp Thực Tướng, lúc nhận Vô Tướng để làm mức tiến bộ tìm hiểu đến tận biết mà Giác Ngộ. Bậc như thế gọi là bậc đã tu trong con đường Trung Đạo.

Thứ nhất là đương thời nầy, ít dùng Công Năng hơn Lý Trí, ít thi hành Hạnh Nguyện để sát thật tự giác hơn là đem lòng tham vọng tưởng làm mục tiêu Tu Chứng cho mình, nên chi thường vấp phải có một bên để thọ chấp cố định về phần mình đã sở đắc, vì vậy cho nên thường hay tìm biện giải để bảo trì nơi thủ chấp, do đó nên thường tu tập một thời gian đâm ra Bất Tín Đạo Pháp Chân Lý trở thành nhiều xấu xa, nhiều đố tật gọi là tự tại vô ngại, nhưng ngược lại thâm tâm vẫn mơ màng không lối thoát.

Trong lúc bậc đã cố chấp quyết định tất cả các Pháp Tướng thảy đều chân thật Thực Tướng, liền nơi viễn cảnh tâm thức của bậc ấy nhận thấy in tuồng đúng với mục tiêu chân thật nơi mình, để công nhận Thực Tướng.

Có bậc lại chán chê nơi thực thể vì nhìn các pháp di chuyển không ngừng, huyển hóa chẳng thực, vì vậy gia công tu tập hiểu biết vạn pháp do Tâm Sanh, phân biệt bởi Tâm Thức, nương pháp để tỏ pháp mà sở đắc Chân Không, liền chấp KHÔNG an trụ, lấy pháp Bình Đẳng của Như Lai Pháp làm mục tiêu đứng nơi Vô Tướng thọ ngã cho đó chính, nên chi gia công biện giải quán Chân Không để tự tại vô ngại, vì vậy chỉ đứng có một bên Vô Tướng.

Bậc thứ ba lại đứng trung gian vì phân vân trong hai lối THỰC và VÔ, CÓ cùng KHÔNG chưa quyết đoán, bậc nầy thường hòa giải đọc tụng câu: NÓ CŨNG CÓ, MÀ NÓ CŨNG KHÔNG, hoặc câu: NÓ CŨNG THỰC TƯỚNG, MÀ NÓ CŨNG VÔ TƯỚNG, thật ra cũng chưa tỏ rõ đặng Chân Giác sự ứng dụng tác dụng rành mạch của hai pháp Thực Vô ra thế nào cả. Nếu bậc ấy tinh tiến, kiên dũng cho đầy đủ Hạnh Nguyện để Tự Giác, Giác Tha thời một thời gian liền ngộ, gọi là bậc biết tu trên con đường TRUNG ĐẠO vậy.

Ba lối giảng giải trên, trong bài Thực Tướng Vô Tướng và con đường Trung Đạo, phần nhiều các bậc tu hành đến ngã ba nầy khó tỏ ngộ. Nếu gặp đặng Ông Ma Ha Ca Diếp đã sở đắc THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG TAM MUỘI PHÁP MÔN mà đem ra giảng nói cũng chưa hẳn mấy ai Tin Vâng thọ lãnh Bảo Pháp này được, vì sao? Vì Tam Muội Pháp Môn, duy chỉ có đầy đủ công năng Tin Vâng Chánh Tín mới Sở Đắc, còn kỳ dư thảy đều thọ lãnh trên Ấn Chứng mà tu trì cho hết nghi chấp phân vân trong lý trí trên Hạnh Nguyện, chừng ấy mới quyết định mà toại nguyện.

Sau đây nói bậc đã chấp nhận Thực Tướng là đúng thời bậc ấy tìm đủ phương thức hiểu biết lý giải để củng cố nơi Tu Chứng của mình cho đúng với tinh thần chí nguyện. Vì vậy nếu có kẻ đến hỏi: “PHÁP NÓ CÓ THỰC TƯỚNG CHĂNG?”

Bậc ấy trả lời: “Chính pháp tướng nó Thực Tướng, không sai khác, vì sao? Vì từ một mảnh Lông Cừu đến Vũ Trụ, Thiên, Nhân, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỉ cùng Địa Ngục, kể cả trùm khắp bao la Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, Rồng Người đều là Thực Tướng, hoặc từ một Thân đến trăm Thân, từ một Đại đến Lục Đại, từ một lóng tay, ngón tay cả bàn tay đều Thực Tướng.

Chớ nên nói đó là sai, chớ nên cho đó là khác, nếu nói hay nghĩ sai khác chính là Vọng, là Điên Đảo mà cũng chính mình tự phản lấy mình. Vì sao? Vì Thực Tướng là duy nhất gọi là Nhất Tướng, khi thông đạt thì Tướng ấy nó như vậy gọi nó là Như Tướng. Bằng có một quan niệm nói nó là Vô Tướng thì bị phản với Tướng Phật, bị phá với Quốc Độ làm cho tổn thương Phật Quốc. Dù cho các ông đưa ngón tay để chỉ một món nào thì ngón tay kia có chân thật để làm cho kẻ khác được sự hiểu biết tận tường có phải một tướng chỉ chân thật chăng?”

Còn phần dưới đây diễn giải bậc đã chấp nhận VÔ TƯỚNG, bậc ấy tìm đủ lý giải để bác bỏ Thực Tướng, để củng cố nơi Tu Chứng của mình cho đúng với tinh thần chí nguyện. Vì vậy có kẻ đến hỏi: “PHÁP NÓ CÓ PHẢI LÀ VÔ TƯỚNG CHĂNG?”

Bậc ấy trả lời: “Đúng nó như vậy, nó chính là Vô Tướng không sai khác, vì sao? Vì từ một mảnh Lông Cừu đến Vũ Trụ hay Thiên, Nhân, A Tu La, Ngạ Quỉ, Súc Sanh đến Địa Ngục trùm khắp Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới thảy đều nằm nơi Nguyên Thể Vô Tướng. Các ông thử nghĩ Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đến Thiên Nhân cùng ba đường sáu cõi hay một mảnh Lông Cừu do nơi chấp nhận mà có? Hay không chấp nhận mà có? Nếu Chấp Nhận là tự tạo Giả Tưởng nằm nơi Giả Tưởng thọ chấp Thực Tướng chính là tự đưa mình trong Đảo Vọng sai biệt nguyên thể của Vô Tướng.

Còn nói về từ một thân đến trăm thân, từ một Đại đến Lục Đại, từ một lóng tay đến ngón tay hay bàn tay nó thảy đều là Vô Tướng. Vì sao? Vì nó bị gán nơi Danh Giả để nói lên nó là ngón tay, lóng tay hay bàn tay, thử nghĩ xem trên Văn Tự danh giả nó có thực thể chăng? Các ông chớ nên cho Vô Tướng là sai, nếu cho nó là sai thì chính mình tự phản lấy mình.

Vô Tướng nó chính là một nguyên thể hàm chứa, do đó nên Vô Tướng nó chỉ có một không hai, nếu nói hay thêm vào để cho nó gánh chịu Thực Tướng thì lại càng làm cho nó mất tinh hoa của nó thôi. Nếu nói nó Thực Tướng để minh xác thì thử hỏi cái chi là Tướng Phật ư? Tóc là Tướng Phật ư? Thân là Tướng Phật ư? Bằng nói Thực Tướng xây dựng Quốc Độ tạo thành Phật Quốc, thì tất cả đối với Phật không biên giới trùm khắp bình đẳng chẳng chủ trị thì làm sao đặt Thực Tướng để vào một nơi chốn như Tiên Thần đâu đặng?”

So trên để rõ biết trong hai bậc, đứng vào hai lối nói lên những Chân Pháp, thì đủ biết rằng pháp môn Thực Tướng và Vô Tướng chính là một pháp môn linh động tối diệu thậm thâm có thậm thâm như thế nên có bậc đứng nơi Trung Đạo tu tập KHÔNG BỎ CŨNG CHẲNG LẤY mà giác ngộ song pháp vẹn toàn, chừng giác ngộ thời dù cho Thực Tướng hay Vô Tướng thảy đều là Chánh Giác. Nếu chưa Giác thì dù cho Thực hay Vô thảy đều là vướng mắc nghi ngờ phân vân khó giải vậy.

Thực Tướng Vô Tướng chính là một then chốt giải mê lầm, đối với những bậc biết tu hay biết tìm Chơn Tánh mà tu trong con đường tự giác hạnh nguyện để giác tha mà tỏ tánh không hai, đó chính là pháp môn quân bình TRUNG ĐẠO soi khắp tránh nặng nhẹ hai bên, được viên dung tự tại mà rốt ráo viên thông. Khi bậc tu hành sở đắc Thực Tướng Vô Tướng đặng rồi thời hai pháp CÓ KHÔNG, GIÁC MÊ, MÊ GIÁC thảy đều biết hết.

Nói về Phật Đạo, nói đến Giáo Lý Nhất Tôn cốt yếu vạch ra để chỉ bày các bậc tu hành phá mê chấp lầm ngăn vì chưa biết, lúc chưa biết gọi là mê lầm, khi đã biết thời gọi là Giác Ngộ chớ chẳng chi là Giác Ngộ. Nơi Giác Ngộ nó vẫn sẵn sàng, đạo Vô Thượng nó vốn an nhiên nơi đó, chỉ do tại bậc tu hành chưa biết nên chẳng dùng đến nó đặng, lúc đã biết thì dùng đặng, vốn lẽ đương nhiên.

Đối với các pháp khi lầm mê chưa biết cách ứng dụng, tác dụng hay xử dụng thì dễ bị nó quay cuồng đưa vào con đường Sanh Tử, Được Mất, Có Không, Thực Tướng cùng Vô Tướng. Nên phải nghi ngờ ngăn chấp, do đó nên phải lần theo các pháp tu học tỏ rõ tỉ mỉ thật biết ứng dụng, tác dụng và sử dụng thời đương nhiên gọi là Điều Ngự các pháp, lúc đã điều ngự thời giải quyết sanh tử, giải quyết vạn pháp gọi là PHẬT chớ chẳng có chi là Phật.

Thật ra các pháp không bao giờ bắt ép cho tất cả lầm mê vì Pháp. Các pháp nó cũng chẳng làm sao cho các bậc Giác Ngộ cả, duy chỉ có các bậc tự mê để đến ngày nay tu hành rồi Tự Giác, vì vậy nên lần lượt giải mê chấp, lần lượt Tròn Đạo cốt đem đến CHÂN THIỆN MỸ hoàn lai.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN