–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

20. CHÁNH BÁO

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 13784)
20. CHÁNH BÁO
CHÁNH BÁO duy nhất chỉ có bậc Vô Thượng mới đoạt đến mà thôi, vì sao? Vì chính đó là Báo Thân, cho nên kỳ dư tất cả thảy đều thọ hưởng Phước Báo đến Phước Báo Nhân Thiên là cùng, do đó Chư Bồ Tát chẳng tham cầu Phước Báo Nhân Thiên mới phát Đại Nguyện tu vạn hạnh hành thâm Bát Nhã đặng sung mãn Công Năng Công Đức cúng dường Như Lai Phật thọ lãnh cõi Phật đạt Chánh Báo Vô Thượng.

Từ Tịnh Độ, Quốc Độ, đến các cõi, các Cảnh Giới Tiên Thần nơi Tam Giới, cùng Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, Rồng Trời Người thảy đều nằm nơi Phước Báo thọ hưởng.

Bậc Vô Thượng Chánh Báo Đại Bát Niết Bàn thật khó nghĩ bàn, khó dùng ngôn ngữ thuyết giải cho hết đặng. Vì sao? Vì Công Năng Công Đức vô lượng vô biên Ba Thân viên mãn hoàn giác Chánh Giác không thiếu sót, nên không lời nào, nơi nào để tán thán cho hết đặng.

Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài đoạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trọn Chánh Báo Đại Bát Niết Bàn. Đối với Ngài, ngài cũng không ngờ, ngài cũng không thể nào so tính đặng Chánh Báo vô tận, Ngài chỉ nói:Thật kỳ diệu! Ngài mới dùng KIM THÂN TƯỚNG PHẬT quan sát, từ vô thủy sơ khởi Công Đức đến thực hành công đức hôm nay, ngài biết tỏ rõ, biết tỉ mỉ tất cả Công Đức Công Năng sung mãn ngày nay mới đoạt đặng Chánh Báo. Ngài liền nói với Tứ Chúng rằng:

“Các Ông nên biết, TA kể từ Vô Thủy trong thời Thượng Kiếp, khi TA mới phát Bồ Đề Tâm tu hành, ta tạo nên một Công Đức, đến nay Ta đoạt Vô Thượng Chánh Báo thì công đức ấy liền Thể Hóa một vị Phật tính như thế đối với Ta có thể kể hết được Công Đức chăng?”

Tứ chúng đồng thưa: “Không thể nào kể nổi.”

Ngài nói: “Thật ra đối với Ta khó nói, khó bàn đồng khó tính đếm cho hết được. Thể Hóa chư Phật, do lẽ ấy nên ta nói: Hằng hà sa số Phật, Vô Lượng Công Đức Phật. Các Ông cũng nên tin lời ta nói chân thật cố gắng tạo Công Đức Cúng Dường Như Lai Phật để thành tựu Chánh Báo như ta vậy.”

So lời Đức Thế Tôn nói trên đủ biết, Chánh Báo Vô Thượng Ba Thân Viên Mãn, nhờ Công Đức Công Năng tu tập trong Hạnh Nguyện. Khi thành tựu Chánh Báo do Công Đức ấy Thể Hóa ra chư Phật hằng hà sa số vô lượng công Đức đều thành Phật, sung mãn mới xưng tán Đại Bát Niết Bàn thì thử hỏi làm sao kể hết.

Còn đối với bậc chưa tu hành, chưa huân tập Thiện Căn đang trong lẽ sống phàm phu tánh, thì chúng sanh tánh hãy còn lung lạc, vì lung lạc chẳng có qui định nên chi chúng sanh tánh mới đồng hóa các hoàn cảnh Thuận Nghịch, tùy theo Tâm Ý mà phiên diễn. Nếu là Thiện hoặc Phước Đức thời hưởng được Thiện cùng Phước Đức. Bằng độc ác tranh giành thời chúng sanh tánh đồng hóa diễn cảnh xấu xa nghèo đói. Đến lúc lâm chung cũng tùy theo Đức Tánh hoặc Ác Tánh mà đưa đi sanh tử nơi cảnh giới của chúng sanh đồng hóa tạo thành. Còn đối với bậc biết tu hành huân tập Thiện Căn đào tạo Công Năng Công Đức, phát Bồ Đề Tâm nguyện liền được Trí Tuệ lên hàng Bồ Tát, từ Sơ Trụ đến Bất Thối tùy theo nơi sở đắc mà Hóa Thể Bồ Tát để hộ trì giúp đỡ Bồ Tát Hành Nguyện rốt ráo. Nếu chưa đặng rốt ráo thời liền hóa thể Tịnh Độ Bồ Tát.

Phật thường nói Tự Tánh sung mãn Công Đức để thọ lãnh cõi Phật, Ngài nói:

“Các Ông cũng nên biết Chánh Báo Vô Thượng chẳng ai ban cho ta, còn Chịu Báo không ai bắt ta phải chịu lấy, duy chỉ có ta tạo thành Chánh Báo, ta tự gây lấy Chịu Báo. Đối với bậc tu cầu Chánh Báo phải là bậc cấu tạo TRÍ ĐỨC song đồng. Ta rất tường tận nghiệp thức mê lầm của chúng sanh đang lâm trong vòng Sanh Diệt, nơi chốn Sanh Diệt ấy nó chỉ phân vân CÒN MẤT CÓ KHÔNG của hai tướng mà trở thành bá thiên vạn tướng, do lẽ đó nên chúng sanh rất khó nghe, khó biết để nhận chân lời ta dạy dỗ, nên thường gây tạo cấu xé hơn là Tín Tâm tạo Phước Thiện. Khi Chúng Sanh tạo được Thiện Căn Phước Báo lần tu đạt đến Chánh Báo huy hoàng, chẳng phải chúng sanh không mong lãnh lấy Bảo Pháp của ta, chỉ tại trót củng cố ấn tượng quan niệm hai tướng Sanh Diệt Còn Mất, thật ra họ hãy đang còn ở nơi Sanh Diệt Còn Mất, do đó họ phải tu trong các phẩm hạnh Công Đức để giải mê lầm nghiệp thức, lúc nhờ công năng giải được phần nào thời liền tỏ ngộ phần ấy, đó chính là dĩ nhiên nó phải như thế.”

Thường lệ nhiều bậc tu hành hay năng chấp cùng sở chấp, chẳng do nơi đâu chỉ do chưa biết, do lòng tham động vọng hãy còn, vì vậy nên Phật Đạo thường nói pháp Vô Ngã để cho bậc tu lìa ngã, khi bậc lìa ngã quá trớn thời lại bị Phi Phi, còn có bậc có đôi chút Trí Tuệ tu theo Lý Trí của mình chẳng thi hành hạnh nguyện công đức, đảm phá Đức Hạnh Đạo Tràng để nung đúc tăng thượng, cho Đức Hạnh Đạo Tràng Hạnh Nguyện đều mê chấp nên thường dùng Lý Trí nơi mình làm thành bờ ngăn cho chính mình, để không Chấp mà vướng chấp Không.

Bậc tu hành có cơ bản, chịu khó học hỏi tu tập lìa sở ngã của lòng tham, lập tinh tiến trên con đường tu, dùng Đạo Hạnh làm cho kẻ quanh mình được kính mến, nương theo Lục Ba La Mật Đa cùng Tứ Nhiếp để thu Nhiếp tỏ thông, xem kinh điển hoặc nghe Giáo Lý phá mê chấp làm mức đo lường nơi Trí Tuệ. Bậc như vậy thường khen kẻ tạo Thiện Căn, lại ít chê bai kẻ làm điều Ác, thường gần kẻ Ác để giúp đỡ thiện căn, thường tỏ tâm thương hại kẻ lầm hơn là phiền trách họ.

Nhờ thế nên Tu Chứng VÔ SANH PHÁP NHẪN, thọ pháp Trực Giác Thực Tướng Vô Tướng, nên biết tỏ rõ phẩm Công Đức Bát Nhã cùng Công Năng Ba La Mật Đa không bao giờ mất mát hao mòn đâu cả, nhờ có các phẩm hạnh công đức trí tuệ nên trọn giác, Đức Trí song đồng Tướng Tánh duy nhất, vì thật biết như vậy nên chi chẳng vì Vô mà biếng trễ nhàm chán. Không vì Thực để tham cầu, duy chỉ Chánh Báo hoàn lai là đủ.

Nói đến Đạo Phật lưu lại của chư TỔ hay đối với Đức Phật trong thời hiện thế rất chăm chú đến Chúng Sanh chẳng khác nào mẹ thương con khờ dại, nên tìm đủ phương tiện giảng nói làm thế nào cho chúng sanh giác ngộ, đó chính là mục đích của Chư Phật và chư Tổ đồng một Bổn Nguyện. Nhưng trái lại đa số có nhiều mong cầu, nhiều tự nguyện hơn là tiêu giảm nghiệp, tự mãn kiêu căng, lười biếng hơn tinh tấn. Đức Thế Tôn ngài thừa biết, Ngài mới nói những TIỀN THÂN của Ngài trong thời hạnh nguyện tu hành, cốt yếu Ngài nói lên để chúng sanh phải tu cầu như thế, phải soi tấm gương của Ngài tu tập trọn Chánh Giác mà thọ lãnh Chánh Báo.

Có một đoạn Ngài đã nói: “Các Ông cũng nên biết: Thời quá khứ ta đã từng cầu đạo Vô Thượng, cùng các thời khác ta đã từng cúng dường Như Lai Phật mười phương, lại cũng đã từng thọ pháp truyền thuyết khắp cõi Ta Bà trên con đường Hạnh Nguyện chẳng thiếu sót. Các Ông lấy cây kim đặt nơi đâu cũng thảy đều có xương ta nơi đó. Ta chung gồm tu nơi vạn hạnh thu nhiếp, vạn pháp duy nhất thành tựu chỉ có ĐỨC TRÍ thôi. Theo nơi kinh DUY MA cũng có nói BỒ TÁT LÃNH LẤY CÕI PHẬT.”

Nói đến sự cầu đạo hiện nay rất nhiều bậc có chí nguyện cầu đạo, nhưng thường tu bị vấp, dù cho bậc tín tâm cách mấy chăng, như bậc y kinh để mà tu vẫn bị vấp, đến bậc soi biết tự tánh tỏ tánh đều bị vấp. Vì sao? Vì chưa biết vội cho mình biết nên thường bị vấp, đó gọi là chưa biết tu. Nếu biết tu thời càng bị vấp bao nhiêu, thì cái vấp để mà tỏ biết đó chính là bậc biết tu. Bậc ấy gọi là Động để Giác vậy.

Bậc tu Phật nương theo các pháp môn Phật dạy để tu cũng là khó. Nhưng khó thứ nhất là bậc đã hiểu biết trong một căn bản nào đó, đến lúc trí tuệ gặp phải pháp song đối như: CÓ và KHÔNG, THỰC hay VÔ thật đáng khó, trên bước đường nầy làm cho bậc tu phải phân vân vì chưa tỏ rõ nên chưa giải đặng sinh nghi ngờ. Nếu biết được khúc quanh của TAM THỪA vào pháp môn Không Hai thì thư thả cứ tu rồi tiến bộ giải quyết. Chớ nên vì CÓ để thọ chấp hoặc bởi VÔ mà an trụ thời chỉ đứng có một bên chẳng vào đặng Nhất Thừa hoàn giác.

Chẳng khác nào đứng trước ngã ba đường, nếu chọn lấy một trong ba đường thì chỉ đặng một mà phải mịt mờ trong hai đường khác. Thế nào gọi là ba đường? Một là CÓ, hai là KHÔNG, ba là Mình soi biết, đó gọi là ba đường.

Nơi ba đường trên bậc tu hành thật biết thế nào mà CÓ, thế nào lại KHÔNG, để Có Không hoàn giác Nhất Thừa. Cũng như thật biết Đức Hạnh giúp cho Chánh Báo, về Trí Tuệ giúp Chánh Giác, nên ĐỨC TRÍ phải đồng song thì Tánh Tướng trọn duy nhất. Nếu dùng Trí Tụệ chẳng dụng Đức Hạnh thời sở đắc Pháp Thân còn Ứng Thân chưa Đắc, khi trí tuệ đắc chân lý chỉ nói năng thuyết giải tỏ tường nhưng chẳng làm thế nào cho tất cả Tứ Chúng khâm mạng để nhiếp thâu Lý Sự song tu. Bằng Đạo Hạnh Đức Hạnh khiêm toàn lại đặng mọi bậc kính nể, nhưng thiếu khuyết đưa cho chúng sanh Tri Kiến Phật? Hai điểm trên rất cần đến tận hưởng Chân Lý Chánh Báo thành tựu Ba Thân Viên Mãn vậy./-

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN