–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

3. NÊN KIỂM ĐIỂM MỚI GIẢI ĐẶNG BỆNH MÊ LẦM

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 10031)
3. NÊN KIỂM ĐIỂM MỚI GIẢI ĐẶNG BỆNH MÊ LẦM
Phật Đạo đối với các bậc tu hành rất cần các bậc tu phải tự kiểm điểm ĐỨC TÁNH của mình, kiểm điểm từ NGÔN HẠNH đến TRÍ TUỆ nơi mình, kiểm điểm tất cả những TÁC ĐỘNG TINH THẦN đến HẠNH NGUYỆN mới mong giải đặng bệnh lầm mê. Chính bậc Đại Trí chẳng vì THIỆN mà chủ thủ khoe khoang ỷ lại, không vì BẤT THIỆN của kẻ khác vấp phải mà mình lại khinh khi xa lánh. Bậc ít kiểm điểm lấy Tự Tánh nơi mình thì vẫn thường vấp phải nơi TỰ NGÃ CHẤP PHÁP không thế nào giải đặng bệnh lầm mê, đó chính là mục tiêu cần ghi nhớ.

Dù cho có bậc có TRÍ TUỆ THIỀN ĐỊNH chăng, nhưng chưa có Lý Sự tự kiểm để nhận đường tu hành của mình có Tự Ngã Cố Thủ không? Thì thật ra chưa phải là bậc đã tu vào con đường Chân Pháp. Bậc biết kiểm điểm chính có lợi. Vì sao? Vì ít xa lìa THỂ TÁNH để tu, bậc nầy không tu về một chiều Tham Vọng nên mới biết kiểm điểm Nghiệp Căn, Nghiệp Chướng cùng Chướng Nghiệp. Khi bậc chưa kiểm điểm, chẳng chỉnh trang Đạo Hạnh thì thường buông lung Tự Ngã phải lâm vào TÀ KIẾN hoặc lộn vòng nơi CHÚNG SANH GIỚI, chìm đắm nơi PHÁP GIỚI SANH DIỆT.

Rất cần đến TRÍ TUỆ, ĐẠO HẠNH tương song mới đoạt đến ĐỨC TRÍ vẹn toàn. Nếu có Đạo Hạnh chưa có Trí Tuệ mà cho đó là mục tiêu chính, thì bậc nầy thường tự tạo lấy VÔ MINH. Bằng có Trí Tuệ mãi tu theo con đường phá chấp, chưa có Đạo Hạnh, cho đó là mục tiêu chính, thì bậc nầy thường tự tạo lấy TÀ KIẾN. Một trong hai Pháp Hạnh trên phần nhiều các bậc tu chênh lệch, do lẽ ấy mà rất hiếm bậc tu đến TOÀN GIÁC.

Nói đến bệnh mê lầm thì không thể nào kể cho hết những nông nổi hành động của cái Mê, bậc tu nhìn biết được những lối Mê, nơi Chấp của kẻ khác, chớ ít khi nhìn lại cái Mê lối Chấp của mình. Bậc mà biết kiểm điểm mình và biết kiểm điểm của kẻ khác để tu mới gọi là bậc Sáng Soi TỰ TÁNH TỎ TÁNH.

Nói về những chỗ sai lạc trên con đường tu thì không thể nào nói được, vì sao? Vì còn lầm thì còn sai, chỉ nơi tự kiểm điểm biết được sai mới trở thành đúng. Lúc bậc tu biết tất cả kẻ khác lầm lẫn chính nơi mình đã bị lầm lẫn, thì Tâm chẳng còn trách ai cả mà đặng đến nơi CHÂN THỂ tu đúng với đường tu.

THẾ NÀO LÀ CHÂN PHÁP?

CHÂN PHÁP CHÍNH LÀ PHÁP KHÔNG CHẤP TRỤ.

Bậc kiểm điểm lần tiến không chấp trụ, đó chính là bậc tu không mất Chân Pháp, không lìa Chân Thể. Khi bậc tu Phạm Giới, phạm Lỗi Lầm nghi chấp liền phá nghi chấp, giải lỗi lầm, nói lên để giúp cho tất cả giải Nghi phá Chấp lầm lỗi, cốt để cho kẻ khác khỏi phạm giới, khỏi lỗi lầm nghi chấp, đó chính là bậc ĐỘ GIỚI Giải Mê không xa lìa Chân Thể, tu theo Chân Pháp.

Bậc đã biết tu nơi Chân Pháp là Pháp Không Trụ Chấp, bậc đã biết kiểm điểm ngược xuôi cốt Tỏ Tánh, phá mê lầm thì bậc nầy chẳng xa lìa Thể Tánh để nhiếp độ mà tu. Nhờ như thế nên chi lúc xem Kinh Pháp được biết tỏ rõ rằng: Không thể nào nhận định nơi suy tưởng của mình trong lúc hãy còn lầm mê mà suy đoán chấp nhận cho là mình đã lãnh hội đầy đủ Thời Pháp nơi Kinh Pháp được. Vì sao? Vì Kinh Pháp tùy theo trình độ Mê Lầm diễn giải, nên kinh pháp có rất nhiều chiều hướng khác nhau, không ngoài nói lên để bậc tu kiểm điểm phá Mê mà TRỰC GIÁC.

Đương thời đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài tùy theo bệnh Năng Sở Kiến Tri (thường chấp những nơi Thấy Biết của mình) mà chỉ dạy, tùy theo đố tật cố định mà giảng nói, tùy tất cả các bệnh từng lớp chỉ bày tu tập. Như trên đã nói mỗi một Pháp Môn là một dụng cụ cứu chữa mê lầm.

Đôi khi gặp đặng quyển Kinh nói: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH, CÁC ÔNG LÀ PHẬT SẼ THÀNH” hoặc giả câu: “NIỆM PHẬT LIỀN THÀNH PHẬT.” Lời Phật nói ấn chỉ quyết định. Đứng nơi Chân Tánh để tu, thì cần phải tu mới thành Phật. Đứng về Chân Thể mà thi hành thì phải tu sao từ nơi VỌNG LOẠN đến NHẤT TÂM NIỆM PHẬT, lúc bấy giờ mới thành Phật. Đó chính là bậc biết kiểm điểm giải đặng mê lầm vậy.

Các bậc tu chưa kiểm điểm trở thành TIN chưa đúng chỗ của lời VÀNG chư Phật đã nói, nên gia công Niệm Phật, niệm đến nỗi từ bước đi, đến khi đứng, qua lúc nằm, đang khi ngồi thảy đều Niệm Phật, mà thật ra Tâm đang còn vọng loạn đảo điên niệm, đó chính là một lối lầm mê vô kể.

Còn nhiều bậc tu chủ yếu phá Mê Chấp, gọi là hết mê thì Giác Ngộ, càng phá chấp mê bao nhiêu lại trở thành mê chấp bấy nhiêu. Càng lìa Bản Ngã bao nhiêu lại càng nâng Bản Ngã Tự Thủ bấy nhiêu. Những bậc tu như thế thiếu kiểm điểm, thiếu Tự Lợi trao đổi để Lợi Tha đến Tha Lợi.

Nếu các bậc tu nhận định kiểm điểm đặng lời Vàng chư Phật chính là lời ẤN CHỈ quyết định để chỉ đường cho các bậc tu phải đi đến đó, phải bước đi từng giai đoạn, biết từng chi tiết cho đúng với tinh thần mục đích, thì không phải là Phật cũng thành Phật. Khi đã vẹn vừa không thiếu sót từng Đức Trí đến hoàn mỹ thì không còn là sẽ THÀNH nữa.

Bậc đã biết tu thế nào là CHÂN PHÁP, biết HẠNH NGUYỆN để tu thế nào là CHÂN TÁNH, hiểu biết thế nào là THỂ TÁNH, nhiếp độ thế nào đặng RỐT RÁO, thì đã hiểu biết được MỤC ĐÍCH, TÔN CHỈ PHẬT ĐẠO để tu được thành Phật trong Hiện Tại, bằng chưa biết như thế thật khó thành.

Nói đến Tôn Chỉ, Mục Đích Đạo Phật như thế nào? Tôn Chỉ Đạo Phật các bậc tu hành phải thi hành TỪ BI BÁC ÁI. Nơi Từ Bi Bác Ái chư Phật đã nói lên đồng thời công nhận TỨ LOÀI bình đẳng, đối với Chúng Sanh thảy đều có PHẬT TÁNH. Từ Bi Bác Ái đến nỗi nói chúng sanh nó bị mê lầm chịu trong vòng Sanh Tử, nơi Tử Sanh Luân Hồi phải mang thân làm các loài súc vật trở thành: Noãn Sanh, Hóa Sanh, Thấp Sanh cùng Thai Sanh. Chính nó là Phật sẽ thành.

Tôn Chỉ Đạo Phật chính là một Tôn Chỉ Tối Thượng cao quý vô cùng. Nơi Từ Bi Bác Ái đã công nhận như trên, còn lòng Hỷ Xả Vị Tha hãy còn nói lên lời Diệu Dụng Hành Dụng như: Nó không bao giờ có những Nghịch Hành xấu xa. Nó không bao giờ có những trạng thái đê hèn bủn sẻn. Chính nó là Phật, chẳng chịu làm Phật, ưa làm Chúng Sanh nên nó phải như thế. Thật là lời nói đầy Hỷ Xả Vị Tha không sai chạy. Đối với bậc đã Giác Ngộ mới công nhận lời nói trên không HAI TƯỚNG mà tán thán đảnh lễ chư Phật đã đem tình Duy Nhất Vị Tha cứu độ chúng sanh mà thành lập Tôn Chỉ để cho các Chân Phật Tử nương theo tu hành dưới sự Chỉ Đạo Đức Chí Tôn vậy.

Mục đích Đạo Phật là mục đích GIẢI THOÁT. Các bậc tu hành hãy nương theo cho đúng Tôn Chỉ trên để mà tu, khi bậc tu thật hành đúng với Tôn Chỉ thì cần phải kiểm điểm lấy Tánh Tình Nghiệp Chủng của mình trước tiên, chớ vội phiền trách chê bai kẻ khác ở chung quanh mình, phải thi hành Lục Hòa, gặp phải sự lầm lẫn ngang chướng của kẻ khác chớ nên gây thù hận. Lúc bậc tu mang phải thù hận oán trách, chính là bậc tu mang phải bệnh Mê Lầm. Khi bậc tu cho kẻ nầy, người nọ ngu xuẩn, chính là bậc tu phải mang lấy ngu xuẩn của bệnh Mê Lầm. Tuy nói ra rất dễ, nhưng các bậc tu thi hành rồi biết đặng lời Chỉ Đạo của chư Phật, chính quá ư tối diệu.

Nầy Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn! Thiện Nam Thiện Nữ tu cầu đúng với tinh thần nơi TÔN CHỈ Đạo Phật đoạt đến Mục Đích GIẢI THOÁT, cần phải THÀNH THẬT và THIẾT THA TÂM cốt giải bệnh Mê Lầm, liền vào CHÁNH TÍN đến CHÁNH GIÁC. Vì sao phải vào Chánh Tín mới đến Chánh Giác? Vì bệnh lầm mê, chính là bị vương Cuồng Tín. Khi đang cuồng tín nghe Pháp vẫn cuồng tín. Đạo Phật dạy cho chúng sanh từ nơi Giải Mê, bớt cuồng tín lần vào Chánh Tín mới nhận rõ được lời Chánh Giác chân thật của chư Phật mà Giác Ngộ.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN