–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

12. BẬC THÁNH TĂNG THOÁT SANH NHƯ THẾ NÀO?

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 10982)
12. BẬC THÁNH TĂNG THOÁT SANH NHƯ THẾ NÀO?
Bậc chuyên chính giúp đỡ cho con người không cầu báo, đi trong cái KHỔ đặng an vui vì cốt thật biết cái Khổ của con người nên chi bậc nầy không thấy Khổ. Bậc nầy thường tìm nơi bệnh tật ngăn chấp, bệnh tật lười trễ, bệnh tật nằm yên, bệnh tật tham vọng, bệnh tật GIẢ TƯỞNG, bệnh tật bảo thủ, nên chi lúc đau đớn bệnh tật bậc nầy tìm không ra nơi bệnh tật đau đớn, trở thành thấy mình không có bệnh. Bậc nầy chuyên chú vào nơi hiểu biết tăng trưởng hằng ngày, nhìn đến sự khai thông là một nền tảng trẻ trung mới lạ nhất, nên chi không tìm đặng chỗ LÃO nơi mình. Bậc nầy thật biết tỏ rõ con người đua chạy theo KHỞI SANH Bị Diệt trong Giả Tưởng lìa bỏ TIỂU NGÃ Thể Tánh để tu hành nhiếp thu Giả Tưởng thật biết Giả Tưởng là NGHIỆP cấu tạo Sanh Tử, khi bậc nầy rõ đặng khỏi lầm lẫn CHỨNG VÔ SANH, về với TIỂU NGÃ, bậc nầy tu theo BÁT NHÃ lấy Bát Nhã cốt nương theo VÔ NGÃ về với CHÂN NGÃ gọi là ĐẠI NGÃ chứng tri rốt ráo, biết tỏ rõ Sanh Tử Thọ Báo Chánh Báo nó như thế nào rành mạch, gọi là: Giải Quyết SANH, TỬ, BỆNH, LÃO, KHỔ Chánh Giác.

Mục tiêu của THÁNH TĂNG trọn vẹn có bấy nhiêu đó, nên chi từ bậc Sở Đắc Chân Không Sơ Trụ Bồ Tát dù cho có thoát sanh như thế nào chăng cũng là: ĐỘ SANH.

Từ bậc Sơ Trụ Bồ Tát trở lên, từ Hạnh Nguyện Hành Dụng Nhiếp Thâu LỤC ĐẠO sự thoát sanh ít nhất có Ba Kiếp THƯỢNG SANH về Cõi trên như: Cõi Trời, Cõi Tiên, Thần, tùy thuận mà Thượng Sanh, đến Ba Kiếp HẠ LỢI thoát sanh về Cõi dưới như: A Tu La, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, Bồ Tát vòng quanh Lục Đạo trong Sáu kiếp, khi nhiếp thu Lục Đạo rốt ráo mới Chứng Tri Đại Bồ Tát, đến kiếp thứ Bảy, Bồ Tát thành tựu Tịnh Độ Bồ Tát. Kiếp thứ Tám và kiếp thứ Chín Chứng Tri Bồ Tát Nhất Sanh Bổn Xứ thành Phật, đến kiếp Bồ Tát thành Phật là chính kiếp thứ Mười, từ kiếp thứ Chín có câu:

THƯỢNG SANH ĐÂU XUẤT TÔN
HẠ LAI VÔ THƯỢNG ĐẲNG


Thiền Sư vừa nói đến đây nhìn chúng tôi, Thiền Sư trầm lặng chốc lát nói tiếp:

“Các ông đang nghe những lời Tôi nói rất chân thật, các ông chớ nên nản chí, đối với việc Đời, khi các ông xây cất mỗi một cái nhà nó cũng phải đầy đủ cửa lớn, cửa nhỏ, nơi tắm, nhà bếp đến chỗ nơi để đại tiện không thiếu sót mới thành đặng cái nhà. Còn về việc Đạo, việc khám phá Vũ Trụ với con người cũng phải tỏ rõ tỉ mỉ mới đoạt đến mục đích hoàn mỹ, chớ chẳng nhẻ mới biết qua thô sơ đơn giản mà đã gọi là làm chủ Vũ Trụ sao? Khi bậc đã Vô Thượng Đẳng thời không còn chỗ phân biệt Vũ Trụ với con người hoàn toàn Chánh Giác, đó mới gọi là NHẤT THỂ.

Từ nơi Sơ Trụ Bồ Tát thoát sanh Ba kiếp THƯỢNG SANH hay HẠ LỢI nó tùy thuộc nơi Bồ Tát tu theo Đạo Hạnh, Bồ Tát Đạo Hạnh NHÂN THIÊN thời thoát sanh Thượng Sanh trước. Bằng Bồ Tát Đạo Hạnh Ngạ Quỷ, Súc Sanh thời thoát sanh HẠ LỢI trước. Từ Hạ Lợi hay Thượng Sanh Bồ Tát phải hành thâm nhiếp độ cho tỏ rõ mới bất thối chuyển, nếu chưa triệt thấu thì Bồ Tát thường bị Thối Chuyển hoặc chạy theo Tà Kiến thoát sanh mơ màng không tìm đặng lối thoát.

Khi Sở Đắc CHÂN KHÔNG phải tu Hạnh Bồ Tát, phát Đại Nguyện gọi là Bồ Tát Nguyện, lập Đạo Hạnh gọi là Bồ Tát Hạnh, thi hành Hạnh Nguyện tu Bồ Tát mới đặng tâm không nhiễm trước gọi là Sơ Trụ Bồ Tát. Bậc Sơ Trụ Tâm không nhiễm vạn pháp, nhưng chưa biết sử dụng vạn pháp thành thử mới thực hành trong Sáu Kiếp cốt nhiếp thu Lục Đạo mà tận giác Lục Đạo, chừng đó mới tỏ rõ tỉ mỉ Sanh Tử Luân Hồi, Sanh Tử chính là một sợi dây thuyên diễn BỆNH, LÃO, KHỔ vậy.

Bồ Tát Sơ Trụ Chứng Tri. Trước ngày Lâm Chung Bồ Tát thường hay biết trước, vì sao? Vì hằng ngày Bồ Tát quán thấy ở trên đời, làm kiếp con người quá ư cực khổ, con người lối sống giả tạo, vạn pháp thực hư, nhân tình ít thích hợp với tâm khảm của Bồ Tát, Bồ Tát kiên cố nhẫn nại, kiên cố nhiếp thâu cho rồi lấy một kiếp, Bồ Tát quán các Cõi, quán Niết Bàn, quán thân Tứ Đại Giả Hợp, Bồ Tát lại nhớ Hỷ Xả nương theo Bát Nhã tu tập. Có Bồ Tát cố định Trường Trai cốt thanh tịnh ẫm thực. Bồ Tát an lành bằng lối giúp đỡ cho con người chỉ dạy cho con người được hiểu biết Đạo Phật. Bồ Tát tu hạnh ĐẦU ĐÀ, tu hạnh NHẪN NHỤC, tu hạnh LỄ BÁI CUNG KÍNH tất cả Tam Thế Phật, Bồ Tát nhận lấy Nghịch Cảnh giúp cho con người được an nhàn, Bồ Tát không sợ lời xâm xĩa, lời mắng nhiếc miễm làm sao sự xâm xĩa, mắng nhiếc kia không vào tâm của Bồ Tát sân hận, thù hằn là Bồ Tát an vui đứng nhất. Nói đến Hạnh Nguyện nơi Bồ Tát thật vô kể, vì Bồ Tát tùy mỗi vị thi hành hạnh nguyện, chung lại Bồ Tát mong thành Phật phải thực hành VẠN HẠNH NHIẾP THU mới đến Bất Thối Bồ Tát, đến khi Bồ Tát thành Phật phải thực hành VẠN TƯỚNG mới thành Phật, các ông nên nhớ.

Lúc Lâm Chung Bồ Tát Sơ Trụ tùy theo Hạnh Nguyện Bồ Tát mà Bồ Tát thoát sanh, nếu Bồ Tát Đạo Hạnh khang trang liền có mùi thơm ngào ngạt tất cả thảy đều vắng lặng, Bồ Tát nhìn thấy tia sáng, sau tỏa khắp phòng hoặc giả Cốc hay tịnh xá, Bồ Tát liền đặng thoát sanh lên cõi trên như các Cõi Trời chẳng hạn. Đến khi đặng sanh, Bồ Tát sanh vào nhà Dân Thiên hay nhà Quan Thiên hoặc nhà quý tộc hoàng gia tùy theo Công Đức Bồ Tát mà thành tựu.

Bồ Tát chưa biết đặng chính mình ở đâu lai sanh nơi nầy, tại sao mình đặng sanh hay bị sanh vào nhà dân giả. Vì sao? Vì Bồ Tát đặng thoát sanh lên đến Cung Trời liền được tiếp vận với TIỂU NGÃ THIÊN NGÃ còn Nhân Ngã trả về Nhân Ngã để cho VÍA DẠI gìn giữ theo như trên đã nói.

Khi bấy giờ Bồ Tát, tâm thần sáng sủa nhìn đến sự sung sướng không bền vững, Bồ Tát được cha mẹ mến yêu, được trải hoa để Bồ Tát yên nghỉ, được Ẫm Thực cao lương mỹ vị, đặng y áo Gấm Tố Thiên, được tắm bằng nước Bạch Hương Thủy. Đặng Thiên Nữ chăm sóc mang hài Huỳnh Long, được chư Thiên yêu quí. Bồ Tát đương nhiên chưa thỏa mãn, chưa đặng lẽ sống khoan khoái nơi lòng, Bồ Tát thường tụ tập chư Thiên, thường nói năng giúp chư Thiên những điều cao quí. Đến một thời nào đó Bồ Tát phải nguyện NIỆM PHẬT, NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG tu trì chuyên ròng thuyết pháp. Nên nhớ rằng: Bồ Tát một khi nhất tâm tinh tấn được sanh vào cõi tu trì trong Mười Tám từng Trời ở Cõi Thiên. Đó gọi là Bồ Tát Tinh Tấn, đứng thứ nhất trong hàng Sơ Trụ Bồ Tát.

Bằng có Bồ Tát được thoát sanh lên Cõi Trời sung sướng, đờn ca sáo thổi cùng với Thiên Nữ múa hát đắm say, chạy theo Ngũ Dục mãi chơi bời, đôi lúc thấy lòng mình chưa toại nguyện, bày thêm nhiều cuộc vui say, nó cứ thế mãi, sau mãn phần một kiếp trở lại HẠ LỢI thoát sanh vào SÚC SANH GIỚI mà thi hành Hạnh Nguyện, đến một hoặc hai kiếp, tùy thuận hợp hóa nơi nguyện mới Tái Sanh, nói đến chủ yếu của Bồ Tát, Bồ Tát phải đầy đủ tỏ rõ nhiếp thu LỤC ĐẠO, khi Bồ Tát thực hành nhiếp thu Lục Đạo, đó chính là pháp môn LỤC TỰ DI ĐÀ, pháp môn Lục Tự Di Đà sở đắc hoàn mỹ đương nhiên Bất Thối, gọi là BẤT THỐI BỒ TÁT.

Đối với bậc Sơ Trụ đến bậc Bất Thối cùng chư Phật, khi lai phàm vẫn GIẢ MÊ để Đồng Hành, Đồng Sự, Đồng Ngôn cùng Đồng Đẳng. Đến một thời nào đó Bồ Tát Phát Nguyện tu hành lần tiến đến mức mình đã sở đắc từ ngàn xưa.”

Thiền Sư nói đến đây căn dặn chúng tôi hai, ba lần Ngài nói:

“Khi bậc Bồ Tát GIẢ MÊ rất mau ĐỐN NGỘ của mức Bồ Tát Đốn Ngộ. Qua đến giai đoạn chưa đặng ngộ của thời trước thường hay dừng trụ, giai đoạn nầy phát sanh ra nhiều Tự Ngã, nhiều ngạo mạn, nhiều lầm tưởng mà chấp trụ. Bồ Tát nên Phát Tâm DŨNG MÃNH NGUYỆN trọn kiếp Cúng Dường Tam Thế, tinh tiến không dừng trụ, thì nó liền qua cơn Thọ Ngã, qua cơn Ngạo Mạn, qua cơn lầm tưởng đến mức Bất Thối.

Bậc Bất Thối Lục Đạo tỏ thông, lục đạo viên đạt, biện tài Vô Ngại, đạo hạnh dung minh. Bậc nầy tỏ rõ đường đi lối về của con người chạy theo Lục Đạo, làm con đường thay đổi, di chuyển gọi là SỐNG CHẾT, mang lấy Cá Tánh, gìn giữ Cá Nhân cho mình hiểu biết, ưa thích dạy đời, hơn là chính mình phải học trùm khắp phải bị Sanh Tử trong Lục Đạo. Do đó nên Thân Tâm Bất Thối chuyển, được gọi là BẤT THỐI BỒ TÁT.

Bậc Bất Thối. Khi thoát sanh lâm chung bậc nầy đang bệnh nằm nơi giường, bậc nầy lúc Chết vẫn chưa biết mình Đã Chết. Tiềm Thức (hồn) ngỡ mình đang còn sống, thân mình nhẹ nhàng khỏe khoắn hết bệnh, nhìn thấy Tứ Chúng ra vào lễ bái như thường lệ. Nếu là Cư Nhân vẫn thấy Gia Đình sinh sống như lúc bình thường.

Đến bảy ngày sau, đương nhiên được biết mình Chết, nếu bậc bước vào Bất Thối tuyệt đỉnh, bậc nầy an nhiên không còn TẬP KHÍ, không còn ÁI NHIỄM bước ra đi dạo khắp các Cảnh Giới, giao du các TỊNH ĐỘ, lễ bái A Di Đà, một là an trú Tịnh Độ, hai là phát Đại Nguyện Lai Trần, nếu lai trần xuống đặng làm vua minh chánh, làm quan đại triều, làm lãnh tụ cứu nước, cứu dân an lành, giải khổ ách nô lệ. Bậc nầy dù tái sanh nơi nào trong lục đạo cũng đặng làm thủ lãnh cứu nguy, chớ không bao giờ làm thường dân cả, vì sao phải làm Vua hoặc làm Lãnh Tụ? Vì có làm Vua hay làm Lãnh Tụ sau nầy mới có Trang Nghiêm thành Phật, trước tiên làm Chủ giúp Dân, sau làm Chủ Vũ Trụ, đó chính là lẽ đương nhiên nó phải như thế.

Bậc Bất Thối khi Tái Phàm nó đã có sẵn CHỦ ĐÍCH TIN VÂNG vào kinh điển, vào mục đích nơi mình đang đi, đang thực hành. Như nhất khi vào một Pháp Môn nào để tu trì thì đã có sẵn lập trường cao quí nhất là Tin nơi pháp môn, quí pháp môn đã có sẵn đức tánh bất thối chuyển.

Còn nói đến ĐẠI BỒ TÁT, thật khó nghĩ bàn, khi bậc Đại Bồ Tát giả mê, bất khả Thượng Hạ thảy đều học hỏi tu hành, không vì bạn bè mà không học, không vì kẻ giai cấp nghèo nàn mà không học. Tự Tôn cao quí bậc THẦY, tự trọng thân hữu bạn, tự mến thương giai cấp mà tự mến. Bậc ĐẠI BỒ TÁT tất cả công việc chư Phật đã thi hành ngày nay Đại Bồ Tát phải làm, Đại Bồ Tát thu gọn tất cả những gì còn thiếu sót, những gì A Tăng Kỳ kiếp chưa làm đến nay Đại Bồ Tát phải làm. Đại Bồ Tát nhìn biết những môn Bồ Tát chưa làm, bằng tánh chất thua kém, bằng ý chí chưa rộng, bằng Lề Lối biếng trễ, bằng đối xử với mọi người chưa chân thật đang còn chênh lệch nhau, nay Đại Bồ Tát phải thực hành không thiếu sót.

Vị Đại Bồ Tát chưa bao giờ suy nghĩ việc nơi mình giúp đỡ rộng hẹp, lớn nhỏ đối với con người, hoặc Tâm Tánh mình VÔ NGẠI để mình đặng ngôi thứ Bồ Tát. Do nơi không so tính hơn thua rộng hẹp, lớn nhỏ đối với mọi người nên hóa độ được KHỔ ÁCH.

Đại Bồ Tát nhìn tất cả những hiện vật Vũ Trụ đã hóa sanh có tất cả hình sắc, nếu kẻ nào nhìn thấy hình sắc nơi hiện vật, mà cho là Đã Biết, thì thật ra chưa biết chi cả, vì sao?

Vì lúc nhìn những hiện vật thấy đặng thực chất hóa sanh ra nó mới thật là biết. Có nhiều vị sống trong hình tướng thứ vị hơn là sống nơi mức tiến hóa của con người. Nên chi Đại Bồ Tát sống theo nếp sống tiến hóa Vũ Trụ, hơn là ở nơi Thứ Vị của Bồ Tát phải chịu nằm trong Vũ Trụ Bị Sanh. Do lẽ ấy nên Đại Bồ Tát không bao giờ suy nghĩ mình là Đại Bồ Tát, duy chỉ mục đích thật biết tỏ rõ tất cả Động Cơ và Phụ Thuộc Cơ của Vũ Trụ hóa sanh Sơn Hà Đại Địa cùng vô số thế giới, mỗi mỗi đều có mức Sống cùng lối sống khác biệt, nhưng đồng cái sống.

Đại Bồ Tát không bao giờ cầu báo NIẾT BÀN, cầu báo Tịnh Độ các Cõi chư Thiên, Tiên, vì Đại Bồ Tát thật biết chính mình tạo những gì, chính mình có nơi đó chớ nào phải van xin cầu khẩn mới có, do biết NHƯ TƯỚNG cùng NHẤT TƯỚNG mà tâm không bao giờ suy nghĩ vẩn vơ, suy nghĩ mong đợi duy nhất Hạnh Nguyện thực thể mà đặng.

Đại Bồ Tát khi lâm chung cũng như thay nơi ở, tâm không quái ngại, nên không có TẬP KHÍ. Lúc Tái Phàm hoặc Tái Sanh nơi nào tùy Đại Bồ Tát đến nơi thai sanh mà Thị Hiện tái sanh.

Bậc Đại Bồ Tát NHẤT SANH BỔN XỨ THÀNH PHẬT, khi Bồ Tát Bất Thối kiếp thứ Chín chưa tròn Hạnh Nguyện đến chừng kiếp thứ Mười Hai mới thành Phật, vì phải tu trì đến mức Đại Bồ Tát mới đặng Thọ Ký Nhất Sanh Bổn Xứ thành Phật.

Bậc NHẤT SANH BỔN XỨ THÀNH PHẬT, bậc nầy đã tỏ rõ tỉ mỉ tất cả vạn pháp di chuyển thay đổi nơi nó như thế nào, đặng thành tựu ra sao. Từ Chủng Tánh Chúng Sanh đến Chủng Tánh Bồ Tát, phân định giữa hai trạng thái cử chỉ, đồng thời nơi Nghe, Thấy, Biết nó như thế nào thảy đều tỏ rõ thật biết rành mạch. Cũng như biết tỏ rõ tỉ mỉ Vũ Trụ từ nơi Thể Chất, các chất nơi Vũ Trụ hợp hóa ra sao, đặng hóa sanh những gì, từ Sơn Hà Đại Địa đến Nhân Sinh, Thiên Sanh thảy đều biết rõ nơi thọ chấp thứ bậc thành hình vậy.

Bậc nầy khi Lâm Chung, đã biết trước rõ ràng tỉ mỉ, bậc nầy định hướng nơi an trú để sau Hạ Lai thành Phật. Bậc nầy lại sửa soạn quét dọn an bài đâu đó trước ba tháng hoặc bảy tháng mới lâm chung. Bậc nầy trước khi thoát sanh đã căn dặn tất cả Tín Chúng từ cử chỉ đến sự hệ trọng trên con đường Giải Thoát. Nhưng bậc nầy chưa biết sau nầy chính mình Hạ Lai trong một nước nào, vì sao? Vì dưới mắt bậc Nhất Sanh Bổn Xứ, nước nào cũng bình đẳng như nhau nên chưa lưu tâm đến. Đến ngày lâm chung, đến phút lâm chung chư Phật nghìn phương đồng đứng lên Thọ Ký "NHẤT SANH BỔN XỨ THÀNH PHẬT.”

Thiền Sư vừa nói đến đây trời cũng về chiều, số người cùng Thiền Sư ra về, mối tình cao cả Thiền Sư đã nói, anh em tâm niệm cảm kích vô cùng khó tả.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN