–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

10. MINH ĐỊNH VỀ THỂ TÁNH CỦA THIỀN

22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 13548)
10. MINH ĐỊNH VỀ THỂ TÁNH CỦA THIỀN
Thời trước Đức Thế Tôn còn tại thế chẳng có Tông nào cả. Sau thời Đức Thế Tôn, các Tổ mỗi vị sở đắc một Giác Môn, lúc bấy giờ mới phát nguyện duy trì Bảo Ấn. Mỗi vị thành lập mỗi khối chỉ dạy cho tín chúng, khối ấy mới gọi là TÔNG, trở thành 12 Tông, nhưng có 5 Tông thịnh hành như: Thiền Tông, Giáo Tông, (Hiển Giáo), Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Hoa Nghiêm Tông.

Đạo Phật kể từ thời thượng pháp đến thời Hạ Lai lạc pháp, thời nào cũng có Tổ thừa kế chỉ dạy. Có thời vị chỉ dạy nhiều, có thời vị chỉ bày ít. Có thời vị Bồ Tát từ nơi Thể Ứng Hiện, có thời thì vị Phật hiện thể, thời Hiện Thể chỉ dạy đầy đủ 12 Tông, đồng với 10 Danh Hiệu. Vị Phật hoặc vị Tổ cũng phải tùy thời thuận theo nghiệp của Chúng Sanh mà Hóa Giải bất luận tín chúng tại gia hay xuất gia mới nhất định tu đặng, miễn Tin Phật, Tin Pháp Môn, Tin Tăng chỉ đạo. Không khác mấy với các hành giả đứng trong giai cấp địa vị nào miễn tín thành thiết tha có Tâm cầu đạo là tu đặng.

Minh định về THỂ TÁNH của Thiền, Thể Tánh ấy do nơi chủng nghiệp của chúng sanh tự chia ra từng giới mà có. Khi đã trót mê liền bị lầm, đã lầm thì có lẫn, thường chướng đối nhau, cạnh tranh nhau, vướng vấp nhau sinh ra thù hận. Nếu chẳng chướng đối nhau, chẳng thù hận nhau liền có sự cảm mến nhau liên kết vẫn thành nghiệp Ái Nịch. Đứng hai tư thế, từ nơi cảm mến đến hận thù thảy đều là đường dây Sanh Tử luân hồi. Lúc tận giác mới hay rằng: Thể Tánh vốn an nhiên viên tịch, do sự mê lầm mới có cớ sự trên. Từ nơi THỂ TÁNH viên tịch sáng suốt vốn sẵn có nơi nhân sinh của con người, nhưng tại nhân sinh khởi vọng, động vọng, hoài mong, chạy theo sự hoài mong khát vọng từng giới hạn nầy đến giới hạn nọ, vì lẽ ấy nên chi từ Thể Tánh trở thành CHỦNG TÁNH. Đã thành Chủng Tánh riêng biệt, trình độ cao thấp rộng hẹp nên chia ra bốn giai cấp biệt lập khác nhau gọi là: Chủng Tánh Chúng Sanh, Chủng Tánh Bồ Tát, Chủng Tánh Phật, Chủng Tánh Phật lúc còn đang ẨN mê ngộ chưa phân gọi là PHẬT TÁNH, lúc giác ngộ gọi là TÁNH PHẬT, đến Chủng Tánh Như Lai Tánh. Tại sao Như Lai lại có tánh? Như Lai bất động không chỗ chỉ. Vì Bồ Tát quán Như Lai phải dụng tánh Bất Động trùm khắp để quán sát Như Lai, khi đã quán Như Lai gọi là Như Lai Tánh hoặc Như Lai Nhãn Tạng.

Khi đã minh định về Thể Tánh thì thử hỏi Thể Tánh có thể làm những gì? Những gì Thể Tánh cũng làm được, cũng đến được, khỏi cầu ai, chỉ cần biết khai thác Thể Tánh là dùng được tất cả. Vì vậy cho nên nhân sinh tu Phật biết nương nơi Thể Tánh giải mê lầm được Giác Ngộ. Nhân Sinh tu Thiền Tọa nương nơi Thể Tánh tỏ Thiền tức là tỏ Thiền Tánh. Nhờ Thiền Tánh mà viễn thông Tam Giới, tỏ rõ Tam Thiên khỏi lầm hết mê mà Giác Ngộ. Chớ nên khởi vọng để thấy Tam Thiên, chớ nên hoài mong xuất hồn nhập cảnh mà đoạt đến Tam Giới. Dù cho hành giả có đoạt Tam Giới Tam Thiên bằng ảo tượng xa lìa Thể Tánh mà đạt đến, thì nơi chốn ĐẾN kia thảy đều nằm nơi vọng tưởng Đảo Điên thành tựu. Nó không bền chi cả.

Bậc Trí khi tu Thiền Tọa cần nhất tự kiểm điểm lấy mình, từ khả năng đến công năng, từ tinh thần cầu đạo đến Nghiệp Chướng làm trở ngại bước đường tu tập nó như thế nào? Nếu nhận thấy bên nào khuyết phải dụng công bồi dưỡng thêm, nghiệp nào tính xấu xa chi làm cho đường tu Bất Tín, bất Hạnh Nguyện, bất cảm hóa nên hóa giải, nên chỉnh trang lại, để cho Thể Tánh được dung thông đó là biết khai thác Thể Tánh mà tu.

Lúc đã biết từ nơi Thể Tánh đồng hợp với Thể Tánh Chân Nguyên vũ trụ, nhưng vì mê lầm tối tăm do sự cản trở của nghiệp thức khởi vọng phải chịu với tư thế CHỦNG TÁNH CHÚNG SANH thì nơi chủng tánh chúng sanh nó có điểm nào cần nên canh giữ hoặc tiêu giảm nó. Khi biết được nơi chủng tánh chúng sanh có bốn đặc điểm đáng lưu tâm. Thế nào là 4 đặc điểm cần lưu tâm:

Thứ nhất: TĂNG
Thứ hai: GIẢM
Thứ ba: CẤU
Thứ tư: TỊNH

Nơi bệnh Tăng thường tự cao, tự mãn. Lúc tự cao cho mình hơn tất cả, khi tự mãn cho mình là đúng, là phải. Do căn bệnh Tăng thường lầm tưởng mình thông hiểu đạo pháp, ngỡ mình Đắc Đạo Tăng Thượng, lại ít học hỏi tu hành, tìm những pháp sâu đậm để tu. Thật nguy hại, làm cho bậc TĂNG xa lìa thể tánh.

Về phần GIẢM, Giảm chính là một căn bệnh thụt lùi thể tánh của mình đi xuống, mình bất tín mình, thân mạng của mình không biết ngự chế, đem giao thân mạng mình cho TRỜI, ĐẤT, QUỈ, THẦN, nên chi mình tự thán mình Nghiệp nặng, mình máng cho mình ngu si tăm tối để nhờ ơn trên ban cho mình. Do hai căn bệnh TĂNG, GIẢM làm sai lạc lệch Thể Tánh nên Phật mới khuyên các hành giả Lìa Ngã cùng Ngã Sở, cốt tiêu giảm bệnh Tăng, dụng pháp môn Tinh Tiến để nâng đỡ bệnh Giảm của chúng sanh.

Còn về CẤU, Cấu là một chứng tật khăng khăng cấu tạo gìn giữ. Cấu nên bị tập nhiễm, thường nhiễm Thọ Ngã, Thường Ngã bởi Cấu mà có. Khi hoài mơ vọng tưởng cấu tạo nơi mơ tưởng trở thành Nghiệp, do Cấu mới có thiên hình vạn tượng, có Tam Thiên chủng tánh, vì pháp Cấu chính là một pháp Sinh Tử Luân Hồi nên Phật mới dạy TỪ, BI, HỶ, XẢ cốt gây Đạo Đức. Do nơi Cấu mà có pháp môn BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA. Bằng không Cấu thì Tâm rỗng rang viên tịch, nếu không cấu thì Thể Tánh dung thông. Chủng Tánh chúng sanh nơi cấu rất là ngăn ngại, cấu chính là bờ ngăn chúng sanh giới vậy.

Còn về phương diện TỊNH, Tịnh là một phương tiện ĐỘ lúc bị ĐỘNG, Tịnh chẳng khác nào viên thuốc ngủ dùng lúc cứu con bệnh đang đau nhức. Đối với chúng sanh tánh hay lấy Thanh Tịnh để nuôi bạc nhược hoặc dung dưỡng tuổi già hoặc giả các bậc tu hành Nhẫn Nhục hay nhẫn nhịn để chấm dứt tranh giành gây hấn nên gọi là TỊNH độ ĐỘNG.

Đứng về thể chất của Tịnh, các bậc tu Thiền Tọa buổi ban đầu chưa minh xác tỏ tường Thể Tánh của mình hoặc của Thiền Tánh, bị vọng loạn giao động điên đảo mới dùng Tịnh cốt độ Vọng Loạn Điên Đảo. Độ xong vọng loạn điên đảo, sáng soi tỏ rõ sự điên đảo loạn vọng, như thế gọi là TỊNH GIÁC. Phải tu nơi Giác Tịnh mới tỏ đặng Thiền Tánh Thể Tánh duy nhất. Bằng chẳng Giác Tịnh, dụng Tịnh tu Tịnh hay bị nơi Cấu Tịnh lần đưa hành giả vào Tịnh Biệt. Khi đã lâm vào Tịnh Biệt Thiền Môn thì hành giả tối tăm mơ màng sinh ra căn bệnh RỖNG nơi đỉnh đầu rất khó chịu, có thể khùng dại nữa.

TĂNG, GIẢM, CẤU, TỊNH là bốn BẢO CHÂU đối với bậc biết tu, biết điều hành ngự chế. Khi biết thì hành giả từ nơi lạc loài sai lạc tu trở về Chân Thể. Bằng chưa biết tu, chưa biết sử dụng điều hành thì nó đem hành giả càng tu đến đâu, càng bị ngộ ĐỘC đến đó. Vì sao biết điều hành ? Vì bậc biết điều hành, gặp lúc chủng tánh sanh tánh ê chề lười trễ đường tu, thì hành giả phải tự nâng công phu, tự tăng sống động, đó chính là biết điều hành ngự chế. Lúc quá ư sống động Thể Tánh soi biết nên GIẢM đến mức độ quân bình, đó là bậc biết chế ngự điều hành.

Về CẤU, khi cấu tạo nhiều thành nghiệp, bằng không Cấu hoặc xả sạch Cấu vẫn mang nghiệp. Nơi CẤU biết dụng Cấu gọi là huân tập Nhiếp Độ. Huân Tập nhiếp độ thực hành cấu tạo để tỏ ngộ. Khi tỏ ngộ cấu đương nhiên dung hòa, cũng như Tịnh độ Động, tỏ Động liền hoàn mỹ Tịnh Giác vậy.

Lời diễn giải trên mới hiểu đặng vạn pháp biết sử dụng hay chưa biết sử dụng. Đối từ Thế Gian đến Xuất Thế Gian, trong công việc chi nó phải linh động. Một cơ xưởng kỹ nghệ, các máy móc bên trong nó vẫn điều hành chạy hoài, về vũ trụ bao la, vũ trụ vẫn sống trong mây gió. Chân Lý luôn luôn thao diễn sống động vô cùng đối với bậc biết tu.

Bậc biết tu thời nào cũng thấy Phật. Thấy Phật không phải chiêm ngưỡng hay tưởng tượng để mà thấy. Càng nương theo vết chân của chư Phật đã qua ngày nay bậc tu hành lần bước, càng bước bao nhiêu thì lời Phật dạy càng tỏ bấy nhiêu, đó là yếu tố thật thấy vậy.

Chân Lý là một Lý Chân. Nương theo Lý Chân thật sở đắc Chân Lý, các bậc tu tìm nơi Chơn Tánh để tu, lần tỏ Thể Tánh viên thông Thiền Tánh thì con đường tu hành rất sống động, thụ hưởng rất linh hoạt. Nhờ dụng Trí hóa giải, nhờ công năng lướt qua các chướng ngại Lý Sự mới nhìn nhận Phật Đạo cứu độ thích nghi hiện tại, thích ứng rõ ràng. Đối với Chân Lý, Phật Đạo không có pháp nào là pháp Thiện Ác, Tốt Xấu, Lành hoặc Dữ cả. Chỉ có bậc tu hành chưa am tường vạn pháp sống động linh hoạt, chỉ biết xem kinh mà chưa Liễu Nghĩa kinh, tu không Hóa Giải, chính là tu xác của nghìn xưa. Tu dụng Trí Tuệ hóa giải liễu nghĩa kinh pháp thực hành để tu, đó chính là bậc biết tu hiện tại của hiện tại thông đạt.

Thể Tánh luôn luôn sống động, khi các hành giả tọa thiền khởi vọng thế nào, Đức Trí ra sao, Hạnh Kiểm như thế nào, nguyện vọng ra sao thì Thiền kia chính nó là TÁNH của hành giả, biểu lộ hiện diện ra từng giai đoạn của hành giả. Hành giả ngỡ là Thiền Ứng nên Thọ Chấp nơi Thiền mà chìm đắm. Nên Phật nói: “NÓ MUỐN THẾ NÀO, THÌ THIỀN TÁNH THẢY ĐỀU ĐỒNG NƯƠNG, ĐỒNG ỨNG THEO CÁI MUỐN CỦA NÓ MÀ THUYÊN DIỄN Y NHƯ THẬT, NÓ NGỞ LÀ XUẤT NHẬP MONG MỎI THỤ CHẤP NƠI THIỀN TÁNH.”

Khi nhận định được Phật Pháp, hành giả tu theo môn nào chẳng hạn, không ngoài phải lượng theo tu sao cho phù hợp, có phù hợp mới có Trí Tuệ hóa giải từng giai đoạn ngăn chấp. Bằng khắc biệt, tu theo Lý Trí, nơi mình khởi muốn liền đương sinh vọng đảo mơ màng, phải nên công dụng PHẬT PHÁP BẤT LY THẾ GIAN GIÁC. Đối với Thế Gian là một điểm tương tựa suy ngẫm cốt Giác Phật Pháp, đó chính là một tài liệu bất hủ vậy.

Ví như: Đồng hợp các chất, chất liền hóa chất, như đồng thanh tương ứng, đồng hữu tương cầu, Phật Đạo vẫn phải đi trong Tình Lý đó, vẫn thực hành tu nơi ĐỒNG HỢP ĐỒNG HÓA gọi là HÓA ĐỘ MÊ LẦM. Tâm Phật cùng Tâm chúng sanh không khác mà khác, vì chúng sanh chưa hợp với Tâm Phật nên chưa thành Phật. Nếu Tâm mong thành Tâm phải biết nương theo tu hành sao cho đồng hợp liền đặng hóa. Vì như thế nên Bồ Tát phải thực hành tu các pháp môn mà ngày trước Phật đã từng tu, nay Bồ Tát phải tu, chủ yếu hợp với Tâm Phật thành Phật.

Ngày nay các hành giả tu tìm Chân Lý lần tiến để tu. Thời xưa các Bồ Tát vẫn phải tìm tòi y như hành giả hôm nay. Khi các Bồ Tát biết được Lý Sự đồng hợp đồng hóa thì Bồ Tát mới Đại Nguyện BI, CHÍ, DŨNG, thi hành LỤC BA LA MẬT ĐA cốt đồng hợp với tất cả nhân loại mà HÓA THỂ NHƯ LAI thành PHẬT.

Đối với vũ trụ bao la, nhân sinh cùng khắp, từ các cõi Rồng, Người được gọi là NHƯ THỂ hay NHƯ LAI THỂ. Còn đối với các hành giả từ nơi THỂ mà hiện TÁNH tư riêng nên còn là THỂ TÁNH, lúc Tọa Thiền gọi là THIỀN TÁNH, khi làm xấu gọi là TÁNH XẤU, lúc làm đặng sự an lành gọi là TÁNH TỐT, nó không ngoài Thể Tánh, Thể Tánh nó còn đặng có một cái là NHƯ NHIÊN TỰ GIÁC nơi hành giả, nhờ như thế nên chi hợp hóa với vũ trụ NHƯ THỂ. Khi các hành giả tu tập chưa dùng CÔNG tạo nên ĐẠI ĐỨC, tức là Đức bao trùm Hỷ Xả nghiệp lậu kiết sử cốt TẬN GIÁC thì lấy đâu có Công Đức cúng dường Như Lai. Đã không có công đức cúng dường thì lấy đâu đến Tỏ Ngộ? Do tu tập Đồng Hành mới Đồng Hợp đặng Đồng Hóa. Các hành giả phải nương theo vết chân của chư Bồ Tát đã đi, hôm nay hành giả phải tu học thật hành cũng như thời trước chư Phật đã từng dùng BI NGUYỆN GIÁC THÔNG trọn vẹn, thời Bồ Tát cũng phải thực hành Hạnh Nguyện cho đặng THÔNG GIÁC trọn vẹn, đó chính là con đường duy nhất.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN