–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

11. PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI TẠNG

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 14467)
11. PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI TẠNG
Nói đến PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI TẠNG là bậc đã làm Vua các Pháp, Sở Đắc dung thông bao gồm hàm chứa Tạng Thức của Chúng Sanh, từ SẮC, VÔ SẮC thảy đều sắp xếp thứ tự trong Như Lai Tạng. Bậc ấy thật biết các pháp tỏ rõ, biết thể tánh di chuyển, đi lại đổi thay biến diễn. Sự biến diễn ấy làm cho tất cả chúng sanh lầm lẫn thọ chấp trở thành thứ bậc vướng trong Bản Ngã TU CHỨNG trong hàng Tứ Thánh, ngoài ra có vô số Cảnh Giới, vô số các Cõi TIÊN THẦN trong ngoài Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Cứ mỗi một pháp lầm chấp là một chúng sanh mang thân lầm chấp, cứ mỗi một pháp lầm chấp là một cảnh giới nên hình để cho hằng hà sa số chúng sanh đồng chấp an trụ. Bậc Pháp Đảnh Như Lai Tạng thật biết: Nó nghĩ thế nào nó thành tựu thế ấy, nó tự tạo rồi nó tự lãnh lấy cảnh giới, vì vậy nên nó phải bị trong Hàm Chứa của NHƯ LAI TẠNG.

Tất cả cùng tất cả không hay biết ngỡ mình có một Phước Đức công năng sở đắc Chân Lý cùng tột, nên tự mãn dung dưỡng Bản Ngã, lại khoe khoang vô thượng. Nhưng chính thị vẫn mơ màng nghi nan thường tưởng đến định tưởng của nguồn gốc Tạng Thức. Vì sao? Vì chưa rốt ráo tỉ mỉ tỏ rõ Bản Thể Tâm nên chưa làm chủ Như Lai Tạng, thì làm sao không bị Tạng Thức bao trùm trong Hàm Chứa.

Đối với Như Lai Tạng là kho Tạng dung chứa tất cả các pháp, từ hạt bụi vi trần, đến cảnh giới hay triệu triệu các cõi, trong hàng vô số chúng sanh thảy đều nằm trong cương tỏa hàm chứa, một khởi nghĩ hay không khởi nghĩ, một chấp nhận hay không chấp nhận, đều sắp xếp thứ tự không sai chạy hoặc mất mát mảy may nào cả.

Nơi Như Lai Tạng là một Hàm Chứa, nhưng nó có một đặc điểm hai pháp mà các bậc tu hành khó giải sanh nghi chấp chưa minh định được.

Một là SẮC, hai là VÔ SẮC, nếu Sắc thời nó sẵn có thể tánh của Sắc. Vô Sắc thời nó vẫn có thể tánh của Vô Sắc.

Chúng Sanh vẫn đồng chủng tánh của Như Lai do sai biệt bởi khởi vọng trở thành Tạng Thức. Khi đương thời thì Thể Tánh của Như Lai trùm khắp, Phước Tuệ như một cơn mưa, Phước Báo như một biển cả. Lúc lầm mê thì thể tánh của Như Lai kia bị phân phối nên Phước Tuệ và Phước Báo nhỏ tựa như hạt sương trong mùa Thu lạnh hay bọt biển trên sóng đua bơi vậy. Từ Như Lai xem xét tỏ rõ không thiếu sót vô tận, còn chúng sanh bé nhỏ nên không thể nào mà biết đặng Như Lai. Cũng như Biển kia biết tất cả các con sóng, chớ sóng nào có biết đặng Biển đâu. Chúng sanh thì bị biết có hạn lượng nó không ngoài Sắc Pháp, suy tính chẳng ngoài Tạng Thức, nếu không có Tạng Thức và Sắc Pháp thì chưa biết.

Khi chúng sanh chiêm ngưỡng hồi hướng tu cầu Tri Kiến Như Lai đặng thoát khỏi vọng đảo Tạng Thức, chúng sanh phát Bồ Đề Tâm Nguyện, tất cả tinh thần nương vào Công Đức của Như Lai để thề nguyện Sự. Vì sao phải lấy Công Đức để cầu Như Lai nguyện? Vì Phước Tuệ và Phước Báo bé nhỏ như hạt sương, nên tu hành trên CÔNG NĂNG và ĐẠO ĐỨC chẳng thọ chấp gọi là Công Đức Cúng Dường Như Lai. Chẳng khác mấy chư Bồ Tát hành thâm thu nhặt từng hạt sương để tạo nên công đức trùm khắp như cơn mưa Bảo Pháp, Biển Cả của Pháp Tạng Như Lai vậy.

Bậc tu hành vẫn có một số tìm đặng Chân Tánh để mà tu, cốt cổi giải từ nơi Bị Biết để đoạt đến Tự Biết, lại tiến thêm một bước nữa liền tự hỏi? DO ĐÂU CÓ CÁI BIẾT? Đối với các bậc đang bị biết thời không thể chỉ hoặc nói do đâu có cái biết. Vì sao? Vì duy chỉ có đoạt đến Cái Biết tận cùng làm chủ Cái Biết mới biết đặng Cái Biết do đâu thôi, ngoài ra hãy còn đang bị chứa nơi hàm chứa của Như Lai Tạng làm thế nào diễn nói đặng Cái Biết.

Vì trót mê lầm nhận tưởng theo tưởng, cố định nung đúc trở thành thường nhiễm mà chịu làm Chúng Sanh, nơi Biết không ngoài Tạng Thức, trở nên Giới Hạn, chớ trước kia chưa lầm còn trong thời Nguyên Thể, không có giới hạn, tuy nhỏ bé chẳng bằng với Như Lai nhưng sự thông đạt không kém mấy, vì sao? Vì nó vẫn Vô Hạn Lượng, lúc ấy cứ an nhiên bình dị một thời gian tỏ ngộ Như Lai Pháp Đảnh. Ngặt vì chủng tánh kia lại khởi so tính phân biệt nên bị biệt trở thành TẠNG THỨC, từ Tạng Thức dị chủng tương ứng đồng hóa HƯ KHÔNG, nơi hư không hiệp chung Tạng Thức mà có Sắc, Sắc vốn là Pháp, Pháp vẫn là Sắc không sai khác nên gọi là SẮC PHÁP.

Do đó cái biết không ngoài Sắc Pháp, Xúc Cảm đặng cho biết, khi đem đến để biết, thì đương nhiên bị biết, lúc bị biết pháp sanh đặng biết, pháp diệt chưa biết, phải nhịp nhàng trong sanh diệt để mà biết. Nhưng vốn thể tánh của pháp thì thường diễn ra Sắc, Vô Sắc thay đổi không ngừng, tạng thức như mũi tên bay, vì vậy nên chi trong ý nghĩ mãi đưa đến, xong lại mang đi, làm cho có nơi mong cầu của chúng sanh để có nơi Phước Báo và Chịu Báo trong vay trả, trả vay in tuồng như thật mà thọ chấp trong giai đoạn thường lầm lại thường nghĩ tưởng chúng sanh ưa muốn hoặc mong cầu không ngoài Sắc Pháp Tạng- Thức trở thành Cảnh Giới mà an trụ Chánh Báo Chịu Báo gọi là Tương Báo.

Nên Phật nói: “Nó nghĩ thế nào, nó muốn thế ấy, nó tự tạo mà thành tựu như vậy, chớ chẳng ai ban cho nó, nó lại ngỡ là ban cho nên nó cầu khẩn van xin. Chính tại nó chưa biết lầm nhận như vậy, phải chịu như vậy để sanh tử luân hồi.”

Khi đang mê lầm phải ở nơi Bị Biết vọng đảo, dù cho bậc ấy tu hành nhất tâm cầu Tri Kiến Giải Thoát, thì nhất tâm kia nó vẫn đang nằm nơi vọng đảo bị biết, chớ chưa đến mục tiêu Chánh Biết sở cầu như ý nguyện, cũng phải tu hành trong một thời gian tiêu sạch mê chấp đảo vọng thì chừng ấy mới bước vào dòng Như Lai để tu đến kết quả Tri Kiến Giải Thoát.

Như trong thời hiền kiếp còn Đức Phật tại thế, Ngài dạy chúng sanh TIN PHẬT liền thành Phật hay NIỆM PHẬT đặng thành Phật. Trái lại chúng sanh càng tin Phật hơn thế nữa, hoặc niệm Phật hằng hà sa số niệm, nhưng mấy ai đã thành Phật? Đối với Phật chính là bậc Chánh Giác Ngài dạy rất đúng. Khi chúng sanh đang ở trong Tạng Thức bị lầm độc dược điên loạn thời có Tin hay có Niệm chăng cũng không ra được vòng cương tỏa của mê lầm. Lúc Tạng Thức chẳng còn mê mờ tan dẹp liền thấy biết CHA LÀNH ĐỨC PHẬT đón chờ thì vừa khởi niệm khởi tin liền thành Phật, đó là một yếu tố chân thật như lời PHẬT dạy.

Trong thời nầy sự tu hành nhiều bậc nhất tâm cầu đạo, nhưng tiếc rằng thiếu bậc Lãnh Đạo Cơ Giác giảng giải rành mạch để đưa bậc tu đến Tự Giác. Bậc lãnh đạo đang Bị Biết chỉ dạy bậc tu Biết để mà Bị trong vòng Thọ Ngã loanh quanh phát sinh Dị Biệt màu sắc, do đó gọi là Mạt Pháp, chớ PHÁP TẠNG chân truyền chẳng bao giờ mạt!

Bậc nhất tâm tu cầu TRI KIẾN GIẢI THOÁT, dù bậc ấy có hiểu biết nhiều ít hoặc tự tánh tỏ tánh, luôn luôn đưa mình trong con đường tu lấy Tự Giác làm căn bản chăng, hoặc giả thông đạt các pháp diễn nói tựa như Phật đi nữa thì lại càng suy xét nghiền ngẫm soi khắp các pháp cho thật chí lý tận cùng để mà tỏ ngộ, chớ chẳng phải tận cùng để thọ chấp. Đó chính là nương theo Vô Ngã hồi hướng Công Đức. Bằng nương để soi biết chí lý tận cùng, liền bất chợt Quán hay Định để giải quyết mục tiêu Sở Đắc, hoặc giả quán Vô Sắc để Diệt Sắc hay Dụng Sắc đặng Chánh Báo rực rỡ trang nghiêm Quốc Độ Tịnh Độ, trong trăm ngàn đem đến để mà giác tỏ, thảy đều vướng bị không Chấp, nhưng vẫn chấp Không vậy.

Bậc tu cầu Tri Kiến Giải Thoát nương theo Vô Ngã cầu lấy Công Đức sung mãn, cầu lấy giải mê phá chấp, cầu lấy Trọn Biết để tròn duyên tròn chí nguyện, đó chính là cầu Tri Kiến Giải Thoát. Bằng cầu nổi danh, cầu Chánh Báo trong mọi hình thức, cầu thuyết pháp theo ý muốn, theo thỏa mãn lời mình nói mà chính mình chẳng biết mình đã nói để đưa cho bậc hiểu biết những gì, không có mục tiêu, đó chẳng phải nương theo Vô Ngã mà là Bản Ngã, tu Thọ Ngã chẳng có Công Đức chi lại làm tự mình mang thêm lầm lẫn mơ màng phải dùng định tưởng Tạng Thức.

Bậc tu nhận nơi Công Năng tự giác Đức Độ bao trùm nương theo Vô Ngã để cầu Tự Biết, thời bậc ấy có thể biết Vạn Pháp do Tâm Sanh, Tâm phân biệt phóng đạt tối sáng không ngừng là TẠNG THỨC, tạng thức tư duy suy nghĩ gọi là DUY THỨC, mà tạng thức eo hẹp nhỏ nhen phàm phu thường dụng thì nó là Ý THỨC. Từ Ý Thức đến Duy Thức cùng Tạng Thức thảy đều một gốc, nhưng mỗi tác dụng khác nhau trở thành ba văn tự, nếu chấp văn tự nào thời chỉ dùng có một trong ba thôi. Bậc nương theo Vô Ngã để tỏ rõ thì trong ba văn tự đồng biết cho đến thật biết rất có lợi vô kể.

Vì vậy nên chi bậc tu hành không chấp pháp thì bậc tu ấy được tu pháp THƯỜNG CHÂN. Bằng tu mà chấp pháp thời pháp ấy chẳng thường chân mà bị chấp pháp. Cũng như: Kẻ thường đi phải đến, năng biết để mà trọn biết. Còn kẻ chẳng đi thời phải đứng, đứng nào có đi? Chấp Pháp cũng thế, vì đang bị biết tu cốt giải nơi Bị Biết đừng chấp pháp, nếu tu mà chấp thà rằng chưa tu là hơn.

Từ bậc kém trí tuệ tu hành trong một thời gian nương theo Vô Ngã, phát Bồ Đề Tâm Nguyện hiểu đặng ích lợi của Tự Giác liền trở thành ĐẠI TRÍ, Đại Trí chính là một trí rộng rãi thân tâm chẳng còn ích kỷ, vừa tu cho mình lại vừa cứu giúp kẻ khác, tỏ lòng Bi Nguyện bình đẳng đối với tất cả.

Khi đã thực hành Bình Đẳng liền sở đắc Bình Đẳng Tánh Trí, bậc như vậy không còn gìn giữ bình đẳng mà nó vẫn thi hành thực tại bình đẳng. Từ đó mới kiểm điểm các pháp nơi nào là nơi Tự Biết, chốn nào là chốn Bị Biết, giữa Vũ Trụ và con người nó có liên hệ chi chăng? Giữa mình và tất cả mọi kẻ nó có bà con giòng họ chi để quan sát thật biết chẳng còn nghi ngại, ngăn chấp thành kiến trái phải, lần lượt Đại Trí kia mở thông đỉnh đạt gọi là DIỆU QUANG SÁT TRÍ. Lúc bấy giờ lại có một Trí Tuệ thích ứng, ít tự ngã chẳng còn tu cho người, mà chính là tu cho mình. Vì sao? Vì giác mê nầy chính tại mình mê, chớ vũ trụ và mọi kẻ đâu có mê? Nếu mọi kẻ và vũ trụ mê, thì làm sao ngoại cảnh đưa cho mình, cùng các chư Tổ, chư Phật Giác Ngộ? Khi ấy Trí Tuệ mở thông bao nhiêu nghi chấp thảy đều tỏ giải, chẳng còn dùng Trí Tuệ nữa mà chỉ dùng Tự Biết Để Biết. Một thời gian biết tất cả, đồng cảnh đồng trí liền có một đồng trí suy xét trong cảnh trong trí, vui buồn sướng khổ như nhau chẳng sai biệt, không phân giữa Phàm hoặc Thánh đều như một, liền Sở Đắc NHỨT THIẾT TRÍ, tức nhiên một Trí đồng một Cảnh, cảnh và trí duy nhất, chẳng phải phàm phu riêng chịu, mà Thánh độ sanh đồng chịu một TRÍ.

Đó chính là một con đường duy nhất, Chư Bồ Tát Hạnh Nguyện đang làm, bậc Đại Trí nương theo để làm, quyết định đưa chúng sanh phá các ngăn chấp dị biệt thường cách, bị biết để chúng sanh duyên khởi nguyện, đặng phương tiện cho chúng sanh tu tập Tự Giác Tự Biết, đến phát nguyện Thật Biết mà thành tựu Công Đức cúng dường Như Lai, tu cầu Diệu Quả. Tất cả thảy đều nương theo Vô Ngã mà sở đắc các pháp TAM MUỘI, nhập vào Chánh Định Tam Muội tận biết chu đáo sự kín nhiệm của Như Lai Tạng. Khi chưa biết gọi là kín nhiệm, đến lúc tận biết thời Như Lai nào có sự kín nhiệm? Đặng trọn biết, giữa Mật Thể và Giáo Thể đồng nhất song tu, tướng tánh duy nhất chẳng sai khác.

Đối với PHÁP TẠNG chân truyền nó có một hệ thống di chuyển quyết định, tuy nơi TU CHỨNG chẳng quyết định, nhưng phải chung gồm đầy đủ, mới thành tựu viên mãn. Bằng tu Hiển Giáo chẳng Mật Giáo, hoặc Mật không Hiển thời cả một vấn đề chênh lệch. Cũng như chưa DIỆU QUANG SÁT TRÍ, BÌNH ĐẲNG TÁNH TRÍ mà đòi giải thoát thì cả một vấn đề tham nhũng, chẳng khác nhiều bậc tu phá chấp chưa Đạo Hạnh thuần túy lại vọng tưởng Niết Bàn, quan niệm Giải Thoát thật là một con bệnh giải thoát trong thời 2.516 năm Phật Lịch.

Bậc tu qua từng lớp đến tận biết, từ Phàm Phu Trí đến Thánh Trí chan hòa, chẳng phàm không thánh, để thành tựu Nhất Thiết Trí mà đoạt BẢN THỂ TÂM, tỏ tường tận biết từ mỗi một pháp. Ví như: Biển Cả kia biết sự linh động thể tánh của sóng, biết từng con sóng, từng bọt nước nơi biển cả của mình. Đối với bậc tu biết từng tạng thức thể tánh linh động ra sao? Biết bao nhiêu chúng sanh lầm chấp đặng Chánh Báo Thọ Báo thế nào? Các pháp lưu hành di chuyển xong nó trả về đâu? Thật tỏ còn tỏ hơn thế nữa, đặng làm vua các pháp, đặng làm Chân Tôn đầy đủ Mười Danh Hiệu thọ ký PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI.

Chẳng khác mấy: Đứng nơi giai thế Bọt Sóng, nó thường trôi giạt trên mặt sóng. Nếu bọt kia nó biết, vốn thể tánh của phần sóng nó phải linh động, thì bọt nó không ngạc nhiên chi cả. Bậc tu hành nếu biết đặng chính mình trót lầm mê nơi biển pháp Tạng Thức, thì nó phải di chuyển xoay chiều linh động chẳng bảo nó ngừng mà nó thọ chấp miễn trôi giạt theo để soi biết đó chính là bậc biết tu trong pháp Động để Giác, một thời gian Hoàn Lai nó chẳng khác nào:

Biển Cả kia biết tất cả bao nhiêu con sóng, bao nhiêu bọt, bọt thì nó hằng hà sa số đồng hiệp đồng hóa, bất hiệp bất hóa, nó bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, nó vốn nương nhau, vì thể tánh của nó. Biển chẳng cho nó là Sắc hay không Sắc, biển chẳng nhìn để Nghe-Thấy-Biết đặng phân ý mà phải chịu nằm nơi Tạng Thức Giới đi trong sanh diệt cấu tịnh của vô ích. Bậc tu đến Nhất Thiết Trí cũng chưa đủ, nó phải tận biết sở đắc NHƯ TRÍ nương theo BỔN NGUYỆN mà PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI cũng như làm BIỂN cũng chưa đủ, phải làm CHỦ của cái biển mới đặng trọn./-

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN