–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

17. VẠN PHÁP ĐỒNG Y

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 13595)
17. VẠN PHÁP ĐỒNG Y
VẠN PHÁP ĐỒNG Y nói lên để cho các bậc tu hành trong Vạn Pháp soi biết trở về một pháp. Khi đã biết đến Thể Tánh của một Pháp, thời vạn pháp kia nó có thuyên diễn đến đâu chăng cũng chẳng làm cho tâm quái ngại. Bằng chưa biết Thể Tánh của một pháp, phát sanh ra vạn pháp thì mắc miếu ngăn ngại đủ điều, lầm lẫn đủ cách.

Đang bị làm chúng sanh, trót lầm nơi pháp chạy theo vạn pháp, vạn pháp sanh, thì chúng sanh sanh, vạn pháp diệt thì chúng sanh diệt, gọi là Sanh Diệt vạn pháp. Bậc có một chí nguyện quyết tâm cầu Tri Kiến Giải Thoát cần nương theo vạn pháp để tỏ pháp, khỏi lầm pháp, hết đắm chìm trong vạn pháp giác ngộ.

Nếu tu cầu Phước Báo Nhân Thiên hay Tu Luyện trong vạn pháp hoặc tu hành chấp pháp, đương nhiên đã lầm pháp lại dung dưỡng cầu lấy cố định thật là lầm mê thêm nữa chẳng ích lợi chi cả.

Cũng như bấy lâu nay vì lầm nương nhờ trên Mây Khói của vạn pháp hư huyển sanh diệt, lại cầu nó thường còn thời thử hỏi Mây và Khói vốn thể tánh của nó sanh diệt đâu có thường còn, lại cầu thường còn? Đó chính là một điểm lầm lẫn đáng sợ. Nếu tìm tòi soi biết được Mây Khói kia do NƯỚC LỬA phát sanh thì mới nhận thấy sự lầm mê quá kể. Đối với pháp, vạn pháp đồng y chỉ bày cho các bậc tu hành nên nương theo vạn pháp để tỏ pháp, như ở trên mây khói biết đặng mây khói vốn Nước Lửa phát sanh chừng ấy nào có ở trên mây khói mà cầu Chánh Báo cùng Chịu Báo nơi Hư Vọng?

Phật Đạo chủ yếu dạy tu tập, cốt phá mê chấp nơi vạn pháp, trọn về một pháp cũng gọi là cốt làm cho trăm sông trở về một Biển. Trong thời Đức Phật vẫn thường nói Nhất Thừa Vạn Pháp đồng y nguyên thể để đưa Tri Kiến Giải Thoát cho Tín Chúng thọ lãnh Bảo Pháp Đồng Y Sở Đắc Chân Lý.

Nhưng các Tín Chúng mỗi bậc thảy đều có một quan niệm tư tưởng khác biệt trên con đường cầu đạo chưa đúng với chí nguyện lãnh đồng y duy nhất vì vậy nên Pháp Nhất Thừa trở thành vạn pháp Tam Thừa nhiều thứ lớp.

Bậc tu hành rất cần tâm thù thắng qua chướng ngại trong vạn pháp cản ngăn phá mê lầm chấp pháp, đương nhiên có một căn bản tự biết hơn là bị biết, cũng như Tự Giác hơn là Bị Giác, trong tự giác sau nầy mới đến nơi Chánh Giác, bằng cứ bị giác thì rất dễ dàng chấp pháp. Bậc Tự Giác một pháp thời mở thông vạn pháp, đó chính là một yếu tố nhất trên con đường Giải Thoát. Tự Giác cũng là bậc có ý chí tự lập, tự lập tức nhiên có chí nguyện Chủ Quyền hơn Tùng Quyền.

Đối với Phật Đạo đưa cho tất cả sự hiểu biết Tự Giác để tìm lại Diện Mục Bổn Lai Chủ Quyền của mình bị vạn pháp chi phối lầm lẫn từ vô thủy đến nay phải chạy theo trong vòng sanh tử, nên chi cần Chủ Quyền Tự Giác hơn là Bị Giác, cũng như Tự Biết hơn Bị Biết.

Chẳng khác nào:Một nhà Sản Xuất, hơn một nhà Tiêu Thụ, nhà sản xuất tức nhiên Thường Còn, nhà tiêu thụ Sanh Diệt, vì sao? Vì nhà sản xuất lúc bể hư có thể sản xuất ra được liền tại chỗ, còn nhà tiêu thụ phải bỏ tiền để mua sắm một khi hư bể. Bậc Tự Giác đến Chánh Giác có thể tạo thành Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, còn bậc tu bị biết theo vạn pháp đặng cầu Chánh Báo thì duy chỉ tạo thành một cảnh giới hay một cõi, lúc cảnh giới hoặc cõi ấy hết Phước diệt vong thì phải gia công tu lại, đối với nhà tiêu thụ cũng thế.

Trên con đường Tự Tánh Tỏ Tánh và con đường Tu Luyện khác xa muôn trùng, vì sao? Vì Tỏ Tánh tự biết một pháp cơ bản đồng y thời viên thông vạn pháp, còn tu luyện chỉ gìn giữ có một pháp trong vạn pháp để thọ lãnh Thường Lạc vào Tiên đạo cầu Chánh Báo Nhân Thiên.

Trong vạn pháp đồng y có một ý nhị đầy đủ soi biết tận tường các pháp, làm tâm không quái ngại lãnh đặng Bình Đẳng Tánh Trí giúp cho Trí Tuệ đến Diệu Quang Sát Trí khỏi ngăn ngại lầm pháp trở về Chánh Giác.

SAU ĐÂY LÀ MỘT YẾU ĐIỂM TỰ HỎI ĐẶNG TỎ BIẾT TỪ VẠN PHÁP TRỞ VỀ MỘT PHÁP.

Hỏi: Do đâu sanh vạn pháp?

Trả lời: Do Tâm sanh vạn pháp.

Hỏi: Do đâu sanh Tâm?

Trả lời: Do chấp sanh Tâm.

Hỏi: Vì sao có chấp?

Trả lời: Vì chưa biết nên bị lầm, có lầm liền có chấp. Chẳng lầm thì không chấp khi có chấp, lại có Tâm. Đã có Tâm, Tâm sanh vạn pháp, chạy theo vạn pháp, vạn pháp vốn sanh diệt vì vậy mới phải sanh diệt chung theo vạn pháp. Nên Phật nói vạn pháp chẳng phải là nguyên thể của Ta, do lầm chấp nhận là Mình nên phải chịu Sanh Tử. Chớ vốn Ta nào có Sanh Tử.

Vạn Pháp nó vốn có sẵn một gốc của nó, nó dễ trở về Đồng Y hay phát sanh ra vạn pháp. Tỷ lệ nơi vạn pháp cứ từ một pháp nguyên thể liền diễn biến ra vạn pháp, khi hoàn tất trở lại một pháp, nên chi nói đến vạn pháp thời nó muôn trùng duyên khởi, muôn trùng vạn pháp, nó lại muôn trùng Tướng Pháp, nó lại muôn trùng vạn pháp tướng pháp, gọi đó là TÂM PHÁP cùng TƯỚNG PHÁP làm hai khối pháp sanh ra vạn vạn pháp. Bậc Giác Ngộ chung gồm hai khối trên làm một thì Tướng Pháp hay Tâm Pháp vốn nó trở về đồng y duy nhất là: TÂM.

Sau đây ví dụ: TƯỚNG PHÁP TÂM PHÁP Đồng Y biến ra Vạn Pháp:

Như: THÂN của nhân sinh hay chất ĐẤT, chất SẮT cùng là CÂY v.v... gọi là Tướng Pháp Đồng Y, từ nơi đồng y bình đẳng ấy trở thành vạn pháp tướng pháp do lầm theo vạn pháp tướng pháp để sống chẳng cơ bản phát sanh vạn lối, như: Nhân Thân Đồng Y thời Thân ai cũng thảy đều có ruột gan máu mủ y nhau, sống trong thế hệ năm tháng ngày giờ in nhau. Nhưng mỗi tư tưởng khác nhau, ý thức không y nhau, lòng tham muốn trái biệt nhau, đó gọi là vạn pháp.

Còn mỗi nguyên chất ĐẤT nguyên thể Tướng Pháp, chất Đất y nhau, nhưng tạo thành Chén Bát, Gạch Ngói toàn là những món dùng không ngoài Đất hằng hà sa số không thể nói hết đặng, những món đã biến, đã dụng thảy đều gọi là Vạn Pháp thị danh Tướng Phần. Chất SẮT, chất CÂY cũng như thế, chất Sắt tạo ra không biết bao nhiêu món dùng như: Xe cộ máy móc cùng các món khác vô kể, nhưng cũng không ngoài nguyên thể đồng y là SẮT. Đối với CÂY, cưa ra làm trở thành gỗ, ván, bàn, ghế, tủ, giường cùng các gia dụng không thể nói hết, nhưng không ngoài nguyên thể Tướng Pháp là CÂY.

Vạn Pháp Đồng Y bậc tu thường dùng trí tuệ chủ quán tỏ rõ tỉ mỉ mới nhận thấy nó linh động vi diệu vô kể. Nó có thể từ một Tâm Pháp biến diễn chẳng biết bao nhiêu ảo tưởng trở nên vạn pháp chấp nhận hư vọng mà phải lầm nhận tư tưởng của mình hay lý tưởng nơi mình là đúng đắn, để thọ chấp vạn pháp. Khi đã chấp nhận tư tưởng lòng tham muốn nhu cầu nơi chính mình để thành tựu, để tu tập, thời đương nhiên phải sống trong mơ ước lâu ngày thành Giới Hạn trọng lượng trở nên Cảnh Giới, lúc đã thành một cảnh giới thời nó vẫn diễn biến ra vạn pháp của cảnh giới đó làm cho bậc tu hành khó mà phân định mình đang ở trong vạn pháp hay đã làm Chủ Quyền vạn pháp?

Đối với chư Phật và chúng sanh hai bên có hai đặc điểm xa cách nhau muôn trùng vạn lối. Từ trên Chư Phật đã biết tỏ rõ tỉ mỉ vạn pháp chung gồm một pháp. Do đó mà từ trăm vạn cánh sen kết thành HOA SEN, Phật Điều Ngự trên các Pháp, còn chúng sanh sống trong vạn pháp, mỗi một Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới chỉ ở trong một Cánh Sen, thì làm sao biết đặng Chư Phật? Vì vậy nên chi chư Bồ Tát mới tu tập pháp môn Vạn Pháp Đồng Y, lúc có một Trí Tuệ căn bản thời Bồ Tát tự biết trong một sát na có thể tỏ thông bá thiên vạn kiếp, từng nguyên thể Tâm Pháp và Tướng Pháp phát sanh ra vạn pháp. Bồ Tát lại tự biết mỗi trong một kiếp Bồ Tát đang Hành Thâm Pháp Giới tỏ rõ bá thiên vạn kiếp trước sau đồng y không sai khác. Nên chi Bồ Tát nói: “Nơi hiện tại trong một kiếp ta có đầy đủ Nội Ngoại hai bên Cô, Dì, Chú, Bác, Anh Chị Em, ta đang tu tập hành thâm pháp giới, thời a tăng kỳ kiếp ta vẫn có Nội Ngoại hai bên Cô, Dì, Chú, Bác, Anh Chị Em vẫn hành thâm pháp giới in nhau không sai khác. Một ngày nơi ta, nó vẫn có: Sớm, Trưa, Chiều, Tối, chỉ vì ta vọng khởi phân biệt nên ta phải chịu đắng cay trong vạn pháp mà trôi giạt Sanh Tử Luân Hồi, lầm mê bỏ cả đồng y chạy theo vạn pháp.”

Vạn Pháp Đồng Y của Chư Phật đã tu, đã thành tựu Điều Ngự trên vạn pháp gọi là MINH VƯƠNG. Còn Chư Bồ Tát nương theo Chư Phật để tu tập thu nhiếp vạn pháp tỏ ngộ về một Pháp. Đối với bậc Tín Tâm đang nương theo Bồ Tát Hạnh đến Trí Tuệ cứu cánh, tỏ rõ vạn pháp đồng y mà Giác Ngộ, nên chi tu không chấp pháp mới phát Bồ Đề Tâm Nguyện cùng Mật Nguyện đặng thành tựu cúng dường Tam Thế Phật, khi đã cúng dường Tam Thế Phật một kiếp hiện tại thời Bá Thiên Vạn Kiếp cũng đã từng cúng dường Tam Thế Phật, bằng hiện tại chưa cúng dường thời quá khứ đến Vị Lai khó mà cúng dường, khó tận tường vạn pháp, phải cầu vạn pháp cho đặng Chánh Báo Thọ Báo thôi.

Nên Phật nói: “Nếu ta muốn biết tiền kiếp ta làm những sự việc gì, ta nên soi hiện tại sẽ biết được quá khứ. Bằng ta muốn biết sau này ta sẽ về đâu thời ta nên tinh tấn tu tập nung đúc Bất Thối Bồ Đề, chính là con đường ta đã dọn để mà về nơi đó. Bằng ta chưa chịu thi hành Hạnh Nguyện, chưa tu pháp lành, ta cứ cầu lạy van xin mong ước thời nơi van lạy mong ước kia nó không thể nào đem đến cho ta như ý nguyện.”

Đối với đa số bậc tu hành tín tâm cầu Đạo, cầu Tri Kiến Giải Thoát, nhưng lại thường tu bị thọ chấp vạn pháp của đường tu, cho mình là cao cống nơi Giáo Phẩm Tướng Pháp, vì vậy nên Thọ Ngã, chưa sở đắc vội chấp nhận sở đắc, chưa tận biết các pháp di chuyển vòng quanh trở về một pháp duy nhất nguyên thể. Thường công dụng Sắc Phần một là nhận lấy Ẩm Thực cho là sở đắc. Vì sao? Vì có một quan niệm nhịn ăn lìa được lòng tham muốn, sống với như nhiên để đến ngày mai vào Quả Vị Tối Thượng. Hai là học thuộc Kinh trong Bị Biết vội cho Tự Biết, lúc gặp phải bậc Tự Giác Chánh Giác, bậc ấy vẫn tùy thuận nơi Kinh để mở mối ngăn chấp, liền cho là biện luận xa lìa đặng thọ ngã riêng mình nơi Định Tưởng hay Thường Tưởng vạn pháp. Lại y Kinh theo lời Phật: Các pháp hư huyển, liền tránh xa không nói năng hành nguyện chi cả, vì sao? Vì nói năng Hành Nguyện sợ mắc miếu các pháp hư huyển, những bậc nói trên dù vô tình hay cố ý vẫn tu trong vạn pháp đặng chấp pháp chớ chẳng phải nương theo vạn pháp cốt tỏ ngộ vạn pháp đồng y giác ngộ.

Sự lầm mê bởi theo vạn pháp, nay tu hành cốt nương trong vạn pháp để khỏi lầm hết mê, đó là một câu Tâm Niệm mà bậc Đại Trí Đại Dũng thường nhắc nhở. Nhưng phần nhiều chỉ ưa thích luận bàn để tu trong ảo tưởng hơn là Thực Thể Chơn Tánh. Vì sao? Vì phân lượng ước đoán khác nhau, nên chi ở nơi Vọng nhiều hơn nơi Thực Tỏ để tu. Một câu chuyện dưới đây phương tiện chỉ nơi phân lượng ước đoán hư huyển của các bậc lầm suy chẳng đi vào thực thể đồng y trọn biết từ vạn pháp trở về Đồng Y, rồi từ Đồng Y phát sanh ra vạn pháp.

PHẨM PHƯƠNG TIỆN:

Có một Trưởng Giả ở trên khuôn vườn rộng rãi đầy đủ cây cảnh Cam Lê Mận Đào cùng trăm hoa đẹp đẽ, trong lâu đài đầy đủ tiện nghi sang cả, coi như đứng bậc nhất trong làng. Một hôm Trưởng Giả bảo thợ trong lâu đài đóng chiếc xe SONG MÃ sơn son thép vàng cực kỳ lộng lẫy, trong xe có ghế lót nhung, ngoài xe vẽ vời Rồng Phụng, lại đính các quả pha lê kim đính lóng lánh, trông rất cầu kỳ, chiếc xe ấy đang để ngay khuôn vườn, dưới giàn hoa đẹp.

Trong khi đó có một Nông Dân đi ngoài vườn cách xa hai ba trăm thước, nhìn chiếc xe ngỡ là con RỒNG kinh hãi, do đó lúc về đến làng kêu anh em nói những điều mình đã nhận thấy rằng:

“Nầy các anh em, chính mắt tôi đã nhìn thấy trong vườn của Trưởng Giả có một con RỒNG đang uốn mình lăn lộn trên các hàng hoa của Trưởng Giả, đôi mắt của nó long lanh sáng ngời, miệng của nó đỏ hà ra từng tia sáng. Các anh em nên cẩn thận.” Nông Dân nói ra thêm bớt làm cho tất cả kẻ nghe sinh lòng nghi sợ, cũng có một số tò mò đến vườn Trưởng Giả để xem, khi đến lại ở xa hơn nhìn về mặt bên trái chiếc xe thì chẳng thấy được con Rồng lại thấy con Phụng, lúc về làng đem thêm câu chuyện nói lên, làm cho tất cả dự đoán đủ điều sai biệt, sinh ra mơ ước càng tăng thêm quan trọng. Nhưng có một điểm, mỗi một kẻ nói ra thảy đều cho mình là đúng, lại cần làm cho mọi người tin theo lời mình. Trong khi đó nếu có một bậc đã thật biết đó chính là chiếc xe Song Mã của Trưởng Giả tô vẽ con Rồng và con Phụng thì chẳng ai tin bậc ấy nói đúng, vì sao? Vì tất cả đang sống theo tư tưởng ước mơ phân đoán của mình, nếu đem sự thật đơn giản trái với mộng ước thành thử khó tin biết đặng. Đến một ngày kia Trưởng Giả đem chiếc xe chạy khắp trong làng thời chừng ấy bao nhiêu phân lượng ước mơ thảy đều tiêu tan tất cả.

Đối với bậc đang tu vì lầm lẫn vạn pháp, từ nơi lầm lẫn chấp mê diễn biến Vô Minh, chẳng khác nào kẻ hãy còn đang mơ ước phân đoán, một khi nương vạn pháp cốt tỏ rõ vạn pháp diễn hành, đến ngày Chánh Giác thời vạn pháp vô minh liền tan dẹp, không khác với kẻ chưa thấy chiếc xe hãy còn mơ hồ nghi chấp, đến lúc được thấy chiếc xe Trưởng Giả thì nào còn nghi làm gì?

Bậc tu hành cầu Tri Kiến Giải Thoát thì nên tu đúng với tinh thần pháp môn Tri Kiến Giải Thoát, nếu tu chưa đúng còn Nghi là còn TU, còn nghi vẫn phải còn CHẤP phải tu, cùng đang tu.

Mỗi một pháp môn hoặc mỗi một đường lối tu thảy đều nằm trong phương tiện Cứu Cánh Giải Thoát, chớ chẳng phải pháp môn là Giải Thoát, nên chi: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, TINH TẤN, NHẪN NHỤC, TRÍ TUỆ, THIỀN ĐỊNH. Bậc tu chấp nhận, tu như thế chính là pháp môn Tri Kiến giải Thoát. Thì nó chẳng phải là pháp môn Giải Thoát mà chính nó là pháp: Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Trí Tuệ, Thiền Định thôi.

Bằng công nhận: BI CHÍ DŨNG, GIỚI ĐỊNH TUỆ hay TỨ NHIẾP PHÁP, LỤC BA LA MẬT ĐA, tu như thế là pháp môn Tri Kiến Giải Thoát, thì nó chẳng phải là pháp môn Tri Kiến Giải Thoát mà chính nó là PHÁP, Bi Chí Dũng, Giới Định Tuệ, Tứ Nhiếp Pháp, Lục Ba La Mật Đa thôi.

THẾ NÀO LÀ PHÁP MÔN GIẢI THOÁT?

TRÍ ĐỨC chung gồm PHẨM HẠNH chẳng sót. Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Trí Tuệ, Thiền Định, Lục Ba La Mật Đa, Tứ Nhiếp Pháp, Bát Nhã Ba La Mật Đa. Tu cầu lấy Pháp Không Chấp, trọn pháp Thường Chân, tỏ rõ vạn pháp Đồng Y Nhất Tướng đó chính là pháp môn Giải Thoát.

Cũng như bậc đóng chiếc GHE phải mua sắm cây ván cùng dụng cụ không thiếu sót làm hoàn tất mới gọi là CHIẾC GHE. Bằng có mỗi cái BE của ghe thì đó là Be Ghe chớ chưa phải là Chiếc Ghe. Lại nữa: Toàn Thân của nhân sinh mới gọi là CON NGƯỜI, nếu có Tóc thì chính nó là Tóc chớ chưa phải là Con Người. Bằng Tay Chân Tai Mũi là Tay Chân Tai Mũi chớ chưa hẳn là Con Người. Đối với pháp môn không chấp toàn diện không thiếu, tỏ thông rốt ráo, chính là Pháp Môn Đồng Y Giải Thoát vậy./-

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN