- 1. TUYÊN RÕ VỀ NHẤT TÔN PHÁP TẠNG
- 2. VÔ THƯỜNG
- 3. VÔ NGÃ
- 4. NHÂN DUYÊN
- 5. NHÂN DUYÊN SANH
- 6. DUYÊN KHỞI
- 7. KHỞI TÍN
- 8. HẠNH NGUYỆN
- 8. KHỞI SANH TÂM TU TỎ TÁNH
- 9. PHẨM CÔNG ĐỨC
- 10. PHỔ CHIẾU NHƯ LAI
- 11. PHÁP ĐẢNH NHƯ LAI TẠNG
- 12. TỨ ĐẠI GIẢ HỢP Một Lý Mục Giải về Vũ Trụ và Nhân Sinh
- 13. TÂM PHÁP BẤT NHỊ
- 14. PHÁP TÁNH
- 15. CHÁNH TÍN
- 16. THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG
- 17. VẠN PHÁP ĐỒNG Y
- 18. CÁC PHÁP
- 19. PHI NHÂN DUYÊN
- 20. CHÁNH BÁO
Có một thuở Đức Thế Tôn Ngài thuyết pháp tại khu rừng Ngài đồng hỏi:
“TA nói pháp với các Ông có nhiều chăng?”
Lúc bấy giờ chư Đệ Tử kính thưa:
“Bạch Thế Tôn thật nhiều.”
Ngài gật đầu và nói:
“Pháp TA nói, nếu đem suy với tầm hiểu biết của các Ông thì nó thật có nhiều. Nhưng đối với NHƯ LAI chẳng thấm vào đâu cả. Vì sao vậy? Vì nó chẳng khác mấy Cây Lá trong rừng nầy. Nếu đem kiểm điểm từng cây lá thì thật khó kể hết, khó đếm đặng, các pháp của Như Lai cũng thế. Lời TA đang thuyết, hay đã từng thuyết với các Ông, chẳng khác nào số LÁ TA đang nắm nơi tay đây. Chớ không thể nói tận từ hay hết đặng. Đó chính là lời chân thật. Vậy các Ông cần phải TU CẦU để mong lãnh các pháp của Như Lai mới tận hết
Trước tiên cầu Pháp thì các Ông phải: TÍN HẠNH NGUYỆN. Bằng không Tín Hạnh Nguyện hay thiếu sót khó thành tựu. Vì sao? Vì TÍN để nghe trọn lãnh pháp. Vì HẠNH được Ngộ mà nhận pháp. Còn NGUYỆN thâm nhập các pháp mà vào Biển Pháp, các Ông nhớ lấy đặng thọ lãnh Pháp của Như Lai.”
Phật nói trên thì đủ chứng tỏ các pháp nó vô biên khó mà nói hết. Còn bậc cầu Pháp để lãnh hội cũng không dễ gì, duy chỉ TÍN TÂM thề nguyện học, gọi là Phật Pháp Vô Biên Thề Nguyện Học, nếu không TÍN khó mà nghe để thâm nhập các pháp.
Chẳng khác nào: Kẻ Tín vị Lương Y, vị ấy hái cây lá trước mặt làm thành món thuốc cho bệnh nhân uống. Kẻ Bệnh Tín mà uống không ngăn ngại nghi ngờ, bệnh liền khỏi. Bằng không Tín thời chẳng uống, làm sao được khỏi bệnh? Bậc cầu nghe pháp cũng vậy. Mà các pháp nó vẫn ở ngay trước mặt, không Tin khó nghe, khó lãnh.
Nếu bậc tu mà nghe cho đặng Pháp là một sự khó. Còn nhận lãnh hay thâm nhập lại càng khó hơn. Bậc như vậy phải là bậc Tín Tâm bằng chẳng Tín Tâm thời khó mà nghe đồng khó lãnh.
Do đó nên thời Hiền Kiếp các bậc tu chuyên chính mới rộng phát BA TÂM NĂM NGUYỆN đặng có TỰ LỰC để tu tập vạn hạnh làm cho say mến Đạo Tràng và Thân Tâm thuần túy, để Tín Tâm Bất Thối mà kiên cố nhận nghe lời chỉ giáo của Thiện Tri Thức lãnh lấy một Pháp liền sở đắc các Pháp. Đó chính là tấm gương không ngoài Tín Hạnh Nguyện.
Đến ngày nay vẫn có nhiều bậc y Tôn Chỉ ấy lần đến nơi NHỨT NGUYỆN TÍN TÂM để tiêu dẹp Nghiệp Đảo tu tập, chẳng còn nghi ngờ được trọn lãnh Pháp mà Tri Kiến.
Các Pháp nó có nhiều trạng thái lạ lùng đối với những kẻ mê lầm. Nó lại rõ rệt đối với bậc đã Biết. Bởi khác vì mơ màng chưa chu đáo, nên dễ bị thường ngăn mà chấp trở thành căn bản Giới Hạn. Nếu tu hành không đến Tín Tâm thì làm thế nào phá nổi các bờ ngăn chấp? Vì vậy Tín Tâm chính là một lợi khí lần tỏ thông các pháp. Còn không Tín Tâm chẳng nghe được Pháp nên gọi là Chấp Pháp. Vì lầm nơi bờ ngăn củng cố nên chẳng thoát Trần Lao, phải trở thành Tam Giới.
Đứng tầm quan sát các bờ ngăn nơi Pháp Giới từng lớp Thế Gian và các bậc tu hành. Nếu cầu Tín đặng thì nó trợ giúp cho các bậc tu hành hay thế gian tiến bộ lần biết. Bằng củng cố thời bị trong vòng Pháp Giới an trụ năng sở để thọ chấp.
Từ Thế Gian Giới: Nếu có người Ấn Tượng hay Quan Niệm trong Sát Đạo Dâm cùng Hỷ Nộ Ái Ố và Danh Giả hay Thường Lạc và Ngã Tịnh đều các thú vui hạnh phúc của mỗi người, theo nguyện vọng của họ mà thọ chấp, thì làm thế nào?
Bằng từng bậc tu: Nếu nói Pháp Xuất Ly Thế Gian hay các pháp đều Huyển Hóa thì sẵn có nhiều bậc chấp nhận xuất ly thế gian các pháp đều Huyển Hóa?
Bằng nói các pháp nó: Không Dừng Trụ, Vô Lai Khứ hay Viên Tịch, thì sẵn có nhiều bậc chấp nhận như thế thì làm sao?
Nếu nói pháp không thể chỉ, chẳng thể bàn, bình đẳng Bất Nhị, không hai hay sai khác mà LẶNG THINH cũng không Hình chẳng Tướng mà ly hẳn gọi là rốt ráo thì thế nào?
Các Pháp rất tinh nhuệ chỉ vì Chưa Biết vội chấp nhận nó nên mới có từng Bờ Ngăn Giới Hạn sự hiểu biết khác nhau, thành nơi Tu Chứng cao thấp.
Khi chưa tu, hãy còn ở nơi Thế Gian Giới thì mỗi người họ vẫn có mỗi cách tự hào là khôn ngoan chánh đáng hiền lành. Lúc đặng tu thì đã có sẵn cho mình là Chơn Chánh hiểu biết. Đó chính là BỜ NGĂN thường chấp.
Bằng nương theo Tín Hạnh Nguyện thuần túy, có một ĐỨC TIN vững vàng nơi Tam Thế hay bậc Thiện Tri Thức để lãnh hội lời chỉ giáo tu hành, thì các nghiệp Tự Nhận bờ ngăn trên tan dẹp đặng LÝ SỰ không chướng để tu lần đến Tỏ Pháp Đắc Pháp viên dung toàn giác. Chừng ấy mới CHƠN GIÁC các pháp nó sẵn có mạch lạc thứ tự khỏi Nghi lại tránh được nơi nói năng bừa bãi.
Chẳng khác nào: Buổi ban đầu mới vào trường học, thời học chữ A, chữ B, chữ C phải học cho thuộc 24 chữ. Xong tập ráp vần, đến biết đọc và biết viết. Khi đã học giỏi thật biết sắp xếp đúng sai trong 24 chữ, không còn nghi ngờ có thể làm Thơ hay viết Văn trôi chảy. Các pháp nó cũng là Bài Văn chung gồm 24 chữ thay qua đổi lại mà thôi. Nó cũng là một bài Toán chưa giải đặng trong 10 con số. Khi đã làm được thi thơ hay viết qua cốt truyện, thời khỏi lầm nhận sống trong tưởng tượng mê mờ. Lúc đã giải xong một Bài Toán Vũ Trụ thời Sở Đắc Chân Lý hiện tiền.
ĐẾN CHƠN GIÁC CÁC PHÁP THÌ NÓ:
Từng giai đoạn nào gọi nó là: Huyển, lúc nào Không Huyển, quán thế nào không dừng trụ? Không quán thế nào nó dừng trụ? Sao gọi Không Trụ mà Trụ? Thời nào Vô Khứ Lai? Lúc nào có Lai Khứ? Lối nào không thể chỉ? Việc gì có nơi chỉ? Khúc nào nó Không Hai? Tận chi là Không Pháp? Lúc nào là lúc Lặng Thinh? Khi nào là khi phải Nói? Thời nào là thời Viên Tịch? Các pháp nó không bỏ, cũng chẳng lấy Toàn Giác mà ĐẮC.
Các Pháp tu học không ngoài ra chữ Tín để lãnh Pháp. Hạnh Nguyện Độ Sinh đi trong vạn pháp không ngoài Tròn Duyên, Tròn Nguyện. Nếu không thi hành Tròn Duyên, Tròn Nguyện để tỏ pháp thời thua kẻ phàm nhơn họ biết làm tròn Bổn Phận.
Sự Tín Hạnh Nguyện Tròn Duyên và Tròn Nguyện, chính là con đường của Chư TỔ cùng BỒ TÁT, PHẬT dùng để độ sinh lại tỏ rõ tuần tự và các đường tu ngăn chấp của các bậc Tu Chứng.
Khi đã biết tác dụng các pháp, vì Tri Đạo mà Thuyết Đạo. Nếu gặp phải từng bậc tu chướng, mình không chướng, lại có thể dùng đủ phương tiện giúp họ được Tri Kiến miễn là bậc đó Khởi Tín, nếu chẳng khởi tin là Vô Duyên, khi đã Vô Duyên thì không nói năng bàn cãi. Vì sao? Vì Phật bất hóa độ vô duyên, nên bậc Tri Đạo chẳng thuyết đạo với kẻ vô duyên.
Những lời ưu tú Tròn Duyên không ngoài Tín Hạnh Nguyện tu đến Trọn Biết từng lớp của các Pháp. Khi Đắc các Pháp thời không còn nghi sợ pháp, dùng đúng lúc, nói đúng chiều, không Bỏ chẳng Lấy, nhưng hoàn toàn.
Chẳng khác nào: Rừng kia có nhiều Cây Lá, cây lá ấy đều là vị thuốc. Biển Pháp cũng thế. Mỗi cây và lá đều sẵn có một Tánh Dược nên có thể hái hết đem về làm thuốc. Các pháp cũng thế, mỗi pháp có một Đặc Tánh cứu mê lầm đặng Tri Kiến Giải Thoát.
Nên Văn Thù Ngài nói:
“Các hương vị ngọt bùi, nơi rừng cây biển pháp của Như Lai mà tất cả Chúng Sanh chẳng chịu dùng lại đi tìm xa xôi ảo vọng cao siêu huyền bí, thật là lạ.”
Các pháp hiện hữu đoạt đến khỏi lầm gọi là CHÂN LÝ chớ chẳng chi là Chân Lý. Đối với bậc đã biết tỏ rõ biển pháp gọi là Đại Lương Y. Biết chữa các ngăn chấp gọi là Điều Ngự, Hạnh Nguyện trọn gọi là Thiên Nhơn Sư, làm cho tất cả tăng trưởng Trí Tuệ phá mê lầm, đó chính là điểm các bậc tu chứng tôn sùng. Bằng bậc chưa tỏ biết hay lưng chừng biết, nếu chẳng cẩn thận dùng phải mà thọ chấp, thời nó chính là Độc Dược.
Đối với Đức Thế Tôn, Ngài thật biết chỗ nguy hại của các hàng Tu Chứng khi chưa hết các Nghiệp đảo điên vội chấp Pháp hay sợ không chấp để mà chấp của hàng Phi Phi Tưởng hoặc ở hàng Tam Thừa Tận Diệt đến Nhị Thừa thọ chấp Tu Chứng.
Nên Ngài nói:
“Thà chưa tu, khi có lỗi lầm ở nơi Địa Ngục còn có ngày gặp Phật. Bằng tu mà Đoạn Dị Diệt để lầm chấp sa nơi Phi Phi Tưởng thật nguy hại vô kể.”
Theo lời dặn ấy, đến thời sau có nhiều bậc tu y Pháp Môn Tiệm Giáo Cấp Thủ. Có nghĩa là Tự sửa Tánh để tìm hiểu các Pháp trên căn bản lìa Tham Sân Si đặng tỏ biết đến mức nào thì tu theo với trình độ nấy, mục tiêu tạo Đức Hạnh mà thôi. Tuy nhiên có một đôi phần chậm tiến, nhưng đa số vào hàng Hiền Nhân hoặc Thánh Tăng.
Giữa thời ấy vẫn còn trong tôn chỉ nương theo Cấp Thủ để mà tiến, dùng sự Thủ Tiến làm mực thước, lấy Trí Tuệ xét soi cẩn thận nên đường tu hành ít bừa bãi. Lại tự nêu Đạo Tràng là mục đích gương mẫu lấy nền giáo hóa hòa hợp để Độ Sanh, lập Di Truyền Cổ Điển làm Đạo Hạnh, nhờ vậy mà Thân Tâm thuần túy, tham muốn ít vọng khởi hưởng được nơi tu tập Bất Thối, thọ lãnh các pháp rõ ràng Tỏ Tánh Đắc Pháp vững chãi, nên ngày nay vẫn còn Tôn Chỉ chép ghi.
Sau nữa, pháp môn Tiệm Giáo Cấp Tiến và Cấp Thủ không thiếu, nhưng lạc hướng trở thành Không Thủ để mà Thủ. Có nghĩa là: Củng cố y kinh để tu. Nhưng trong đoạn Kinh nào của bậc tu thích hợp thời theo đó mà tu, gọi là: TU THEO CÁI MUỐN. Hai nữa, nếu nhìn bên ngoài thì Tôn Chỉnh Đạo Tràng y cổ cựu, hạnh kiểm tốt. Nhưng thâm tâm vọng khởi mong mỏi mau thành. Vì sao? Vì muốn Thần Thông Tài Phép, vì chỉ lấy đó làm mục tiêu mức tiến, chớ chẳng kiểm điểm tan dẹp Nghiệp Căn cầu Tỏ Tánh đặng rốt ráo các Pháp. Lắm bậc chăm chỉ khảo cứu Kinh để tu, hay cốt Phá Chấp gọi là Không Chấp, dùng chuyên Luận Giải thì được phần Trí Tuệ khá. Nhưng thiếu về mọi mặt Đạo Tràng để dung hòa các pháp xuôi dòng toàn giác. Do lẽ thiếu khuyết mà dễ sa vào ba đường Ác thành thử có hiểu biết nhưng vẫn mơ màng nơi Chân Lý.
Một trong hai điểm sai lạc lầm tưởng chẳng rõ biết nơi: Không Chấp để mà chấp lấy Phi Đạo. Chớ chưa hẳn: Trọn biết Phi Đạo, vì sao? Vì cấp tiến phá chấp thì duy chỉ biết nó mỗi một phần mình, nên thường vào các pháp Bất Tịnh nói năng bất tín, liền bị chướng đối ngỡ ngàng mà chẳng trọn biết suốt đạo, phải đi ba đường Ác. Bằng cố thủ để tu chăng, thì chỉ biết một pháp môn mà thôi.
Nếu y tôn chỉ Tín Hạnh Nguyện để lần tiến lãnh hội các pháp rành rẽ, đạo hạnh thâm nhập chung tròn tỏ biết toàn mỹ Pháp Giới đoạt đến Chánh Giác.
Chừng ấy mới biết đặng nơi rừng cây biển pháp chính là Như Lai Pháp Tạng chân thiện Pháp Thân. Thì thử hỏi nó có Dư Thiếu, Tăng Giảm được không? Lúc tu chẳng tu cho trọn thì sự lãnh pháp cũng thế, nào vẹn đâu?
Do lẽ ấy nên Đức Thế Tôn Ngài mới chỉ bày Tín Tâm Hạnh Nguyện đặng nương theo các pháp thề nguyện học.
Đối với Đạo Tràng Giáo Lý thời trước của Đức Thế Tôn và hiện nay không khác mấy. Vì sao? Vì ở nơi mực thước Tín Tâm cầu lãnh các pháp.
Đức Thích Ca đương thời, Ngài chỉ giáo 1.200 vị đệ tử, tuy rằng có một Đức Thế Tôn Chơn Sư, nhưng các hàng đệ tử nào có mấy vị được Tín đầy đủ. Bậc thì Tin Ngài tài phép, bậc thì tin 32 tướng tốt, bậc Tin Giáo Pháp hay, trong muôn ngàn vạn ức lối tin sai biệt, trở thành muôn ngàn vạn ức CHƠN SƯ.
Do đó, mỗi lần Ngài thuyết pháp có then chốt Quyết Định thì ngài nói: “Các Ông hãy tin Ta, lời Ta nói rất chân thật.” Đến nay cũng thế. Nếu bậc nào tín tâm sẽ đặng tỏ pháp, chớ nên vọng đảo thời xưa và hiện nay mà uổng phí đường tu, trong cơ hội có Chí Nguyện Tri Kiến Giải Thoát, khi mà gặp đặng bậc Thiện Tri Thức trọn dùng các pháp mà diễm nói được Trí Tuệ Tăng Trưởng không mắc vào một pháp. Đó chính là Pháp Môn Tối Thượng không bỏ chẳng lấy vậy.
Đoạn trên nói về Tín Hạnh Nguyện cầu lãnh Pháp. Đoạn dưới đây nói về Giáo Lý: Không ngoài làm cho kẻ nghe Pháp KHỞI TÍN.
Bước đường Giáo Lý chỉ dạy, nói năng thuyết giải làm cho kẻ nghe Pháp hào hứng Tin Vâng mà tránh nổi sai lạc thật là khó. Do khó nên mới vừa tu lại vừa Hạnh Nguyện Độ Sinh để cho chúng sinh bờ ngăn phá chấp của mình và của kẻ khác được giải tỏa. Từ lúc bậc Giáo Pháp đã Tri Đạo đến tỏ rõ các pháp khỏi lầm lẫn theo nó thì phải Hạnh Nguyện tỉ mỉ đặng thâm nhập Pháp Giới mới thông đạt thứ lớp tuần tự mà thuyết đạo.
Trong Giáo Lý chia ra nhiều bậc. Bậc vừa tu gọi là bậc Hạnh Nguyện độ mình và giúp người, bậc ấy chưa có một quyết định nương vào Vô Ngã để giáo pháp cho mình hiểu và kẻ được nghe hiểu, đó chính là Giáo Pháp để Tự Lợi Lợi Tha vậy. Bậc nầy khi giáo pháp chưa thể nhận định rành rẽ chỗ Đúng Sai, nhưng nhắm mục đích là mong kẻ nghe được tu hành như mình, nên Hạnh Nguyện rất thù thắng hơn cả. Nhờ thế mà ưa thuyết pháp, thích giúp đỡ cho kẻ tu, chỉ vì Say Đạo, Mến Đạo, để Biết Đạo, gọi là nương vào Hạnh Nguyện Công Đức, cầu Pháp Như Lai tỏ tánh.
Do đó nên đối với bậc nầy trên thì đặng chữ Tín, dưới thì đặng Hạnh Nguyện Độ Sinh, thành thử khi giáo pháp chính bậc nói ra các pháp cốt cho kẻ nghe, nhưng mình lại được nghe trước thật nó có lợi vô kể đối với bậc Tín Hạnh Nguyện trọn. Nhưng cũng có cái hại, vì trường hợp lầm tưởng mình sở đắc. Vì sao? Vì đôi lúc bậc thuyết thật hay chưa bao giờ có y như lời Phật rồi ngỡ mình là Phật mà tự sanh Bản Ngã Tăng Thượng thật nguy hại, điểm ấy nên chú ý.
Nếu bậc tu hành mà tạo đặng Đức Hạnh cho vững, thì qua những giai đoạn trên lại được sự học hỏi tiến bộ, mà lần đến nơi Tri Đạo trọn biết mà Thuyết Đạo.
BẬC TRI ĐẠO GIÁO PHÁP:
Có nghĩa là: Biết các pháp hay pháp môn tu tập chốn Đạo Tràng thảy đều là phương tiện cứu cánh đến giải thoát, do đó đối với sự tu hành không mắc miếu, nên chẳng sợ sệt nơi Đúng Sai. Nhưng phải hạnh nguyện Tròn Nguyện mà hoàn toàn Giải Thoát, thâm nhập rành mạch Thuyết Đạo.
Cũng như, bậc biết rằng: Sắm thuyền để qua bờ giác khi đặng đến bờ giác thì bỏ thuyền lại, đến thật biết như thế cũng là khó chớ chẳng dễ gì.
Tuy lắm bậc biết thế, nhưng nào ai có rành rẽ mối giềng chỗ Sở Đắc các pháp mà Tri Đạo? Thành thử nơi Tri Đạo Giáo Lý có nhiều bậc, ở chỗ mới Tri Đạo hay đã Tri Đạo hoặc trọn Tri Đạo Giáo Lý.
Bậc Tri Đạo Giáo Lý có tự lượng theo kẻ nghe pháp mà thuyết. Bậc ấy có một căn bản diễn nói chỉ giáo cho kẻ nghe pháp được cổi giải các nghiệp bằng phương tiện tìm Chơn Tánh để tu, sau mới lần lượt đưa các pháp đặng hiểu biết để phá mê lầm ngăn chấp, từ Tín Hạnh Nguyện đến Lục Ba La và Tứ Nhiếp Pháp thảy đều chỉ bày tu tập đúng lúc chẳng thiếu sót, vì biết mối nguy hại là: Chỉ thẳng sau bị quanh. Thà tu quanh sau đặng đến thẳng. Nên mới giáo pháp căn bản chẳng sợ lớn nhỏ, đúng sai của chấp pháp, vì chu đáo tỏ biết các pháp mà Tri Đạo Giáo Pháp, đó chính là bậc Giáo Pháp khá.
Còn bậc Tri Đạo Giáo Lý vẫn biết các pháp và các môn tu tập đều là phương tiện cứu cánh đến Giải Thoát. Nhưng lại có quyết định Giáo Lý Tỏ Tánh quá sớm, nên bậc ấy thuyết giải chuyên ròng Phá Chấp.
Làm cho kẻ nghe lãnh hội thiếu căn bản Đạo Tràng Đức Hạnh. Khi tu tập phá chấp đến Tri Đạo thường lâm vào Nghịch Hành Pháp khó chỉnh cho vẹn để thọ lãnh Chân Lý mà tỏ biết rốt ráo, phải hồ nghi bất tín. Đó gọi là chỉ thẳng mà bị quanh. Còn bậc trên chỉ quanh nhưng sau đến thẳng.
BẬC TRI ĐẠO THUYẾT ĐẠO:
Bậc này không vội nói chỗ đúng sai hay mau chậm. Chỉ làm cho kẻ nghe được chỗ KHỞI TÍN. Nếu kẻ nghe chưa đến lúc Khởi Tín thời vẫn vui vẻ để yên. Do lẽ ấy nên bậc Tri Đạo khéo thuyết mới nương chiều đủ cách đối với tất cả mọi người. Khi Hành lúc Dụng cốt làm cho họ được thân cận kính mến, gọi là DIỆU DỤNG. Bậc như thế đủ phương giúp: trong tình Thầy, lúc tình Bạn, hoặc giả tình Bà Con Xóm Làng. Nếu đa số được Khởi Tín bậc Thuyết Đạo mới Giáo Pháp chỉ dạy. Nói đến sự Giáo Pháp của bậc ấy khó nghĩ bàn. Vì sao? Vì tùy thuận mỗi kẻ mà nói, tùy theo sự điều động dắt dẫn, làm cho tất cả kẻ nghe pháp đặng hào hứng tranh nhau để tu, ngó nhau cùng tiến bộ, nhìn nhau mà phát Đại Nguyện. Lại có một Thể Cách chung hưởng tình Duy Nhất Đạo Tràng để tỏ biết pháp môn Không Hai mà Tu Chứng.
CÁC PHÁP DUY CHỈ CÓ:
ĐỨC VĂN THÙ SƯ LỢI PHÁP VƯƠNG TỬ mới nói tận.
ĐỨC ĐẠI LỰC DI LẠC TÔN PHẬT mới chịu tận.
Còn kỳ dư khó mà nói tận từ hay giảng giải hết đặng.
Duy chỉ: TÍN HẠNH NGUYỆN mà lãnh các Pháp.
Làm cho tất cả được: KHỞI TÍN mà thuyết pháp./-
NAM MÔ PHÁP TẠNG HỘI THƯỢNG
PHẬT BỒ TÁT MA HA TÁT
TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN