–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

13. TÂM PHÁP BẤT NHỊ

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15187)
13. TÂM PHÁP BẤT NHỊ
Nói về TÂM PHÁP BẤT NHỊ đó là giải rõ rộng rãi trùm khắp để biết Tâm và Pháp. Đứng THỂ TÂM mà nói Tâm không chỗ chỉ mới gọi là Tâm, Kinh Kim Cang có câu: “ƯNG VÔ SỞ TRỤ NHI SANH KỲ TÂM.” Còn về phần Pháp thì nó phát xuất nơi NGHE-THẤY-BIẾT làm sở trụ, pháp nó có Tướng Sắc cùng khắp chẳng khác mấy với Tâm, nó ví như: Mặt Trời là Tâm, còn ánh sáng chiếu ra gọi là PHÁP, thành thử Tâm soi bao nhiêu thì PHÁP có bấy nhiêu, từ Cây Cảnh đến Núi Sông, Mây Gió, Hư Không, Tạng Thức thảy đều là PHÁP, Pháp dùng riêng văn tự Phật Đạo nên đối với bậc tu hành có một trình độ khá mới nhận được lại có thể Pháp chia ra năm Tánh Phần như: SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC PHÁP, năm Tánh Phần đại diện cho sự NGHE-THẤY-BIẾT, chung lại được gọi là SẮC TƯỚNG SẮC PHÁP để lưu hành từ hơi thở đến việc làm Trí Tuệ cùng Thân Mạng cũng đều là Pháp. Pháp chỉ áp dụng trong lúc Mê Lầm, khi tu hành đặng Giác Ngộ Tâm liền tỏ Pháp, Pháp ấy trở nên vô nghĩa. Lúc Mê Lầm Thân Mạng chỉ thọ hưởng trong Tứ Đại Giả Hợp chính là Thân Vạn Pháp liên tục cuồng quay hợp thành, khi Giác Ngộ cũng Thân Tứ Đại dung thông thành THÂN PHẬT.

Ví như: NƯỚC và SÓNG BIỂN có hai đặc tánh khác nhau hai danh giả khác nhau, nhưng chính nó đồng một Thể Nước, nước thời phẳng lặng thanh bình, khi nước không thanh bình phẳng lặng cử động nổi Cồn gọi là Sóng, do nổi cồn cử động mà có Bọt gọi là Bọt Nước. Không khác mấy với Chân Tâm duy nhất thanh bình phẳng lặng, liền một khởi sanh ra Vạn Pháp, gìn giữ pháp trở nên Thân Tâm cũng vậy. Tâm do Vọng mà có pháp như lò than lửa đỏ kia không có cây than sống thì chẳng có khói, nhưng than kia có cây sống nên có khói. Đối với kẻ bị mê lầm vốn có sẵn Nhất Tâm từ trước, nay vì Vọng Đảo nên Nhất Tâm nọ phải theo TÂM PHÁP tương song hai tướng phiên diễn tối sáng mơ màng, khi mong về Chân Tâm thì phải thực hành Tứ Nhiếp Pháp để tỏ pháp về TÂM.

Tâm Pháp bất nhị hay Tâm Cảnh không hai như trên đã nói, do lầm lẫn mà theo Pháp bỏ Tâm. Nay nhiếp thâu theo pháp để rõ pháp, liền bỏ Pháp trọn về Tâm. Bậc tu hành phải dùng trí tuệ và đạo hạnh, nếu chẳng có trí tuệ phá mê chấp thì không biết đặng vạn pháp.

Khi phá mê chấp đặng mà chẳng gìn giữ Đạo Hạnh thời cũng khó mà thành tựu, vì sao? Vì không Đạo Hạnh không Tứ Nhiếp Pháp, không Tứ Nhiếp Pháp không thành tựu, gọi là Tánh Tướng song tu vậy.

Phật thường nói: “Tâm chúng sanh thanh bình thì xứ sở thanh bình, tâm chúng sanh chướng đối vọng đảo trở thành nghiệp thì xứ sở mưa gió bất hòa sanh ra hạn hán cướp giặc. Vì sao? Vì Tâm Cảnh không hai mà đồng ứng như thế.”

Nơi Tâm cùng vạn pháp nó có một liên hệ, nó chẳng khác nào ngọn đèn và ánh sáng của đèn vì vậy nên sự Nghe-Thấy-Biết nó tùy theo cây đèn lớn nhỏ, tùy theo Tâm Thức rộng hẹp vui buồn sướng khổ cảnh đồng diễn y như Tâm không khác. Nó ví như con TIM và MẠCH MÁU, tim nhịp mạnh thì mạch máu nhảy mạnh, tim điều hòa thì mạch máu dung thông, vì vậy mà có câu:

Người buồn Cảnh có vui đâu?
Tâm lo một mối, Mây sầu lửng lơ.


Hai câu trên chứng tỏ Tâm Pháp không hai, nhờ đó bậc tu hành mới dùng Thân Tâm tu tập nhiếp thâu vạn pháp, dùng Lý Trí làm Tinh Thần, dùng Đạo Hạnh Hành Nguyện làm Công Năng Vật Chất để lướt qua các Nghịch Cảnh chướng đối, ngăn ngại mà Sở Đắc VÔ NGẠI ĐẠI BI Tổng Trì Đà La Ni Tạng. Có nghĩa là không ngăn ngại thu nhiếp cho trọn vẹn các pháp, hiểu biết rõ thâu gồm tất cả chẳng thiếu sót nơi Như Lai Tạng. Bậc tu như thế mới khéo tu, mới khéo đi từ hai tướng trở thành một tướng Bất Nhị.

Cũng có bậc thi hành trước tu tập để bậc ấy công dụng tạo ngoại cảnh thanh bình trợ cho Thân Tâm nhàn hạ, lại dùng lời nói hiền hậu để cho Thân Tâm khỏi điều gay cấn rắc rối, khi gặp điều bất ổn định thì lấy một câu nhịn, chín điều lành, cầu an vui thân tâm thoải mái. Đó cũng là một phương sách thực tế, một lối xếp xử giữa Tâm Cảnh liên thông khéo léo, đối với bậc tu hành có nhiều bậc chuyên ròng nơi Kinh Điển để bắt chước theo kinh điển, thường dùng Tướng Phật lối đi in như Phật mỗi khi va chạm các pháp né sợ bị động tâm, xa lánh thế nhân tìm tâm nơi Sơn Cước, việc trước mắt cho là chướng ngại để tìm phương xa, mong đợi trong tư tưởng hóa thành, bậc như thế gọi là lấy Pháp để nuôi pháp tu cầu Phước Báo Nhân Thiên.

Có bậc tu hành đơn giản, dụng Thân Tâm chiêm ngưỡng Đức Phật, Tánh Phật để niệm Phật gìn giữ Tâm, không cho Tâm nghĩ điều quấy, chẳng cho THÂN làm điều quấy, Tâm không sanh hận thù, cổi giải hận thù, tâm thanh tịnh bình thản trước sự vặc mắc lớn nhỏ thảy đều tha thứ miễn tâm thanh tịnh, lâu ngày được Thanh Tịnh Tâm mà về Nhất Tâm bất loạn A DI ĐÀ PHẬT Chánh Báo Tịnh Độ.

Thà TÂM niệm Phật vững bền,
Còn hơn Thọ Ngã chưa đền đáp ân.


Đối với bậc tu có tâm thành chiêm ngưỡng niệm Phật xa lìa các đố tật chướng đối, còn hơn bậc hiểu biết Phật pháp chưa rành mạch chấp pháp Tự Ngã, thì dù cho có hiểu Tâm Cảnh không hai mà thọ chấp, thời tâm kia nó chẳng phải là Tâm mà là Pháp Chấp, do dùng trong tư tưởng tự ngã thì tự tại vô ngại nơi tư tưởng, chớ đến khi gặp ngoại cảnh xâm chiếm va chạm liền sinh tâm phiền não trách móc, Tâm Cảnh đều hai.

Nói đến tu Phật thì có nhiều pháp để tu, nhưng vạn pháp chẳng bằng tín tâm căn bản, bậc tín tâm dù có tu trong pháp, thời pháp đang tu nó cũng trở thành tu Tâm, bậc tu chưa tin thành quán tâm để tu thì tâm quán đó nó cũng trở thành Tâm Pháp.

Cũng như đang nghe Thiện Tri Thức thuyết pháp hoặc xem Kinh hay chiêm ngưỡng Phật, nhất tâm tín thành thì lời pháp Thiện Tri Thức, quyển Kinh Phật thảy đều Tâm Nghe, Tâm Thấy, Tâm Biết thể tánh. Bằng nghe Thiện Tri Thức thuyết pháp, xem Kinh cùng chiêm ngưỡng Phật mà chẳng có tín tâm thì nghe Pháp, thấy chữ Kinh chẳng biết nghĩa kinh, cũng như biết tượng Phật chớ chưa biết Đức Tánh Từ Bi Hỷ Xả của Phật.

Về pháp cúng dường cũng vậy. Bậc tu thành tâm cúng dường, gặp bậc thọ lãnh pháp cúng dường gian dối, thì bậc tín tâm vẫn được sự Cúng Dường Tâm, còn bậc thọ lãnh phải chịu nơi pháp. Có bậc Thiện Tri Thức thọ lãnh cúng dường của chúng, mà chúng đem lễ vật đến cúng dường chẳng tín tâm thì vẫn được thọ lãnh pháp cúng dường, chớ chẳng phải tâm cúng dường. Pháp cúng dường, Tâm cúng dường nó có hai nơi Chánh Báo khác nhau. Pháp cúng dường đặng Chánh Báo HỮU LẬU SẮC PHÁP cầu Phước, còn Tâm cúng dường đặng Chánh Báo VÔ LẬU TRI KIẾN GIẢI THOÁT.

Tâm Pháp Bất Nhị với sự cứu cánh của chư Phật, tuy nói rằng chẳng vi diệu nhưng thật vi diệu đối với từng lớp, từng thành phần thảy đều đặng Tri Kiến Phật, thảy đều Giải Thoát Môn, không kể kẻ nghèo người giàu, bất luận bậc trí tuệ, hoặc kẻ kém trí tuệ, miễn là Tín Tâm liền sở đắc Chân Lý Bất Nhị.

Bậc tu hành dù cho có gặp đặng bậc Thiện Tri Thức truyền TÂM ẤN, mà bậc tu hãy còn nghi chấp cố nghe biết chăng nữa, thời Tâm Ấn truyền trao nó cũng trở thành Tâm Pháp hai tướng. Nếu bậc tu hành tín tâm đảnh lễ nghe thuyết pháp về môn Tâm Pháp Bất Nhị, đương nhiên thông đạt mắt nhìn thấy, tai nghe đặng liền Trọn Giác Bất Nhị sở đắc Nhất Tâm viên dung trùm khắp đến bất thối chuyển.

Cũng như có kẻ chưa biết được Tâm Pháp một gốc, chưa biết được NƯỚC BIỂN và SÓNG BIỂN đồng thể, nên đứng bên bờ biển chờ cho sóng lặng để múc nước, đứng mãi chờ mãi. Lúc bấy giờ gặp TRƯỞNG GIẢ, kẻ nọ cung kính thưa hỏi: “Kính thưa Trưởng Giả, nhờ Trưởng Giả giúp cho tôi đặng lấy nước.” Trưởng Giả mỉm cười thương hại kẻ lầm lẫn chưa biết, nên nói với kẻ ấy rằng: “Chính sóng đó là nước, ông chớ nghi ngại cứ xuống múc xem, lời chân thành ta nói thật.” Kẻ kia vâng lời nhờ Tín Tâm nên xuống múc, múc xong nhìn trong thùng thấy nó không phải là sóng, vui mừng vô kể bèn thầm nghĩ: “Ta dại dột vô cùng, lầm lẫn quá mức từ bấy lâu ta cứ mãi mong chờ sóng lặng nước phơi bày, nào ngờ chính ta phải nhiếp thâu sóng về ta thì sóng kia trở thành nước.” Từ đó kẻ lấy nước khỏi lo tâm chí tự tại vô ngại, mắt nhìn sóng kia toàn là nước chẳng bao giờ còn mơ vọng tìm nước đâu xa, nên trọn biết tâm bất thối chuyển, tâm pháp bất nhị cũng thế.

Tâm Pháp có một, nhưng đối với kẻ lầm thì Tâm Pháp kia nó trở thành hai tướng, bỏ tâm theo pháp. Vì vậy, mà lúc chưa sở đắc bất nhị, dù có đọc tụng Tâm Pháp không hai chăng nó cũng là hai. Vì sao? Vì đã thọ chủng vạn pháp, khi thọ chủng tánh pháp thì phải nương theo pháp dễ lầm tưởng vạn pháp, trong vạn pháp thảy đều có vạn lớp vọng khác nhau trở thành Định Tưởng Thường Tưởng để chạy nơi tưởng mà tìm tâm, nhưng tâm nào có trông tưởng? Mê nào phải nơi Ngộ? Điên nào chung với Tỉnh? Khi Tỉnh hết điên, lúc Ngộ tan mê, khi Tâm đâu còn tưởng.

Ví như: Có kẻ đi tìm vàng, còn nghi chấp dẫy đầy, còn ấn tượng nhiều tưởng. Đến khi được vào kho vàng nào biết, cứ mãi đi trong kho vàng để tìm vàng, nằm trong kho vàng để tìm vàng, phải chịu chẳng biết bao nhiêu nhọc nhằn sướng khổ lo lắng đào tạo kho vàng trong tư tưởng để giàu sang. Năm nầy qua tháng nọ mỏi mê chê chán, đến một hôm nằm trên tảng vàng giật mình vì nhìn lại nơi mình nằm mòn chói có ánh vàng, chừng ấy mới biết mình đang ở trong kho vàng lại đi tìm vàng.

Kẻ ấy mới mừng rỡ cười thầm, thật mình mê lầm ngu dại duy nhất nó chỉ BIẾT NHẬN VÀ CHƯA BIẾT NHẬN MÀ THÔI. Sau khi tìm biết trọn hưởng kho vàng không còn mơ màng vọng đảo chi cả, thọ lãnh giàu sang tột đỉnh.

Đức Thế Tôn Ngài đã chỉ kho vàng TÂM PHÁP BẤT NHỊ tại bậc tu chưa biết nhận nên phải chạy quanh, đến lúc biết nhận thì trọn NHẤT TÂM GIẢI THOÁT. Lầm làm chúng sanh, Giác Ngộ là Phật chớ chẳng chi là Phật./-

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN