–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

12. VỀ VẤN ĐỀ NGỒI THIỀN TỰ CHỦ

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15121)
12. VỀ VẤN ĐỀ NGỒI THIỀN TỰ CHỦ
Hôm nay ngày l4 tháng 4 năm Giáp Dần lúc 9 giờ sáng, cũng là ngày trong mùa Phật Đản 2518 đã đến với nhân sinh trong vũ trụ.

Trước Chánh Điện Trung Ương Hội Thượng có mặt ông Pháp Chân ngồi bên phải, ông Pháp Tỏ, ông Tạng Hậu ngồi trước mặt ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ. Bên trái có ông Tạng Tích, bà Tạng Sinh ngồi hầu Ngài. Cũng nhờ duyên lành đưa đến, một Chân tử học ở Đại Học Duyên Hải về hầu Ngài và xin Ngài cho biết rõ về THIỀN và cầu xin khi Thiền.

ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ nhắc nhở sự lưu ý của Chân Phật Tử ngồi chung quanh. Ngài hướng về phía bà Tạng Sinh và nhắc lại:

–Bà nghe cho kỹ, hôm nay Tôi khai thị thời Pháp “Cầu mà được, Cầu mà chẳng được”.

Trước hết tôi nói về Thiền, mục đích chính của Thiền là để cho Tâm được Tịch Tịnh, rỗng rang. Tâm Tịch Tịnh trí tuệ mới phát huy và để thân tâm được hòa đồng với vũ trụ. Buổi thiền ấy mình làm chủ, không để sự cầu xin nào xen lẫn trong buổi Thiền của mình làm giảm giá trị buổi Thiền.

Ví dụ: Lúc các ông ngồi Thiền mà cầu xin Phật gia-hộ giúp đỡ cho buổi Thiền được Định, hoặc giả cầu xin việc này việc nọ, thì chính ra buổi Thiền ấy của TU CẦU chứ chẳng phải của chính mình. Mình chỉ biết trong buổi Thiền đó chỉ có một mình mình trong vũ trụ này mà thôi. Khi Thiền gặp niềm vui chẳng mừng, gặp việc dữ chẳng sợ, thì Buổi Thiền được kết quả. Từ buổi Thiền này qua buổi Thiền khác, ngày tháng cứ thế tiếp nối đi qua, nếu giữ được quân bình như thế thì Thiền mới cao được. Còn Thiền lơ là, thì Tâm thần uể oải vì chính nó đòi nợ mình. Nếu các ông tu hành lấy SỬA TÁNH làm cứu cánh, THIỀN ĐỊNH làm phương tiện thì chớ nên bữa Thiền bữa bỏ, làm cho thân thể dễ bị mệt mỏi, tâm không sảng khoái thì thân thể bị bạc nhược, các ông bà nên lưu ý.

Vừa lúc ấy, ngoài đường một chiếc xe cam nhông chạy qua, tiếng động cơ quá lớn, ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ ngừng nói, Ngài ngã mình trên chiếc ghế nệm nghỉ ngơi một lúc. Nét mặt những tín chúng ngồi chung quanh Ngài hiện rõ sự hớn hở vui tươi. Một phút trôi qua ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ ngồi dậy và dạy tiếp:

Các ông bà lưu ý, tôi nói rõ về sự “Cầu mà được, Cầu mà chẳng được”. Các ông bà nên biết sự gia hộ của Chư Phật đối với chúng sanh, khi chúng sanh cầu có ứng nghiệm thì chúng sanh phải biết TỪ, BI, HỶ, XẢ, đem tình thương bình đẳng đến khắp Nhân Loại, mà chúng sanh làm được như vậy thì sự cầu xin mới linh ứng.

Muốn được sự gia hộ của chư Bồ Tát thì Tâm ta phải được Tự-Tại Vô-Ngại, không hờn oán trách ai, gánh chịu những uẩn khúc của đồng loại, hứng chịu những điều đau khổ của chúng sanh, không nói suông, đến khi việc tới mà chẳng làm.

Muốn cầu được sự giúp đỡ của Chư Thánh Thần thì cần phải Quang Minh Chính Trực, Đức Độ hơn người, Ăn nói ngay thẳng, không dua nịnh kẻ trên, kẻ có thế lực, có tiền bạc, không hà hiếp người dưới nghèo hèn, hoặc nói láo, Quang Minh Chánh Trực ở đây là nói thẳng, nhưng các ông nên nhớ “TRUNG NGÔN THÌ NGHỊCH NHĨ” nói thẳng hay mất lòng, nên lựa lúc thuận tiện mà nói để xây dựng lẫn nhau, để giữ hòa khí với mọi người.


Muốn được người giúp đỡ, kính nể, trọng vọng thì trước tiên phải làm được NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN. Nhân từ Đức hậu với mọi người, đừng cô lập kẻ sa cơ để thõa mãn tà ý của mình, giúp đỡ kẻ khốn cùng, đùm bọc kẻ thế cô. Trung Can Nghĩa Khí: Biết ơn người nâng đỡ mình về mọi mặt “Ăn trái cam phải tưới nước gốc cây cam” không vô hậu. Một người đầy tớ phải biết ơn chủ khi có chén cơm ăn, một kẻ Sĩ phải biết ơn Thầy, khi còn học đánh vần ê a và phải đền ơn trong muôn một. Lễ độ cung kính người trên, nhã nhặn kẻ dưới, Trí: Tinh tấn về mọi mặt, không si mê “u-mê”. Suy tính và giải quyết mọi việc đến với mình trong cương vị lãnh vực Đạo Đức, không mưu sĩ tư lợi.

TÍN: Lời hứa của mình được kiểm nhận với lòng mình, không vọng ngữ, uy tính của mình có, khi nào hứa một việc gì thì đừng quên việc đó, mặc dù lỡ đã hứa, mà tài lợi mình bị suy giảm đôi chút. Tục ngữ có câu: “Một lời nói ra bằng ba dặm ngựa”.
Lúc bấy giờ ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ Ngài gom thời pháp trên Ngài nói: –Tôi nhắc lại các ông nên ghi nhớ.

Muốn được người viếng nhà, bè bạn kính trọng, bà con tán thán thì phải có NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN.

● Muốn được Thánh Thần gia hộ thì phải có Đức Tính QUANG-MINH CHÍNH-TRỰC.


● Muốn được Bồ Tát giúp đỡ Hộ Trì thì phải HỶ-XẢ, thi hành LỤC BA-LA MẬT-ĐA, gánh chịu những oan ức của Chúng Sanh Tâm không oán trách.


Muốn Phật Chứng Minh thì phải vào con đường BÁT-NHÃ-TRÍ, Tâm Bình Đẳng, thương tất cả Nhân Sinh, từ Thế Gian cho đến Xuất-Thế-Gian, không hai TƯỚNG.

Trong khi các ông ngồi Thiền mà cầu xin thì nên nhớ: Muốn cầu nơi nào thì hằng ngày phải tập làm những Đức Tánh giống cõi ấy thì mới có sự tương ứng “Đồng thanh mới tương ứng”. –Tôi thí dụ cụ thể cho các ông thấy. Lúc ấy ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ vươn vai ngó về phía cửa lớn trước Chánh Điện, tất cả Tứ Chúng ngó theo. Chúng tôi chỉ thấy vài ánh sáng mặt trời rọi thẳng vào Chánh Điện qua khung cửa.


Ngài TĂNG CHỦ dạy:

Mặt trời có quyền chiếu ánh sáng vào nhà các ông, mà các ông không chịu mở cửa, cứ đòi ánh sáng vào nhà thì làm sao được. Cũng như muốn làm một người thợ máy giỏi mà khi người ta đem xe hư đến thì sợ bẩn tay, dơ quần áo. Vậy mà cứ đòi làm thợ máy giỏi. Muốn thành ông Luật Sư tài ba mà bảo đến trường chẳng chịu đến thời làm sao thành được. Muốn người đến viếng nhà mà sợ tốn kém lẩn tránh mà cứ đòi sao không ai đến nhà mình chơi. Ôi ở đời kỳ lắm. Có mấy ai muốn cầu mà chẳng được đâu, vì họ không làm được những việc mà họ mong cầu, có lắm kẻ muốn hưởng Phước vinh sang mà có bao giờ nghĩ đến điều Thiện đâu, có người muốn làm giàu, nhưng chưa hề Bố Thí.

Tôi nhắc các ông nghe cho rõ: “ba phút nghĩ...” điều Thiện làm Thiện thì được ba năm phú quý vinh sang. Nhưng thử hỏi mấy ai một ngày nghĩ và làm được ba phút Thiện đâu? Màn Vô Minh sẽ che kín khi ý nghĩ Thiện của các Ông vừa ló dạng. Một mặt MA-BA-TUẦN sẽ dẫn các Ông trong khi tranh giành chén cơm manh áo, cấu xé nhau vì miếng đỉnh-chung mà các Ông quên nghĩ đến làm Thiện.

Các ông bà nhìn bằng NHỤC-NHÃN khi thấy con người lúc trầm, lúc bổng như nhịp điệu âm-diễn của cung đàn mà lầm chấp, lấy Chúng-Sanh-Tánh hờn trách lẫn nhau, người này tốt, kẻ kia xấu, các ông có biết đâu họ phải Thọ-Chủng nhiều kiếp rồi. Gieo Nhân tốt gặt Quả-Vị tốt, gieo Nhân xấu gặt Quả Hàn-Vi.

Tại sao Tôi không hờn trách một ai, vì tôi biết rõ. Các ông cứ lẩn quẩn hờn trách, giận dỗi lẫn nhau vì các ông không biết. Phật hơn Chúng Sanh ở chỗ là Phật Biết và Thấy rất rõ ràng.


Tôi thí dụ: Hai người đàn ông như nhau, một người mặt mày mồm miệng thường lúc lắc hay làm trò cười cho kẻ khác, chân tay múa may, mặc dù họ ở chốn trang nghiêm, người đó Thọ Chủng con khỉ tiền kiếp. Một người hay uốn mình là hiện thân con rắn.

Tôi nhắc lại sự Phúc Đức hay có được của con người không phải ai cho mà được, chính mình làm mình hưởng, mình giàu sang kiếp này không phải nhờ hồng ân của ông bà cha mẹ để lại mà chính của mình để lại. Kiếp trước mình Bố Thí kẻ khốn cùng, hay che chở kẻ sa cơ, nay mình gặt được quả vị tốt. Nếu nói Phước Đức nhờ Ông Bà thì Tôi kể lại một câu chuyện sau đây cho các ông bà nghe:

Có một gia đình nọ, ông bà cha mẹ rất hiền hòa, sanh ra một trưởng nam và một thiếu nữ. Lớn lên, người con trai theo du côn, du đãng, phá làng phá xóm. Còn cô con gái thì bán dâm. Có người lại nói “cha mẹ sanh con. Trời sanh tánh”. không thể đổ lỗi cho Trời được, thử hỏi sự lầm mê của Chúng Sanh biết bao nhiêu. Chân lý của nhà Phật là ở chỗ đó. Các ông bà nên suy ngẫm mà làm cho đúng thì hưởng được thực tại.

Lúc đó đã 10 giờ 30, ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ trở về Tịnh Thất. Tôi nhận thấy rõ trên nét mặt mọi người đều hớn hở như nuối tiếc một cái gì trong Tâm Thức.

LONG HOA HỘI THƯỢNG

Chân Phật Tử: Nguyễn Mưu
Pháp Danh Tạng Tích
“Phụng ghi để phổ truyền”
Ngày 14 tháng 4 năm Giáp Dần