–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

10. SỰ MÊ CHẤP, LẦM LẪN DO BẢO THỦ CÁ TÁNH

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15119)
10. SỰ MÊ CHẤP, LẦM LẪN DO BẢO THỦ CÁ TÁNH
KHAI THỊ TẠI PHÁP BẢO TỈNH THỊ HỘI QUẢNG NAM ĐÀ NẴNG

Tôi được nghe và thấy, trong thời gian giáng lâm Đà Nẵng ngày mùng 2 tháng 3 năm Giáp Dần lúc 9 giờ tối, Tứ Chúng tại Tỉnh Thị Hội và Quận Hội quận 3 An Hải đồng tề tựu, giữa sự hiện diện có quan khách ước lượng trên 300 vị.

Lúc bấy giờ ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ giáng lâm và an tọa, Tứ Chúng đảnh lễ, sắp theo thứ tự ngồi lại một bên. ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ Ngài trầm ngâm, vẻ mặt trang nghiêm và thuần hậu, tất cả Tứ Chúng đều im lặng, hương trầm phảng phất, thật là một quang cảnh không bút mực nào tả nổi, giữa sự trang nghiêm ấy Ngài dạy:

–Này Tứ Chúng, trên con đường Phật đạo chỉ có mê chấp, từ mê chấp đương nhiên có lầm lẫn, nơi lầm lẫn ấy liền phát ra bảo thủ chuyện lầm lẫn, Phật đạo gọi là Thọ Ngã, thế gian gọi là cá tánh của mỗi người. Tứ Chúng hãy nghe câu chuyện sau đây để tỏ biết sự lầm lẫn của cá tánh tạo thành ba đường ác. Nơi Thọ Ngã, cá tánh riêng mình không thể nào mình thấy được rộng rãi trùm khắp vị tha Đồng Chủng để tạo thành quang minh quảng đại. Do bảo thủ cá tánh, tự ý độc tôn mà trở thành sanh tử luân hồi. Ngài dạy xong, ngưng một lát Ngài tiếp:

–Thế nào gọi là mê chấp lầm lẫn?

Từ nghìn xưa có một cảnh giới đầy đủ Ngũ Bộ Châu, vì sao gọi là Ngũ Bộ Châu? –Bộ thứ nhất gọi là Đông Bộ Châu, Bộ thứ hai gọi là Tây Bộ Châu, Bộ thứ ba gọi là Nam Bộ Châu, Bộ thứ tư gọi là Bắc Bộ Châu và Trung Ương Bộ Châu ở vào Trung Tâm chính giữa.

Nhà Vua của Trung-Ương Bộ Châu cực kỳ nóng nảy, háo thắng, nhưng không bao giờ Nhà Vua biết được cái nóng nảy háo thắng của mình, do đó sinh ra lòng tham vô tận phải sa vào lầm lẫn mê chấp.

Một hôm, Nhà Vua mới nghĩ rằng ta là Trung-Ương Bộ-Châu, địa thế đầy đủ thuận lợi lại thêm binh hùng tướng mạnh, tội gì phải để cho Tứ-Bộ bao quanh, vậy thì ta đem toàn lực để khắc phục bốn Tiểu-Vương kia thâu gồm tất cả về Nhất-Bộ do ta bỉnh trị. Nghĩ như vậy Nhà Vua thực hành, cử binh đi bắt các vị Tiểu Vương kia về để hành hạ. Nhà vua ra lệnh bắt:

–Tiểu Vương của Đông Bộ-Châu phải nhịn đói.

–Tiểu Vương của Tây Bộ-Châu phải nhịn khát.

–Tiểu Vương của Nam Bộ-Châu phải phơi nắng.

–Tiểu Vương của Bắc Bộ-Châu treo cẳng ngược trên cành...

Khi ấy có một vị Thần hiện đến nói với Nhà Vua Trung-Ương Bộ-Châu:

–Sao Nhà vua làm điều tàn ác thế?

Vốn bảo thủ nơi cá tánh, và cũng vì sự lầm mê, Nhà Vua chẳng nhận ra việc của mình làm là việc ác, nên mới tỏ vẻ không vừa lòng liền nói:

–Tôi nào có làm điều gì tàn ác đâu?

Để trả lời, vị Thần mới dùng cây Phướng phất lên đầu Nhà Vua một cái, Nhà Vua mê man thiếp đi.

Trong cơn mê man đó, Nhà Vua thấy mình biến thành vị Tiểu-Vương thứ nhất tức là Tiểu Vương Đông Bộ-Châu. Nhà Vua thọ chủng cảm thấy đói bụng vô kể, cơn đói kéo đến một cách khủng khiếp, khổ không cách nào chịu đựng nổi, Nhà Vua van xin với viên Giám Ngục: cho tôi xin một miếng cơm rồi tôi dẫu chết cũng cam. Càng kêu la van nài lại càng thấy khổ cực hơn, cơn đói bụng dâng lên cực điểm; tức thì viên Giám Ngục dùng cây đập lên đầu Nhà Vua một cái nhà Vua giật mình biến thành vị Tiểu Vương thứ hai.

Lúc bấy giờ Nhà Vua biến thành vị Tiểu Vương của Tây Bộ Châu, thọ chủng cảm nhận chịu hình phạt nhịn khát, cơn khát như giếng cạn từ lâu, khô khan dày vò, chưa bao giờ có cái khổ nào hơn, cơn khát hành hạ Nhà Vua thật tàn nhẫn. Nhà Vua kêu khóc van nài, cầu xin được một giọt rồi chết cũng được Viên Giám Ngục vảy mấy giọt nước lên mặt. Nhà Vua há hốc mồm, thè lưỡi ra mong liếm láp được một chút nào, nhưng chẳng có một giọt nước nào rơi vào miệng. Nhà Vua càng kêu la càng than khóc, cơn khát càng thêm hành hạ mà lại làm cho viên Giám Ngục thêm tức giận bèn dùng chân đá vào đầu một cái thật mạnh, Nhà Vua giật mình biến thành vị Tiểu Vương thứ ba.

Khi Nhà Vua biến thành Tiểu Vương của Nam Bộ Châu, Nhà Vua thọ chủng chịu hình phạt cởi trần phơi nắng trên bãi cát nóng. Cát nóng như đốt tận thấu xương, da thịt như nấu chín, tái tê, đau đớn khổ sở vô vàn. Nhà Vua kêu van than khóc cầu xin được lăn vào bóng mát tàn cây bên cạnh một chút rồi thác cũng cam lòng chịu. Nhưng cũng không được. Lửa nóng kéo dài... khổ sở đến cùng tận. Nhà Vua kêu van thống thiết cũng chẳng bớt giảm cực hình mà còn làm cho Viên Giám Ngục tức giận, dùng chỉa ba đâm vào mặt nhà Vua, Nhà Vua giật mình biến thành vị Tiểu Vương thứ tư.

Sau khi Nhà Vua giật mình biến thành vị Tiểu Vương của Bắc Bộ Châu, Nhà Vua thọ chủng chịu hình phạt treo cẳng ngược trên cành đầu chúc xuống đất, đau đớn khổ sở vô cùng... Thật không còn cái khổ nào hơn, thật không còn đau đớn nào bằng. Nhà Vua chỉ mong được chết còn sướng hơn là mang chịu đọa đày này. Hết kêu la đến than thở van nài... cũng không làm sao thoát khỏi cực hình, cơn đau đớn tuyệt vọng dâng lên cực điểm , Nhà Vua lịm ngất thì Viên Giám Ngục đưa lưởi đao lên chém đứt sợi dây treo, Nhà Vua bị rơi từ trên cao dộng đầu thẳng xuống đất, Nhà Vua choàng tỉnh...

Nhà Vua vừa tỉnh cơn ác mộng, cũng là tỉnh giấc mê lầm, nhà Vua còn nhớ rõ ràng sự việc từ khởi thủy đến kết chung... Do một thoáng nghĩ lầm lẫn cộng với Cá Tánh bảo thủ chấp nhận ý nghĩ mình là đúng trở thành Mê Chấp. Vì bảo thủ nên vị Vua Trung Ương Bộ Châu kia không thấy việc mình làm là việc ác, không thấy ý nghĩ mình là lầm lẫn. Nhà Vua rất hối hận, bèn sai hầu cận trả tự do cho bốn vị Tiểu Vương, lòng ăn năn thúc hối khiến Nhà Vua cố công tu tập điều thiện, và hết lòng khuyến dụ toàn dân tu tập, lập Thiện Căn làm cơ bản, không nên làm điều gì gieo đau khổ đến cho mọi người, vì họ cũng biết đau khổ như mình, phổ cập rộng rãi Đạo Đức cùng khắp Tứ Châu, từ đó dân cư an hưởng thanh bình và hết lòng biết ơn Nhà Vua đã thức tỉnh Mê Lầm mà còn dạy dỗ khuyên răn dân chúng tu tập, để mãi mãi hưởng thanh bình trong cùng khắp Ngũ Châu thiên hạ...

Kể đến đây xong ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ ngừng lại đôi phút:

–So với câu chuyện trên, sự mê lầm của các ông cũng vậy, các ông không thể thấy việc của các ông làm là sai, mà cứ ngỡ là đúng. Do Cá Tánh Bảo Thủ che kín, sự ngăn che kia là Vô Minh, sự Bảo Thủ kia là Mê Chấp.

Đạo Phật ra đời cốt làm sao phá được Mê Chấp của các ông, còn Mê Chấp lầm lẫn Tham Sân Si dẫy đầy; phá Mê hết lầm thì Tham Sân Si chẳng còn.

Toàn thể Tứ Chúng cùng Quan Khách hiện diện hôm ấy, nghe được lời Minh-Huấn Khai-Thị của ĐỨC LONG HOA TĂNG CHỦ xong, lòng vui mừng khôn xiết như vừa được tắm gội rửa sạch Cá Tánh dẫy đầy những bụi nhơ Tham-Sân-Si, Thân Tâm nhẹ nhàng, an vui chan hòa trong ánh sáng Đạo Tràng, và đồng đứng lên đảnh lễ Ngài xong cùng trở về vị trí.

LONG HOA HỘI THƯỢNG

ngày 04 tháng 5 năm 1974
(ngày 02 Tháng 3 Năm Giáp Dần)