–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

15. THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 19505)
15. THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG
Nói đến THỰC TƯỚNG hay VÔ TƯỚNG để công nhận lấy một bên là CHƠN hoặc ĐÚNG thì chẳng thể nào đặng cả. Mà ngược lại công nhận tất cả Hai Bên trở thành TIÊU CỰC. Vì vậy nên THỰC TƯỚNG và VÔ TƯỚNG duy chỉ có Sở Đắc mới thấu tỏ mà thôi.

Thực Tướng Vô Tướng trong khi đang còn mơ màng nó chính là một mối giềng tranh luận bàn cãi, chia thành hai pháp CÓ KHÔNG CHƠN GIẢ CHÁNH TÀ MÊ GIÁC vậy.

Bởi chia giành, vì nghi ngại CHÂN hay GIẢ thành thử không nhận được tầm Chân Lý của hai tướng THỰC VÔ. Khi đã không nhận thấu thời dù muốn hoặc không muốn vẫn chẳng sai chạy đặng hai pháp CÓ KHÔNG đó đặng. Vì sao? Vì chính Thực Tướng và Vô Tướng đều là pháp BẤT NHỊ. Chẳng thể nào dùng VĂN TỰ NGÔN NGỮ để bàn đến nó. Nếu đem ra bàn hay diễn nói đến Thực và Vô đều là: LUẬN Thực Tướng Vô Tướng vậy.

Nhược bằng có một Bậc đứng vào Thực Tướng chấp nhận thì bậc ấy sẽ nói và hỏi rằng: PHÁP NÓ PHẢI LÀ THỰC TƯỚNG chăng?

TRẢ LỜI: Đúng nó như vậy, không sai khác. Vì sao? Vì từ một mảnh LÔNG CỪU đến VŨ TRỤ hay THIÊN NHÂN, A TU LA, SÚC SANH, NGẠ QUỈ cùng ĐỊA NGỤC trùm khắp như TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI đều là THỰC TƯỚNG.

Từ một Thân đến trăm Thân, từ một Đại đến Lục Đại, từ một Lóng Tay đến Ngón Tay cùng Bàn Tay đều là THỰC TƯỚNG.

Chớ nên nói nó SAI, chớ nên nói nó KHÁC, nếu nói như thế chính là VỌNG, là ĐIÊN ĐẢO, là Chính Mình TỰ PHẢN lấy mình..

Không nên vậy, chớ nên vậy, Thực Tướng là MỘT. Nếu nó nói là Vô Tướng thời bị phản với TƯỚNG PHẬT, bị phá với QUỐC ĐỘ của PHẬT, bị tổn thương PHẬT QUỐC.

NÊN BIẾT RẰNG: Cận cùng đều là THỰC TƯỚNG bao trùm cùng khắp. Vì Thể Tánh của nó cùng khắp như vậy, nên đưa tay mà chỉ nó ra, thời ngón tay chỉ ấy cũng là: TƯỚNG CHỈ CHƠN THỰC vậy.

Đứng về phần trên là phần THỰC TƯỚNG chấp nhận đầy đủ như thế. Còn phần dưới đây vẫn công nhận VÔ TƯỚNG và bàn cãi với THỰC TƯỚNG. Bậc ấy họ cũng nói và hỏi rằng: PHÁP NÓ CÓ PHẢI LÀ: VÔ TƯỚNG CHĂNG?

TRẢ LỜI: Đúng nó như vậy, không sai khác. Vì sao? Vì từ một mảnh LÔNG CỪU đến VŨ TRỤ hay THIÊN NHÂN, A TU LA, SÚC SANH, NGẠ QUỶ hoặc ĐỊA NGỤC trùm khắp TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI đều là VÔ TƯỚNG. Vì sao? Vì Lông Cừu, Vũ Trụ cùng với Sáu Đường hoặc Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới do đâu mà có? Do chấp nhận mà có hay không chấp nhận mà có? Nếu chấp nhận là Giả Tưởng là Vọng Đảo Sai Biệt, nó chính thật là VÔ TƯỚNG vậy.

Còn từ một Thân đến trăm Thân, từ một Đại đến Lục Đại, từ một Lóng Tay đến Ngón Tay cùng Bàn Tay đều là VÔ TƯỚNG. Vì sao?

Vì Danh Giả nói là Bàn Tay, Ngón Tay cùng lóng Tay, thử tìm xem trên Ngôn Ngữ Văn Tự nó có Thực chăng? Nếu nó Chơn Thực thời tại sao mỗi một CHỦNG TỘC gọi tên nó lại riêng khác như: TÀU, TÂY, ANH, MỸ, mỗi nơi đều có tên của nó riêng khác, họ không gọi là Lóng Tay, Ngón Tay và Bàn tay. Như vậy nó thực là VÔ TƯỚNG. Chớ nên cho Vô Tướng là SAI, cũng chớ cho nó là KHÁC. Nếu nói như thế chính là VỌNG, là ĐIÊN ĐẢO, chính là Mình TỰ PHẢN lấy Mình...

Không nên vậy, chớ nên vậy. VÔ TƯỚNG là MỘT. Nếu nói nó là THỰC TƯỚNG thời tìm cái chi là TƯỚNG PHẬT? Tóc là Phật ư? Thân là Phật ư? Nếu nói nơi Thực Tướng là Quốc Độ, thì tất cả đều: ĐẤT ĐÁ NÚI SÔNG cùng XỨ SỞ, thì Đất nào là Quốc? Xứ Sở Núi Sông nào là Độ? Còn nói là PHẬT QUỐC thì nơi nơi đều Chủ Trị, đã Chủ Trị thời Độc Tôn. Mà Phật thời không Chủ Trị, Bình Đẳng, thì làm gì có Phật Quốc?

Những điểm đó không nên nói mà oan cho Chư Phật. Vì sao? Vì PHẬT thời không có Biên Giới và Xứ Sở. Chính là VÔ TƯỚNG khó bàn, chớ nên cho là THỰC TƯỚNG mà Hư Vọng vậy.

Tất cả cận cùng đều là VÔ TƯỚNG, đều là trùm khắp BẤT NHỊ nó không có chỗ chỉ vì vốn nó VIÊN TỊCH.

THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG Pháp là một Tuyệt Mỹ khó mà phân tách NẶNG NHẸ giữa hai bên, vì nó BẤT NHỊ, nó không Hai hay Sai Khác. Nên chi có kẻ nhận là THỰC TƯỚNG bị làm CHÚNG SANH chìm đắm nơi Cảnh Giới cũng gọi là CHÚNG SANH GIỚI.

Còn Bậc nhận nó là VÔ TƯỚNG thì bị sa vào PHI PHI TƯỞNG phải triền miên nơi Triệu Kiếp. Còn cho nó: CŨNG CÓ TƯỚNG, CŨNG KHÔNG TƯỚNG thời nó là HAI. Nếu nó là HAI thì vẫn nằm vào pháp TƯƠNG ĐỐI SI MÊ NỘI NGOẠI?

THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG chính là then chốt để Giải mê mờ, nếu những Bậc BIẾT TU, nó cũng gọi là con đường TRUNG ĐẠO. Nhưng ít nhất là Bậc tu hành cỗi giải TÂM rỗng rang tu không vội CHẤP (Chấp Trước). Bậc ấy đã tìm đặng CHƠN TÁNH mà tu, mới có thể bước sang con đường TRUNG ĐẠO được.

THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG cũng gọi là hai pháp CÓ KHÔNG. Nếu bỏ CÓ lấy KHÔNG thì vào TIÊN ĐẠO hay sa vào PHI PHI TƯỞNG. Lại bỏ KHÔNG lấy CÓ thời mắc miếu chạy vòng theo các pháp mà chìm đắm SANH TỬ LUÂN HỒI.

Phần nhiều những Bậc tu hành đã có chí Quyết Tâm tìm vào con đường TRI KIẾN GIẢI THOÁT, thì Trí Tuệ họ hay suy nghĩ lung lạc để dùng làm một phương pháp thích ứng trên con đường mở mang Trí Tuệ. Nhờ như vậy họ mới lấy thời KIM CỔ để soi biết thành thử Tự Biết đặng: Các Vị Tổ xưa kia khi chưa đặng ĐẮC PHÁP vẫn phải mê mờ như họ ngày hôm nay. Các Vị ấy trước tiên cũng Niệm Phật, cũng nghe Thuyết Pháp hay xem KINH, cũng mê Tín Dị Đoan, cũng tu hành Năng Chấp, cũng Ý Muốn Tập Khởi, cũng Nặng Nhẹ Thực Tướng Vô Tướng... Nhưng các Vị ấy TIN vào lời PHẬT nói mà thực hiện trên công việc làm để Tỏ Biết, chớ chẳng Tin vào lời PHẬT nói mà HỌC THUỘC đặng làm thành CÁI MÁY NÓI. Gọi là TỰ BIẾT chớ không BỊ BIẾT.

Nương nhờ như thế nên: Không vì Thực Tướng mà Thọ Chấp. Không vì Vô Tướng mà Năng Chấp. Không vì HẠNH NGUYỆN mà Thọ Chấp. Hay không vì KHÔNG HẠNH NGUYỆN mà thọ chấp. Không vì ĐỊNH TUỆ hay KHÔNG ĐỊNH TUỆ mà Thọ Chấp. Không vì CÓ: Trước Sau Trên Dưới Trong Ngoài, hay KHÔNG: Trước Sau Trên Dưới Trong Ngoài mà Thọ Chấp. Không vì ĐẮC hay KHÔNG ĐẮC mà Thọ Chấp....

Các Vị TỔ duy chỉ đặng CÁI CHẲNG THAM chẳng còn Động Vọng, CHẲNG MUỐN, nên Tâm Bình Đẳng, Đi vào các Pháp CÓ KHÔNG mà học hỏi, nên chẳng Dính Mắc nơi Pháp, Không Dính Mắc nên đặng VÔ NGẠI. Không vì THỰC VÔ nên đặng BIỆN TÀI. Không vì CHƠN GIẢ hay GIẢ CHƠN nên chẳng còn NGHI. Không nghi nên TỎ THÔNG TÁNH PHÁP trùm khắp BẤT NHỊ, mà ra vào: THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG TAM MUỘI PHÁP MÔN vậy.

NAM MÔ NHƯ LAI NHÃN TẠNG
THỰC TƯỚNG VÔ TƯỚNG TAM MUỘI PHÁP MÔN