–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

17. PHÁP ĐẢNH ÁO ĐẠI GIÁP

16 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 15609)
17. PHÁP ĐẢNH ÁO ĐẠI GIÁP
PHÁP ĐẢNH ÁO ĐẠI GIÁP nương theo Công Đức của NHƯ LAI làm Hạnh Nguyện trong các Pháp đầy đủ THUẬN NGHỊCH Tâm không quái ngại mà thành tựu ÁO ĐẠI GIÁP liền Thọ Ký thành PHẬT.

Áo Đại Giáp như PHẬT đã đặng, chư BỒ TÁT cùng BỒ TÁT MA HA TÁT sắp đặng. BÍCH CHI, A LA HÁN sẽ đặng. THINH VĂN DUYÊN GIÁC đồng với Bậc ĐẠI TRÍ TUỆ đang làm. Bậc TIN PHẬT sắp làm, kẻ THIỆN CĂN muốn làm đều tu Hạnh Nguyện. Trước sau hay sau trước lần lượt thảy đều tạo nên Áo ĐẠI GIÁP được cả.

Đức THÍCH CA MÂU NI PHẬT khi Ngài đặng Thọ Ký thành PHẬT, Ngài vẫn đầy đủ 32 Áo Đại Giáp cùng 32 Tướng Tốt và Mười DANH HIỆU như: ỨNG CÚNG. CHÁNH BIẾN TRI. MINH HẠNH TÚC. THIỆN THỆ. THẾ GIAN GIẢI. VÔ THƯỢNG SĨ. ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU. THIÊN NHƠN SƯ. PHẬT. THẾ TÔN.

Ngài bèn dùng PHẬT NHÃN BẤT NHỊ soi khắp thấy Bình Đẳng, hằng hà sa số PHẬT, Vô Lượng Công Đức PHẬT. Vì Công Đức Vô Lượng ấy nên không thể đem đặng TƯỚNG PHẬT mà diễn tả hay nghĩ bàn đặng. Cũng không thể chỉ nơi chốn cùng việc làm của Chư PHẬT đặng. Vì Chư PHẬT không có Biên Giới Hạn Lượng nên được trùm khắp, thì Áo ĐẠI GIÁP cũng trùm khắp vậy.

Ngài lại dùng HUỆ NHÃN soi khắp TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, Ngài tỏ rõ từng Thế Giới, từng Bậc TU CHỨNG từ CÓ đến KHÔNG và cũng từ KHÔNG đến CÓ cùng KHÔNG KHÔNG của KHÔNG KHÔNG luôn. Trong TAM THIÊN và các THẾ GIỚI đâu đâu CŨNG MẮC MIẾU vào hạn lượng mong cầu đặng chút ít Áo Đại Giáp hữu hiệu nương nhờ thế mà vui mừng hoan hỷ Nhạc Phách ngày đêm nơi Hạn Lượng ĐÃ TẠO và ĐÃ ĐƯỢC HƯỞNG. Còn Bậc Đại Trí Nhất Tâm tạo nên Áo Đại Giáp thường chẳng kể lể, không mong cầu Công Đức ấy. Vì sao? Vì Sở Nguyện tạo Áo Đại Giáp để Cúng Dường cho NHƯ LAI thành thử không màng đến Thọ Hưởng hiện tại, mà cầu Thọ Ký thành PHẬT để Báo Ân NHƯ LAI cùng ỨNG CÚNG CHÁNH BIẾN TRI trong MƯỜI DANH HIỆU.

Đức THẾ TÔN Ngài lại dùng CHỦNG TRÍ không phân biệt đồng MỘT mà Ngài vì Chúng Sanh quan sát từ trên đến dưới, từ trong ra ngoài, trong muôn ngàn Thế giới cùng khắp. Tất cả các Cõi ấy và Cảnh Giới đang thuyên diễn ấy thảy đều SẴN CÓ đầy đủ CHỦNG TRÍ y như PHẬT không sai khác. Nhưng bởi mong cầu và Hạn Lượng phân chấp: CÓ KHÔNG. TRÊN DƯỚI. TRƯỚC SAU ngăn biệt nên Bị Biệt, thành thử Tâm Ý hẹp hòi, Trí Tuệ nông cạn, Hiểu biết nhỏ nhen. Do lẽ ấy nên thiếu khuyết sanh sợ sệt chẳng dám tạo đầy đủ 32 áo Đại Giáp, tự tạo phần nào chỉ mong cầu hưởng phần đó thôi. Vì sao? - Vì chấp nơi CÓ-KHÔNG-CÒN-MẤT mà sợ vậy.

NGÀI CHƠN BIẾT sự ĐỒNG CHỦNG TRÍ của chúng sanh chẳng thiếu với Ngài, nên Ngài bèn chỉ thẳng với chúng sanh rằng: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH. CÁC ÔNG LÀ PHẬT SẼ THÀNH” đặng làm cho chúng sanh mạnh dạn phát: ĐẠI BI TÂM. ĐẠI TRÍ TÂM và ĐẠI DŨNG TÂM làm cho Tâm không Quái Ngại mà tu hành Hạnh Nguyện trên đường LỤC BA LA MẬT ĐA, đặng tạo áo ĐẠI GIÁP kiên cố trùm khắp mà đặng thành PHẬT ĐẠO.

Đối với PHẬT Ngài chỉ bày chẳng thiếu sót trong TAM TẠNG Kinh và diễm nói còn nhiều hơn thế nữa. Từ Bậc chưa Độ đặng Độ, từ bậc chưa Tỏ đặng Tỏ Ngộ, từ chưa đặng Áo Đại Giáp mà tu tập đặng Áo Đại Giáp lần lượt đặng Thọ Ký thành PHẬT.

Ngài là Bậc TRI ĐẠO, Ngài là Bậc THUYẾT ĐẠO, tỏ nguồn gốc Mê chúng sanh nên chỉ bày tu học. Ngài lại QUYẾT ĐỊNH chúng sanh ĐẠI NGUYỆN sẽ THÀNH PHẬT. Nên Ngài mới nói trong kinh TÂM ĐỊA QUÁN, Phẩm THÀNH PHẬT như sau:

PHẨM: THÀNH PHẬT

( Trích Nguyên Văn )

Đức VĂN THÙ thưa gởi và Tán Thán rằng: NHƯ LAI ra đời hiếm có như HOA ĐÀM và GIẢ SỬ NGÀI ra Đời mà nói ra Pháp nầy cũng khó. Ba Pháp BÍ MẬT VÔ THƯỢNG PHÁP LUÂN của Tâm Địa Quán như thế, thực là lợi cho hết thảy Chúng Sanh, là đường Chính Chân Thật vào NHƯ LAI ĐỊA và BỒ TÁT ĐỊA. Nếu chúng sanh nào không tiếc Thân Mạng mà tu hành pháp ấy, sẽ chóng Chứng được BỒ ĐỀ.

BẤY GIỜ: Đức PHẬT bảo BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI rằng:Nếu có Thiện Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn nào muốn tu tập được BA PHÁP MÔN BÍ MẬT, sớm đặng Thân Công Đức của NHƯ LAI, nên mặc 32 áo ĐẠI GIÁP KIM CƯƠNG của BỒ TÁT mà tu Diệu Quán ấy, thời quyết CHỨNG đặng PHÁP THÂN THANH TỊNH của NHƯ LAI.

Những gì là BA MƯƠI HAI thứ ÁO GIÁP ấy?

1.- Mặc áo Đại Giáp thụ khổ: Ở trong vô lượng kiếp vì chúng sanh chịu thay thế KHỔ cho chúng sanh mà không chán.

2.- Mặc áo Đại Giáp Bất Xả: (không ngừng bỏ) Thề độ vô lượng Hữu Tình cho đến con sâu, con kiến cũng không bỏ.

3.- Mặc áo Đại Giáp Bí Mật: Giác Ngộ chúng sanh trong giấc mộng dài Sanh Tử, an trí họ vào ba pháp Bí Mật (Tâm Bí Mật, Ngữ Bí Mật, Thân Bí Mật).

4.- Mặc áo Đại Giáp Hộ Pháp: Ủng hộ Phật Pháp trong hết thảy Thời, cũng như vang ứng tiếng.

5.- Mặc áo Kim Cương Đại Giáp: Diệt hẳn sự Khởi lên hai KIẾN: HỮU VÔ (Có Không) và hết thảy phiền não.

6.- Mặc áo Đại Giáp Năng Xã: Dù đầu, mắt, tủy, óc, vợ, con, ngọc báu.... có người xin đều xã cả.

7.- Mặc áo Đại Giáp Năng Thí: Hết thảy đồ vui trong nhà hưởng thụ, quyết không Tham Trước, đem cho tất cả.

8.- Mặc áo Đại Giáp Năng Trì: Hay giữ Tâm tu Tịnh Giới của BỒ TÁT và không rời Hạnh ĐẦU ĐÀ.

9.- Mặc áo Đại Giáp Nhẫn Nhục: Gặp các Duyên Trái Ngược như: Nhục mạ, đánh đập... vẫn không báo thù.

10.- Mặc áo Đại Giáp Hồi Tâm: Giáo hóa những bậc Duyên Giác Thinh văn khiến họ Hồi Tâm đi về Nhất Thừa.

11.- Mặc áo Đại Giáp Tinh Tiến: Tinh Tiến độ các Hữu Tình, ví như gió lớn ngày đêm không nghỉ.

12.- Mặc áo Đại Giáp tu hành Giải Thoát Tam Muội: Thân Tâm Tịch Tịnh, Miệng không phạm lỗi.

13.- Mặc áo Đại Giáp Bình Đẳng: Làm ích lợi cho chúng sanh, coi SANH TỬ và NIẾT BÀN không có Hai Kiến.

14.- Mặc áo Đại Giáp Dữ Lạc: (Cho vui)

Đem Duyên Đại Từ làm ích lợi cho mỗi loài, luôn luôn không chán bỏ.

15.- Mặc áo Đại Giáp Bạt Khổ (nhổ khổ) Đem Vô Ngại Đại Bi cứu nhiếp hết thảy không hạn lượng.

16.- Mặc áo Đại Giáp Đại Hỷ: Đối với chúng sanh không oán ghét, luôn luôn làm sự lợi ích.

17.- Mặc áo Đại Giáp Đại Xã: Tuy làm Hạnh Khổ không sợ nhọc mệt, luôn luôn không thoái chuyển.

18.- Mặc áo Đại Giáp Bất Yếm: (không chán) Chúng sanh có sự đau khổ lại nơi Bồ Tát, Bồ Tát chịu thay khổ cho chúng sanh kia mà không chán ngán.

19.- Mặc áo Đại Giáp Giải Thoát Năng Kiến: Sự xem xét trông rõ ràng như xem quả A Ma Lặc (quả Vô Cấu Thanh Tịnh) trong bàn tay, như vậy Giải Thoát được sự Thấy.

20.- Mặc áo Đại Giáp Vô Trước: (Không Chấp Trước) Thấy thân ngũ uẩn như bọn Chiên Đà La (đồ tể) tổn hại việc Thiện.

21.- Mặc áo Đại Giáp Yếm Xã: (Chán bỏ) Thấy mười hai nhập (6 căn, 6 trần) như làng xóm trống, thường mang lòng sợ hải.

22.- Mặc áo Đại Giáp Đại Trí: Thấy 18 giới cũng như huyển hóa (6 căn, 6 trần, 6 thức) không có chân thực.

23.- Mặc áo Đại Giáp Chứng Chân: (Chứng Lý Chân Như) Thấy biết hết thảy pháp đồng trong Pháp Giới.

24.- Mặc áo Đại Giáp Xuất Thế: Che điều ÁC của Người, không giấu lỗi Ác của mình, chán bỏ Ba Cõi.

25.- Mặc áo Đại Giáp Hóa Độ: Như Đại lương Y Vương hợp bệnh cho thuốc, Bồ Tát tùy nghi mà diễn hóa.

26.- Mặc áo Đại Giáp Quy Nhứt: (Về Một không Hai) Thấy Chân Thể của Tam Thừa kia vốn không khác cứu cánh đồng qui về nơi MỘT Chân Như Nhất Thừa PHẬT QỦA.

27.- Mặc áo Đại Giáp Độ Nhân: (Độ Người) Nối ngôi Tam Bảo Chủng khiến không đoạn tuyệt, quay xe Diệu Pháp độ người.

28.- Mặc áo Đại Giáp Tu Đạo: PHẬT đối với chúng sanh có ân đức lớn, vì muốn Báo Ân PHẬT nên cần phải tu PHẬT ĐẠO.

29.- Mặc áo Đại Giáp Vô Cấu: (Bất cấu không nhơ) Quán bản tánh hết thảy Pháp không tịch, không sanh, không diệt.

30.- Mặc áo Đại Giáp không ngăn ngại: Ngộ VÔ SANH PHÁP NHẪN, được Đà La Ni nhạo thuyết biện tài Vô Ngại.

31.- Mặc áo Đại Giáp rộng hóa Hữu Tình: Khiến cho họ đặng ngồi dưới cây Bồ Đề chứng PHẬT QỦA NHẤT VỊ.

32.- Mặc áo Đại Giáp trong một Sát Na: Tâm tương ứng với Bát Nhã, chứng ngộ Đại Pháp VÔ DƯ trong BA Đời.

Thế gọi là BA MƯƠI HAI thứ KIM CƯƠNG ĐẠI GIÁP của BỒ TÁT. Nầy BỒ TÁT VĂN THÙ SƯ LỢI! Nếu có Thiên Nam Tử, Thiện Nữ Nhơn nào THÂN mặc áo giáp trụ Kim Cương như thế nên chăm tu tập BA pháp BÍ MẬT. Trong đời hiện tại đủ Phúc Trí lớn, mau chứng được VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG BỒ ĐỀ.

Trích theo Kinh TÂM ĐỊA QUÁN, Đức THÍCH CA Ngài chỉ bày diễm nói như vậy. Các Bậc tu hành cần phải chịu ĐẠI NGUYỆN tất cả trên đường tu, gặp duyên THUẬN NGHỊCH của các Pháp thời TÂM buông xuôi, NGỮ buông xuôi để cầu CHÁNH GIÁC.

TỊNH VƯƠNG NHẤT TÔN