–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

30. Công Đức Phẩm

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 30689)
30. Công Đức Phẩm
Lời Ta nói đều là bánh vẽ, các ông hãy nương vào Công Đức sung mãn, đương nhiên bánh thật sẽ đến các ông.

• Bằng các ông nhận nuốt lời Ta chẳng chịu nương vào Công Đức sung mãn, thì các ông tự ăn bánh vẽ mà thôi chớ chẳng đem được cái hữu hiệu cho các ông.

–Vô sư kinh

Công Đức Phẩm


“Công đức hữu lậu là y áo cúng dường phẩm vật, cúng dường hương đăng hoa qủa, xây chùa nuôi Tăng. Còn vô lậu tín tâm phụng hành Công Đức, đa phần bậc sơ khởi tu hành còn quan niệm về nơi Phước Báo Nhân Thiên hay tu hành thoát sinh về Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc. Căn cứ nơi Công Đức Phẩm thì tùy theo sở nguyện mà thành.” –T.V.

Ngài rất chú tâm đến phẩm công đức và khai thị cho Tứ Chúng, tôi nghe như vầy: muốn xây căn nhà vững chắc, móng nhà phải làm kỹ. Càng xây cao, nhà càng nặng, móng nhà cần phải chắc chắn tương xứng mới chịu đựng và đứng vững. Lấy đời để so với đạo công đức phẩm rất cần cho con đường tu cầu Tri Kiến Giải Thoát.

Lúc còn nhỏ, một hôm Ngài muốn cúng dường Phật mà không có phẩm vật gì, Ngài lấy cái ly rửa thật sạch đi ra cái giếng nước, nhẹ nhàng thả gàu xuống múc nước để nước không bị vẩn đục, khi kéo lên Ngài tránh không cho cái bóng của thân thể che gàu nước. Múc xong ly nước, Ngài lấy hai tay đội trên đầu đi nhẹ nhàng không cho đổ một giọt. Dâng lên bàn Phật xong Ngài chiêm ngưỡng hình Phật. Ngài dạy tiếp,

"Nghèo mà thành tâm vẫn cúng dường được, vẫn có công đức. Chư Phật đều có đầy đủ vô lượng công đức mới thành Phật."

Kinh nghiệm trên đường tu chỉ có phẩm công đức mà thành tựu Cửu Phẩm Liên Hoa. Cứ mỗi phẩm công đức hữu lậu lớn, đầy ý nghĩa, đúng lúc là sở đắc một phẩm. Suốt lộ trình gặp được Đức Long Hoa Tăng Chủ, chỉ lập phẩm công đức cần mẫn mà được kết quả Đạo. Nếu chỉ nói mà không hành chẳng khác nào cái bánh vẽ không có bánh thật.

Bậc tu giữa lúc Đức Tăng Chủ khổ, thiếu vật chất, không thể nói bằng hơi được. Có nhiều bậc tu, thấy Ngài khổ, thiếu thốn, họ làm lơ mặc dầu họ sống khá. Một hôm Ngài bảo: "Tôi phải ra đời nghèo, chân tử cúng dường cho tôi mới có giá trị. Công đức hữu lậu sung mãn mới thực tiễn bước sang công đức vô lậu. Công Đức hữu lậu rộng mở tâm đồng ứng theo đầy đủ, mới thực tế có công đức vô lậu."

“Bằng có bậc tu công đức phẩm, kiến tạo công năng cơ bản tu cầu Tri Kiến Giải Thoát. Nương nhờ kiến tạo công năng, nên bảo trì công quả, phục vụ Công Đức không kể lễ. Gặp kẻ ngoại giáo dèm pha bậc này gìn giữ thân tâm không hờn giận, chủ yếu chuyên trì công quả.” –T.V.

Bậc tu kiến tạo công năng chính là sự chịu đựng. Nếu có lập phẩm công đức mà bị chê trách cũng không tức giận, gọi là bảo trì công đức. Đó là công đức vô lậu cúng dường Như Lai, tu hành theo con đường giác ngộ.

“Từ nơi bố thí không kể lể đến trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục thảy đều nhất tâm cố giúp, càng giúp mọi người chu đáo bao nhiêu vẹn toàn không cầu tri ân trả nghĩa, gọi là trí tuệ thiền định.” –T.V.

Khi thực hiện bố thí biết nói lời ôn tồn không ỷ mình là người cho mà hách dịch. Đó chính trong pháp bố thí đã có trì giới. Khi bố thí đem tình thương đặt vào kẻ đang khốn khổ. Đó chính trong pháp bố thí đã có nhẫn nhục. Gặp đúng pháp liền thực hiện bố thí. Đó chính trong pháp bố thí đã có tinh tấn. Bố thí đúng lúc chúng sanh cần giúp đỡ. Đó chính trong pháp bố thí đã có trí tuệ. Bố thí làm tròn duyên, xong an nhiên không còn bàn luận. Đó chính trong pháp bố thí đã có thiền định.

Bậc tu cần trực giác được trong một pháp bố thí đã sẵn có trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, trí tuệ, tiền định gọi là lục ba la. Bố thí vô uý thí mới gọi là mật đa. Vậy trong một pháp bố thí đã có lục ba la mật đa. Pháp của Đại thừa phải tu Bát nhã ba la mật đa như vậy.

“Từ đó mới bước vào con đường tu Bồ Tát Hạnh mà đặng sáng soi tất cả tánh của nhân sanh tánh, tạo thành pháp giới nên gọi là chúng sanh giới.”
–T.V.

Pháp môn của Phật dạy cho Bồ Tát phải hạnh nguyện chính là: Lục Ba La Mật Đa, Tứ Nhiếp Pháp (đồng sự nhiếp, ái ngữ nhiếp, tự lợi nhiếp, tha lợi nhiếp), Tham Sân Si.

Hàng Đại Thừa phá mê chấp để sạch lý tham, trong khi Tiểu Thừa sợ tham khởi vọng nên không dám nghe, không dám thấy, không dám biết để tận diệt tham. Còn nghi ngờ, còn vọng đảo là chưa sạch lý tham. Hàng ngày quay vào bên trong soi lại tánh của mình sau biết rõ chúng sanh tánh của mình và của mọi chúng sanh khác đều có đủ. Mình có bao nhiêu chúng sanh tánh là tứ loài cũng có bấy nhiêu chỉ khác mỗi người nặng một tánh, như có người rất nóng nảy, có người ít nóng nhưng lại keo kiệt, có người khác rộng rãi... Mỗi tánh tạo một pháp giới sống từ kiếp này sang kiếp khác. Biết rõ pháp giới sẽ sở đắc pháp tánh. Bậc sở đắc pháp tánh viên dung bình đẳng, nhớ được tiền kiếp quá khứ. Nhớ nhiều hay vô số tiền kiếp quá khứ là do sở đắc pháp tánh sâu hay cạn. Có bậc nhớ được một kiếp quá khứ thời tu tập theo Đức Bổn Sư cách đây 2538 năm PL, số này rất đông trong Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam.

Có bậc đạt được thiên nhãn, thiên nhĩ biết rõ tiền kiếp quá khứ, cùng tất cả chuyện trong đời cũng không hoàn mỹ bằng bậc đã tu đạt Pháp Tánh.

“Nơi chúng sanh giới này chưa hẳn riêng loài người, nó chung gồm tất cả đều thọ chấp mà hóa sanh ra đủ loài. Từ các sanh vật đến vạn vật cùng con người, Tiên, Thần, Thánh hóa thảy đều bị giới sanh, luân chuyển nơi kiếp luân hồi sanh tử.” –T.V.

◊ Mỗi chúng sanh giới từ một tánh mà thọ chấp nên sanh một thân đầy khắp muôn hình tướng trong Tam Thiên Đại Thiên thế giới.

◊ Như con chó pháp tánh của nó là giữ nhà. Bậc biết pháp tánh của nó hễ vào nhà lạ có chó là phải canh chừng. Chủng tánh giữ của trong nhà đã tập nhiễm nên ai đụng đồ là nó cắn. Bậc không biết gọi là lầm chớ không phải lỗi ở con chó.

◊ Tỷ như con mèo pháp tánh của nó là ăn vụng bậc biết phải đậy kỹ thức ăn. Nếu lơ là nó ăn vụng, người không biết la, đánh nó là mình sai chớ không phải con mèo sai.

◊ Chư Thiên pháp tánh sạch sẽ, đi đứng thanh bai, nói năng dịu dàng, nhà cửa ngăn nắp vào ở chỗ lộn xộn, dơ dáy không chịu nổi.

◊ Thần tánh thương người hay giúp đỡ người nhưng tánh còn nóng giận. Trái ý liền giết...

Do đó ta biết rằng mỗi chúng sanh thọ chấp, ôm giữ một tánh độc nhất của mình nên kiếp nào cũng bị nó dẫn dắt. Dù cho tu đến đâu chăng mà không rõ bổn lai của pháp tánh vẫn chỉ nói, thuyết giảng chớ chưa thực hiện đúng Hạnh Bồ Tát được, phải bị sanh tử, tử sanh vô cùng tận. Do đó mà bậc thực tu phải cầu Thiện Tri Thức đã được Phật thọ ký mới mong kết quả giác ngộ được.

“Bậc này nhìn khắp thế giới vũ trụ gọi là THỂ. Bằng lớp lớp chúng sanh giới được gọi là Pháp Thân Sở Đắc, Pháp Thân Phật.”
–T.V.

Mỗi một tánh tạo một chúng sanh giới, vô số chúng sanh giới chính là Pháp Thân Chư Phật. Muốn tu sở đắc pháp thân cũng phải lần hồi tu đúng đường cho sạch hết pháp tánh chúng sanh, mới mong đến nơi chốn Chư Phật được, mới vào thể vũ trụ khắp khắp.

“Nhờ công đức phẩm, nhìn nhận thị chứng pháp thân nên chi tỏ ngộ đặng pháp và tâm đều duy nhất, liền vui mừng nói: Tâm tiêu biểu cho tánh, còn tướng vốn là pháp thảy đều là một không hai, thật kỳ diệu thay.” –T.V.

Nghe thấy biết là vạn pháp. Giải xong pháp liền hồi tâm nên pháp và tâm là một. Tỷ như gặp hoàn cảnh buồn tôi thấy khổ, hóa giải cho không còn buồn. Cái buồn đã hồi Tâm. Pháp cũng do Tánh thành Pháp Tánh. Lầm mê nhận tánh không trụ tánh hồi tâm nên Pháp - Tánh - Tâm đều duy nhất chứ không có hai, ba.

Nhìn hình tướng biết tánh. Tỷ như một người đi, nói năng lộn xộn. Tướng này lộn xộn thì tánh không có nghiêm chỉnh. Tướng chính Tánh cũng là một.

Pháp - Tánh - Tâm - Tướng đều duy nhất đồng thể tuy thị danh có khác nhưng gốc do Tâm tạo. Bậc thực hiện biết rõ thật tuyệt diệu, không còn phân chia nên trực giác Chơn Tâm ẩn trong vọng tâm, vọng tâm sạch, như nhiên Chơn Tâm hiện. Tuyệt diệu ở chỗ Chơn Tâm không ở đâu nhưng ở đâu cũng có. Cũng tướng, cũng tánh, cũng pháp còn lầm thọ chấp nó là vọng tâm. Sạch vọng hoàn lai Chơn Tâm vậy. Do đó bậc Đại Thừa tu đạt chơn tâm từ nơi Nghe Thấy Biết chứ không y kinh lý luận hiểu biết. Kỳ diệu thay chư Phật đã tận thành. Chư Bồ Tát đã thấu đạt.

“Khi bấy giờ công đức phẩm hạnh này, chỉ thực hành tròn duyên, tròn nguyện gọi là công đức cúng dường Như Lai. Nhờ Như Lai, nương vào Như Lai mà dung thông pháp giới thị chứng vô sanh pháp nhẫn. Đó phải chăng bảo pháp cao quý giá trị, khó nghĩ bàn chăng?” –T.V.

Gặp hoàn cảnh khó khăn, an vui hóa giải không phiền trách, không sân hận, luôn hóa giải trong tinh thần đạo đức, hướng thượng. Đó là công đức to lớn cúng dường Như Lai. Nương vạn pháp hóa giải là nương vào Như Lai, không sanh, không diệt hoàn cảnh chỉ nương vạn pháp gọi là dung thông pháp giới.

Nhẫn nhục nếu cứ làm thinh sẽ không có trí, con người dần dần đến chỗ ngu đần. Nương pháp hóa giải đạo hạnh gọi là nhẫn nhục. Nhẫn xem xét để hóa giải gọi là nhẫn nại. Cố tinh tấn không nóng tánh mà vẫn hóa giải chứ không phải cứ làm thinh gọi là nhẫn nhịn. Mỗi pháp mỗi hóa giải gọi là niệm pháp, niệm niệm Pháp chính là niệm Phật. Đến lúc này sở đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Phẩm này là bước đầu rất cần thiết để thành đạt Pháp Thân Phật.

Chưa tỏ tường con đường Vô Sanh Pháp Nhẫn tu bao lâu cũng chưa vào thể của vũ trụ được.

“Mỗi một Phẩm Hạnh diễn tiến giá trị cao qúy như thế, đã có bậc thực hành kết quả đi trước. Kẻ tu trì đi sau phải cố gắng thi hành. Chính ra như Tôi hiện nay hoàn mỹ vẫn nương nhờ Công Đức Phẩm, nảy nở công năng, từ thấp trưởng thành Tối Thượng Chánh Giác, đoạt đến Vô Thượng Phẩm khó nghĩ bàn.” –T.V.

Đức Tịnh Vương, Long Hoa Tăng Chủ, hóa thân Đức Di Lạc Tôn Phật trước giờ phút Bát Đại Niết Bàn, lời cuối cùng của Ngài với Tôi như sau.

“Chỉ có phẩm công đức mà thành Diệu Quả Bồ Đề nghe không ông!” –T.V.

Đời Ngài tất cả đều hồi hướng Công Đức Như Lai mà nên sự nghiệp, được Muời Phương Chư Phật tán thán!./-