–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

59. KHAI–THỊ–NGỘ–NHẬP, Bốn Tướng Giải Thoát

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 31805)
59. KHAI–THỊ–NGỘ–NHẬP, Bốn Tướng Giải Thoát
“Khi bấy giờ Ta nhập Chánh Định quan sát các Bậc tu chứng thọ lãnh Bảo Pháp bất đồng, cho nên nơi hiểu biết chia ra từng thứ bậc, thứ lớp cạn sâu khác nhau, thường bị thối chuyển.

Nay Ta tuyên đọc lời Khai Thị nơi Ngộ Nhập của Tứ chúng thiếu khuyết, để Tứ chúng tùy khả năng, tùy hạnh nguyện nơi mình cố vươn mình cầu nơi Tri Kiến Giải Thoát.


Thế nào lời khai thị nơi ngộ nhập bốn tướng giải thoát?


 – Từ phàm phu thọ lãnh Bảo pháp chưa thực hành Hạnh nguyện nên phàm phu Ngộ Nhập Giải Thoát nơi phàm phu, chớ chưa vào hàng Tiên Thần Giải Thoát.


 – Hàng Tiên Thần thọ lãnh Bảo pháp chưa thực hành nơi Hạnh Nguyện Hóa Giải dù cho có Ngộ Nhập Giải Thoát nơi Tiên Thần chớ chưa đứng vào hàng A La Hán Giải Thoát.


 – Từ A La Hán thọ lãnh Bảo pháp Ngộ Nhập Thực Chứng Giải Thoát nơi A La Hán chớ chưa đứng vào hàng Bồ Tát.


 – Từ Bồ Tát thọ lãnh Bảo pháp Ngộ Nhập liền tu chứng nơi Bồ Tát chớ chưa hoàn toàn Giải Thoát nên chưa thể đứng vào hàng Chư Phật.”
–T.V.

Một hôm tại Long Hoa Hội Thượng, tôi nghe Đức Di Lạc Tôn Phật khai thị như vầy:

"Bậc tu phàm phu, Tiên Thần đến A La Hán nghe đặng lời khai thị của Bậc Chánh Giác, dù cho có Ngộ Nhập hiện tại vẫn là sự chứng tri thanh tịnh chớ chưa vào sâu nơi Thanh Tịnh Đại Hải Chúng của Bồ Tát. Mỗi cấp thanh tịnh mỗi cấp không hề ngang tầm mức với nhau do thâm nhập pháp cạn sâu.

Thế nào gọi là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát? Bồ Tát thọ lãnh pháp giới chúng sanh mà tỏ ngộ. Hàng Ma Ha Tát thấu đạt tất cả pháp giới chúng sanh chẳng thiếu sót, ra vào pháp giới để Hành Thâm, chung sống với từng lớp con người từ Thuận–Nghịch, Hữu–Tướng, Phi–Tướng, Tịnh, Bất–Tịnh mà sở đắc Đại Thanh Tịnh nên mới gọi là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.


Ngài tiếp: Bồ Tát nghe đặng lời Khai Thị Ngộ Nhập liền trực giác giải thoát từng pháp từng thứ lớp. Bồ Tát còn phải hành thâm pháp giới, nhiếp thu hy sinh đánh đổi pháp giới để lần tỏ thông pháp giới. Đến giai đoạn Bồ Tát còn phải nương Như Lai pháp tu trì Bát Nhã chủ yếu làm mát mẻ Như Lai, cúng dường Như Lai để thành tựu Ma Ha Tát vào Đại Hải Như Lai. Bồ Tát Ma Ha Tát còn phải tu hành hóa giải, vận chuyển tỷ mỷ pháp giới độ sanh sạch sẽ trơn liền, không còn vướng động một pháp giới để Nhứt Sanh Bổ Xứ chờ hóa thân Phật."

Do lẽ ấy, Bồ Tát Ma Ha Tát thường trú nơi Tam Muội ở cấp Đại Bồ Tát chớ chưa đúng trọn thành Phật. Còn phải phát Đại Nguyện đem tất cả thân mình, đầu óc, tai lưỡi cúng dường Như Lai cầu thành tựu Như Lai Nhãn Tạng đặng sáng suốt khỏi lầm mê. Từ đó Đại Bồ Tát đem Mật Ngữ ích lợi tận độ chúng sanh, đem lòng Đại Bi ban rải khắp nơi thành tựu Phật Tướng. Đó chính là Bồ Tát thực hành đầy đủ Như Lai chờ ngày thành Phật Quả.

Nếu Bồ Tát vui mừng dừng trụ nơi Ngộ Nhập, không tiếp tục thực hiện công đức cúng dường Như Lai, chưa đánh đổi vật chất, danh vọng, tình là pháp giới bao vậy, Bồ Tát không tiến đến Ma Ha Tát được để tự sanh thoát khỏi rốt ráo sanh tử. Chưa biết đánh đổi thân mạng, đầu óc, tai lưỡi dù cho Bồ Tát có ngộ nhập hàng vạn pháp Thần Thông Tam Muội chăng nữa vẫn chưa tròn Ma Ha Tát, đã chưa tròn làm thế nào đến đích Chư Phật thọ ký được. Đây là lộ trình tu tập, tu hành chân thật nhất.

Nơi Khai Thị Ngộ Nhập nó có từng đẳng cấp, chẳng khác nào hạt giống gì trồng, vun, bón nó thành tựu hoa quả ngay giống ấy. Do như vậy khi Chư Phật Khai Thị Chư Bồ Tát, A La Hán, Tiên Thần, chúng sanh ngộ nhập tùy theo Công Năng Công Đức Mà Thọ Lãnh Bảo pháp thật bình đẳng mà Bất bình đẳng. Nó tùy theo tư tưởng thọ lãnh đúng sai của từng Bậc, ai cũng ngỡ chính mình đã Ngộ Nhập đúng lời Khai Thị của Phật nào ngờ nó tùy thuận sở chứng của từng Bậc mà Ngộ Nhận.

Đối với Chân Lý chỉ có Một, đối với lời khai thị của Phật Chánh Giác không Hai, nhưng trình độ, công năng cùng Chí Dũng tu hành thiết tha đến mức nào nó chia ra từng lớp, từng bậc. Do đó Phật Ấn chỉ:

“Duy nhất chỉ có Phật Thừa chớ chẳng có Tam Thừa, Tam Thừa do công năng sở hữu nơi chân tử nên mới có nơi bất đồng ngộ nhập.” –T.V.

Trí tuệ hóa giải nghi chấp được Ngộ Nhập thông thái nhưng hành động thấp kém lại chênh lệch với trí tuệ thì chưa đứng ngang hàng với Bồ Tát được. Bậc tu có trí tuệ sở đắc Chân Lý Pháp Thân chớ Ứng Thân chưa đạt Chân Lý. Còn Bậc tu củng cố Đạo Hạnh tu trì được Ứng Thân đắc Chân Lý chớ chưa có Pháp Thân đắc Chân Lý. Nhiều Bậc lầm nhận nơi hiểu biết Ngộ Nhập không biết chính mình kết quả hiện tại chưa thấu đáo. Đó là điều đáng quan tâm không nhỏ nơi thời Mạt Pháp nầy vậy.

Bậc tu thời Mạt Pháp này cần bước vào Bốn Tướng Khai–Thị–Ngộ–Nhập nầy cho đặng đầy đủ Ứng Thân cùng Pháp Thân đắc Chân Lý mới viên mãn hoàn tất. Thời hiền kiếp Đức Bổn Sư thể hiện ra đời, Ngài Khai Thị:

"Đạo Hạnh và Trí Tuệ song tu, bậc tu thành tựu."


Bậc sở đắc Chân Lý liền Chánh Báo hiện tiền. Thời bấy giờ Bậc tu thường nhập Chánh Định Tam Muội gặp gỡ các Tiên Thần, cùng nhau giao cảm tùy cấp tu chứng. Đến thời Hạ Kiếp Đương Lai dân tình lầm than khổ sở, Bậc tu theo lý trí phát sanh nơi mỗi Bậc tự tu hơn nghe lời Phật trong Kinh điển mà thực hành, dù cho có nhiều Bậc đem Kinh điển nghiên cứu để tu nhưng tu nơi lý trí bị nghiệp thức điều động, do lẽ ấy trở thành lạc hướng nơi Phật Tôn sai lệch nơi Chánh Báo Chân Lý, nên chi hiện tại tu thì thật là nhiều người, còn kết quả tu chứng thật chứng lại quá hiếm hoi.

Con đường tu duy nhất có một, vì vậy Chư Bồ Tát Ma Ha Tát phải nhìn vào vết chân đi trước của Chư Phật đã từng đi mà Hạnh Nguyện đồng nương theo để tròn nguyện. Chư Bồ Tát tâm nguyện những gì khó làm mà làm đặng, những chuyện khó nghe mà nghe đặng, những thời gian khắc nghiệt đóng kín khó tu mà tu đặng mới mong thành tựu.

Những câu thơ kỷ niệm thời Mạt Pháp ở thế kỷ 20 này, qua bao chông gai sắt thép, qua bao khổ hải, khổ ải, Ngài Hiện thể tại thành phố Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa với lòng Đại Bi, Đại Chí, Đại Dũng vẫn tận độ chúng sanh.

Sông sâu ta vẫn cố chèo
Núi cao rừng thẳm ngặt nghèo phải qua.
Bồ Tát cho đến Phật Đà
Cùng chung một ngõ, trải qua một đường.
Dù cho vạn nẻo muôn phương
Bản năng Trực Giác Chân Thường Giác Chân.

–T.V.