–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

55. Do Lầm Nên Hữu Hoá

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 28544)
55. Do Lầm Nên Hữu Hoá
“Bậc Đại Giác Chí Tôn, Ngài đã tường tận, cái MÊ không gốc mà trái lại có nguồn, vì chúng sanh Hữu Ngã mà gây ra, nên Ấn chỉ chúng sanh lìa Ngã, nương Vô Ngã tầm Đại Chơn, nương theo trăm sông lần về biển cả. Thiền Sư Ngài nói đến đây ra chìu suy gẫm liền tự thán: Khó khăn thay trên con đường vào Chánh Giác. Ta đã từng trải qua bao nỗi khúc eo vô cùng vô tận, nay đạt đến biển cả khó phân như thế nào cho tất cả đang vật vờ nơi cơn mơ chưa hồi tỉnh. Sức nơi Ta là sức Đại Dương, còn công năng chúng sanh khác nào bọt trôi theo cơn sóng gió.” –T.V.

Cái mê nó không có gốc vì nếu mê có gốc thì chẳng bao giờ tu Giác Ngộ. Trái lại cái mê nó có nguồn. Vì sao?

Vì duyên khởi sanh tâm đó là nguồn mê. Khi đã có TÂM SANH, Tâm nó liền có TÁNH đó là nguồn mê. Tánh ấy phải có THỨC đó là nguồn mê. Thức thì linh động di chuyển không ngừng, bởi Bậc tu hay kẻ chưa tu mong cho Thức ngừng an trụ mà trở thành Nghiệp. Đó chính là nguồn mê trong tứ thời lầm lẫn để thọ chấp làm chúng sanh giới. Bậc tu tỏ biết không thọ chấp, không an trụ sẽ được tu chứng từng cấp bậc cao thấp khác nhau rốt ráo hoặc chưa rốt ráo mà tỏ rõ được nguồn mê. Khi đã thấu đạt do nghiệp tạo nguồn Mê, phải hành thâm pháp giới cho đến thật chứng liền hết nguồn Mê. Thức đây là Thần Thức, Thần Thức là tư tưởng năng trụ chấp theo cái Ngã Sở của Ý Thức tạo thành Nghiệp.

Do đó mà Bậc tu cần tìm phương thức giải nghiệp hay tìm Bậc thấu đạt Bồ Tát Đạo chỉ bày Giải Nghiệp mới tu. Nghiệp thì nhiều vô kể gọi là trăm sông, nó có đủ chiều hướng, đủ khía cạnh quá ư khôn khéo, quá ư tinh vi. Nhiều Bậc tu còn Nghiệp thức lại không biết Nghiệp thức là gì nó liền gạt nói mình ông nọ bà kia thật lầm độc hại truyền kiếp. Giải Nghiệp sạch sẽ được về Chân Tôn gọi là về biển cả.

Khúc eo gọi là qua được hoàn cảnh khắc nghiệt, cứ giải bớt được Nghiệp bao nhiêu thì Trí Tuệ tăng trưởng thọ lãnh Bảo Pháp bấy nhiêu. Còn chúng sanh dụng công năng học từ chương, nghiên cứu mà không biết tu Giải Nghiệp cũng chẳng khác bọt nước trôi theo con sóng không đến đích Giác Ngộ được. Chịu đựng vượt qua vô số khúc eo gay cấn quá ư khó khăn gọi là sức Đại Dương thành Phật. Thấu đạt là Chư Bồ Tát.

“Ngài tự thán xong, Thiền Sư đưa Chánh Niệm giao cảm Chư Phật mười phương rung chuyển Tam Thế Chư Phật đồng thọ ký lời huyết tâm Thiền Sư cảm ứng. Đâu đó xong xuôi Thiền Sư giải nói: Nầy các Bậc Cố Tri Vĩ Nhân Đại Chí, tu cầu con đường song tu Hiện Giác, những vị này chưa bao giờ được gặp nay gặp với Ta, bất cứ một nơi nào đáng kể, miễn nhận chân minh thuyết thực hành đó chính là cố tri nay gặp gỡ. Bằng gặp gỡ đương thời, sống chung một mái, bê trễ ương hèn dù cho đọc tụng chăng vẫn chưa nhìn đặng Ta một ít nào cả. Thật phí thay, thật uổng thay trong một đời chưa gây tạo.” –T.V.

Bậc giải sạch nghiệp, một tư tưởng vừa khởi liền giao cảm mười phương Chư Phật. Đối với Bậc Chánh Giác như Đức Long Hoa Tăng Chủ Di Lặc Tôn Phật, một khởi là một Chánh Niệm liền rung chuyển Tam Thế cảm ứng cùng Chư Phật.

Các Bậc Cố Tri Vĩ Nhân Đại Chí chính là các bậc Đại Bồ Tát đã từng thực hành, đã từng nương theo Thức di chuyển tức là Pháp di chuyển của Thần Thức. Bậc cao đạo Ý Thức có nghĩa là trụ vào Thức mà không thọ chấp. Đó chính là Bồ Tát Trụ mà Không Trụ. Có như vậy mới biết giải nguồn mê của Thức, Bậc sâu hơn như Đại Bồ Tát biết rốt ráo mạch lạc bổn lai của Thức tu đoạt thật sâu Tự Tánh Tỏ Tánh, chớ chẳng phải nương theo Thức mà an trụ thọ chấp nơi Thức. Nếu thọ chấp thì đương nhiên bị Chứng tu nơi mình chỉ tu đến đó mà thôi. Cần nương nơi Vô Ngã tìm Chân Ngã, đó là Bậc Cố Tri quá khứ nay gặp gỡ nơi Long Hoa nhận được lời minh thuyết thực hành.

Nơi Long Hoa đã hội tề đầy đủ Chư Tổ, Chư Tổ của Tiên Thần trong thời Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nay lai sinh tại Việt Nam, đa số cấp A La Hán, Thinh Văn, Duyên Giác đang bị khúc eo khó gỡ của Thức, nếu thực hành Ngài mở tiếp, còn chỉ đọc tụng sẽ bị đứng yên dừng trụ bị lầm nên hữu hóa.

“Nầy các ông, các Bậc Cố Tri nay ta kể: Các vị cùng ta hãy nhìn nơi Hư Không Vô Tận, nhìn đến sơn hà sông núi đang chung sống cùng ta. Bản thân ta tìm phương Giác Ngộ, Tự Tánh nơi ta hóa giải chấp mê, diệt trừ Bản Ngã trên Lý Sự tu hành ta cùng các ông dẫm nát, nó mãi kéo dài, có từng vạn triệu kiếp người, kiếp Thiên Tiên hay thọ sanh vào các nơi cầm thú, thăng trầm làm quỉ làm ma không dứt. Do đó nên chi mới có Phật Thánh thường còn. Chúng sanh thường diễn, đến bao giờ chấm dứt giữa Phật với chúng sanh, tìm Ngộ bị Mê, ở nơi Mê thấy Ngộ. Lạ thay, đứng Thánh tự tăng, ở vào phàm sa đọa. Khó khăn thay tu Tịnh vướng Động tâm. Sửa sai lầm, sanh chứng tật.” –T.V.

Ngài nói với Bậc Cố Tri cốt để tâm sự với Bậc quyết tu cầu Chánh Giác thuộc hàng Bồ Tát. Hãy nhìn nơi Hư Không vô tận là nhìn nơi vạn pháp diễn cảnh đến đâu cũng không chấp, không chướng tâm trong sáng tỏ rõ pháp cũng như nhìn nơi sông núi bao la hùng vĩ để tâm rộng rãi bao dung không nên lấy một pháp mà thọ chấp. Lý và Sự cần thực hành thường ngày mới dẫm nát pháp giới, nếu không tu hình thức nào vẫn bị kéo dài hàng triệu triệu kiếp. Nếu giỏi Lý mà không biết rõ tác hại của thọ chủng nghiệp xấu dù là ông gì vừa tắt hơi thở liền thọ báo làm loài trâu, bò, ngựa… quá ư tai hại. Còn độc địa bị hiện thân ma, qủy, quái là đúng đường của họ. Cho nên Phật và chúng sanh xa cách nghìn trùng. Chúng sanh tu Tịnh bị sa vào Tịnh Biệt vẫn là Động tâm trụ nơi KHÔNG tai hại. Còn sửa sai lầm mà không tỏ Bổn Lai Nghiệp Thức vẫn mang chứng tật Tự Ngã quá lớn cũng còn cấu tịnh chưa phân minh. Nếu Bậc tu chưa giải sạch Nghiệp mà cho mình là Thánh bị Tăng thượng còn nhận mình là phàm phu không nhận biết được đang thọ nghiệp bị sa đọa là lẽ đương nhiên.

“Ngài nói: Tuyệt tác thay! Thiên nhiên sơn hà, cỏ cây, trời mây với Ta là một. Hợp hóa đồng thanh tương ứng hiện Giác. Thế mà con người ngỡ con người với cây cỏ núi sông là hai, thật sai lầm vô hạn.

Đức A Đề Cổ Phật lúc bấy giờ Ngài có sẵn thể tánh đồng đẳng với sơn hà vũ trụ nên chi thường nhập Chánh Định kiểm chứng bao quản cùng khắp. Ngài nói: Mắt nhìn thấy hư không, ta đặt thân mình vào tận Hư Không. Ta không còn thấy Hư Không mà tận thấu Hư Không là Giác Tướng. Ta ra vào vạn pháp, Ta không nhiễm trước, Ta chưa thấy vạn pháp diễn hóa ra sao, mà ta nhận thấy vạn pháp như nhiên diễn hóa, đó là ta thị chứng như nhiên thể tánh vạn pháp.”
–T.V.

Một hôm, sau buổi vào Chánh Định Thiền Sư đã Trực Ngộ được những bí ẩn của vũ trụ. Viết về những điều này thấy nó đơn sơ nhưng xem xét kỹ thật thâm sâu, đầy vi diệu: Con người và tứ loài gồm Tứ Đại: Đất, Nước, Gió, Lửa kết hợp thành. Các loài thực vật, khoáng vật... cũng do Tứ Đại hợp hóa thành.

­  Thực vật như cây cỏ... hàm chứa Tứ Đại.
 • Đất: Thân cây, cành, lá.
 • Nước: Bẻ cành hay vò lá thấy ướt.
 • Gió: Sự vận chuyển dưỡng chất chạy theo thân cành lá nuôi cây.
 • Lửa : nhiệt độ nóng lạnh của cây.

­  Khoáng vật như đất đá... hàm chứa Tứ Đại.
 • Đất: chất đặc của tảng đá, viên đất.

 • Nước: khi nhúng vào nước nó ướt tức là có hàm chứa nước.

 • Gió: khi đập nó bể ra chứng tỏ nó có hàm chứa gió.

 • Lửa: khi ta đun nóng lên chứng tỏ nó hàm chứa lửa.


Sơn hà đại địa thuộc vật chất hàm chứa tinh thần: nếu ta lấy khúc cây, cục đất, đá tạo thành ông Phật, Thánh, Thần... cúng lạy, cầu xin sau thời gian cũng có linh ứng. Như vậy sơn hà đại địa cũng hàm chứa tinh thần, tánh linh. Điều này linh ứng tùy tánh và lòng thành của bậc cầu xin.

Do đó, dưới mắt Thiền Sư con người với sơn hà đại địa trời mây... tức vũ trụ là Một.

Con ngưòi có Cái Biết sau khi đủ cơ quan hợp hóa hình thành. Thảo mộc cũng có Cái Biết nó nuôi cây lớn lên, biết ra hoa, lá, quả. Nó cũng có tuổi thọ cao thấp tùy loài. Con người tuổi thọ cũng 70 hay 80 đến 100 tuổi là một kiếp. Còn đất đá nó cũng có Cái Biết tùy môi trường, tùy nhiệt độ mà nó sinh ra các sinh vật côn trùng đủ chủng loại trên trái đất. Trong nước cũng sinh ra vô số loài cá, sinh vật. Trong không khí cũng sinh ra vô số vi khuẩn. Tuyệt mỹ thay, thiên nhiên sơn hà, cây cỏ trời mây với ta là Một, hợp hóa đồng chất kết nạp mà hiện tương ứng.

Mắt nhìn thấy hư không có nghĩa nhìn thấy vạn pháp như nhiên diễn hóa chứ không phải do bàn tay ai tạo ra sơn hà đại địa. Ta hòa thân mình vào tận hư không có nghĩa ta đem hết thân tâm vào soi xét kỹ sự diễn hóa của sơn hà đại địa, cỏ cây, mây nước. Ta không còn thấy hư không mà tận thấu hư không. Có nghĩa tuy vào sơn hà đại địa biết như nhiên vạn pháp hợp hóa mà ta không thấy có ta, lại được tận thấu sự hợp hóa sinh ra vạn vật.

Đó là Giác Tướng vạn pháp, bổn lai của mỗi mỗi do hợp như thế nào nó hóa như thế ấy. Đến thật tận biết thì ta cũng chẳng có ta. Ta với thiên nhiên sơn hà, cây cỏ, trời mây là một. Từ đó ta chứng thị thể tánh vạn pháp như nhiên diễn hóa.

Sơn hà đại địa quả đất cỏ cây toàn diện như nhiên diễn hóa, sự diễn hóa này thuộc thể tánh như nhiên hóa, hồn nhiên tự hóa, nó hòa hợp với tất cả chúng sanh tứ loài cũng như nhiên diễn hóa không sai chạy./-