–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

41. Tứ Hạnh

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 35792)
41. Tứ Hạnh
Bậc chỉ đạo cứu độ chúng sanh cần tinh tấn nhiếp thu Tứ Hạnh, hoàn tất Pháp Thân để tỏ rõ trực giác đi vào Thật Hiện chứ không nặng Ứng Hiện. Trong Tứ Hạnh gồm có:
 – La Hán Hạnh.
 – Thinh Văn Hạnh.
 – Duyên Giác Hạnh.
 – Bồ Tát Hạnh.

• Thứ Nhất : La Hán Hạnh.

“Phẩm hạnh của những bậc A La Hán gọi là Hạnh Tướng Phật. Nếu an trụ tướng ấy thành đạt tướng Phật thời gọi là Bích Chi Phật. Bằng tu hành hạnh La Hán nó lại tùy nơi tu chứng cấp bậc an trụ thì Chánh Báo từ hàng Thiên Tiên, Đại Tiên, ở nơi ứng hiện trực hiện Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới gọi là Tam Giới.” –T.V.

Những bậc tu sở đắc chân lý Giác Ngộ, Đại Ngộ, Liễu Ngộ thường bị lầm cho là cao nhất và tưởng rằng đã đạt đến mức tận cùng của chân lý nên an trụ hạnh này gọi là Phật Giới. Thật ra sự an trụ hạnh tướng này chỉ là Bích Chi Phật còn gọi Phật Giới. Phật an trụ một giới tỏ rõ tùy mức độ tu chứng Giác Ngộ, Đại Ngộ, Liễu Ngộ mà đạt mức từ Thiên Tiên đến Đại Tiên gọi là Phật Tiên vẫn nằm trong đài hoa pháp giới, khó có kiếp nào thoát khỏi pháp giới để bước vào dung thông cùng Bồ Tát Hạnh.

Đến mức tu chứng này những bậc nào biết cần phải tu tiến lên nữa liền không chấp trụ hạnh tướng Phật Giới rất hiếm hoi vô kể. Gặp Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng khó lìa bỏ Tập Nhiễm Phật Giới để được hóa độ con đường Bồ Tát. Thà rằng làm vị Bồ Tát tu tiếp còn có thời điểm thành Phật chứ trụ Phật Giới phải bị A Tăng Kỳ Kiếp không tiến lên được nữa.

• Thứ Nhì : Thinh Văn Hạnh.

“Bậc tu La Hán Hạnh, nương nơi Tứ Hạnh tu cầu Chánh Giác thời tận dụng kinh điển là ngón tay chỉ, xem kinh cốt liễu nghĩa không chấp tự kinh thâu nhận trực giác, gọi đó là thực hiện Thinh Văn Hạnh.” –T.V.

Bậc Thinh Văn Hạnh tu giác ngộ cũng được gọi là La Hán Hạnh. Từ La Hán Hạnh tu cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, những bậc này xem kinh cốt liễu nghĩa kinh đặng trực thị vạn pháp. Nếu xem kinh, nghiên cứu kinh, học kinh mà không biết áp dụng kinh trong đời sống hàng ngày cốt tỏ vạn pháp, trực giác vạn pháp vẫn là Bị Giác rất khó thoát sinh. Những bậc này thường vấp phải Ngã, Ngã Sở mà không bao giờ hay biết mình đang bị vô minh bao phủ phải bị triền miên trong kinh điển. Họ cho rằng đọc, nghiên cứu kinh Phật là đường tu duy nhất chớ đâu có biết rằng nhờ kinh Phật để tu trực giác thoát khỏi pháp giới bị biết. Thật quá ư khó khăn thay cho một bậc nào biết nhận định sâu sắc để tự độ đời mình đặng tu cầu Tri Kiến Giải Thoát, thoát khỏi sự mê lầm nhiều đời kiếp.

• Thứ Ba : Duyên Giác Hạnh.

“Bằng tùy duyên cảnh thuận nghịch mà trực giác, không vì thuận, chẳng vì nghịch, tâm phân đối chướng ngại nơi Tịnh Bất Tịnh mà thối chuyển chấp nghi, duy nhất trực giác mà đặng, gọi là thực hiện Duyên Giác Hạnh.” –T.V.

Tùy duyên cảnh thuận nghịch có nghĩa trong cuộc sống thường ngày gặp hoàn cảnh thường diễn thuận nghịch liền biết ở đời ai cũng có hoàn cảnh khi vui lúc buồn, khi sướng lúc khổ, khi có lúc không, không quái ngại cho là chuyện lạ, tâm bình thản xem xét hoàn cảnh không còn chướng đối. Dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu cũng an vui tìm phương tiện hóa giải đến tỏ thông không còn phân biệt đối chướng, không còn nghi chấp Chư Phật, cùng bậc Thiện Tri Thức, được đến thường còn không còn nằm trong vô thường của chúng sanh, được an vui. Bậc trực giác được hoàn cảnh đến thuận hay nghịch, tịnh hay bất tịnh đều phải hóa giải gọi là Duyên Giác Hạnh.

Bậc Duyên Giác khi hóa giải hoàn cảnh không lo sợ pháp này giải đúng sai, sai đúng. Dù cho sự hóa giải một hoàn cảnh không đúng cũng ghi nhớ lấy cái sai này làm bài học cho cái đúng sau này, đặng hoàn tất Duyên Giác Hạnh là thiết yếu. Bậc La Hán Hạnh, Thinh Văn Hạnh, Duyên Giác Hạnh đúng nghĩa thường sở đắc một trong ba phẩm:

◊ Vô Sanh Pháp Nhẫn.

◊ Bình Đẳng Tánh Trí.

◊ Thực Tướng Vô Tướng Tam Muội Pháp Môn.

Còn phải trải qua tu tập tự nguyện nhiều kiếp mới đến Giác Ngộ, Đại Ngộ, Liễu Ngộ.

Nếu gặp bậc Thiện Tri Thức là Phật hay Bồ Tát có Tâm Ấn thực của Phật Thích Ca, Phật Di Lạc thì rất có lợi vô kể, chỉ cần một kiếp nếu Tin Vâng Kính đầy đủ là đến Giác Ngộ thật sự không đợi nhiều kiếp.

Nhiều bậc khi đã gặp Đức Di Lạc nhưng lại tự ngã, lại thêm đeo cái cân tiểu ly bên mình tính hơn thiệt cũng không có kết quả chứng đạo. Đời Tôi đã chứng kiến và quá biết thật nó như vậy. Trên lộ trình hành đạo Ngài tận tình cho tất cả. Nhưng cũng khó vì họ không tinh tấn. Còn nhiều vị trụ ở Chân Không tháo gỡ đến giác ngộ không qua nổi khi Đức Long Hoa Tăng Chủ ra đi họ vẫn trụ không. Thật là khúc eo vĩnh cữu.

Tại Trung Ương Hội Thượng, tôi nghe Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc khai thị như vầy: Thời Hạ Lai Mạt Pháp đã tàn canh, cần chỉ bày tu tập tỉ mỉ giúp cho mai sau bậc tín tâm tránh được lầm chấp KHÔNG, theo đúng con đường Giác Ngộ.

Ngài ôn tồn khai thị tiếp:

- Vua Lương Võ Đế nước Tàu là vị rất tin đạo Phật. Một hôm vua đến thăm Tổ Bồ Đề Đạt Ma và hỏi:

- Trẫm xây hàng vạn ngôi chùa, cúng dường hàng vạn chư Tăng, vậy có công đức không?


Tổ Bồ Đề Đạt Ma trả lời:


- Không


Vua Lương Võ Đế hỏi:


- Tổ có biết trẫm là ai không?


Tổ trả lời:


- Không


Vua Lương Võ Đế không tin Tổ, bỏ ra về và cấm các quan trong triều không được tu theo Tổ.


Câu chuyện trên cho biết Tổ Bồ Đề Đạt Ma dùng Đốn Giáo sai lúc. Vì vua Lương Võ Đế mới gặp Tổ nên không thể dùng Đốn Giáo được. Tổ phải dùng Đạo Hạnh nương chiều dạy Tiệm Giáo cho vua một thời gian, đến lúc thấy đủ Tin Vâng Kính mới dùng Đốn cốt yếu cho vua Ngộ.

Tổ chỉ biết Tổ chớ chưa biết ý vua muốn gì và tu đến mực độ nào. Vì Tổ chưa ngộ Thực Tướng Vô Tướng Tam Muội Pháp Môn. Do đó Tổ chỉ tự độ chớ tha độ chưa đúng. Tổ sở đắc chân lý, giảng đạo Đại Thừa nhưng phần thực hành áp dụng pháp vào đời sống bị kẹt KHÔNG. Cuối cùng Tổ quay vào vách thiền định chín năm hối hận sự đốn pháp sai gây hậu quả tai hại nầy chứ không phải quay vào vách thiền định chín năm là cao đạo như những lớp tu sau lầm chấp.

Thiền quay mặt vào vách chín năm tránh thế gian bị lạc vào Tiên Đạo.

◊ Lý: Đại Thừa.

◊ Sự: vận chuyển Pháp không qua. Bị kẹt Không.

◊ Kết quả: lạc Tiên Đạo.

Như đã ghi phần trước trong thời Hạ Lai Mạt Pháp này chính Đức Long Hoa Di Lạc Tôn Phật hành đạo từ năm 1957 đến năm 1993 cũng đã gặp lại 33 vị Tổ thời Đức Bổn Sư qui về tu hành đông đủ nhưng tất cả đều hiện Cư Nhân Hạnh, có gia đình, sinh sống đủ các nghành, nghề trong xã hội Việt Nam.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng qui về năm 1980 với hóa thân mới, tên hiện kiếp. Có lần tôi được chứng kiến Đức Di Lạc Tôn Phật khuyên Tổ nên phát tâm dõng mãnh tu Bồ Tát Hạnh chứ đừng trụ hạnh tướng Phật bị giới gọi là Bích Chi Phật. Thà ở Bồ Tát Hạnh sau thành Bồ Tát còn có ngày thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác chứ ở hạnh Phật Giới đến vô lượng kiếp không thoát sinh nổi.

Tổ không chịu nổi pháp động thuộc phi tướng do Đức Long Hoa Di Lạc Tôn Phật diệu dụng. Sau chỉ một năm Tổ quay về đóng cửa không tiếp bất cứ một ai trong đạo, Ngài kêu gọi gì cũng đóng kín cửa. Pháp tánh viễn dung bình đẳng, ngàn xưa nay tập nhiễm diễn y không hề thay đổi. Đức Di Lạc Tôn Phật có viết hai câu thơ cho Tổ như sau được lưu giữ trong Pháp Tạng:

Đường về Thiên Trúc xa bao dặm
Mà Tổ Bồ Đề gánh chữ KHÔNG.

–TV






Tổ sở đắc Chân Không chớ chưa Giác Ngộ. Lục Tổ Huệ Năng cũng vậy, tu được một năm trong Pháp Tạng, không chịu nổi pháp động cũng bỏ đi. Thế mới biết tu cư nhân hạnh thời này Pháp sống động phải bền chí, chịu đựng độ khổ mới qua nổi lớp lớp pháp giới. Tiền thân của Lục Tổ Huệ Năng chính là Sa Nặc trong thời thái tử Tất Đạt Đa. Khi Đức Bổn Sư thành Phật Sa Nặc cũng tu trong tăng đoàn, chưa được chứng minh vào hàng Thánh Tôn Giả.

Khi đó Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai vị Tôn Giả tích cực đến nay đã có trong Long Hoa còn đang hạnh nguyện từ Tôn Giả đến Bồ Tát thì làm gì có chuyện Lục Tổ Huệ Năng (Sa Nặc) đã thành Phật!

Năm vị Tổ sau truyền sang Trung Hoa từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng đều đắc Chân Không chứ chưa có vị nào Giác Ngộ.

“Nói hay viết giỏi chưa phải của ta, khi gặp hoàn cảnh ta giải quyết hay đó mới là của ta.”
–T.V.

Tự tánh tỏ tánh được sạch chúng sanh, còn phải nương vào vạn pháp hóa giải, tịnh bất tịnh thảy đều nhiếp thâu cốt yếu tạo công năng còn phải nương nhờ nơi công đức mới mong sở đắc chân lý. Tùy mức độ cạn sâu nơi công năng, công đức mà được Giác Ngộ đến Liễu Ngộ. Cần có lập trường vững, kiểm chứng sáng soi nghiệp thức, nghiệp lậu cùng nghiệp kiết sử cố định lâu đời, hóa giải lầm mê vận chuyển sạch sẽ vạn pháp mà Chánh Giác. Bậc tu cầu con đường Tri Kiến Giải Thoát thời hãy tu tất cả các môn sao cho pháp hồi tâm, chỉ đúng pháp môn giải thoát mới đến. Bằng tu chỉ một môn Tiệm Giáo, Đốn Giáo, Mật Giáo, Hiển Giáo khó Giải Thoát được.

Vì tu đốn giáo hiểu biết đốn giáo, tu tiệm giáo hiểu biết tiệm giáo chớ chưa phải đủ pháp môn giải thoát. Tu hiển giáo hiểu biết hiển giáo, tu mật giáo hiểu biết mật giáo chớ chưa phải tu pháp môn giải thoát.

Bậc tu nơi thích muốn, tu cầu tịnh cũng không giải thoát được. Phải tu theo tôn chỉ mục đích được hướng dẫn rõ ràng của bậc Chánh Giác mới đạt được như đã tỏ bày phần trước mười vị Tôn Giả cùng chư vị Hộ Pháp thời Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật kỳ hạ kiếp này có mặt trong Long Hoa, đã được Đức Di Lạc Tôn Phật cho thi kiểm tra quân minh về Đức Trí, dụng cư nhân hạnh tu hành thực tiễn. Kết quả chư vị còn ở vị trí Tôn Giả, Hộ Pháp. Duy nhất chỉ có một Tôn Giả được Ngài chính thức chứng minh Bồ Tát thi hành Ma Ha Tát trước mặt ba Chân Phật Tử.

Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng còn ở vị trí Hộ Pháp chưa được Ngài chứng minh vào hàng Tôn Giả. Căn cứ vào sự chứng minh của Đức Di Lạc Tôn Phật kỳ Hạ Lai này thì Tôn Giả Mục Kiền Liên đi trước Tôn Giả Xá Lợi Phất một đời Phật. Như vậy Mục Kiền Liên sau này lai trần hạnh nguyện thành Phật sẽ độ lại cho Xá Lợi Phất vào Bồ Tát vì hiện tại Tôn Giả Xá Lợi Phất chưa được chứng minh Bồ Tát thi hành Ma Ha Tát.

Bậc trí tuệ thường nghĩ đúng và sai, sai và đúng thì không bao giờ đúng được. Do đó cứ suy tính làm việc này sẽ sai không nên làm. Bậc chẳng nghĩ mà làm, lấy cái sai học hỏi rút kinh nghiệm thì cái sai làm Thầy cái đúng.

Phải vào vạn pháp nương pháp dù có sai, tỏ sai một ngày kia sẽ đúng đó là đường đi của bậc cầu giải thoát. Bậc sợ làm bị sai nên không làm thì cái đúng của nghiệp thức chưa thật. Cuối cùng còn bị vướng trong suy nghĩ, không thoát khỏi vòng đai của tư tưởng. Mỗi một tư tưởng có một bản chất của nó, khi bậc nào cố định không ai giải tỏa nổi, dù có Phật ra đời cũng đành chịu. Duy chỉ có bậc đang tư tưởng cố định tự giải tỏa là xong. Do đó chư Phật dạy: Vạn pháp như huyễn hóa, đời là một giấc mơ qua nhanh như tia chớp. Phải tu trong pháp huyễn, tu trong mơ vọng, sau tỏ huyễn, hết mơ vọng về Chơn Tôn.

“Thời Lục Tổ Huệ Năng với Ngài Thần Tú đồng tu dưới sự chỉ đạo của Ngài Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

Mỗi vị tu theo mỗi thế. Ngài Thần Tú đứng về Tiệm. Còn Ngài Huệ Năng thuộc về Đốn. Ngài Thần Tú tu nơi Đạo Hạnh, Ngài Huệ Năng về Giác Chơn thể tánh tịch diệt nơi vạn pháp. Một bên dụng tướng tỏ chơn, còn một bên truy chơn tỏ tánh.


Rốt cuộc là Ngài Lục Tổ vẫn phải còn thực hành Đạo Hạnh Tướng cùng Chơn. Phần Ngài Thần Tú tầm chơn hợp tướng, đó chính là một con đường duy nhất Phật Thừa không hai lối.”
–T.V.

Bước đầu môn nào cũng phải tu sửa, nếu lơ là chểnh mảng tu sửa, dù tu môn nào cũng trở thành cố định đứng yên. Vô lượng kiếp cũng đứng yên vẫn bị lầm lạc không giải thoát được. Như kỳ Hạ Lai này nhiều vấn đề nói ra khó nghe nhưng đều có thực. Các vị Mã Minh, Thế Thân, Vô Trước thời quá khứ giảng Phật pháp Nhứt Thừa, Tối Thượng Thừa được xem hàng Bồ Tát. Nhưng kỳ này trong Long Hoa, Đức Di Lạc Tôn Phật kiểm tra, chứng minh còn ở hàng Tôn Giả, Thinh Văn Hạnh.

Cấp A La Hán lý giỏi, sự vận chuyển pháp chưa qua nổi, còn đứng yên một chỗ gọi là Lý Sự chưa tương song - Đức Trí còn chênh lệch chưa tương song. Nói chung Ngài rất nghiêm túc khi chứng minh. Ngài đã từng khai thị: "Tôi chứng minh hàng Thánh Chúng không bao giờ để vướng động chữ Vì. Tất cả đều quân minh, do đó mới có cơ bản chân truyền."

• Thứ Tư : Bồ Tát Hạnh.

“Khi ba phẩm hạnh trên đầy đủ đương nhiên phát tâm dũng mãnh vào con đường tu Bồ Tát Hạnh. Vì sao? Vì hạnh Bồ Tát tùy căn mà trực hiện Bổn Lai Diện Mục nơi Bồ Tát. Khi Bồ Tát thực hiện ứng thân nơi Bồ Tát, Bồ Tát giả mê, như nhiên có phẩm hạnh đầy đủ, có uy nghi có những lời chánh đáng nằm sẵn tự tánh của Bồ Tát xuất ra không lệ thuộc giáo điều, nhưng không làm hại kinh pháp của Đức Thế Tôn hướng dẫn.” –TV

Hạnh Bồ Tát là hạnh tự nguyện, trực hiện có nghĩa tự ý thức tu tánh, đào sâu tất cả nghiệp kiết sử trong thân mạng đặng trực giác thấy biết hóa giải vạn pháp. Không còn nặng cầu vái van xin. Nếu đã được chư Phật chứng minh thành đạo Bồ Tát cho dù có lai trần chưa đến thời kỳ trực giác gọi là Bồ Tát giả mê thì bậc này tuy thân còn nhỏ tuổi vẫn hàm chứa sẵn phẩm hạnh, vẫn có uy nghi của Bồ Tát. Đến đúng tuổi xưa bỗng trực hiện, Bồ Tát được trả lại không còn có vô minh che như chúng sanh.

Nếu là Bồ Tát đúng nghĩa của chư Phật tạo dựng thì không còn có sai sót nào mà tần số ở dưới thấy biết được duy chỉ có Như Lai dạy cho Bồ Tát được mà thôi. Do đó ý nghĩ, lời nói, việc làm đều tự phát Tịnh Bất Tịnh cũng không sai, tất cả đều thừa hành chư Phật mà dạy cho tứ chúng cốt Giác Ngộ thôi.

“Vì lời trực giác kia toàn lời thị hiện chư Phật nay Bồ Tát thừa hành nên phát lời nói ấy. Các ông chớ nên phê phán lời trực giác, tự giác nói ra, hoặc giả chấp nghi mà dừng trụ thời không bao giờ đến quả Bồ Đề. Nay Ta vì thương các ông để các ông khỏi tổn thương con đường tu đạt.” –TV

Phật làm phàm phê, Bồ Tát làm phàm phê từ lâu vốn thường diễn. Nay Đức Long Hoa Tăng Chủ nhắc nhở những bậc tín tâm cầu giải thoát chớ nên chấp nghi, chớ nên phê phán chỉ trích, vì đức mỏng công năng lại kém xa Chư Bồ Tát, nếu chỉ trích bậc trực giác hàng Bồ Tát ắt bị tổn thương công đức rất lớn. Cần thận trọng bảo trì công đức mỏng manh của mình đã tạo trong việc tu hành nhiều đời, nhiều kiếp mà chưa được Chư Phật Chư Bồ Tát chứng minh.

Thời Hạ Lai tôi đã chứng kiến một số bậc tu nghi chấp, vô tình phá pháp làm tổn hại Bồ Tát, hậu quả tai hại đến không lường hết được. Thế mới biết “Đức trọng quỷ thần kiêng” xưa nay vẫn bất diệt.

“Ngài vừa nói đến đây thời trong hàng Thinh Văn, Duyên Giác cùng A La Hán chư Thiên đều đứng lên thưa gởi:

- Bạch Đức Vương Phật chúng con đang đi trên đường này. Chúng con đang đứng trong đàng này, chúng con đang tu trên con đường này. Nếu chờ cho mãn kiếp, nếu chờ cho đúng thời, nếu đợi cho đến lúc, chưa đặng gặp Phật, chưa đặng gặp Đại Tăng thời mới làm sao tu cầu Chánh Giác? Xin nhờ Đức Phật Vương khai thị cứu giúp chúng con.


Ngài liền phóng quang nơi pháp đảnh, tỉa ra chín dòng quang, nét mặt tươi đẹp vô cùng tận, nở nụ cười tựa như triệu nghìn hoa đàm xòe cánh. Ngài nói:


- May thay! may thay: Các ông là những bậc gặp lúc, những bậc đang gieo căn duyên lành vô triệu kiếp bị lung lạc trong các lối đi, gặp bậc Thiện Tri Thức chỉ đường hướng dẫn thì làm sao lạc lối mà sợ sệt van xin?


Ngài vừa nói đến đây tất cả vui mừng vô kể, đồng đảnh lễ, đồng chiêm ngưỡng, đồng ái kính chẳng khác cha lành cứu bầy con đói khổ. Các tuần Trời reo tiếng nhạc, các cõi Tiên trải hoa đầy đủ màu sắc, toàn là các giàn hoa quí nhất thảy đều trải đến cúng dường. Ngài lặng yên thọ ký công đức cho tất cả Ngài nói:


- Các ông hãy nghe, các ông hãy thọ trì đọc tụng. Tứ Hạnh đồng đẳng như nhau, không lớn chẳng nhỏ, không cao chẳng thấp, bằng thiếu khuyết một trong tứ hạnh khó mà thành. Phải chăng các ông đã đặng sự đồng đẳng tu hành thực hiện tứ hạnh mà Giác Ngộ Chánh Giác chăng?


Tất cả đảnh lễ thọ trì phụng hành kính bái.”
–T.V.

Hàng Thinh Văn, Duyên Giác, A La Hán còn gọi Bích Chi Phật, mỗi hạnh đang độ khổ, vừa giải khổ. Từ hàng Bồ Tát đến Đại Bồ Tát hành dụng, diệu dụng pháp khổ mới thực hiện được bốn hạnh trên đồng đẳng, đã đồng đẳng liền đúng thời gian, đúng vị trí nên pháp không lớn cũng chẳng nhỏ, không cao cũng chẳng thấp. Bậc chưa thực hiện được bốn hạnh, hoặc chưa thực hiện được đầy đủ chiều sâu khó hoàn mỹ Chánh Đẳng Chánh Giác. Bậc như vậy chưa đúng nghĩa Bồ Tát.

Khi Đức Long Hoa Tăng Chủ Di Lạc Tôn Phật Hạ Lai kiếp này thành Phật, mỗi khi Ngài khai thị Phật Pháp tại bất cứ nơi đâu, ngoài chúng sanh, tứ chúng Pháp Tạng còn có các bậc ở Cõi Trời, Chư Thiên đồng giao cảm đến dự đông đủ. Trong lúc đó hàng Tăng Ni cùng bậc tu ở thế gian đâu có được duyên lành tham dự trong suốt 37 năm hành đạo của Ngài. Ngài cũng từng than thời Mạt Pháp này thật khó đắp xây./-