–“PHẬT ra đời có thẩm quyền độc lập chứng minh vũ trụ. BỒ TÁT có quyền chứng minh chúng sanh cấp bậc tu chứng.″

29. Thời Kỳ Chân Như Hoá Độ Đại Thừa

15 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 33152)
29. Thời Kỳ Chân Như Hoá Độ Đại Thừa
- Kẻ vào đường tu mà chẳng chịu tu sửa, đó chính là kẻ đi đòi nợ.
- Kẻ vào đường tu mà chẳng chịu tu sửa, mộng tưởng điên đảo, đó chính là kẻ Ma dân.
- Kẻ vào đường tu mà chẳng chịu tu sửa, ganh tỵ đòi hỏi, đó là Chưởng Quỷ.
• Kẻ vào đường tu chịu phá chấp, chịu tròn Duyên, tròn Nguyện, lấy mục đích Chân Thiện Mỹ hoàn lai, đó là Bậc xây dựng Chánh Pháp, Bậc Hộ Pháp đã nhiều lần gặp Phật, thề nguyện cúng dường Như Lai.

–Vô Sư Kinh


Một hôm Ngài thắp bảy cây nhang và tuyên bố trước chánh điện:
–“Kính bạch Đức Thế Tôn kể từ nay con không chiều học trò nữa.”
–T.V.

Ngài bắt đầu từ tiểu thừa lần khai mở cho Tứ Chúng tu hành, tập quan sát hóa giải vạn pháp, dũng mãnh tâm đặng vào đại thừa. Không chiều học trò có nghĩa chỉ thẳng nghiệp chủng thọ chấp, thuộc môn thử thách của ĐỐN GIÁO.

“Khi bậc tu có tâm thù thắng cầu Tri Kiến Giải Thoát thì liền có nhiều thử thách để tiến bộ. Từ thử thách tiến bộ ấy bậc tu vẫn một mực kiên trì xây dựng Đạo Đức, chẳng tổn thương Đạo Đức chính là pháp môn Tiệm Giáo.

Đốn giáo tức là một môn để phát sanh trí tuệ. Vì vậy nên Phật thường nói: Bậc tu gìn giữ Định mãi, tự tạo căn bản Đạo Đức cố định cố thủ thì đương nhiên bậc ấy tạo vô minh chớ chẳng ích chi với con đường Tri Kiến Giải Thoát, chỉ được Phước Báo Nhân Thiên.”
–T.V.

• Hàng tiểu thừa quen tu Phước Báo Nhân Thiên chuyển sang Đại Thừa thật quá khó khăn. Đúng nghĩa hai chữ Đại Thừa do Đức Tịnh Vương hóa thân Đức Di Lạc khai mở thật không dễ thọ lãnh. Nhiều bậc đã từng nghiên cứu, đọc tụng kinh Đại Thừa mà nặng hình thức, nghi lễ, cầu vái van xin vẫn bị thọ chủng tiểu thừa.

“Bằng phá mê chấp nương theo Đốn Giáo mãi thì vô tình hay cố ý vẫn có trí tuệ nhưng phải sai lạc vào tà kiến chịu thọ chủng ba đường ác.”
–TV

Thời Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật có Đề Bà Đạt Đa tâm trí Đại Cường, đến thời Hạ Lai Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc Tôn Phật khai mở Đạo cũng không tránh khỏi nạn tai do Đề Bà Đạt Đa gieo rắc, còn đám con cháu Đề Bà Đạt Đa cũng vào tu trong Chánh Pháp Pháp Tạng chung cùng với các vị Tổ, Thánh Chúng thời Đức Bổn Sư. Bọn họ cũng tâm chí đại cường chuyên đánh đập, bày mưu hiểm ác không kém thời quá khứ, cố tạo hỗn loạn trong đạo, bước đi của họ lầm lẫn phải sa vào Địa Ngục chịu cảnh sống Tà Kiến không ngừng.

“Do lẽ trên nên Bậc tu cần lấy Trí - Đức. Định - Tuệ. Tướng - Tánh đồng song mới chánh báo chân lý. Đó là pháp môn tối diệu Cứu Cánh Giải Thoát hiện tại. Cũng như biết dùng thuốc thì chữa được bệnh mê lầm. Bằng chưa biết mà dùng bừa bãi thì lại càng tu càng bệnh, càng làm càng đến những chỗ sa đọa vô kể. Vì như thế cho nên Chư Tổ mới kiềm hãm, củng cố đạo tràng để bậc tu lần bước nhiều kiếp mà Sở Đắc chân lý.” –T.V.

Chư Tổ kiềm hãm bậc tu không đi ác căn mà phải giữ gìn thiện căn. Nhờ đạo tràng làm nơi nhắc nhở chỉ bày tu hành giữ gìn đạo hạnh, thiền định để ổn định tư tưởng, nhắc nhở không cho Tối Tưởng mà thường Sáng Tưởng, lần bước nhiều kiếp đặng sở đắc chân lý.

“Do như thế nên các pháp môn niệm Phật. Tu Tịnh Tâm, tạo phước điền cẩn thận để chờ bậc Thiện Tri Thức chỉ dẫn đúng với tinh thần, đúng với pháp môn, đúng với sự cầu báo chánh báo. Vị ấy tùy năng sở sắp theo thứ lớp cho tứ chúng được chánh báo phước điền, được chánh báo nhân thiên, được chánh báo Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đa-Hàm, A-Na-Hàm, A La Hán mà thành tựu chánh giác vậy.” –T.V.

• Thời Hạ Lai Mạt Pháp Đức Long Hoa Tăng Chủ hóa thân Đức Di Lạc Tôn Phật khai thị thật tỏ rõ, thật tỷ mỉ về sự tu chứng của Chư Tổ thời quá khứ và thời vị lai cũng không khác, tôi nghe như vầy: Chỉ có chư vị Bồ Tát Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Thế Âm, Địa Tạng, Di Lạc... được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thọ ký đã sở đắc Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, còn Chư Tổ tu chứng ngộ từ mức Giác Ngộ hoặc Đại Ngộ đến Liễu Ngộ là cao nhất, thuộc đẳng cấp Thinh Văn, Duyên Giác, A La Hán.

Chư Tổ có giảng Phật pháp, có viết sách về Nhất Thừa về Tối Thượng Thừa ở tầng số Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, dù có tuyên ngôn, minh thuyết như thế nào cũng chưa được Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng minh, phải đợi thời Hạ Lai Mạt Pháp này sự thị hiện của Đức Di Lạc Tôn Phật kiểm tra, thị chứng, minh chứng nhưng quá trình hành đạo 37 năm của Ngài vẫn chưa ghi nhận được vị nào vào được Nhất Thừa chớ đừng nói Tối Thượng Thừa, chỉ trừ một vị duy nhất Tôn Giả Mục Kiền Liên mà hậu thân là pháp sư Trần Huyền Trang chuyến đi thỉnh kinh thuộc phẩm Bất Khả Tư Nghì.

Chư vị Tổ thuộc hàng Hộ Pháp đến Tôn Giả dạy cho bậc tín tâm tu hành thiện căn, tự tánh tỏ tánh sở đắc chân lý chờ bậc Thiện Tri Thức từ hàng Bồ Tát, Bồ Tát Ma Ha Tát hoặc Phật Di Lạc mới khai thị cho Chánh Giác, mới tận dụng Phật lực vốn sẵn có chứng minh cấp bậc tu chứng. Chừng đó bậc tín tâm mới được nhập thể tùy sự cao thấp tu chứng mà được hiệu lực, hiệu nghiệm không thể nghĩ bàn.

• Cũng như trong một nước vua hay vị lãnh đạo tối cao bổ nhiệm Thủ Tướng, Bộ Trưởng, Tổng Giám Đốc, Tỉnh Trưởng... thời mới có quyền hành, quyền lực thi hành nhiệm vụ an cư lạc nghiệp cho dân theo sự bổ nhiệm cao thấp vậy. Còn vị nào có giỏi chưa được bổ nhiệm mà tự xưng đều không có thực quyền hiệu nghiệm. Do vậy mà quá khó gặp bậc Thiện Tri Thức theo tinh thần trên, dù có ở một bên mà bậc tu thọ ngã cũng không nhận ra.

“Bậc Thiện Tri Thức là bậc chỉ đạo thông đạt tận biết tỷ mỉ nghiệp chủng của chúng sanh giới, thật biết năng sở cầu từng bệnh tật của bậc chứng tu để lần lượt xếp thành sự tu chứng trường cửu bất diệt.” –T.V.

Do thời Mạt Pháp này sự tu hành y theo kinh Phật, nghiên cứu học hỏi có bằng cấp cao, viết nhiều tác phẩm về Phật Pháp nếu thật cầu giác ngộ cần lìa ngã, vô sở hữu đặng suy nghiệm lại lời khai thị trên của Đức Di Lạc Tôn Phật, sẽ rất có lợi quá ư thực tiễn không có dùng trí suy nghĩ viết lách, thuyết giảng trong chiêm bao nữa.

Từ hàng Đại Thừa trở lên Ngài đều nghiêm túc khép vào một hướng tu, được dạy dỗ chưa có chân tử nào dám tự phát sinh. Nếu có đều để yên mức Tiểu Thừa mà thọ hưởng như ý nguyện.

“Khi đã trót lầm lẫn vô minh, bị nơi chiêm bao vô định, các ông hãy nương theo vết chân của Bồ Tát, nhận lãnh TIN VÂNG KÍNH lời bảo truyền của chư Phật để lại mà tu, bằng mất ba chữ ấy, phải vướng vào tự ngã lạc loài nơi sanh tử. Lời Tôi nói ra không phải lợi cho Tôi mà chính ra lợi cho các ông từ nay đến hậu thế.” –T.V.

Tu hành thời mạt pháp chưa nhận được thế nào là trực giác, chưa giác ngộ, dù cho lý trí giỏi đến đâu, đều bị lầm nơi chiêm bao không có ngày thoát sinh, lại tạo tác sanh tử. Hãy tu vào pháp môn chủ quán. “đời là chiêm bao” để tránh lỗi lầm tự ngã của vô minh.

“Các ông áp dụng thế nào đúng với tinh thần TIN VÂNG KÍNH.”

 * NƠI TIN: Các ông tin lời huấn từ chỉ dạy để sửa tánh, giải mê lầm, tin pháp môn dưới sự chỉ đạo đặng Tri Kiến Giải Thoát.

 * VÂNG: Khi TIN nghe được hiểu được nhiều ít, phải thi hành tu tập, phát tâm Hạnh - Nguyện thực thi lời chỉ giáo của bậc chỉ đạo mới gọi là Vâng.

Bậc tu nếu Tin Vâng trọn, trí tuệ liền tăng trưởng, tâm thức mở mang, lúc bấy giờ càng tỏ rạng bao nhiêu thì sự Tôn Kính tăng trưởng bấy nhiêu. Áp dụng như thế mới đúng với tinh thần của một chân Phật Tử tu cầu Tri Kiến Giải Thoát trong thời Hạ Lai Mạt Pháp, đúng với đường tu Pháp Tạng.

“Bằng Tin bậc Thiện Tri Thức là Phật để tôn sùng kính lạy cầu xin những chuyện bá vơ trong tư tưởng mong cầu của mình là hơn cả, ngoài ra chưa chịu thọ lãnh giáo ngôn, chẳng xem bài vở để sửa tánh tu thân thì chưa đến chốn Tin Vâng Kính thực thể, thời khó đến chân tướng Tri Kiến Giải Thoát. Tôi mong những bậc đã từng tu hãy đọc kỹ thời kinh này, chép nhiều phổ truyền rộng rãi, nó chính là một trọng yếu kim chỉ nam, làm cho bậc tu hành hết suy tư ảo-ảnh đến tri Kiến Giải Thoát vậy.” –T.V.

Thời còn Ngài, Ngài vẫn thường khai thị, phổ truyền rộng rãi kinh sách nhưng rất hiếm có bậc tu hành chịu khó hiểu. Vì vô minh mà ma lực chẳng cho bậc tu nhận chân được nó, nếu nhận được đương nhiên biết được giá trị vô kể. Bậc nhận chân được chẳng còn tiếc chi chuyện thế gian, liền quyết định đánh đổi lối sống mong cầu đầy dục vọng đặng tìm cách gặp gỡ bậc Thiện Tri Thức tu cầu Tri Kiến Giải Thoát.

Chư vị học giả, trí thức đã từng giảng dạy, viết Đại Thừa, Nhất Thừa xin hãy xem xét lối dạy chân lý Đại Thừa của Đức Long Hoa Tăng Chủ Di Lạc Tôn Phật có đúng như Chư Vị chăng?

Thời Pháp quan trọng Ngài Khai thị về Đại Thừa, chính tôi nghe và chứng kiến tại Trung Ương Hội Thượng số 42 Hồng Bàng Nha Trang như vầy:

• Cải Cách Bản Thân

Khi bấy giờ nơi Chánh Điện, Tứ Chúng ngồi yên đàm luận, bàn bạc về môi sinh hiện tại khó tu. Bổng có tiếng chuông reo, báo hiệu Đức Long Hoa Tăng Chủ giáng lâm chứng minh Đại Lễ, Tứ Chúng đứng lên trang nghiêm chờ lễ.

Ngài từ tịnh thất bước xuống, đi tháp tùng có hàng Thị Giả, Tôn Giả và Hộ Pháp đồng ra chánh điện. Khi bấy giờ Ngài lại đến ngồi tĩnh tọa trên chiếc ghế vải, thường ngày để sẵn, lúc Ngài nghỉ ngơi hoặc xem kinh điển. Vì khác hơn thường lệ làm cho tứ chúng bở ngỡ nhưng ai nấy đều tự giác xếp thứ tự trang nghiêm đồng lễ bái. Ngài đưa tay ra hiệu cho tứ chúng ngồi đâu đó xong xuôi Ngài khai thị rằng:

“Tôi khá khen các ông, từ nơi rộng rãi tu hành cho đến thời tu eo hẹp, mà các ông vẫn một lòng một mức kiên trì, kiên nhẫn công phu tinh tấn không nhàm chán lễ nghi, mức Tin Vâng đối với giáo môn không đâu bằng, chỉ vì các ông đang sanh hạ trong thời Lạc Pháp, con người đang cải cách mà các ông không điên loạn theo đồ chúng. Còn đối với tôi cùng Giáo Hội vẫn gìn giữ tôn chỉ hành lễ cổ truyền ngày mồng 8 tháng tư, đúng ngày Đản Sanh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của các thế kỷ nghìn xưa lưu lại.

Thật ra con đường tu Phật, sự cải cách bản thân quan trọng hơn cải cách hình thức lễ bái chiêm ngưỡng, nó tự sanh ra nhiều mâu thuẫn, tự sanh nhiều lý sự khó khăn làm cho bậc tu chạy theo đồ chúng hư vị, do đó mà làm cho tâm ý bị phản đối, tinh thần lạc lỏng giữa ngày Đản Sanh của Phật còn vướng bị cải cách thời làm sao Kinh Pháp không sai lạc, thật vô lối.”
 –T.V.

Đối với Đức Tịnh Vương hóa thân Đức Di Lạc Ngài đã nhập Chánh Định Tam Muội thấy biết rất rõ sự việc từ trăm ngàn năm về trước. Ngài xác nhận do chấp ngày trăng rằm tròn trịa mà đổi ngày Đản Sanh của Đức Thế Tôn thật sự là sai. Ngài xác nhận ngày Đản Sanh vẫn là ngày mồng 8 tháng 4 hằng năm.

“Đối với Đức Thế Tôn, Ngài phải xa lìa đánh đổi cung vàng điện ngọc để cải cách bản thân. Ngài chấp nhận cảnh khổ, sự khổ tìm chân đế về giúp cho nhân loại. Hiện nay đó chính là tài liệu cải cách bản thân hơn là cải cách hình thức.” –T.V.

Bậc tu Đại thừa rất cần cải cách bản thân. Nó cần thiết vì từ chỗ eo hẹp, nhỏ nhen cải cách đến tâm chí rộng rãi biết thương người, giúp người theo con đường cải cách bản thân cùng với mình tu cầu Tri Kiến Giải Thoát làm cho bản thân sự sống thoải mái tự do không còn bị trói buộc bởi ma lực.

“Đối với Đức Thế Tôn, Ngài vẫn nhờ nơi bảo pháp như nhiên hiểu biết khỏi ép nơi khổ hạnh bị biết... Ngài bèn ra đi đến cội Bồ Đề tọa thiền Chánh Giác. Ngài tự nói: ta chớ giam mình nơi khổ cầu đạo Bồ Đề. Ta chớ hủy hoại thân mạng cầu lấy Diệu Quả khó tu, khó chứng.” –T.V.

Có trực giác mới có bảo pháp như nhiên hiểu biết. Khi bậc tu thường ngày sửa tánh, giải tật xấu, đó chính là cải cách bản thân, đến một thời điểm chuyên cần không xao lãng, xem nó là món ăn của Bồ Tát nguyện bỗng nhiên đầy đủ, như nhiên liền hiện hiểu biết. Không phải suy nghĩ, suy luận. Đó là trực giác, tự mình biết pháp đúng, sai, tự mình thấy lỗi lầm. Khi không còn lỗi lầm liền tỏ rõ, thông đạt vạn pháp trước mặt mình, chung quanh mình.

“Từ đó cho đến ngày nay Ngài lưu lại những điều Ngài tu trì, tu tập, tu hành trải qua từng thứ lớp trở thành Tam Tạng Kinh. Ngài cứu giúp giải tỏa buông lung đau buồn nơi cảnh khổ, Ngài hóa giải chẳng biết bao nhiêu sự mê lầm ngăn chấp. Từ nơi bị giác, bị tu an nhiên tự tại đến trực giác.” –T.V.

Cải cách bản thân có kết quả Đức Thế Tôn luôn gìn giữ gọi là tu trì. Từng pháp Ngài không xao lãng gọi là tu tập. Từng pháp Ngài đều lưu tâm thực hiện cho được gọi là tu hành. Những kinh nghiệm quý báu này Ngài đều khai thị cho Tứ Chúng giữ gìn tu tập trở thành Tam Tạng Kinh.

Sống trong thời đại khoa học phát triển, con người không sao tránh khỏi nhu cầu mức sống quá khả năng hiện có. Từ đó sanh tâm buông lung, sau không thỏa mãn trở nên thất vọng, đau khổ, oán trách đời. Cái muốn quá mức dắt bậc tu tham, liền có mê lầm ngăn tâm eo hẹp không còn như nhiên, dù có tu tinh tấn đến bao lâu cũng vẫn bị giác, bị tu. Giải sạch như nhiên hóa tự biết thoải mái, an lành.

“Từ thứ bậc tu thân đạo hạnh đến hóa giải trở thành hạnh nguyện độ sanh đứng vào hàng Bồ Tát nguyện. Nay ta nói ra để nhắc các ông nên nhớ, chớ vì khổ nản lòng, chớ vì mức sống eo hẹp trễ nải công phu, nếu các ông đem quan niệm ấy vào lòng, thì tâm chí của các ông tự mang cái khổ.” –T.V.

Mãi giữ gìn Đạo Hạnh bậc tu không linh động, trí tuệ khó phát triển, không mở mang dung thông vạn pháp diễn cảnh nó hóa cho tâm bị nóng giận, buồn, kéo thân khổ lụy. Bậc biết giải gọi là hóa giải pháp cốt độ chúng sanh tánh của chính mình, quyết thề nguyện hóa giải cho thân tâm thoải mái, đó là nguyện tu theo Bồ Tát. Không phải bỏ đạo hạnh nhưng có pháp cần giải sạch để tăng trưởng trí tuệ mới có đức trí tương song. Đức Di Lạc Tôn Phật thời mạt kiếp có nhắc nhở Tứ Chúng:

"ĐỨC TRÍ TƯƠNG SONG
CHÂN NGUYÊN TRỰC GIÁC"

Đó chính là Bồ Tát nguyện. Bậc tu theo như nhiên trực giác đều được chư Bồ Tát quá khứ, hiện tại, vị lai hộ trì, giúp đỡ sau chắc chắn gặp Phật.

“Các ông hóa giải bằng bộ óc giải thoát thì các ông noi gương Đức Chí Tôn cốt đánh đổi nơi eo hẹp làm cho tâm chí rộng rãi bao la, từ chỗ đương thời eo hẹp khó khăn tu đoạt quả vị phát triển. Những điều ấy nên nhớ lấy.”
–T.V.

Bậc tu có tinh thần cầu giải thoát để một ngày kia đầy đủ công năng, công đức liền được giác ngộ, giải được sanh tử luân hồi. Như Đức Bổn Sư bền chí hy sinh tất cả để cầu Đạo. Của cải châu báu ngọc ngà, Ngài đánh đổi ra đi không tiếc nên được từ nơi nhỏ nhen eo hẹp đến tâm chí rộng rãi. Thật có một không hai.

“Ngày nay các ông đặng gặp Tôi, tỏ lòng ái kính do nơi đâu, phải chăng Tôi thường đem lời chuyên chính ấy là Tôi vẫn thường cải cách bản thân nên có công năng quyết định đưa các ông chân giác giúp các ông thoát khỏi vòng sanh tử, vì Tôi rất tỏ tường, thế nào là chân pháp hướng dẫn đến Giác Chân.” –T.V.

Một hôm tại trung ương hội thượng, Ngài khai thị tôi nghe Ngài hỏi Thế nào là chân pháp? Trong anh em chúng tôi không ai trả lời được nên Ngài chỉ một chân tử và bảo biết thế nào cứ trả lời theo cái biết.

– Chân tử nói: Tất cả Tam Tạng Kinh cùng lời khai thị của Đức Thế Tôn đều là chân pháp. Đức Long Hoa Tăng Chủ ôn tồn bảo.

– Tam Tạng Kinh cùng lời vàng ngọc của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đều là chân pháp nhưng sang đến ông nó không còn là chân pháp nữa. Vì sao?

– Vì sự tu hành từ ý nghĩ, lời nói, hành động đều do quan niệm của ông còn lầm lẫn, kinh của Đức Bổn Sư ông học, nghiên cứu, viết sách trở thành bị giác, thực hành theo nhận định gọi là bị tu, kết chung bị biết.

Các ông cần cải cách bản thân nghiêm túc mới có tự tánh thì kinh của Đức Bổn Sư đến với các ông trở thành chân truyền bảo pháp. Vậy các ông hãy lắng nghe:

Chân pháp là pháp không chấp



Cho nên bậc tu Đại Thừa chân truyền thề nguyện: Không Lấy cái sai làm cái đúng, mà cũng không lấy cái đúng làm cái đúng. Tu như vậy đầy đủ công năng, công đức, liền đến Giác Chân.

“Tôi cũng đã sống nơi đắng cay cam khổ, cố gắng kiến tạo công năng nương nhờ Như Nhiên Trực Giác mới khỏi sự lý lạc lầm thành thử lời chỉ dạy toàn lời hoàn mỹ, lời ấy nó chẳng y kinh mà cũng chẳng ly kinh, viên thông hướng dẫn, như thế gọi là lời Chân Truyền Chân Giác.” –T.V.

Đương thời Đức Long Hoa Tăng Chủ còn tại thế, Ngài không cho hàng Hộ Pháp, Tôn Giả rập khuôn theo kinh thuyết pháp mà phải dùng tự tánh.

Suốt lộ trình khai đạo ở thế giới ta bà này Ngài luôn chỉ đạo tu hành phải thề nguyện hóa giải khi gặp vạn pháp đắng cay cam khổ. Hóa giải được quân minh, tài liệu này không có trong kinh Phật gọi là không y kinh. Giải quyết vạn pháp quân minh không còn một kẻ hở nào có thể chê trách được, bậc đi trước cũng như bậc đi sau đều giống nhau, đó chính là Chân Truyền nên được gọi không ly kinh. Vì nghe thấy biết đều là vạn pháp, cái gì trong thế gian này cũng không ngoài vạn pháp, bậc tu giải quyết được quân minh, tròn sáng thì lúc xem kinh Phật như nhiên Trực Giác rất sâu thẳm, khó có bộ óc thế gian nào sánh kịp.

Một bậc tu đạt được quân minh thật không gì quý bằng, chân hạnh phúc thật sự trong 24 giờ mỗi ngày, hiện tại cũng như vị lai không thể nghĩ bàn. Gặp hoàn cảnh (vạn pháp) giải quyết quân minh, đó mới là của TA, là chơn tâm, là chân truyền. Bậc này thị hiện ở đâu, nơi đó đều an lạc, dù kiếp nào cũng vậy. Văn tự không thể diễn tả đầy đủ Chân Giác được.

"Các ông tự than phiền cuộc sống, thế tình điên đảo, đương nhiên các ông mang vào pháp giới khắc khao (khắc nghiệt, khao khát) có phải chăng các ông tự đặt mình thành ngăn cách, lại cầu Tri Kiến Giải Thoát. Chẳng khác nào tự mang lấy gánh nặng, chưa chịu vứt đi, cho nó nhẹ nhàng, chỉ đa mang rồi mong ước nhẹ nhàng không bao giờ có đặng.” –T.V.

Khi bậc tu có tinh thần cầu giác ngộ, giải thoát sinh tử luân hồi, đương nhiên phải hóa giải pháp giới cay đắng, khắc nghiệt, không thể than thở cầu vái van xin cho hết khắc nghiệt. Dù cho có tu theo pháp môn nào cũng đều chung một lối, qua một đường hóa giải vạn pháp diễn cảnh mới gọi là Đại Thừa theo chân truyền.

“Ta nói đây các ông chưa hiểu nổi, vì công năng còn kém. Các ông cứ tu, chớ trễ nải công phu rồi một ngày nào đầy đủ công năng như nhiên, tâm các ông không cấu tạo thời dù cho hoàn cảnh chi chăng nữa vẫn là món ăn Tri Kiến Giải Thoát thân tặng các ông.” –T.V.

Tâm cấu là tâm còn loạn động ắt thường tạo tác những sự mê lầm, nếu bậc tu tinh tấn bền chí hóa giải vạn pháp là đi đúng đường chư Bồ Tát quá khứ. Kết quả đạo lâu mau đều do nơi chúng sanh có cải tạo được nơi bản thân sớm hay muộn mà thôi./-